![]() |
Bất kỳ một lý giải nào cũng bắt nguồn từ khởi điểm là hoàn cảnh khó khăn của Trung Quốc vào cuối thập niên 1970. Dưới thời Mao Trạch Đông, các nhà hoạch định Trung Quốc, giống như những người đồng chí ở Liên Xô, thích phát triển ngành công nghiệp nặng vốn tạo ra rất ít lợi ích trực tiếp cho người có thu nhập trung bình. Trong khoảng thời gian từ năm 1952 đến năm 1980, tổng sản lượng công nghiệp và nông nghiệp tăng 9 lần nhưng thu nhập cá nhân bình quân chỉ tăng có 2 lần. Giống như ở Liên Xô, hàng hóa tiêu dùng luôn luôn khan hiếm.
Trong giới lãnh đạo Trung Quốc đã có một suy nghĩ phổ biến rằng nền kinh tế đang bị khủng hoảng và nếu không có một hành động quyết liệt nào đó xảy ra nhằm cải thiện đời sống nhân dân thì sự tồn vong của chính chế độ cũng đứng trước rủi ro nguy hiểm. Đối với Đặng Tiểu Bình, cải cách là câu trả lời duy nhất, là con đường chắc chắn duy nhất để bảo vệ chế độ.
Trong diễn văn tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, ông nói: “Chúng ta đã không cải cách đúng lúc. Sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của đất nước sẽ sụp đổ nếu chúng ta không thực hiện cải cách ngay bây giờ”. Về mặt này, quan điểm của Đặng Tiểu Bình có nhiều nét tương tương đồng với Park Chung Hee, Lý Quang Diệu và Tưởng Giới Thạch: Tăng trưởng kinh tế trở thành công cụ chính để củng cố chế độ.
Đặng Tiểu Bình cũng tận dụng cải cách để gây dựng sự ủng hộ cho quan điểm của mình. Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đã buộc ông phải xác định một lập trường tán thành cải cách nhằm làm khác biệt bản thân mình với đối thủ chính là Hoa Quốc Phong. Được coi như là người đi đầu trong việc giữ gìn di sản của Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong được xem như là người sẽ kế nhiệm Mao.
Nếu Đặng Tiểu Bình muốn đánh đổ được Hoa Quốc Phong, ông cần phải vạch ra cho Trung Quốc một con đường khác. Ông đưa ra một viễn cảnh hấp dẫn về một quốc gia đầy sức sống về kinh tế và hùng mạnh hơn nhờ có một chương trình cải cách táo bạo. Đặng Tiểu Bình hiểu tình trạng kinh tế yếu ớt của Trung Quốc đã làm suy yếu dần thế lực của Hoa Quốc Phong và những đồng minh theo đường lối bảo thủ của Hoa.
Có ý kiến cho rằng, giống Park Chung Hee và trớ trêu thay cũng giống như Tưởng Giới Thạch khi họ sáng lập chế độ độc tài của mình tại Hàn Quốc và Đài Loan, Đặng Tiểu Bình kết nối quyền lực lãnh đạo của mình với tăng trưởng kinh tế và những tiến bộ trong mức sống.
Nhà nghiên cứu chính trị Joseph Fewsmith bình luận: “Mức độ hợp pháp của tuyên bố do Đặng Tiểu Bình đưa ra, vì thế, dứt khoát tùy thuộc vào khả năng ‘thực hiện được lời hứa’ của ông. Vị thế của ông trong trật tự chính trị gần như đòi hỏi phải phá vỡ tiền lệ và tạo ra những tốc độ tăng trưởng nhanh.”
Phép màu ở nơi khác cũng ảnh hưởng đến Đặng Tiểu Bình. Qua những chuyến viếng thăm các nước châu Á khác vào cuối những năm 70, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra Trung Quốc đã tụt hậu xa như thế nào. Sau một lần đi thăm công ty sản xuất xe hơi Nissan của Nhật Bản vào năm 1978, ông thốt lên: “Hôm nay tôi đã biết được hiện đại hóa là như thế nào”.
Lúc ở Singapore, Đặng Tiểu Bình nói ông đã “phát hiện được cách đảo quốc này sử dụng tiền vốn nước ngoài như thế nào”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường bị sốc trước sự tiến bộ nhanh chóng của các quốc gia láng giềng. Một cán bộ cấp cao Trung Quốc viết trong một bản tường thuật về chuyến đi tới Nhật Bản năm 1978 như sau: “Một chủ nhật, chúng tôi đi ra một con phố náo nhiệt. Trong tất cả những phụ nữ mà chúng tôi nhìn thấy, chưa có một người nào mặc đồ giống nhau. Những nữ nhân viên tháp tùng chúng tôi cũng ăn mặc thay đổi mỗi ngày”.
Sự cách biệt đó làm Đặng Tiểu Bình khó chịu. Ông cảm thấy sự yếu kém của đất nước đã làm xấu hổ một nền văn minh vĩ đại như Trung Quốc. Ông đã nói với Tổng thống Zambia Kenneth Kaunda vào năm 1980 rằng: “Nếu chỉ nói chúng ta nghèo thôi là không đủ mà (phải thừa nhận rằng) thật sự là chúng ta rất nghèo. Hiện trạng đó thật quá bất tương xứng với vị thế nước lớn như hai nước của chúng ta”.
Đặng Tiểu Bình lo ngại đất nước mình sẽ vẫn mãi là một nạn nhân của các thế lực hung hãn bên ngoài như những gì đã xảy ra với thế kỷ cuối cùng của triều đình nhà Thanh già yếu, trừ phi Trung Quốc củng cố sức mạnh nền kinh tế của mình. “Sự tụt hậu sẽ khiến cho chúng ta dễ bị tổn thương trước những kẻ hay ức hiếp,” Đặng Tiểu Bình nói với Thủ tướng Nhật Masayoshi Ohira năm 1979.
Vì vậy, ông cho rằng cần phải thực hiện ngay một nhiệm vụ to lớn, cấp bách là mở rộng và hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao mức sống của quần chúng nhân dân Trung Quốc. Học theo triển vọng “tăng gấp đôi thu nhập” nổi tiếng của Nhật, Đặng Tiểu Bình thông qua một mục tiêu do Hồ Diệu Bang đề ra vào năm 1982 là tăng gấp bốn lần sản lượng công - nông nghiệp vào cuối thế kỷ 20.
Để đạt được mục tiêu đó, Đặng Tiểu Bình bị thuyết phục rằng Đảng không thể chỉ đơn giản sửa đổi qua loa hệ thống kinh tế hiện hành. Ông cho rằng Trung Quốc cần phải “tiến hành những cải cách lớn ở nhiều ngành nghề khác nhau của nền kinh tế về các mặt cơ cấu, tổ chức và công nghệ”. Năm 1979, Đặng Tiểu Bình khẳng định công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc đòi hỏi “một cuộc cách mạng mới vĩ đại”.
Phạm vi cải cách rộng lớn của Đặng Tiểu Bình đã khiến có quan điểm cho rằng ông vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản để chạy theo chủ nghĩa tư bản ngày càng trở nên phổ biến nhưng thật ra không phải là như vậy. Nguyễn Minh đoan chắc rằng Đặng Tiểu Bình “đã tự xem mình là một học trò rất trung thành của Mác”. “Ông ấy cho rằng các chính sách của mình hoàn toàn khác biệt với chủ nghĩa tư bản”.
Đặng Tiểu Bình tin rằng ông đang sử dụng những công cụ của chủ nghĩa tư bản như công nghệ hiện đại, cách quản lý tập thể chuyên nghiệp và ngoại thương để củng cố nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc. “Dĩ nhiên, chúng ta không muốn có chủ nghĩa tư bản nhưng chúng ta cũng không muốn bị nghèo khổ dưới xã hội chủ nghĩa,” Đặng Tiểu Bình tuyên bố năm 1979.
Ông tìm cách thuyết phục rằng một hệ thống xã hội chủ nghĩa được hiện đại hóa bằng những phương pháp thực hành chọn lọc kỹ lưỡng từ chủ nghĩa tư bản có thể tạo ra những kết quả thậm chí còn tốt hơn một hệ thống tư bản chủ nghĩa thuần túy. Đặng Tiểu Bình hi vọng hệ thống xã hội chủ nghĩa này sẽ mở đường cho Trung Quốc tiến tới chủ nghĩa cộng sản, điều vốn được xem là chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Tuân theo đúng lý luận của chủ nghĩa Mác vốn khẳng định một xã hội phải trải qua vài giai đoạn phát triển trước khi đạt tới chủ nghĩa cộng sản, Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của chặng đường tiến tới chủ nghĩa cộng sản này. Tình trạng kém phát triển của nền kinh tế đòi hỏi Trung Quốc phải tuân theo nguyên tắc “hưởng theo năng lực”.
Điểm then chốt trong viễn cảnh kinh tế của Đặng Tiểu Bình là vai trò của thị trường. Những người có đầu óc bảo thủ xem nền kinh tế Cộng sản do nhà nước hoạch định và nền kinh tế theo hướng thị trường tự do là hai lực lượng đối kháng nhau. Đặng Tiểu Bình lại cho rằng nhiều yếu tố trong cả hai hệ thống này có thể hòa hợp được với nhau.
Ông khẳng định “thật là sai lầm khi nuôi dưỡng một ý nghĩ cho rằng nền kinh tế thị trường chỉ tồn tại trong xã hội tư bản, rằng chỉ có duy nhất một nền kinh tế thị trường “tư bản chủ nghĩa”. Tại sao chúng ta không thể phát triển một nền kinh tế thị trường dưới chế độ xã hội chủ nghĩa? Phát triển một nền kinh tế thị trường không có nghĩa là thực hành xây dựng tư bản chủ nghĩa”.
Đặng Tiểu Bình hướng tới xây dựng một điều gì đó mới mẻ: một nền kinh tế có khả năng hòa hợp lý tưởng chủ nghĩa cộng sản với phương thức thị trường tự do. Nói với Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1982, ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải hợp nhất chân lý phổ quát trên toàn thế giới của chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của Trung Quốc, cần tiên phong mở một con đường cho riêng chúng ta và xây dựng một nền xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”.
Đặng Tiểu Bình bắt tay thực hiện một cuộc thử nghiệm vĩ đại, một cuộc thử nghiệm mà ngay tại thời điểm đó chỉ cho thấy một tương lai không chắc chắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận