23/03/2011 20:36 GMT+7

Làm giàu là vinh quang - kỳ 2

MICHAEL SCHUMAN
MICHAEL SCHUMAN

TTO - Những cải cách của Đặng Tiểu Bình không đến với ông một cách hoàn toàn bất ngờ. Những ý tưởng mà Đặng Tiểu Bình trình bày vào cuối những năm 1970 đã theo ông suốt vài chục năm. Chúng là kết quả của gần 60 năm trải nghiệm thực tế trong Đảng Cộng sản.

9rEwFnnW.jpgPhóng to
TTO - Những cải cách của Đặng Tiểu Bình không đến với ông một cách hoàn toàn bất ngờ. Những ý tưởng mà Đặng Tiểu Bình trình bày vào cuối những năm 1970 đã theo ông suốt vài chục năm. Chúng là kết quả của gần 60 năm trải nghiệm thực tế trong Đảng Cộng sản.

Đặng Tiểu Bình sinh ngày 21-8-1904 tại thôn Bài Phường, xã Hiệp Hưng, huyện Quảng An của tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền tây xa xôi của Trung Quốc. Người con gái tên Đặng Dung của ông đã mô tả vùng đất đó là chốn “khỉ ho cò gáy”. Ngôi nhà của gia đình Đặng Tiểu Bình rất đơn sơ với tường gỗ, mái ngói. Gia đình ông nuôi ngỗng dữ để chúng canh nhà. Dù vậy, Đặng Tiểu Bình vẫn được hưởng điều kiện sống sung sướng hơn hầu hết những người sống ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Cha của ông là một địa chủ nhỏ, người mà nhiều năm về sau đã cho thuê hết đất đai còn mình thì đi làm cho nhà nước. Đặng Tiểu Bình luôn luôn có đủ cái để ăn và có một chiếc giường ấm áp để ngủ. Nhờ có khả năng tập trung vào việc học tập nên ông học hành xuất sắc. Lúc sống ở Trùng Khánh, tỉnh lỵ của Tứ Xuyên, cha Đặng Tiểu Bình đã để ý đến một mẩu quảng cáo trên báo về một trường học mới chuyên chuẩn bị cho học sinh Trung Quốc đi du học ở Pháp. Mục tiêu của chương trình là dạy cho thanh niên Trung Quốc những kỹ năng mới học hỏi từ phương Tây nhằm phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Ông đã bảo Đặng Tiểu Bình ghi danh theo học.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1920, Đặng Tiểu Bình sang Pháp du học trên một con tàu hơi nước, đặt chân đến Marseilles trong bộ dạng đầu đội mũ sọc dưa, chân đi giày mũi nhọn và bắt đầu theo học tại một ngôi trường ở Normandy. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, tổ chức tài trợ cho chương trình du học này hết tiền. Đặng Tiểu Bình buộc phải bỏ dở việc học và đi tìm việc.

Công việc đầu tiên của ông là trong một xưởng cuộn thép của Tập đoàn Sắt thép Schneider & Cie khổng lồ của Pháp. Đặng Tiểu Bình có nhiệm vụ dùng kìm dài để kéo các tấm thép và thanh thép nóng đưa qua máy tại nhà xưởng thường nóng tới 37oC. Vì lúc đó mới chỉ 16 tuổi nên Đặng Tiểu Bình không thể đảm đương nổi công việc nguy hiểm và nặng nhọc đến kiệt sức này.

Chưa đầy một tháng, cậu bỏ việc. Đặng Dung viết, cha của bà “đã từng đích thân trải nghiệm cảnh ngộ khốn cùng của tầng lớp lao động”. “Sự áp bức và bóc lột của giới tư bản, sự lăng mạ và đối xử thậm tệ của giới đốc công cùng cuộc sống khốn khổ đã khiến cho tâm hồn thơ ngây của ông bị sốc nặng nề”. Về sau, Đặng Tiểu Bình cho biết ông “đã có cảm nhận đầu tiên về những điều xấu xa, độc ác của xã hội tư bản”.

Vài năm tiếp theo, Đặng Tiểu Bình hết làm công nhân đốt lò trên một đầu máy xe lửa đến làm phụ bếp và nhiều công việc linh tinh khác. Ông cũng lắp ráp ủng không thấm nước trong một nhà máy cao su, kiểu công việc dây chuyền nhẹ mà các cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình về sau đã tạo ra cho hàng triệu người dân Trung Quốc. Dù vậy, ông vẫn không bao giờ có đủ tiền để quay trở lại trường học.

“Người ta khó có thể sống được bằng tiền lương chứ đừng nói chi đến việc đến trường đi học,” Đặng Tiểu Bình về sau hồi tưởng. “Vì vậy, tất cả những giấc mơ ‘cứu vớt đất nước bằng phát triển công nghiệp’, ‘học hỏi một số kỹ năng’ vân vân đó đều trở nên vô nghĩa”. Thay vào đó, tính ham học hỏi mở mang trí tuệ và lòng yêu nước của Đặng Tiểu Bình đã kéo ông hướng tới chủ nghĩa cộng sản.

Ông bắt đầu tham gia nhiều cuộc họp do những người theo chủ nghĩa cộng sản Pháp và Trung Quốc tổ chức. Vài thanh niên Trung Quốc trẻ sống tại Pháp thời đó sau này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của phong trào Cộng sản Trung Quốc. Người nổi tiếng nhất trong số họ là Chu Ân Lai, sau này là một thủ tướng được nể trọng đặc biệt dưới thời Mao Trạch Đông của Trung Quốc.

Năm 1923, Đặng Tiểu Bình bắt đầu làm việc cùng Chu Ân Lai trong một tổ chức Cộng sản Trung Quốc hoạt động tại Paris. Cả hai ngày càng trở nên thân thiết. Đặng Tiểu Bình có lần nói: “Tôi luôn luôn xem ông ấy (Chu Ân Lai) như anh trai của mình.” Đặng Tiểu Bình làm việc trong một “văn phòng” chật chội của tổ chức Đảng, một phòng khách sạn nhỏ có hai chức năng vừa là chỗ làm việc vừa là nơi ở của Chu Ân Lai.

Ông giúp biên tập và in ấn những bản sao tạp chí Nguồn sáng đỏ của tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Paris. Công việc này đã đem lại cho ông biệt danh “Tiến sĩ sao lục”. Cuộc sống hết sức khó khăn, khắc nghiệt với Đặng Tiểu Bình. Vì quá túng thiếu nên ông thường không có đủ khả năng mua thêm được chút gì ngoài bánh mì hay mì sợi để tự cầm cự. Mua bánh sừng bò và sữa đã là một việc vung tay tiêu tiền thoải mái hết mức rồi. Thế nhưng, bất chấp thực tế gian khổ, niềm tin của ông vào cách mạng chỉ càng mạnh lên và ông đã chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1924.

Những năm tháng ở Pháp đã để lại một dấu ấn mãi mãi không phai lên con người Đặng Tiểu Bình. Ông vẫn giữ lại nhiều thói quen “trưởng giả” đã hình thành hồi ở đó như tình yêu đối với rượu và pho mát Pháp, đối với cà phê và bóng đá và dĩ nhiên là đối với cả bánh sừng bò. Những trải nghiệm của Đặng Tiểu Bình ở Pháp cũng góp phần làm cho ông có một cách nhìn nhận khác về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và các mối quan hệ của nước này với thế giới bên ngoài. Những sự khác biệt này sẽ bộc lộ rõ ràng khi sự nghiệp của ông trong chính quyền Cộng sản đi lên.

Sau một thời gian ngắn học tập hạn chế ở Moscow, Đặng Tiểu Bình trở về Trung Quốc vào năm 1926 và tham gia vào mọi thời khắc định hình lịch sử thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông sống sót qua cuộc Vạn lý trường chinh khủng khiếp vào giữa những năm 1930 mà trong suốt thời kỳ đó lực lượng Đảng Cộng sản bị suy yếu đã vượt một chặng đường dài 9.600 km cực kỳ gian khổ xuyên nội địa Trung Quốc để rút lui trước Tưởng Giới Thạch hùng mạnh khi đó.

Đặng Tiểu Bình đã chiến đấu chống quân Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ II và sau đó là cuộc nội chiến chống lại Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Sau khi lực lượng Đảng Cộng sản giành được chiến thắng, ông trở thành một đảng viên cống hiến tận tụy cho các chính sách kinh tế khuynh tả của Mao Trạch Đông. Là một cán bộ công tác tại tỉnh nhà Tứ Xuyên quê nhà vào đầu thập niên 1950, Đặng Tiểu Bình đã theo đuổi chương trình cải cách ruộng đất của Đảng hăng hái đến nỗi ông thậm chí tước cả điền địa của chính gia đình mình.

Ông cũng ủng hộ chủ trương “Đại nhảy vọt” năm 1958 của Mao Trạch Đông. Đại phong trào tiêu biểu này của Mao Trạch Đông thúc ép nông dân phải tăng sản lượng thu hoạch vụ mùa và xây dựng những công ty công nghiệp qui mô nhỏ. Biểu tượng của “Đại nhảy vọt” là những lò luyện nhỏ dùng để sản xuất thép thô. Hàng trăm nghìn những lò luyện thép như thế này đã đột ngột mọc lên ở khắp vùng thôn quê. Các hợp tác xã khổng lồ, thường có hàng nghìn gia đình là thành viên, được hình thành ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, phong trào “Đại nhảy vọt” đã có một kết cục thảm họa và là một bước ngoặt đối với Đặng Tiểu Bình. Sự sai lầm do chủ trương tập thể hóa, các chính sách nông nghiệp lầm lạc và khả năng hoạch định yếu kém từ trung ương đã dẫn đến hậu quả là sản lượng lương thực giảm mạnh. Đến cuối năm 1961, có khoảng 30 triệu người bị chết đói. Năm 1960, Mao Trạch Đông bừng tỉnh trước cuộc khủng hoảng và cho phép một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo, trong đó có Đặng Tiểu Bình vốn đang giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó, được bước vào và ngăn chặn thiệt hại.

Khoảng cuối năm 1961, nhóm này đã soạn thảo nhiều chính sách mới lật ngược nhiều tập quán sản xuất quy mô lớn của “Đại nhảy vọt”. Những chính sách này tước bỏ nhiều quyền lực của các hợp tác xã, cho phép nông dân có quyền được gìn giữ, chăm bón ruộng đất tư, xóa bỏ chế độ phân chia lương bổng theo kiểu bình quân cào bằng trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Công cuộc “Đại nhảy vọt” có vẻ như đã tác động đến lối tư duy về kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Khoảng đầu những năm 1960, ông đã trở nên ít lý thuyết hơn và thực tế hơn. Ông nhận ra rằng phát triển kinh tế không thể được tạo ra chỉ bằng sự hô hào chính trị và những niềm tin lý tưởng không có cơ sở.

Trong một bài phát biểu vào tháng 7-1962, Đặng Tiểu Bình than phiền: “Chúng ta đã có quá nhiều phong trào, mỗi một nhiệm vụ lại phát động một phong trào. Có vẻ như là chúng chẳng đi đến thành công.” Ông lập luận, vì vậy, có lẽ nên tạm thời hủy bỏ một số phương thức quản lý Cộng sản truyền thống vì sự phát triển của nền kinh tế. “Hiện tại, có vẻ như cả công nghiệp lẫn nông nghiệp đều không thể tiến lên được nếu ban đầu không lùi lại một bước.”

Những nỗ lực của Đặng Tiểu Bình đã giúp làm sống lại nền kinh tế của Trung Quốc vào giữa những năm 1960 nhưng cũng góp phần dẫn đến rạn nứt giữa ông với Mao Trạch Đông. Năm 1966, Mao Trạch Đông lại gây ra biến động tại Trung Quốc thông qua một đại phong trào khác: Cách mạng văn hóa. Mao cho rằng giới lãnh đạo của Đảng đã không thúc giục đất nước tiến về phía trước đủ nhanh để đạt tới một xã hội cộng sản.

Ông tổ chức thanh niên Trung Quốc thành những đội gọi là Hồng vệ binh có nhiệm vụ đi truy lùng giới giáo viên, thành phần trí thức, cán bộ chính quyền và nhiều nhân vật có chức có quyền khác bị tình nghi là những phần tử tư sản tự do hủ hóa. Mao Trạch Đông cũng kiên quyết sử dụng phong trào này để củng cố quyền lực của mình trong toàn Đảng. Những người mà Mao cho là đang vượt xa sự kiểm soát của mình sẽ trở thành mục tiêu chính trong cuộc cách mạng mới của Mao.

Đặng Tiểu Bình gần như đứng đầu trong danh sách ấy. Ông chịu sự tấn công của các thành phần cực đoan trong Đảng vì các chính sách kinh tế của ông sau “Đại nhảy vọt”, trong đó có nỗ lực phi tập trung hóa nông nghiệp. Mao Trạch Đông khó chấp nhận vai trò hoạch định ngày càng độc lập của Đặng Tiểu Bình. Mao phàn nàn: “Đặng Tiểu Bình không bàn bạc, hỏi ý kiến tôi về bất cứ một điều gì. Tôi thực sự cảm thấy khó chịu khi bị đối xử giống như một bậc tiền bối thiên cổ.”

Trong một hội nghị của Đảng cuối năm 1966, Mao Trạch Đông lệnh cho Đặng Tiểu Bình phải “tự phê bình”. Trước áp lực ghê gớm, Đặng Tiểu Bình buộc phải đầu hàng. Tự gọi mình là một “trí thức tiểu tư sản”, ông thừa nhận trước Đảng rằng mình đại diện cho một lối tư duy “tư sản sai lầm”. “Lời thú tội” của Đặng Tiểu Bình chỉ càng làm cho vấn đề thêm xấu đi.

Năm 1967, lực lượng Hồng vệ binh đã tố cáo ông là một “tên đi theo đường lối tư bản” và tổ chức nhiều “đại hội đấu tố” tại nhà của ông ở Bắc Kinh. Trong một phiên “đấu tố”, những tên Hồng vệ binh trẻ đã buộc Đặng Tiểu Bình phải quì gối trước chúng trong tư thế hai tay quặt cao về phía sau hay còn gọi là “tư thế đi máy bay”. Đặng Tiểu Bình không xuất hiện trước công chúng trong suốt 6 năm. Nhiều người đoán rằng ông đã chết.

Đặng Tiểu Bình bị lưu đày trong nước. Năm 1969, sau 2 năm bị giam lỏng tại nhà mình, Đặng Tiểu Bình và vợ bị bí mật đưa ra khỏi Bắc Kinh và tiếp tục bị giam trong một gian nhà ở tỉnh nông thôn Giang Tây. Vài tiếng mỗi ngày, ông bị áp giải tới một trung tâm sửa chữa máy kéo gần đó và bị ép phải lao động.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của Đặng Tiểu Bình còn lâu mới chấm dứt. Sau khi nhận ra cuộc Đại cách mạng văn hóa của mình đã làm cho Trung Quốc rơi vào cảnh hỗn loạn, Mao Trạch Đông lại cần đến chuyên môn quản lý hành chính của Đặng Tiểu Bình. Năm 1973, Mao Trạch Đông cho mời ông quay trở lại Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình được phục hồi toàn bộ quyền lực cũ của mình và được công nhận là người có thể kế nhiệm Mao Trạch Đông.

Đặng Tiểu Bình cũng tái khởi động nỗ lực xây dựng lại nền kinh tế Trung Quốc. Tháng 3-1975, ông nói với các bí thư Đảng bộ rằng “mối quan tâm toàn diện của đất nước chúng ta” là “xây dựng một hệ thống kinh tế và công nghiệp khá toàn diện và độc lập vào năm 1980”, “biến Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh với nền nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học và công nghệ hiện đại vào cuối thế kỷ 20 này”.

Ông chỉ trích nỗi quan tâm ám ảnh của Đảng đối với chính trị mà bỏ bê nền kinh tế. “Tôi đã nghe nói một số đồng chí ngày nay chỉ dám làm cách mạng nhưng không dám xúc tiến sản xuất,” Đặng Tiểu Bình phàn nàn. “Điều này là hết sức sai lầm.”

Đặng Tiểu Bình đã đi quá xa. Mao Trạch Đông một lần nữa lại đặt câu hỏi nghi ngờ động cơ cách mạng của ông trong khi thanh thế ngày càng tăng của họ Đặng làm cho những phần tử cực đoan do vợ của Mao Trạch Đông là Giang Thanh dẫn đầu cảm thấy khó chịu. Giang Thanh đã gọi Đặng Tiểu Bình là “tên đầu sỏ chống phá cách mạng cáo già”. Sau khi các cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 4-1976 tại Quảng trường Thiên An Môn, Giang Thanh và bè lũ đã đổ hết mọi tội lỗi lên Đặng Tiểu Bình.

Mao Trạch Đông ra lệnh cho Đảng tước bỏ mọi chức vị của Đặng. Tuy nhiên, lần này, Đặng Tiểu Bình đã chuẩn bị trước. Ông bí mật bay tới Quảng Châu, nơi ông được những người ủng hộ tại địa phương che chở, bảo vệ. Những ngày tháng này thật khó khăn đối với một người đã lớn tuổi như Đặng Tiểu Bình. Có một lần, những đồng minh ủng hộ ông đã phải giấu ông trong một xe bò chở thóc ẩm thấp và bịt bùng nhằm giữ cho ông không bị lộ trong khi chạy xuyên qua tỉnh Quảng Đông.

Sự lận đận của Đặng Tiểu Bình chỉ chấm dứt sau khi Mao Trạch Đông chết vào tháng 9-1976. Tổng Bí thư kế nhiệm là Hoa Quốc Phong bắt giữ Giang Thanh và bè lũ của người đàn bà này. Các thành viên trong Đảng đòi hỏi phải phục hồi quyền lực cho Đặng Tiểu Bình. Tháng 8-1977, ông được phục chức là nhân vật đứng hàng thứ 3 trong chính phủ.

Qua vài năm tiếp theo, Đặng Tiểu Bình khôn ngoan hơn Hoa Quốc Phong trong việc đưa những người ủng hộ mình vào các vị trí chủ chốt trong Đảng và chính phủ. Cuối năm 1978, liên minh cải cách của Đặng Tiểu Bình đã sẵn sàng thay đổi Trung Quốc và kinh tế thế giới.

MICHAEL SCHUMAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên