Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là nó bắt được chuột.
Đặng Tiểu Bình
![]() |
Một số cán bộ vẫn trung thành với cương lĩnh của Mao Trạch Đông, với sự tập trung cao về chính trị. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình và những đồng minh của ông muốn đưa Trung Quốc đi theo một hướng mới ít tập trung hơn vào chính trị và làm hồi sinh một quốc gia đang hấp hối. Trong khi Nhật Bản và Những con hổ châu Á khác đã trải nghiệm Phép màu thì Trung Quốc vẫn còn sa lầy trong chính biến và đói nghèo triền miên do chính mình gây ra; cắt đứt giao thiệp với toàn bộ thế giới bên ngoài. Đặng Tiểu Bình muốn thay đổi.
Một cơ hội hoàn hảo để thúc đẩy thay đổi đã đến vào tháng 12. Hội nghị trọng đại của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng đó. Đặng Tiểu Bình có ý định tận dụng nó để củng cố cho sức mạnh của mình. Ông dự kiến sẽ có một bài phát biểu hệ trọng tại một cuộc họp của Đảng ngay trước khi Hội nghị Trung ương 3 khóa XI ấn định chương trình nghị sự của mình. Bài phát biểu này sẽ chứng tỏ là diễn văn quan trọng nhất mà Đặng Tiểu Bình từng đọc.
Đặng Tiểu Bình đã từ chối bản dự thảo diễn văn do một quan chức cấp cao trong Đảng viết sẵn cho ông vì nó quá tập trung vào “đấu tranh giai cấp” nhưng lại quá yếu ớt về cải cách. “Anh hãy tìm một người nào đó viết lại nó đi,” Đặng Tiểu Bình nói với Hồ Diệu Bang, một người ủng hộ ông hết mình, người mà sau này sẽ giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 1-12-1978, Hồ Diệu Bang cho mời Nguyễn Minh, một giáo sư giảng dạy tại một trường đào tạo cán bộ của Đảng Cộng sản, tới phòng nghỉ của mình ở một nhà khách quân đội và đề nghị Nguyễn Minh giúp soạn bài phát biểu mới. Nguyễn Minh giật nảy mình. Chỉ là một đảng viên cấp trung, Nguyễn Minh hết sức ngạc nhiên trước việc Hồ Diệu Bang tin cậy giao phó một nhiệm vụ quốc gia đại sự.
Về sau Nguyễn Minh thừa nhận: “Tôi vẫn không dám chắc mình có thể viết được một bài diễn văn có sức tác động to lớn đang cần lúc đó hay không.” Nguyễn Minh có rất ít thời gian để quyết định. Một bài phát biểu trọng đại như vậy thường đòi hỏi phải mất vài tháng mới hoàn thành xong. Nguyễn Minh chỉ có vài ngày.
Trong đầu Nguyễn Minh xuất hiện đầy các chủ đề có thể đề cập đến trong diễn văn của Đặng Tiểu Bình. Sau khi Mao Trạch Đông chết, bầu không khí trong nội bộ Đảng không còn sự nhất trí với nhiều tư tưởng đối nghịch nhau về đường lối, về dân chủ, về chính sách kinh tế và về cải cách. Nguyễn Minh đã có những lý tưởng riêng của mình về nơi Trung Quốc sẽ hướng tới, những lý tưởng mà ông đã ấp ủ từ khi mới trở thành một người đi theo Đảng Cộng sản vào những năm 1940.
Trở về thời đó, khi mới chỉ còn là một cậu thanh niên ở Thượng Hải bất bình với sự cai trị vô lý của Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Minh tham gia các cuộc họp của Đảng Cộng sản. Lúc đó Mao Trạch Đông đã nói về việc xây dựng nền dân chủ ở Trung Quốc mà Nguyễn Minh tin nó là một nền dân chủ giống như Lincoln và Roosevelt đã khẳng định.
Ông tham gia sự nghiệp Cộng sản nhưng nền dân chủ mà ông tìm kiếm chưa bao giờ trở thành giáo điều. Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông trở thành một nền chuyên chính giáo điều. Dù vậy, Nguyễn Minh vẫn nuôi hi vọng về một đất nước Trung Quốc tự do hơn. Không biết Đặng Tiểu Bình có cảm nhận như vậy? Nguyễn Minh viết: “Tôi hơi chút bối rối vì thực sự không hiểu Đặng Tiểu Bình nghĩ như thế nào.”
Ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình tự mình làm rõ những gì mình muốn. Ông gọi những người viết diễn văn mới của Hồ Diệu Bang, tất cả là 8 người, tới tòa nhà của chính phủ ở Bắc Kinh gần Quảng trường Thiên An Môn để nói qua quan điểm của mình. Nguyễn Minh nhận thấy Đặng Tiểu Bình đang ở trong một tâm trạng rất dễ bị kích động.
Khi Đặng Tiểu Bình phác ra những nét chính bài phát biểu mà ông sẽ trình bày, Nguyễn Minh hiểu ra rằng Đặng Tiểu Bình có ý muốn chấm dứt sự khủng bố của những những người có đầu óc chuyên chế cũng như thách thức xuất phát từ việc gắn chặt Trung Quốc với tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông.
Đặng Tiểu Bình nói với họ: “Khi tất cả còn lo ngại không dám nói ra suy nghĩ thật của mình vì nỗi lo sợ cố hữu dai dẳng, chúng ta sẽ không thể đi đến những ý tưởng cao đẹp. Điều mà chúng ta nên lo sợ nhất chính là việc đại đa số quần chúng không dám nói thẳng nói thật. Vì vậy, để phát triển kinh tế, chúng ta cần phải có những cuộc bầu cử dân chủ, sự quản lý dân chủ và sự giám sát dân chủ.”
Được tiếp cảm hứng, Nguyễn Minh và những nhà soạn thảo diễn văn khác đã hoàn thành bản dự thảo bài phát biểu trong 1 ngày. Nguyễn Minh thậm chí còn đưa thêm vào một số quan niệm của mình về việc cần phải mở rộng hơn về tư tưởng. Sau 3 lần chỉnh sửa nhanh, bài diễn văn đã sẵn sàng. Ngày 13-12-1978, Đặng Tiểu Bình đứng trước các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đọc bài diễn văn. Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ có một điều tương tự xảy ra lần nữa.
Bài diễn văn của Đặng Tiểu Bình là một lời hiệu triệu thúc giục cải cách. Đặng Tiểu Bình khẳng định những gì Trung Quốc cần là một cái nhìn tươi mới về chính trị, hệ tư tưởng và trên hết thảy, về kinh tế. Ông nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng Đảng cần tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của quần chúng nhân dân thay vì phí sức lực vào những tranh cãi chính trị vụn vặt và những xung đột tư tưởng vô nghĩa.
Đã đến lúc phải đưa Trung Quốc đến với thế giới công nghiệp hóa. “Hãy can đảm tiến lên thay đổi địa vị lạc hậu của đất nước và biến Trung Quốc thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh và hiện đại,” Đặng Tiểu Bình tuyên bố. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, “nhiệm vụ quan trọng nhất” của Đảng là phải “giải phóng tư tưởng”, vượt qua rào cản chính thống của ý thức hệ và cởi mở tiếp nhận những cách nghĩ mới có thể giúp ích cho đất nước.
Đặng Tiểu Bình nói: “Để làm cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải có rất nhiều người mở đường, những người dám nghĩ, dám thăm dò những con đường mới và đưa ra những ý tưởng mới. Nếu không, chúng ta sẽ không thể giúp đất nước rũ bỏ đói nghèo, lạc hậu hay bắt kịp các nước tiên tiến vì Trung Quốc vẫn còn thua kém xa.”
Sử dụng chính những ý tưởng của Mao Trạch Đông để củng cố cho lập luận của mình, Đặng Tiểu Bình đề xướng một sự cắt đứt cơ bản với lề lối cũ, cách tư duy cũ về chủ nghĩa cộng sản của Mao Trạch Đông. Ông khéo léo chỉ ra rằng học thuyết kinh tế mà Mao Trạch Đông theo đuổi là một thất bại đau đớn cho Trung Hoa.
Suốt 30 năm, chính phủ đã theo đuổi chương trình kinh tế của Mao nhưng thành tựu phát triển của đất nước vẫn còn quá nhỏ bé. “Chúng ta cần phải học cách quản lý nền kinh tế bằng các phương tiện kinh tế,” Đặng Tiểu Bình phát biểu trong bài diễn văn. Ông lập luận, nhân dân không thể được truyền cảm hứng hăng hái xây dựng một nền kinh tế phồn vinh chỉ với những khẩu hiệu hô hào chính trị.
“Cách mạng xảy ra dựa trên nền tảng mưu cầu lợi ích vật chất,” Đặng Tiểu Bình nói. “Sẽ là chuyện không tưởng khi nhấn mạnh tinh thần hi sinh mà quên đi quyền lợi vật chất.” Đặng Tiểu Bình lập luận, sự sùng bái của tư tưởng Mao Trạch Đông đối với chủ nghĩa bình quân là một sai lầm. Việc để cho những người xuất sắc hái thành quả lợi ích vật chất sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế diễn ra nhanh hơn.
“Tôi cho rằng chúng ta nên cho phép một số vùng và doanh nghiệp, một số công nhân và nông dân được kiếm tiền và hưởng nhiều lợi ích sớm hơn những người khác, tùy vào mức độ làm việc chăm chỉ và sự đóng góp lớn hơn cho xã hội của họ,” Đặng Tiểu Bình nói với các Đảng viên Đảng Cộng sản. “Điều này sẽ giúp cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia dâng lên hết lớp sóng này đến lớp sóng khác và đem lại cho nhân dân sự ấm no thịnh vượng trong một giai đoạn khá ngắn.”
Điều cốt yếu là phải cởi bỏ các nút thắt của cơ chế kế hoạch hóa tập trung để phát huy tinh thần kinh doanh làm giàu của đất nước. Đặng Tiểu Bình nói: “Hãy cứ tưởng tượng ra của cải vật chất có thể được tạo thêm ra như thế nào nếu tất cả mọi người trong hàng trăm nghìn nhà máy và hàng triệu nhóm sản xuất của Trung Quốc cùng chú tâm công việc.”
Bài diễn văn của Đặng Tiểu Bình là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của Phép màu. Đặng Tiểu Bình rõ ràng là nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc. Trong hơn 10 năm tiếp theo, ông đã triển khai hàng loạt cải cách sâu rộng trái ngược rất nhiều với chương trình của Mao Trạch Đông. Đặng Tiểu Bình gọi hệ thống mới của mình là “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Nhiều người sau này cho rằng nó là chủ nghĩa tư bản thuần túy. Linh hồn đất nước Trung Quốc mới của Đặng Tiểu Bình được thể hiện qua khẩu hiệu của Đảng trong những năm 80: “Làm giàu là vinh quang”.
Sự chuyển hướng từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Mao sang nền kinh tế theo định hướng thị trường là điều chưa từng có tiền lệ. Đặng Tiểu Bình đã truyền nguyên tắc tài chính và những động lực sáng tạo của thị trường tự do vào một hệ thống kinh tế-chính trị Trung Quốc ở một mức độ mà chưa người anh em nào trong khối các nước XHCN sánh kịp.
Các chính sách của Đặng Tiểu Bình đã biến đổi Trung Quốc thành một gã khổng lồ đang lên của nền kinh tế toàn cầu, thành một cường quốc đang lớn và trở thành đối thủ chính của Mỹ xét về tầm ảnh hưởng quốc tế. Tất cả chỉ mất có 20 năm. Những cải cách của Đặng Tiểu Bình đã cơ bản thay đổi cách thức nền kinh tế thế giới vận hành bằng cách biến Trung Quốc thành công xưởng sản xuất tất cả mọi thứ, từ máy vi tính cá nhân cho đến búp bê Barbie.
Trong quá trình đó, Trung Quốc đã thách thức khả năng cạnh tranh của các nước công nghiệp hóa (kể cả Mỹ) nhiều hơn bất kỳ một nước mới nổi nào khác trong thế kỷ qua, hình thành nên một cuộc cạnh tranh toàn cầu về quyền kiểm soát thương mại, tài nguyên thiên nhiên và vốn đầu tư.
Ở trong nước, những kết quả của công cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng cũng đã và đang gây ấn tượng không kém. 1,3 tỉ người Trung Quốc đã được chứng kiến một sự giàu có và cơ hội lớn hơn bất kỳ một thời kỳ nào khác trong lịch sử hiện đại của đất nước. Sự đi lên của Trung Quốc là kết quả có tác động làm thay đổi toàn cầu nhiều nhất của Phép màu.
Không có một nhà lãnh đạo nào khác của Phép màu có ảnh hưởng lên quảng đại quần chúng nhân dân lớn hơn Đặng Tiểu Bình. Tính kiên trì và thiên tư chính trị của ông là điều không thể thiếu được đối với công cuộc tìm kiếm vị thế to lớn về kinh tế của Trung Quốc. Tuy vậy, nhìn bên ngoài, Đặng Tiểu Bình trông có vẻ như không phải là một người có đầu óc canh tân.
Con gái của ông, Đặng Dung (Mao Mao), mô tả Đặng Tiểu Bình là “một người nội tâm, ít nói”. Ông được học hành trường lớp chính quy rất ít và tự xem mình không phải là một học giả. Có lần, Đặng Tiểu Bình kiêu hãnh khoe rằng ông chưa bao giờ chú tâm đến việc đọc tác phẩm “Tư bản luận” của Karl Marx. Ngay cả lúc ở trên đỉnh cao quyền lực, ông cũng khiêm tốn tự hạ thấp mức độ ảnh hưởng của mình. “Tôi là người không mấy quan trọng,” Đặng Tiểu Bình nói với một phóng viên năm 1980.
Tuy nhiên, ông lại có kinh nghiệm trải rộng trên nhiều lĩnh vực, có tài quản lý và một trí nhớ phi thường. Mao Trạch Đông đã từng có lần gọi ông là “một bộ bách khoa toàn thư sống”. Ông có thể rất nóng giận, cay nghiệt hay thẳng thừng, huỵch toẹt khi trình bày những quan điểm của mình. Lý Quang Diệu đã gọi Đặng Tiểu Bình là “một người chỉ cao mét rưỡi nhưng khổng lồ trong số những người khổng lồ”.
Đặng Tiểu Bình có lẽ cũng khác biệt cơ bản với nhiều nhà kiến thiết quốc gia khác của châu Á. Xét ở nhiều phương diện, ông trông giống như một người theo chủ nghĩa Cộng sản đáng gờm mà cả Park Chung Hee lẫn Lý Quang Diệu đều cương quyết kháng cự lại. Tưởng Giới Thạch của Đài Loan đã đánh nhau với Đặng Tiểu Bình ngoài chiến trường trong suốt thời gian nội chiến Trung Quốc.
Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh, Đặng không phải là không có điểm tương đồng với những nhân vật có quan điểm đối nghịch nói trên. Đặng Tiểu Bình nhiều nét là một nhà dân tộc chủ nghĩa quyết tâm đưa Trung Quốc tới chỗ phồn vinh, thịnh vượng trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, giống như Park Chung Hee, Lý Quang Diệu và các nhà kỹ trị của Đài Loan, ông trở thành một người theo chủ nghĩa thực dụng sẵn sàng sửa đổi ý thức hệ tư tưởng cũ và áp dụng những chính sách mà có khả năng giúp giải quyết được vấn đề khó khăn rắc rối và cho ra được kết quả tốt.
Ông bình luận: “Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là nó bắt được chuột.” Do quan niệm này, Đặng Tiểu Bình đã bị vướng vào một cuộc đấu tranh về ý thức hệ tư tưởng giống như nhiều nhà vô địch khác của Phép màu, ngoại trừ có một điểm khác biệt là cuộc đấu tranh của ông diễn ra ngay trong lòng chế độ của chính mình. Ông tranh đấu với những Đảng viên Cộng sản cực đoan hơn trong chính quyền của mình trong quá trình thúc ép triển khai các chính sách mà họ cho là học thuyết đáng khinh miệt được sao chép từ những kẻ thù theo chủ nghĩa tư bản.
Xét về nhiều mặt, không phải tất cả các chính sách mà Đặng Tiểu Bình triển khai đều trái ngược với những chính sách mà các nhà lãnh đạo châu Á khác đã áp dụng. Đặng Tiểu Bình thành công trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng bằng cách nối kết nền kinh tế Trung Quốc tới thị trường thế giới và nhờ đó, tận dụng được các sức mạnh của toàn cầu hóa.
Gần như rất giống Hồng Kông và Singapore, Trung Quốc đã lợi dụng các xu thế thuê ngoài và chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh ra nước ngoài ngày càng tăng. Giá lao động rẻ và sự ổn định về chính trị là những nhân tố hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm một môi trường chi phí thấp cho việc sản xuất cơ bản những loại hàng hóa tiêu dùng như đồ chơi và vải sợi. Giống như các nước láng giềng, Trung Quốc khởi động Phép màu của mình bằng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ.
Mặt khác, câu chuyện của Trung Quốc đã chuyển mục tiêu chú ý của Phép màu khỏi “mô hình châu Á”. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan ứng dụng một số khía cạnh của mô hình mang đặc điểm nhà nước can thiệp vào nền kinh tế này thì “những kẻ đi sau” như Trung Quốc lại có khuynh hướng đạt được tăng trưởng nhanh giống với Hồng Kông hơn.
Trung Quốc bước vào Phép màu bằng cách loại bỏ sự ảnh hưởng của nhà nước lên nền kinh tế thông qua việc phi tập trung hóa tiến trình ra quyết định kinh tế, hạn chế quyền lực của các nhà hoạch định, mở cửa đón đầu tư nước ngoài và cột chặt tương lai nền kinh tế của mình với thương mại quốc tế. Tuy nhiên, câu chuyện của Trung Quốc không có nghĩa là “mô hình châu Á” chẳng có liên quan gì.
Đặng Tiểu Bình không phải là người lần đầu tiên tạo ra một cơ chế giống như trong trường hợp của Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore. Ông chỉ thay thế một cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp hiện hành vốn hoạt động không hiệu quả bằng một cơ chế gắn kết nhiều hơn với thị trường. Câu chuyện của Trung Quốc đã giúp ta phân hạng theo thứ tự quan trọng từ cao xuống thấp các nguyên nhân tạo nên Phép màu.
Hãy nhớ lại rằng chính sách công nghiệp theo phong cách của MITI là có sự kết hợp hành động của nhà nước với các lực lượng thị trường. Trong trường hợp của Trung Quốc và “những kẻ đi sau” khác, mức độ ảnh hưởng và can thiệp của nhà nước giảm đi càng mạnh, và họ tìm mọi cách có mặt trên đoàn tàu toàn cầu hóa trong nền kinh tế thị trường quốc tế – đó là chìa khóa chủ chốt của Phép màu.
Tuy vậy, sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng Đặng Tiểu Bình là người làm nên Phép màu Trung Quốc. Đúng là ông đã vẽ ra viễn cảnh và tạo động lực thúc đẩy cải cách. Nhưng đó là những ý niệm mơ hồ về kinh tế học và ông thường không tự mình hoạch định những chính sách cụ thể. Nhà kinh tế học Barry Naughton đã đi rất xa khi khẳng định rằng Đặng Tiểu Bình “chưa bao giờ nói được bất kỳ một điều gì độc đáo về kinh tế học hay chính sách kinh tế và hiếm khi thể hiện được bất kỳ một sự hiểu biết sâu sắc cụ thể về chức năng của nền kinh tế”.
Các cuộc cải cách thường là do những cán bộ khác trong Đảng, thường ở cấp tỉnh hay cấp địa phương, đề xuất hoặc triển khai. Hai trong số những cấp phó có ảnh hưởng đến Đặng Tiểu Bình nhiều nhất là Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang. Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối những năm 80, có lẽ là nhà cải cách kinh tế kiên trì và sáng tạo nhất.
Tầm ảnh hưởng của ông lên phong trào cải cách có lẽ chỉ thua Đặng Tiểu Bình. Khi còn là bí thư tỉnh Tứ Xuyên, Triệu Tử Dương là người sớm khởi xướng chủ trương phi tập thể hóa nông nghiệp và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Ông hòa nhập với giới quốc tế tốt hơn hầu hết những đồng sự của mình. Là Đảng viên cấp cao duy nhất thừa nhận yêu thích môn thể thao đánh gôn trưởng giả, Triệu Tử Dương được cho là đã chơi gôn giống như cách ông tiếp cận cải cách. Đó là luôn luôn xoay người bạt banh gôn thật mạnh.
Phóng viên Harrison Salisbury tả Triệu Tử Dương là “một người thực dụng thẳng thắn, biết lẽ phải và nghiêm túc, một người có cách nhìn và nói chuyện giống như một vị chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp”. Hồ Diệu Bang là một trong những người cổ súy tích cực nhất cho quyền tự do ngôn luận và cải cách chính trị.
Ông có thiên hướng phát biểu ngẫu hứng và nổi tiếng với kiểu phản ứng theo cảm tính. Có lần Hồ Diệu Bang nói: “Tôi không phải là một người sắt đá. Tôi là một người tình cảm, là con người bằng xương bằng thịt.” Những câu nói của Hồ Diệu Bang thường khiến ông bị biến thành mục tiêu của các cuộc chỉ trích của phái bảo thủ. Năm 1984, ông khiến nhiều người nổi cáu khi đề nghị người Trung Quốc nên bỏ dùng đũa và thói quen gắp chung một đĩa.
Hồ Diệu Bang kêu gọi: “Chúng ta nên dọn thêm dao, nĩa, mua thêm đĩa và ngồi quanh bàn, ăn những món ăn Trung Quốc theo phong cách Tây, tức là mỗi người có riêng một đĩa. Nhờ cách đó, chúng ta có thể tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm.” Trong số toàn bộ những nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông có lẽ là người ít sùng kính di sản để lại của Mao Trạch Đông nhất. Khi được hỏi tư tưởng nào của Mao Trạch Đông có thể hỗ trợ cho nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc, ông được cho là đã trả lời: “Tôi nghĩ chẳng có cái nào.”
Dù nhận được sự sáng tạo và hậu thuẫn của những người đồng chí hướng như Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang nhưng những nỗ lực cải cách của Đặng Tiểu Bình phải trải qua một thời kỳ rất lâu mới vận hành ổn định. Đôi khi, Đặng Tiểu Bình thúc ép các chương trình cải cách diễn ra hết sức gấp rút và táo bạo nhưng cũng có lúc ông trì hoãn, thậm chí là chặn đứng sự thay đổi.
Nguyễn Minh nhận xét về Đặng Tiểu Bình: “Đôi lúc, ông ấy hành động với đầu óc rõ ràng nhưng cũng có khi ông ấy dường như là mụ mẫm, lái cỗ xe cải cách khổng lồ của Trung Quốc chạy lần quần tới lui.” Sự mâu thuẫn trước sau bất nhất có thể thấy rõ của Đặng Tiểu Bình xuất phát từ nguyên nhân liên minh cải cách của ông không ổn định. Dù Đặng Tiểu Bình đã tập hợp được một lực lượng đông đảo những người ủng hộ trong Đảng nhưng không phải ai cũng thống nhất cách thức thay đổi.
Một số người lo ngại sự mở cửa của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho những thế lực xấu xa, đồi bại lọt vào xã hội, đe dọa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhiều người cho rằng Đặng Tiểu Bình đang dẫn dắt Trung Quốc đi theo đường lối khác.
Vào năm 1985, Đặng Tiểu Bình thừa nhận: “Một số người lo ngại Trung Quốc sẽ trở thành tư bản. Chúng tôi không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng họ lo ngại vô căn cứ.” Ông không thể phớt lờ những nhân tố bảo thủ trong Đảng; những tranh cãi nội bộ về chính sách và những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực thường làm cho nhóm chủ trương cải cách của Đặng Tiểu Bình mệt mỏi, kiệt sức và làm chậm tốc độ cải cách.
Tuy nhiên, có một yếu tố luôn luôn không đổi trong suốt toàn bộ tiến trình cải cách. Đó là, một khi Đặng Tiểu Bình đã đưa tầm ảnh hưởng của mình vào sau mỗi chính sách thì nhất định nó sẽ có hiệu lực. Naughton đã gọi Đặng Tiểu Bình là “cha đẻ chính trị của cải cách kinh tế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận