24/10/2004 23:26 GMT+7

Lật lại hồ sơ vụ án "oan án Tokyo" sau nữa thế kỷ

TUẤN VŨ (Theo FEER)
TUẤN VŨ (Theo FEER)

TT - Họa sĩ Sadamichi Hirasawa trở thành một trường hợp hi hữu: chờ xử tử trong gần 40 năm và có đến 33 bộ trưởng tư pháp từ chối ký lệnh hành quyết ông.

1zhcRTJp.jpgPhóng to
Takehiko bên bức chân dung người cha nuôi

Năm 1948, Tokyo chấn động vì vụ án 12 người bị đầu độc chết. S.Hirasawa bị cáo buộc là hung thủ. Năm 1987 ông chết trong tù ở tuổi 95, vẫn quả quyết rằng mình vô tội.Hơn 50 năm sau, người con nuôi Takehiko, mở cuộc điều tra để minh oan cho cha mình ...

Ngày 26-1-1948 là một ngày thứ hai u ám ở thành phố Tokyo đổ nát bởi chiến tranh. Những dòng xe dày đặc luồn lách qua những ổ gà và hố bom ngập nước mưa. Ngân hàng Teikoku ở tây bắc Tokyo đang chuẩn bị đóng cửa thì một gã đàn ông bước vào. Người khách đến trễ mang dải băng tay của cơ quan y tế và chìa ra tấm danh thiếp bác sĩ.

Hắn nói rằng bệnh lỵ đang bùng phát trong thành phố và có một người mắc bệnh đã ghé vào ngân hàng này. Sau khi hòa một loại “thuốc chống lỵ” lỏng vào các tách trà, hắn nhấp thử chút ít rồi chia cho các nhân viên ngân hàng. Mọi người nghiêm túc làm theo hướng dẫn của hắn. Ít lâu sau, 10 trong số 16 người uống thuốc đã chết một cách vật vã. Thêm hai người nữa chết sau đó trên đường đến bệnh viện. “Thuốc chống lỵ” hóa ra là thuốc độc.Hung thủ đã tẩu thoát sau khi ẵm đi 180.000 yen (tương đương 73.000 USD hiện nay), bỏ lại phía sau tấm danh thiếp bác sĩ và hàng lô lốc xác chết, gồm cả đứa con trai 8 tuổi của người gác cổng.

Cuộc điều tra

Cảnh sát mở một cuộc săn lùng lớn, thẩm vấn hàng ngàn người tình nghi. Nhưng trước đó họ đã phạm sai lầm tệ hại: do không phong tỏa hiện trường một cách nghiêm ngặt, những người láng giềng nhiệt tình đã vào rửa sạch các tách trà chứa thuốc độc. Tuy vậy, các nhà điều tra tin rằng chất độc sử dụng là potassium cyanide. Vụ án này đã dẫn đến bức chân dung hung thủ (theo mô tả của bốn nạn nhân sống sót) đầu tiên của Nhật Bản. Dưới áp lực của công luận, tháng 8-1948 cảnh sát đã bắt giữ Sadamichi Hirasawa, một họa sĩ tranh màu nước danh tiếng.Không có bằng chứng nào liên quan cụ thể đến vụ Ngân hàng Teikoku. Hirasawa chỉ có một tiền sử là đã từng sử dụng danh thiếp của một bác sĩ (có thật ngoài đời, khác với “bác sĩ giả” vụ Teikoku) trong một vụ tương tự ở Ngân hàng Yasuda vào tháng 10-1947. Nhưng những người bị Hirasawa “thuốc” thì không ai bị tổn hại hay chết. Dù vậy, cảnh sát cũng có lý của họ cho rằng hai vụ án này do cùng một hung thủ.Nhưng những dấu hỏi đồng thời cũng nổi lên: có đến 11 người ở ngân hàng nói rằng Hirasawa không phải là hung thủ, và không có một bằng chứng nhỏ nào cho thấy Hirasawa dính líu đến vụ Ngân hàng Teikoku.

Tuy vậy, năm 1950 Hirasawa vẫn bị xử treo cổ. Ông kháng án và tòa tối cao đã hoãn lệnh xử tử ông. Trong gần 40 năm tù ông đã vẽ rất nhiều bức tranh sau song sắt, trong đó có gần 100 tranh vẽ núi Phú Sĩ.

Sự dấn thân của người con nuôi

Gia đình Hirasawa đã bỏ rơi ông từ đầu thập niên 1950 để “tránh tiếng nhơ”, nhưng một người con nuôi của ông, Takehiko, đã quyết dành cuộc đời của mình để giải oan cho người cha. Đây cũng là một trường hợp “con nuôi” khá hi hữu.

Cha ruột của Takehiko, một nhà báo kiêm nhà hoạt động nhân quyền, đã nguyện phải minh oan cho Hirasawa. Trước khi nhắm mắt, ông đã trăng trối cho con trai phải bằng mọi giá làm được việc này, dù Hirasawa có chết trong tù đi nữa. Thế là năm 1982, khi vừa tròn 23 tuổi, Takehiko nhận Hirasawa làm cha nuôi để cụ thể hóa quyết tâm của anh. Tòa án tối cao Tokyo đã 18 lần từ chối các yêu cầu xử lại vụ án này vì lý do “không đủ chứng cứ mới”, nên Takehiko hiểu rằng để yêu cầu xử lại lần thứ 19 (sau khi cha nuôi đã mất) anh phải có những chứng cứ mới, đủ thuyết phục.

Lần theo dấu vết chất độc

Takehiko và những người hậu thuẫn anh đã dành ra 15 năm ròng rã để làm điều này. Anh tìm cách chứng minh rằng 12 nạn nhân chết năm 1948 không phải do chất độc potassium cyanide mà là do chất acetone cyanide.

Biểu hiện đầu tiên là thuốc đã tác động chậm, do đó không thể là potassium cyanide; thứ hai là Takehiko đã tìm được những cứ liệu cho thấy chất này rất hiếm thấy ở Nhật Bản vào thời đó, do đó nếu nó được sử dụng thì cuộc điều tra sẽ dễ dàng khoanh vùng và tìm ra thủ phạm.

Việc điều tra theo hướng chất acetone cyanide đã dẫn đến một phòng thí nghiệm của quân đội phát xít Nhật. Takehiko đã lần ra được chồng tư liệu đồ sộ của thanh tra Bunsuke Kai, trong đó nêu rõ đơn vị số 731 của quân đội đã cùng đơn vị chiến tranh sinh học số 1644 (còn gọi là đơn vị Tama) tiến hành một “sứ mệnh đặc biệt”, được đem thử nghiệm trên người Trung Quốc, bằng cách lừa họ rằng đó là “thuốc ngừa bệnh”. Hai cuộc thí nghiệm như thế đã diễn ra ở Thượng Hải và Nam Kinh. Takehiko tin rằng Hirasawa - người mà trong chiến tranh sống ở một vùng nông thôn ở đảo Hokkaido - đã trở thành “con tốt thí”. Chính quyền chiếm đóng Mỹ đã can thiệp vào cuộc điều tra để bảo vệ cho các thành viên toán nghiên cứu vũ khí sinh học Nhật, như tướng Shiro Ishii - tư lệnh đơn vị 731.

Những hồ sơ giải mật của Mỹ cho thấy người Mỹ đã từng trao cho bộ hạ của tướng Ishii quyền miễn tố (về tội ác chiến tranh) để đổi lấy việc họ cung cấp các kết quả thí nghiệm gây chết người tiến hành trên hàng ngàn tù nhân.

Trong cuốn sách mang tên Cây tre trổ hoa của tác giả Mỹ William Triplett, Takehiko cũng đã phát hiện công tố viên Tokyo Hajime Takagi từng gặp tướng Ishii năm 1948 trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ Ngân hàng Teikoku. Biên bản cuộc điều tra ghi rõ tướng Ishii nói: “Đó có thể là người của chúng tôi... Chắc chắn chuyện này có liên quan đến quân đội, tôi tin là như thế”.

Cuộc chiến đấu vì công lý

Takehiko cũng xem đây là một dịp để đặt vấn đề về tính cứng nhắc của tòa án Nhật Bản: kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai chỉ có bốn trường hợp người bị án tử hình được trả tự do sau khi xử lại, do tòa án Nhật đặt ra những chuẩn mực quá khó khăn để xử lại một vụ án; tòa án Nhật cũng bị chỉ trích về việc chấp nhận gần như 100% các kiến nghị luận tội của công tố viên trong các vụ án hình sự. Nhiều người còn chỉ trích tính “thiếu độc lập” của các thẩm phán trong các vụ án liên quan đến các nhân vật máu mặt... Ngày nay đã chẳng còn dấu vết nào của vụ án Ngân hàng Teikoku cách đây 56 năm. Ngân hàng này đã đóng cửa ngay sau vụ án. Một tòa nhà chung cư đã mọc lên tại đó, và rất ít người địa phương còn nhớ đến vụ án mạng khủng khiếp năm 1948.

Liệu Takehiko có minh oan được cho Hirasawa “trước năm 2005” như anh hi vọng? Cho dù anh có thành công thì cha nuôi của anh cũng chẳng hưởng lợi gì được nữa rồi. Nhưng ý nghĩa công việc mà Takehiko lao vào suốt bao năm nay là tìm lại bằng được công lý, cho dù sự việc đã đi qua hơn nửa thế kỷ. Bản thân anh cũng mong ước thực hiện được lời trăng trối của người cha ruột.

TUẤN VŨ (Theo FEER)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên