15/03/2004 06:02 GMT+7

Làm giàu ở "địa ngục trần gian"

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Người dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng chục năm qua đã chứng kiến cuộc bứt phá ngoạn mục của một số doanh nghiệp trẻ để vươn lên trở thành“đại gia” trên một thị trường chỉ có 5.000 người và số lượng ghe cá vãng lai trồi sụt thất thường. Điều đáng nể là hầu hết các chủ doanh nghiệp này đều khởi nghiệp đi lên từ đôi bàn tay trắng...

0VyOqn1o.jpgPhóng to
Các ghe ở cảng Bến Đầm mỗi ngày lấy hàng ngàn cây nước đá từ các doanh nghiệp "đại gia"
TT - Người dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng chục năm qua đã chứng kiến cuộc bứt phá ngoạn mục của một số doanh nghiệp trẻ để vươn lên trở thành“đại gia” trên một thị trường chỉ có 5.000 người và số lượng ghe cá vãng lai trồi sụt thất thường. Điều đáng nể là hầu hết các chủ doanh nghiệp này đều khởi nghiệp đi lên từ đôi bàn tay trắng...

Sôi động thị trường nước đá

Năm 1984, “cô tú” Trần Thị Yến quyết định quảy ba lô tình nguyện đến Côn Đảo: “Trẻ mà, đi cho biết!”. Cũng trên chuyến tàu tình nguyện ra đảo trước đó mấy tháng có mặt chàng trai trẻ Võ Thái Hòa. Chuỗi ngày công tác trên đảo giúp hai trái tim đồng hương (tỉnh Hậu Giang) “tình nguyện” đến với nhau.

Ngoài giờ làm việc, “nàng” nấu rượu, nuôi heo, còn “chàng” đi ghe câu cùng nhóm bạn. Tích cóp mãi, đôi bạn trẻ mới có được một xưởng gia công cơ khí, rồi đến năm 1995 lại thành lập cơ sở sản xuất nước đá đầu tiên của Côn Đảo mang tên Thái Bình, mỗi ngày lúc đó cho ra lò 143 cây nước đá.

Còn anh nông dân “thứ thiệt” Võ Minh Tân sau chuyến ra Côn Đảo thăm cậu em Võ Thái Hòa hồi năm 1991 cũng đâm quyến luyến: “Cái xứ gì hiền khô, chẳng thấy đánh nhau hay trộm cắp”, thế là bà xã hiền khô cũng quyết theo chồng. Khởi đầu anh làm nghề cung cấp nước ngọt cho ghe cá, sau chuyển qua thu mua phế liệu “kiêm” luôn nghề nạy cơm dừa bán vào đất liền.

Còn vợ anh - chị Phạm Thị Nga -mở một quán bún riêu. Khi cơ sở nước đá Thái Bình chào đời, vợ chồng anh dốc hết số tiền tằn tiện mấy năm trời khoảng ba mươi mấy triệu đem vào góp vốn được 20%. Vài năm sau đó, hai vợ chồng đánh liều mở một cơ sở sản xuất nước đá cho riêng mình theo lời động viên của cánh ngư dân: “Làm đi, tụi tui ủng hộ”.

Đến nay, ông chủ của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phúc Hậu đã có trong tay hai điểm giao dịch kinh doanh phụ tùng máy nổ và hàng tạp hóa, còn cơ sở sản xuất nước đá mỗi ngày tung ra thị trường tới 800 cây.

Bộ mặt kinh tế huyện Côn Đảo được như ngày hôm nay là nhờ sự mạnh dạn đầu tư, vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn như Thu Tâm, Thái Bình, Phúc Hậu... trong ngành “hậu cần cho nghề cá” - trong bối cảnh các ngành nghề khác tại đảo chưa được đẩy mạnh.

Hiện Côn Đảo đang từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ - công nghiệp” và đa dạng hóa ngành nghề, đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch.

Huyện đang xin một cơ chế thông thoáng và hấp dẫn hơn nữa để kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Hy vọng rằng sắp tới đây các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và thêm nhiều nhà đầu tư mới đến với Côn Đảo.

(Trích ý kiến của ông Lê Hoàng Hải, phó Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo)

Anh Phạm Văn Sơn, Giám đốc DNTN Hòa Bình - Thanh Bình, lại sinh ra, lớn lên và... làm giàu ngay trên quê hương mình. Khởi đầu anh Sơn chỉ hành nghề thu mua mực, sau thấy làm nước đá có ăn bèn dứt khoát chuyển nghề. Đến nay cơ sở sản xuất nước đá của anh đã đạt công suất 1.600 cây/ngày. Chưa hết, anh còn mở một cửa hàng cung cấp gas - bếp gas và bán đủ loại hàng hóa ngay khu trung tâm Côn Đảo...

Cũng trên đường Trần Phú còn có một cửa hàng tạp hóa lớn của DNTN Thu Tâm. Bà chủ Trần Thị Minh Thu, 32 tuổi, tỏ ra... phớt lờ khi chúng tôi hỏi về bí quyết tăng tốc của doanh nghiệp: “Hồi nhỏ tôi phụ mẹ bán rau củ ngoài chợ... Thị trường cần gì chúng tôi kinh doanh mặt hàng đó, thế thôi”. Đến nay, DNTN Thu Tâm mỗi ngày đưa ra thị trường 6.000 cây nước đá, chưa kể cơ sở thu mua hải sản, kinh doanh dầu nhớt hoạt động khá nhộn nhịp ở cảng Bến Đầm.

Đầu tư cho tương lai

Một năm sau ngày ra mắt, cơ sở sản xuất nước đá của DNTN Thái Bình tăng công suất lên 473, rồi 873 và bây giờ là 5.000 cây nước đá mỗi ngày. Cô gái tình nguyện năm xưa - bà giám đốc Trần Thị Yến hôm nay - tiếp chúng tôi trong một căn biệt thự to nằm cạnh bãi biển: “Hồi đầu thiếu vốn, vợ chồng tôi phải chắt bóp tối đa, đến lúc có đồng ra đồng vào vẫn cứ phải chi tiêu dè sẻn để đầu tư mở rộng sản xuất. Khi quyết định đi tiên phong sản xuất nước đá, chúng tôi... run lắm vì nếu thất bại sẽ lại trắng tay. Có điều ghe ngư dân ra Côn Đảo hàng trăm chiếc chẳng lẽ không cần nước đá để ướp cá?”.

Còn anh Phạm Văn Sơn lại phân tích thị trường để tìm một hướng đi: “Trước tôi đã có một người kinh doanh gas, song cách làm rất lạ: người tiêu dùng xài hết gas phải chờ ông ta đem vô đất liền sạc lại, trong thời gian đó phải xài tạm bếp dầu. Côn Đảo là rừng cấm, hẳn nhiên không thể xài củi; bếp dầu thì hôi và làm đen nồi, nên bếp gas là chọn lựa tất yếu”. Nghĩ sao làm vậy, giám đốc Sơn liền xách vali vào Vũng Tàu tổ chức nguồn hàng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường: “Thật ra tôi chỉ bắt chước cách làm trong đất liền là đổi bình gas và phục vụ tận nhà”.

“Hồi đó tôi tính chỉ đi một vài năm rồi về như bao người khác, chẳng dè chuyện làm ăn cột luôn với đảo - chị Yến bộc bạch - Mục tiêu quan trọng nhất sắp tới của vợ chồng tôi chẳng phải là chuyện kiếm tiền mà lo bọn trẻ ăn học nên người. Thế hệ chúng nó cần phải có tri thức”.

Cũng như chị Yến, vợ chồng anh Tân - chị Nga từ lâu rồi đã coi Côn Đảo là quê hương thứ hai: “Con gái lớn chúng tôi sắp học xong y sĩ ở Cần Thơ, còn đứa nhỏ sắp thi vào ĐH du lịch. Chúng tôi không bảo nhưng chị em nó cứ khăng khăng học xong sẽ quay về”...

Côn Đảo nay và “địa ngục trần gian” xưa đang từng ngày thay da đổi thịt và sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ vươn lên. Như DNTN Hồng Dũng chỉ trong mấy năm qua đã kịp sắm ba tàu thu mua hải sản, một cơ sở sản xuất nước đá và một quầy tạp hóa lớn trong khu vực cảng Bến Đầm. Bà chủ Trần Thị Yến nói như tiếp thị: “Chúng tôi mới thử bắt tay làm nước mắm...”. Cái cách lao động ngày đêm của họ đã và đang làm cho vùng đất lịch sử này bước vào những ngày mới sôi động.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên