20/12/2003 13:58 GMT+7

Lật lại trang sử "Saddam Hussein"

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCN - Lịch sử chỉ có một. Thế nhưng, với thời gian và “thời thế” (trong tay kẻ mạnh), người ta thường tìm cách dựng nên và viết lại lịch sử theo ý mình.

x0gnC11U.jpgPhóng to
Toàn quyền Bremer xem cảnh khám răng Saddam để nhận dạng

Nay khi số phận ông Saddam đã kết thúc với cảnh giơ đầu cho bới tóc tìm sẹo, há miệng cho đếm răng để nhận dạng (so với hồ sơ y tế đã lưu)..., bị “bêu” trên truyền hình khắp thế giới, chính là lúc điểm lại lịch sử này bằng cách giở lại những tài liệu có thật, lưu trữ trong các văn khố quốc gia, để xem thế sự đã xoay vần như thế nào và rút tỉa ra bài học gì từ trang lịch sử nóng bỏng này.

Thông báo ngày 14-12-2003 của Toàn quyền Bremer

“Kính thưa quí bà, quí ông, chúng ta đã bắt được hắn” - toàn quyền L.P. Bremer đã bắt đầu cuộc họp báo đặc biệt hôm 14-12-2003 về việc bắt sống cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein -“Tôi muốn nói đôi lời với nhân dân Iraq. Saddam Hussein đã bị bắt hôm thứ bảy 13-12 vào khoảng 8g tối, giờ địa phương, trong một căn hầm ở thị trấn Abduar, cách Tikrit 15km về phía nam. Đây là một ngày trọng đại trong lịch sử Iraq.

0a3aEewb.jpgPhóng to
Trong mấy chục năm qua, hàng trăm ngàn người trong quí vị đã phải chịu đau khổ trong tay con người độc ác này. Trong nhiều thập niên Saddam Hussein đã chia rẽ quí vị, các công dân Iraq, chống lại nhau, đã đe dọa và tấn công các lân bang. Những ngày đó đã vĩnh viễn qua đi. Kẻ độc tài nay đã thành tù nhân. Quí vị đang có trước mặt viễn ảnh của một chính phủ chủ quyền chỉ trong vài tháng nữa. Nay là lúc mọi người Iraq - người Ả Rập, người Kurd, người Sunis, người Shia, người Thiên Chúa giáo, người Turkamen - xây dựng một Iraq thịnh vượng, dân chủ, hòa bình với chính bản thân mình và với các nước láng giềng” (nguồn: BNG Hoa Kỳ).

Tuyên bố trên của toàn quyền Bremer có thể được xem như là bản “cáo trạng sơ khởi” về ông Saddam Hussein, đồng thời là một hứa hẹn về tương lai của Iraq và khu vực trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hậu Saddam. Qua “cáo trạng” này, có thể thấy ông Bremer tuyệt đối im lặng về các vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông Saddam, như thể đã chưa hề có những cáo giác gì về một vấn đề vốn đã dẫn đến cuộc chiến tranh lật đổ ông Saddam. Sự tảng lờ này thật trái nghịch với tối hậu thư của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush 48 giờ trước cuộc chiến tranh Iraq.

Tối hậu thư ngày 17-3-2003 của Tổng thống Bush

“Văn phòng thư ký báo chí Nhà TrắngNgày 17-3-2003, 8g01. Tổng thống tuyên bố Saddam Hussein phải ra đi ngay.

q8Pv0ZsR.jpgPhóng to

Lá bài tối hậu

Tổng thống: Quốc dân đồng bào, các sự kiện ở Iraq nay đã đến giờ phút quyết định. Trong hơn chục năm qua, Hoa Kỳ cùng các nước khác đã đeo đuổi những nỗ lực kiên nhẫn và trân trọng nhằm giải giáp Iraq không thông qua chiến tranh.

Một trong những điều kiện chấm dứt chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là chế độ này phải tiết lộ và phá hủy mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình. Từ đó, thế giới đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao trong suốt 12 năm.

Chúng ta đã thông qua hơn một tá nghị quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ, đã cử hàng trăm thanh tra vũ khí đến giám sát việc giải giáp Iraq. Song chế độ Iraq đã sử dụng lá bài ngoại giao để câu giờ và trục lợi, đã thách thức các nghị quyết của HĐBA yêu cầu giải giáp hoàn toàn. Các nỗ lực hòa bình nhằm giải giáp Iraq đã luôn thất bại do lẽ chúng ta đâu có thương thuyết với những kẻ yêu hòa bình. Chế độ này tiếp tục sở hữu và chuyển nhượng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại các nước láng giềng và chính nhân dân Iraq...

HĐBA LHQ đã không xứng với các trách nhiệm của mình, thế cho nên chúng ta sẽ đứng lên nhận trách nhiệm của chúng ta. Trách nhiệm đó thuộc về tôi, như là tổng tư lệnh. Saddam và các con trai của mình phải rời khỏi Iraq trong vòng 48 giờ. Nếu họ từ khước làm như thế, hậu quả sẽ là xung đột quân sự, bắt đầu vào thời khắc do chúng ta chọn lựa” (nguồn: BNG Hoa Kỳ).

Thông điệp truyền hình ngày 14-12-2003 của Tổng thống Bush

HwY8GHPn.jpgPhóng to
- “Cuối cùng thì ta cũng tìm được Saddam” - Và cả một chút uy tín của ông Bush nữa
Tất cả những lý lẽ được đưa ra để khởi chiến trong tối hậu thư trên (vũ khí hủy diệt hàng loạt mà ông Bush đồ rằng ông Saddam Hussein còn giấu giếm) đã không còn thấy trong thông điệp truyền hình ngày 14-12-2003 của Tổng thống Bush về việc bắt sống ông Saddam Hussein, như trong đoạn nhắn nhủ dân chúng Iraq: “Việc bắt giữ người này đã là sinh tử đối với một Iraq tự do. Mọi người dân Iraq đã chọn lựa đứng về phía tự do đều đã chọn đúng. Mục tiêu của liên quân cũng thống nhất với mục tiêu của quí vị: chủ quyền cho đất nước của quí vị, danh dự cho nền văn hóa vĩ đại của quí vị, và đối với mọi công dân Iraq là một cơ hội sống tốt đẹp hơn. Trong lịch sử Iraq, giai đoạn đen tối và đau khổ đã qua rồi. Một ngày hi vọng đã đến. Mọi người Iraq nay có thể đến với nhau, vứt bỏ bạo lực và xây dựng một đất nước Iraq mới” (nguồn: BNG Hoa Kỳ).

Những câu hỏi chờ được trả lời

Nếu so sánh tuyên bố ngày 14-12-2003 với các tuyên bố trước chiến tranh, không thể không đặt câu hỏi: Hoa Kỳ đã đơn phương gây chiến vì mục đích gì? Để giải giáp Iraq như theo nội dung tối hậu thư ngày 17-3-2003? Hay để lật đổ ông Saddam Hussein, để rồi nay, tám tháng đã trôi qua mà chẳng tìm được chứng cớ vũ khí hủy diệt gì, lại bảo rằng đó là để “đem lại tự do cho nhân dân Iraq”?

Câu hỏi thứ nhì là: việc đưa các hình ảnh khám nghiệm thân thể ông Saddam để kiểm tra nhân dạng, mà có báo gọi theo là “ông Saddam được khám sức khỏe”, có phải là đã vi phạm điều 13 Công ước Genève về việc đối xử với tù binh: “Tù binh phải được bảo vệ trong mọi lúc chống lại những chửi bới, xỉ vả và sự tò mò của công chúng”. Trong cuộc chiến tranh Iraq vừa rồi, nhật báo The Guardian của Anh, đồng minh sát cánh của Mỹ trong chiến tranh Iraq, số đề ngày 25-3-2003 đã phải viết: “Bất thình lình Chính phủ Hoa Kỳ khám phá thế nào là công pháp quốc tế. Hoa Kỳ có thể phát động một cuộc chiến tranh bất hợp pháp chống lại một quốc gia có chủ quyền; có thể tìm cách phá hoại mọi hiệp định nào có khả năng ngáng trở những cố gắng thống trị thế giới của mình; song đến khi năm binh sĩ bị diễu đi trước ống kính truyền hình Iraq hôm chủ nhật, thì Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lại lập tức khiếu nại là "vi phạm Công ước Genève khi công bố hình chụp các tù binh một cách gây nhục nhã cho họ”.

FuxS4JBq.jpgPhóng to
“Thôi mà. Không có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong đó đâu!”
Cho dù không muốn quả quyết rằng chẳng có gì khác biệt giữa một tổng thống bị lật đổ với một tù binh thông thường, thì việc trưng hình ảnh, thậm chí chiếu cả đoạn phim quay cảnh “khám xét thân thể”, còn sỉ nhục hơn là những bức ảnh tù binh Mỹ do truyền hình Iraq công bố.

Tương lai của Iraq

Vấn đề không phải là ông Saddam nay, mà là ý nguyện của cả một dân tộc. Quả thật là ông Saddam đã dẫn đất nước và nhân dân Iraq đến cảnh khó khăn vô vàn, song không vì thế mà người dân của một đất nước được xem là cái nôi văn hóa phương Tây (với một tháp Babel - Babylone) nay lại có thể khứng chịu cảnh bị chiếm đóng.

Chừng nào còn bị chiếm đóng thì nhân dân Iraq chưa thể được gọi là đã có tự do, đất nước Iraq đã có độc lập.

Các câu hỏi và trả lời của thư ký báo chí Nhà Trắng McClellan trong cuộc họp báo hôm 16-12-2003 đã cho thấy người Iraq “đang ở đâu”, “làm gì” ngay trên đất nước mình.

* Hỏi: Người Iraq (tức chính quyền lâm thời) đã tuyên bố rằng họ muốn xét xử Saddam Hussein cực nhanh, chỉ trong vài tuần lễ. Liệu tổng thống nghĩ rằng chỉ trong một vụ xử kéo dài vài ba tuần lễ, lại có thể đem Saddam Hussein ra xử, để cho biết bao nạn nhân có cơ hội đòi lại công lý, đồng thời cho ông ta một chút hình thức của một vụ xét xử sòng phẳng?

- Phát ngôn viên McClellan: Đầu tiên, tôi có thể cảm thông những xúc cảm của dân chúng Iraq. Song tôi nghĩ rằng có những vấn đề cần tiếp tục trao đổi với dân chúng Iraq. Rõ ràng là bộ máy quân sự của chúng tôi cần tiếp tục khai thác thông tin từ ông ta, điều đó sẽ giúp ích cho toàn thể các nỗ lực của chúng ta, sẽ giúp đem lại an ninh hơn nữa tại Iraq.

* Hỏi: Vậy các ông muốn giữ ông ta lâu hơn là theo mong muốn của dân chúng Iraq. Giả như họ muốn trao ông ta lại cho họ trong khi chúng ta vẫn cứ muốn giữ ông ta lại để thẩm vấn? Liệu lúc đó, chúng ta sẽ vẫn giữ ông ta hay không?

McClellan: Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với họ.

Một nhà báo đã nêu câu hỏi: “Ông Kofi Annan hôm nay phát biểu tại LHQ rằng LHQ muốn giúp Iraq trong quá trình chuyển tiếp, song LHQ cần có những giải thích rõ rệt hơn từ phía liên quân về vấn đề LHQ hỗ trợ như thế nào cho quá trình chuyển tiếp chính trị. Quí vị có định như thế không?”. Nói cách khác, một vai trò lớn hơn của LHQ...

Câu trả lời của phát ngôn viên McClellan: “Tôi nghĩ rằng các nghị quyết của HĐBA sau chiến tranh đã là hết sức rõ ràng. Nhất là nghị quyết 1511 đã cho thấy LHQ có thể rất có ích trong tiến trình bầu cử và lập hiến”. Vai trò của LHQ “rõ rệt” như thế nào ở Iraq, chắc là ông Kofi Annan hiểu rõ hơn ai hết nên mới đưa ra yêu cầu “làm rõ vai trò của LHQ” . Nếu không lầm, câu trả lời của phát ngôn viên McClellan đại ý: “Đã có những nghị quyết rồi, còn thay đổi gì nữa”.

Thế nhưng, kinh nghiệm hai năm qua ở Afghanistan đã khẳng định điều đó. Ở Afghanistan cũng như ở Iraq, tương lai chỉ có thể do người dân tự quyết định mà không qua bất cứ một sự đạo diễn nào của bên ngoài, bằng không sẽ chỉ là... tan nát!

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên