08/02/2010 02:00 GMT+7

Lẳng lặng trưng bày

HẰNG NGUYỄN
HẰNG NGUYỄN

TT - Vài trăm loại nhạc cụ nằm lặng lẽ trong gần 1.000m2 của cuộc triển lãm kéo dài bốn ngày (*). Một khách tham quan “tình cờ”, Ngọc Anh - 29 tuổi, bày tỏ sự ngạc nhiên khi bước vào một phòng trưng bày công phu, bởi bản thân anh là người ưa thích tìm hiểu văn hóa dân tộc cũng không hề hay tin có sự kiện này!

Dù báo chí có đưa tin ít nhiều (Tuổi Trẻ ngày 30-1) nhưng khuôn viên triển lãm lơ thơ vài người khách đã hẹn gặp nhau từ trước. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Phan, nguyên trưởng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nói: “Hai hôm nay tôi chỉ toàn thấy người trong giới nghiên cứu đến”. Có lẽ cũng vì được hiểu ngầm là sự kiện “dành riêng” cho giới nghiên cứu, nên suốt các gian triển lãm không thấy bóng dáng nghệ nhân nào hướng dẫn khách tham quan. Mấy khu trưng bày hầu như vắng lặng...

Cuộc triển lãm dù vậy đã có những buổi biểu diễn không tẻ nhạt. “Có người nói với tôi rằng lâu lắm anh mới được nghe một buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc “thật” như ở đây, nhạc công biểu diễn “có lửa” như thế này” - Xuân Tự, nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, kể. Anh cho biết nhà hát đã bố trí 12 nhạc công từ TP.HCM ra Hà Nội phục vụ riêng cho triển lãm. Và trước đó, các nhạc công này đã phải luyện tập suốt một tháng. Nhưng công chúng của những đêm nhạc hào hứng đó chỉ gói gọn trong “sinh viên đến thi nhạc cụ dân tộc và những người thân đi theo cổ vũ họ”, Xuân Tự kể tiếp. Một triển lãm công phu đã dần khép lại ngay sau lễ khai mạc “hoành tráng”.

Theo tôi, vắng khách như thế này nghĩa là rất nhiều tiền của lãng phí mà không thu được hiệu quả gì cả. “Triển lãm làm để chào mừng rất nhiều sự kiện lớn, nhưng có phải chỉ “lễ lạt” như vậy nên không cần quan tâm đến công chúng hay sao?”, khách tham quan Ngọc Anh đặt câu hỏi.

Không hẳn vậy. Một ví dụ có thể thấy là từ Bảo tàng Dân tộc học, nơi mà các sự kiện sống động được cập nhật tin tức thường xuyên và do đó luôn diễn ra tấp nập đúng như một ngày hội. “Có một triển lãm cũng được tổ chức ở đây, tương tự thế này mà lại đông khách, hồi năm 2008. Bởi vì trung tâm triển lãm đã gửi giấy mời về một số trường học, do đó nhà trường biết nên cho học sinh đến tham quan”, một nhân viên của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhớ lại.

Còn bao nhiêu cuộc trưng bày cứ “âm thầm” diễn ra như vậy? Nhiều người than người trẻ không hiểu biết và yêu văn hóa dân tộc, mà không mấy ai nghĩ lỗi cũng là do những nhà tổ chức sự kiện chưa tìm ra nhiều cách khiến công chúng biết để mà yêu.

(*) Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” diễn ra từ 29-1 đến 3-2-2010 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.

HẰNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên