Những con đường dài, hẹp ướp nồng vị biển, đã đưa chúng tôi đến với những người ngư dân mà nắng gió khắc nghiệt của biển khơi không thể làm phai đi nét mộc mạc, chân chất quê mùa. Đằng sau những nụ cười đôn hậu là biết bao nỗi niềm khi thiên tai đã đem đến cho những con người nơi đây.
![]() |
Tính toán sau khi bán hết cá cho thương lái - Ảnh: T.G. |
Những nỗi lo toan
Khi chúng ghé thăm làng chài, hầu hết chỉ gặp cụ già, phụ nữ và trẻ con tung tăng chạy giỡn. Hỏi ra mới biết lúc chúng tôi đến thì tàu ra khơi mang bao trai tráng khỏe mạnh, trụ cột chính của làng vẫn chưa về. Những người ở lại làng, trong khi chờ người thân về phải làm thêm những công việc phụ như chế biến khô cá, mực, làm nước mắm để bỏ mối ngoài chợ. Những cụ già, em nhỏ hay những người bệnh tật không làm được việc nặng thì luôn tay gỡ móc những chiếc lưới bị lỗi lãnh từ các nhà máy về làm lại.
Bà Nguyễn Thị Hộ (ấp Hải Hà 1, Long Hải, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) bán cá trên bãi cá cho chúng tôi biết: "Tôi có ba con trai thì cả ba đã theo thuyền đánh cá trên biển. Tàu đi cả tháng mới về một lần, nhưng cũng chỉ đi gần đây vì phương tiện còn nhiều hạn chế. Vất vả là thế song người đi biển thu nhập cũng không được bao nhiêu, năm bảy triệu cho cả một con tàu mấy chục người, mà mình cũng chỉ làm thuê cho chủ”.
Cái nghề cái nghiệp thật bạc bẽo, ăn đời ở kiếp với biển, coi biển như người mẹ, sống chết cũng trông chờ vào cả đấy. Chồng, cha ra biển kiếm sống, vợ con ở nhà cũng bám lấy biển tìm kế sinh nhai đắp đổi qua ngày. Ấy vậy mà mỗi khi biển lên cơn cuồng nộ thì thật kinh hoàng, trút bao nhiêu con sóng, con gió hung hãn lên những mái tranh nghèo chạy dọc ven bờ.
Khi nghe chúng tôi hỏi về cơn bão mới cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Ánh (ấp Hải Hà 1, Long Hải, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) kể lại cái đêm kinh hoàng ấy với ánh mắt còn chưa hết khiếp sợ: "Đêm ấy khoảng độ 3-4 giờ sáng mọi người đang ngon giấc thì bão đến. Dữ dội, táo tợn, cuốn bay những mái nhà yếu ớt, tan tác. Những nhà nào may mắn có giường tủ thì chui xuống dưới trú bão, không có thì lấy mền trùm kín người cho đến khi bão tan". Chị bảo cũng một phần mình chủ quan vì trước giờ ở đây ít có bão.
Một điều may mắn là cả làng chài không bị thiệt hại gì về người vì giờ đó chưa ai ra biển, chứ nếu bão đến muộn một chút nữa thì không biết như thế nào. Mấy đứa nhỏ nghe kể chuyện vẫn hồn nhiên cười đùa và phụ họa theo mẹ, diễn tả lại hành động đêm hôm ấy cho chúng tôi xem. Có lẽ trong đầu óc non nớt của chúng, bão chỉ như một hòn đá ném xuống cái ao phẳng lặng, như cái gì đó biến động làm thay đổi cuộc sống buồn tẻ. Còn đối với những người lớn nơi đây, cơn bão chính là ác mộng, đi qua nhưng để lại biết bao nỗi lo. Sầu riêng nhưng đã trở thành nỗi sầu chung cho cả làng chài.
![]() |
Những đứa trẻ chỉ học đến lớp 4, lớp 5 rồi bỏ học phụ gia đình ra biển đánh cá |
Mờ mịt tương lai
Chúng tôi theo chân chị Ánh về nhà mới của chị cách đó không xa. Chẳng biết đó có phải là nhà không nữa khi mà bốn bức tường là những tấm tôn vá lỗ chỗ, tạm bợ, xiêu vẹo như có thể đổ ụp bất cứ lúc nào. Bước vào nhà, cái nóng hừng hực bỗng bốc lên khó chịu bởi nắng từ tấm tôn gỉ sét hắt thẳng trên đầu xuống cộng hưởng với cát bỏng chân phía dưới bốc lên. Căn nhà bé xíu chỉ khoảng độ vài mét vuông hầu như chẳng có thứ gì tạm gọi là có giá trị. Chiếm nhiều không gian nhất là hai cái gường con cùng chén bát mùng mền đều chất lên đó, một cái võng nhỏ xíu, cái tủ nhỏ và cái nồi cơm điện đã ố vàng (có lẽ là thứ đáng giá nhất trong nhà chị).
Thế nhưng, trên bao nhiêu lo âu về nơi ăn chốn ở, về cái nghề đánh cá trên biển, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo lớn nhất của người dân nơi đây không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà còn về tương lai của thế hệ con cháu. Cô Lê Thị Ba (Long Hải, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) có bốn người con, ba trai một gái nhưng chỉ còn mỗi thằng út đang học lớp 6 mà cũng đang định nghỉ.
Cô tâm sự: "Tại đây chỉ có một trường cấp I và một lớp học tình thương. Học cấp II phải đi xa hơn, đến cấp III ra tận huyện Đất Đỏ. Cuộc sống mưu sinh đã khó khăn mà học hành lại tốn quá nhiều chi phí nên phần đông các em nhỏ ở đây phải dang dở việc học hành, họa hoằn lắm mới có em học hết cấp III". Theo lời cô thì mấy đứa nhỏ ở đây nếu học hết cấp III thì chưa chắc có điều kiện lên đại học, như thế học cũng không biết để làm gì, chi bằng nghỉ học sớm đặng phụ giúp cha mẹ việc chài lưới.
Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đen đúa khắc khổ suốt 45 năm bươn chải cùng làng chài của cô Ba, khóe mắt chúng tôi cũng thấy cay cay, chỉ biết động viên cô và các em cố gắng học hành. Không thì cuộc đời chúng cũng như bao thế hệ cha anh sẽ sống trong nghèo khổ.
Áo Trắng số 11 (ra ngày 15/6/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận