28/09/2016 15:38 GMT+7

​Làm gì khi bị bỏng?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Bỏng là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong lao động, xảy ra chủ yếu ở gia đình và nơi làm việc.

Để hạn chế những tác hại nguy hiểm do bỏng gây ra, giảm tai nạn thương tích do bỏng, mỗi người nên tự trang bị cho mình kiến thức xử lý nhanh vết bỏng và đặc biệt là chủ động phòng ngừa tai nạn bỏng.

Bỏng do nhiệt là loại bỏng hay gặp nhất

Bỏng là một tổn thương trên da hoặc các mô khác của cơ thể gây ra bởi nhiệt, điện, bức xạ, hóa chất… Bỏng do nhiệt là loại bỏng hay gặp nhất, chiếm từ 60% đến 75%, nguyên nhân do bàn là, bô xe máy, cháy nổ bình ga, hỏa hoạn, nước sôi… Bỏng có thể làm thay đổi cấu trúc, làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, nghiêm trọng hơn có thể gây tàn tật hoặc tử vong.

Tai nạn bỏng ở trẻ nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều, bởi sức đề kháng của trẻ còn kém, dễ bội nhiễm. Trẻ có thể tử vong do mất nước, mất điện giải, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch... Số liệu thống kê tại các bệnh viện cho thấy, cứ đến dịp hè, tỷ lệ trẻ bị bỏng thường tăng cao. Đây là thời gian trẻ được nghỉ hè, do bố mẹ đi làm không có người quản lý nên rất dễ xảy ra tai nạn và trẻ em nông thôn thường bị bỏng nhiều hơn trẻ ở thành phố.

Chỉ một vết bỏng nhỏ nhưng bỏng sâu cũng có thể gây nguy hiểm

Bỏng nhẹ: chỉ có phần da ở lớp ngoài cùng bị bỏng; da có dấu hiệu bỏng rát, đỏ giống như bị cháy nắng, không có bóng nước, sau vài ngày sẽ khỏi và không để lại sẹo.

Bỏng vừa: da bị tổn thương sâu hơn (mức độ tổn thương có thể xuống lớp biểu bì, chân bì), da bị phồng lên, tạo thành bóng nước. Nếu bóng nước bị vỡ, sẽ gây đau rát cho vùng da bị tổn thương. Nếu không bị nhiễm trùng, vết bỏng sẽ lành lại và không để lại sẹo (trừ khi diện tích bỏng quá rộng). Ngược lại, nếu bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, lớp da dưới bị phá hủy sẽ làm cho vết bỏng nặng hơn.

Bỏng nặng: toàn bộ lớp da dưới biểu bì đều bị tổn thương bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Vùng da bỏng có màu trắng hoặc cháy sém. Có thể bỏng sâu tới cơ và xương. Vết bỏng rất dễ bị nhiễm trùng, thời gian lành lâu và sẽ để lại sẹo.

Có những vết bỏng nông, tổn thương nhẹ nếu giữ vệ sinh tốt có thể không cần dùng thuốc cũng tự khỏi. Nhưng có những trường hợp bỏng không rộng, chỉ một vết nhỏ nhưng bỏng sâu lại có thể gây nguy hiểm. Cách tốt nhất là đưa người bị bỏng đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện chuyên khoa bỏng để người bệnh được điều trị và xử lý đúng cách.

Sử dụng nước sạch làm mát vùng da bị bỏng - giúp giảm thiểu mức độ tổn thương

Để hạn chế những tổn thương nghiêm trọng do bỏng gây ra, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng. Đầu tiên cần loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng... nhằm làm giảm diện tích và mức độ tổn thương do bỏng. 

Sử dụng nước sạch để làm mát vùng da bị bỏng bằng cách dội nước mát chầm chậm lên vết bỏng hoặc ngâm vào nước mát từ 15 đến 20 phút hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau. 

Việc ngâm vết bỏng vào nước mát có công dụng làm vết bỏng không lan rộng, đồng thời giảm đau và giảm nguy cơ gây sốc, giảm phù nề, viêm nhiễm.

Không nên cố gỡ phần quần áo dính chặt vào vết bỏng, chọc thủng vết bỏng hay loại bỏ phần da bị bỏng. Không được dùng nước đá để làm mát vết bỏng; không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng, mỡ trăn… lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Đối với bỏng do điện giật, không nên chuyển nạn nhân đi cấp cứu ngay mà phải sơ cứu hồi sức cho nạn nhân tại chỗ trước, cần hô hấp nhân tạo cho đến khi nạn nhân thở lại mới vận chuyển đến cơ sở y tế.

Tai nạn bỏng có thể phòng ngừa

Các gia đình cần sắp xếp bố trí ngăn nắp đồ dùng, sinh hoạt trong gia đình, trong bếp như: phích nước, nồi canh nóng… ở những nơi an toàn để tránh nguy cơ bị hỏa hoạn, cháy, nổ, điện giật… gây bỏng. 

Quản lý, sử dụng các hóa chất sinh hoạt, chất tẩy rửa, hóa chất công nghiệp đúng quy định, an toàn. 

Để xa tầm tay trẻ em và không để trẻ chơi những đồ dùng, hóa chất có nguy cơ gây bỏng. 

Áp dụng các biện pháp phòng cháy như sử dụng máy phát hiện khói, bình xịt chống cháy cũng như hệ thống phát hiện cháy nổ trong gia đình. Thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất, sử dụng vải chống cháy… 

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bỏng