25/07/2017 17:34 GMT+7

​Làm gì trước nguy cơ gia tăng tỷ lệ bị bướu cổ ở trẻ em Việt Nam

THẾ TRUNG
THẾ TRUNG

TTO - Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong (Bộ Y tế), hiện tỷ lệ thiếu hàm lượng i-ốt trong cơ thể người Việt Nam rất cao, số trẻ em 8-10 tuổi bị bướu cổ tăng nhanh, trở thành vấn đề sức khỏe cần phải can thiệp.

Trong khi đó, Nghị định 09/2016 của Chính phủ quy định: muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.

Báo động

Chương trình phòng chống rối loạn thiếu i-ốt từ năm 1994 đến năm 2005 đã làm giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em (8-10 tuổi), tăng tỷ lệ hàm lượng i-ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của WHO.

Tuy nhiên sau 10 năm đến năm 2015, sau khi việc sử dụng muối i-ốt mang tính tự nguyện thì tỷ lệ trẻ em (8-10 tuổi) bị bướu cổ tăng lên 9,8% và là vấn đề sức khỏe cộng đồng và cần can thiệp về chính sách theo khuyến cáo của UNICEF - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang từng cho biết trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp diễn ra tại Văn phòng Chính phủ ngày 13-3-2017.

I-ốt rất cần để tổng hợp ra nội tiết tố (hoóc-môn) giáp trạng, là hoóc-môn đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: i-ốt là một loại vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, trí tuệ.

I-ốt cần thiết cho quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng, sự phát triển não bộ và tăng trưởng thể chất của trẻ em, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Thiếu i-ốt ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, kết quả học tập kém, năng suất lao động giảm, gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế của đất nước.

Với phụ nữ mang thai: thiếu i-ốt dễ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu trong bụng mẹ. Với thai nhi: thiếu i-ốt từ trong bụng mẹ, khi sinh ra sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn, dị tật bẩm sinh và tăng nguy cơ tử vong.

Trẻ nhỏ nếu thiếu i-ốt sẽ làm chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, hạn chế sự phát triển chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng. Cả trẻ em và người lớn nếu thiếu i-ốt sẽ giảm khả năng tư duy, giảm sức lao động và bướu cổ.

Thói quen ăn uống của người tiêu dùng trên cả nước nói chung và người dân TP.HCM nói riêng đã thay đổi trong những năm qua. Xu hướng sử dụng muối ăn trong chế biến thực phẩm đã giảm mà thay vào đó là sử dụng rất nhiều loại gia vị mặn khác nhau như: nước mắm, hạt nêm…

Kết quả giám sát sử dụng muối i-ốt tại hộ gia đình ở TPHCM tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hạt nêm là 81.8%, sử dụng nước mắm là 98,7%, trong khi sử dụng muối i-ốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ có 64.4%.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính lý giải tình trạng thiếu hụt i-ốt trên cộng đồng đang tăng trở lại, đặc biệt ở TPHCM và các tỉnh phía Nam.

BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp

Sự cần thiết phải tăng cường I-ốt

TS. Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em của UNICEF Việt Nam, ủng hộ sự cần thiết phải bổ sung i-ốt trong các thực phẩm sử dụng hàng ngày ở Việt Nam, nhằm bảo đảm bảo sự phát triển trí lực, sức khỏe cho trẻ em.

Bản hướng dẫn gần đây nhất của WHO vẫn khuyến nghị sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày và trong chế biến thực phẩm là giải pháp tăng cường hiệu quả, kinh tế, đã được sử dụng trên 100 nước khác nhau trên thế giới.

BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp giải thích thêm: cơ thể chúng ta thiếu i-ốt là do cơ thể không tự tổng hợp được i-ốt mà phải được cung cấp từ bên ngoài qua thực phẩm. Tuy nhiên nguồn thực phẩm có i-ốt trong tự nhiên không nhiều. Thực phẩm có i-ốt cung cấp qua bữa ăn hàng ngày không đủ so với nhu cầu. I-ốt lại dễ hao hụt trong quá trình chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm.

Khuyến cáo của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Dùng muối i-ốt, hạt nêm i-ốt cho trẻ thông minh, gia đình khỏe mạnh”

Nghị định 09/2016 của Chính phủ quy định: muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt. “Việc ban hành Nghị định 09 nhằm ứng phó với tình trạng trẻ em (8-10 tuổi) bị bướu cổ tăng nhanh chóng, hàm lượng i-ốt trong cơ thế người Việt Nam xuống dưới mức tối thiểu và trở thành vấn đề sức khỏe y tế công cộng và cần can thiệp về chính sách như khuyến cáo của WHO và UNICEF”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Khó khăn và giải pháp

Sau một năm trì hoãn, Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 15-3-2017, trong đó có quy định bắt buộc phải tăng cường i-ốt vào muối ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến thực phẩm.

Ngay khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định bắt buộc doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nếu sử dụng muối thì phải sử dụng muối đã bổ sung i-ốt khiến hoạt động sản xuất của họ bị đảo lộn và làm tăng chi phí…

Tại nhiều quốc gia việc triển khai sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm công nghiệp cũng gặp phải những vấn đề tương tự nhưng chúng tôi mong Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam ủng hộ triển khai chủ trương này”, TS. Friday Nwaigwe nói.

Để cải thiện tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng không chỉ cần có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự tham gia của các nhà khoa học mà còn cần cả ý thức và hành động của từng người dân.

Nghiên cứu “Bổ sung i-ốt vào hạt nêm, góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng”, do BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp chủ trì, thực hiện theo ký kết giữa Sở Khoa học công nghệ và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM là một ví dụ.

Nghiên cứu không chỉ cho thấy “việc hiện nay người dân sử dụng nhiều các loại gia vị mặn khác ngoài muối để chế biến thức ăn như hạt nêm không có i-ốt, là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng thiếu hụt i-ốt gia tăng trở lại”, mà còn đưa ra công thức và quy trình sản xuất “hạt nêm chứa i-ốt”, phù hợp với yêu cầu cần phải có thêm nguồn thực phẩm bổ sung i-ốt để phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt.

Lượng hạt nêm “3 Miền” bổ sung i-ốt sản xuất theo công thức và quy trình này được khuyến cáo tiêu thụ là 10g/ngày/người, đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt và natri khuyến nghị về dinh dưỡng của Bộ Y Tế.

Nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng i-ốt niệu có ý nghĩa phòng bệnh trên người sử dụng hạt nêm “3 Miền” bổ sung i-ốt (i-ốt niệu 24 giờ trung bình tăng lên 320,6 ± 42,3 Mg/24 giờ, cao hơn 2,3 lần so với sử dụng hạt nêm không i-ốt) và có sự gia tăng lượng i-ốt ăn vào (trung bình là 264 ± 126 Mg/ngày) so với khi sử dụng hạt nêm không bổ sung i-ốt (trung bình 95.6 ± 50.1 Mg/ngày).

Mùi vị thơm ngon của món ăn vẫn được đảm bảo. Được biết, hạt nêm “3 Miền” bổ sung i-ốt có cả vị xương thịt hầm dùng cho chế biến các món mặn và vị nấm hương dùng cho các món chay.

THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên