14/12/2005 06:13 GMT+7

Làm thuê để thoát kiếp làm thuê

PHẠM DIỄM
PHẠM DIỄM

TT - Chúng tôi đến ký túc xá ĐH An Giang tìm Nguyễn Trần Đại lúc xế chiều. “Giờ này chắc chắn Đại đang ở quán ăn”, những SV cùng phòng cho biết.

c6NhWwtY.jpgPhóng to

Tại quán, chúng tôi gặp chàng SV lớp 28T2 cao đẳng ngành sư phạm tiểu học đang tất bật, nhanh nhẹn với trang phục của một nhân viên phục vụ bàn...

Đại là người con thứ ba trong năm anh chị em của một gia đình có cha thương binh 2/4, mẹ bệnh tật, đi lại khó khăn ở một miền quê heo hút ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang. Không ruộng đất, cả nhà dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi; có lần sang tận Campuchia.

Người mẹ bệnh nhưng biết làm rất nhiều loại bánh để sau buổi học chị em Đại chia nhau đội đi bán; rồi đi kéo lưới, bắt cá thuê... “Làm thuê cũng cần có trình độ”, ngay từ lớp 5, cậu bé Nguyễn Trần Đại đã tự nhủ với mình như thế khi có người kêu con trai thì nghỉ học phụ gia đình. Và Đại đã đi làm mướn (lên núi phát rẫy, xuống ruộng làm cỏ thuê...) kiếm đủ số tiền như một ngày công bình thường (15.000 - 20.000 đồng/ngày) chỉ để giữ được một ước mơ: ít nhất phải học xong cấp III chứ không lẽ làm thuê cả đời.

Đại đậu vào đúng ngành mình chọn ở ĐH An Giang. Niềm vui chưa qua, nỗi lo đã ập tới: chỉ nửa tháng sau nhập học, Đại đã hết sạch số tiền làm thuê gom góp được. Mẹ ứa nước mắt: hay lại về làm thuê một thời gian nữa rồi học sau. Nghĩ mãi không ra, Đại mím môi đạp cho hết quãng đường về quê cách đó 75km làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Malaysia nhờ vào sổ thương binh của cha. Trong lúc đợi kết quả, Đại quay lại trường với nỗi khát khao giảng đường.

Một tháng sau, thật bất ngờ, Đại đã được cơ quan xuất khẩu lao động gọi, hẹn ngày lên máy bay. Bất ngờ hơn, Đại thưa với mẹ về quyết tâm của mình khi mẹ lo con trai không tìm đâu ra tiền ăn học: “Con sẽ cố gắng lo liệu việc học”. Và người SV ấy làm đủ mọi nghề: dạy kèm, tiếp thị, phục vụ đám cưới, quán ăn... chỉ để giữ lại một ước mơ: thoát đời làm thuê.

Gia đình ở quê thật ra cũng vất vả không kém. Ngoài hai người em còn ở lại quê với người cha thương binh, mẹ và chị, em gái Đại đi khắp nơi làm mướn, chỉ đủ ăn, có năm không đủ tiền về quê ăn tết. Năm đó, Đại về quê, nhìn cảnh nhà vắng vẻ với người cha thương binh và hai đứa em không có quần áo mới mặc tết, Đại càng nung nấu với quyết tâm và sự chọn lựa của mình.

“Ban ngày tới lớp, 5g chiều đi làm phục vụ, có khi 12g mới về đến phòng, đôi chân mỏi nhừ... Nhưng mình thích vậy, thà bận rộn mà đỡ nhớ” - Đại lặng lẽ tâm sự. Nói vậy thôi nhưng làm sao có thể quên được vì đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của một người con trai trong gia đình. Bạn bè Đại kể chúng tôi nghe về chuyện nhịn ăn, nhịn mặc của Đại để có thể từ số tiền làm thêm được 300.000 đồng mỗi tháng vẫn có thể gói ghém 50.000, 100.000 đồng gửi về quê.

“Cô hiệu trưởng ở gần nhà bảo khi ra trường sẽ giúp đỡ cho về dạy gần nhà. Vui lắm vì mình biết cứ mùa lạnh cuối năm như thế này, những miểng đạn chiến tranh còn sót trong người sẽ hành cha dữ lắm!” - chàng SV phục vụ bàn này một thoáng ngời lên với hạnh phúc đang chờ đợi.

PHẠM DIỄM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên