![]() |
Để có cây xẻng mang đi đập vào mặt đối thủ (game Đột kích), người chơi phải thuê của nhà phát hành khoảng 20.000 đồng/bảy ngày - Ảnh: MAI VINH |
Mức độ mạnh, yếu tùy thuộc số đông của bang hội hoặc sức mạnh cá nhân thông qua những chiêu thức võ thuật, trang bị vật phẩm hoặc vũ khí, khí tài.
Ngập tràn sát khí
Đêm 19-7, tại một tụ điểm game có tiếng trên đường Trần Quang Khải (Q.3, TP.HCM), tiếng hò hét của các game thủ trong một hội như dậy cả căn nhà 3 tầng. Nơi đây có hơn 300 máy tính nhưng không còn một chỗ trống. Các game thủ ngồi theo từng cụm gần nhau để dễ trao đổi, phối hợp tác chiến và trong game lẫn ngoài đời họ đang là chiến hữu.
Trong căn phòng dành cho người hút thuốc lá, nhóm ba người của một game thủ tên Lực đang ra sức chiến đấu và tiêu diệt đối thủ trong game Thiên long bát bộ. Sơn, thủ lĩnh của trận chiến này, ấn liên tục vào phím F2 và tay phải thì “mổ” tận lực vào con chuột máy tính. Điếu thuốc trên môi vừa kịp tàn Sơn đã vội mồi điếu khác trong khi miệng hô liên tục: “Giết Mimi”. Hai chiến hữu bên cạnh tuân lệnh lao vào tấn công nhân vật có tên Mimi và các nhân vật cùng hội. Màn hình loạn xạ ngầu tên các chiêu thức được tung ra, nếu ngoài đời có thật trận chiến đó thì quả là kinh thiên động địa, sát khí ngút trời.
Trận chiến tạm lắng khi một số chiến hữu của Mimi yếu thế bỏ chạy. Trên trình chat của game, Sơn hể hả khích bác đối phương: “Đ.M, đừng gặp tao nữa nhé!”. Đối phương tuy thua nhưng không phục, thế là hai bên chửi nhau, lời lẽ rất thô tục, tưởng chừng nếu gặp mặt nhau sẽ có trận thư hùng của hai kẻ bất cộng đái thiên.
Bỗng cửa phòng game bật mở. Một “bang chúng” trong nhóm của Sơn tên Thanh xuất hiện với mùi rượu nồng nặc và nói năng ồn ào khiến các nhóm chơi khác bực bội, lên tiếng: “Câm mồm đê, đừng có ồn ào quá”. Ngay lập tức Thanh lên tiếng thách thức và xộc vào giở cổ áo người vừa lên tiếng phản ứng. Những người bên cạnh phải can để tránh đánh nhau. Dường như không đánh nhau được ngoài đời thì bao nhiêu bực dọc Thanh trút vào trong game: gặp ai cũng khiêu khích, gây gổ hoặc chém giết bất cần lý do.
Ở tụ điểm này đa số thanh thiếu niên chơi game online Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế và một số chơi Thiên long bát bộ. Số ít khác chơi những game online bắn súng, giết quái vật. Không khí lúc nào cũng ồn ào và đặc quánh mùi thuốc lá. Khẩu lệnh quen thuộc nhất thường nghe và thường trực vẫn là “giết” và “giết”! Giết để chứng tỏ, giết để tranh giành lãnh địa, vật phẩm và cả giết không cần lý do, giết cho đã tay, cho bõ ghét và “giết thì chơi mới hấp dẫn”.
Suy giảm nhân cách
Đầu năm 2008, gần như cùng lúc ba “đại gia” trong thị trường game online VN đã tung ra ba game bắn súng bạo lực: Biệt đội thần tốc, Đặc nhiệm anh hùng, Đột kích do Vina Game, FPT Online, VTC Game phát hành.
Dù khác nhau về cách chơi nhưng cả ba đều có nguồn gốc từ Hàn Quốc, là loại game nhập vai để bắn và giết người không theo cốt truyện cụ thể. Người chơi trong cùng bản đồ sẽ chia làm hai phe để tiêu diệt đến người cuối cùng bằng súng, lựu đạn, dao... Phần thưởng cho người giết được nhiều nhất sau những trận chiến là điểm thưởng GP, dùng để mua khí tài. Người chơi muốn tiếp cận các game trên không tốn bất kỳ khoản phí nào, nhưng thực tế để có những vũ khí mạnh hay những nhân vật nữ có thân hình bốc lửa thì họ phải bỏ tiền thật để mua. Nhân vật nữ gợi cảm có thể khiến đối phương lơ là bắn giết để ngắm và dễ bị hạ sát hơn.
Tại một quán Internet cạnh Trường ĐH GTVT cơ sở 2 TP.HCM (Q.9), game thủ tên Hải - 12 tuổi - cùng một nhóm bạn đang có một cuộc chiến đột kích trên server Tân Bình. Trong lúc súng đạn loạn xạ thì những lời khiêu khích nhau cũng hiện lên liên tục. Hải thách đối thủ, lời lẽ sặc mùi xác chết: “Tới ngã tư tử thần đi, chỉ cần tao chạy ngang qua là đầu lâu sẽ hiện trên màn hình của mày”. Và khi hạ được ba đối thủ, Hải hả hê trêu ghẹo: “Chỉ biết lấy mình làm bia thôi hả, mấy thằng ngu!”. Khó có thể hình dung trò chơi giết nhau trong game này có thể nhào luyện những thiếu niên mặt còn búng ra sữa như Hải đã có thể khiêu khích, văng tục, chửi thề một cách thuần thục như thế nào!
Hải cho biết rất mê game online và “chẳng cần điểm thưởng gì hết, thằng nào cà chớn thách đấu thì bắn bể đầu, phải thắng, thế thôi”. Nhìn cảnh cậu bé 12 tuổi này tham gia trận chiến ảo khiến người ngoài cảm giác Hải đang đánh nhau thật. Mỗi khi có ai cùng đội nghỉ chơi là Hải lại chửi oang oang không cần biết đang ngồi ở đâu: “đồ hèn, bỏ chạy luôn đi” và gõ vào màn hình chat của game nội dung vừa nói.
Mặc cho vài bạn chơi rời phòng net, Hải vẫn tiếp tục lao vào các cuộc chiến. Cậu vừa chỉnh lại balô cho nhân vật để vào bản đồ mới vừa xuýt xoa: “Súng đạn như thật, dao găm thì đẹp mê, tiếng nổ đoàng đoàng nghe phê lắm”. Nói xong Hải nhảy vô một phòng mới chuyên đấu dao. Trên màn hình, nhân vật của Hải lăm lăm đi tìm đối thủ để hạ sát. Một lát sau, sau những loảng xoảng đao kiếm va nhau thì loa máy tính phát ra tiếng “hự hự” của người bại trận.
Đề nghị tự phân loại game online bạo lực Hôm qua 21-7 là hạn chót Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM hạn cho các doanh nghiệp phát hành game online liệt kê các hành vi mang tính đối kháng, và tự phân loại mức độ bạo lực của từng hành vi trong các trò chơi trực tuyến (game online) đang được cung cấp cho người chơi gửi về sở. Tuy nhiên, chỉ có 4/14 doanh nghiệp thực hiện yêu cầu này, với các doanh nghiệp còn lại sở gia hạn báo cáo tới ngày 26-7. Trước đó, Sở TT-TT TP đưa ra ba nhóm tiêu chí với sáu mức độ bạo lực cơ bản để phân loại các game online đang lưu hành ở TP.HCM. Theo đó, nhóm tiêu chí bạo lực căn cứ theo vũ khí sử dụng và hoạt động đâm chém, bắn giết đơn lẻ hay có tổ chức trong trò chơi gồm sáu mức độ: Mức 1: đánh nhau tay không (không có vũ khí), bao gồm cả đánh nhau đơn lẻ và đánh nhau có tổ chức (tập hợp thành băng nhóm, bang hội). Mức 2: đâm chém cá nhân, đơn độc (sử dụng vũ khí lạnh như dao, kiếm...). Mức 3: đâm chém có tổ chức (tập hợp thành băng nhóm, bang hội..., sử dụng vũ khí lạnh như dao, kiếm...). Mức 4: bắn giết cá nhân, đơn độc (sử dụng vũ khí nóng như súng...). Mức 5: bắn giết có tổ chức (tập hợp thành băng nhóm, bang hội..., sử dụng vũ khí nóng như súng...). Mức 6: giết người hàng loạt. Nhóm tiêu chí bạo lực căn cứ theo đối tượng bị chém giết trong trò chơi gồm ba nhóm: tiêu diệt các vật thể (máy bay, tàu vũ trụ...); tiêu diệt ác quỷ, quái vật; tiêu diệt con người. Nhóm tiêu chí bạo lực căn cứ vào góc độ nhập vai của người chơi có ba góc độ: góc độ nhập vai tích cực (cảnh sát, người tốt...); góc độ nhập vai tiêu cực (kẻ khủng bố, người xấu...); góc độ nhập vai không rõ ràng (đâm chém bắn giết không cần phân biệt tốt xấu - ví dụ trong các game kiếm hiệp, giữa bang này với bang kia...). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận