Nhân đọc bài Thế nào là “lời hứa” của bộ trưởng?
Phóng to |
Điển hình đó là nhiều vấn đề Ban Dân nguyện cho đó là lời hứa với QH, cử tri, nhưng các vị Bộ trưởng lại cho đó không phải là lời hứa, nghĩa là không có trách nhiệm phải thực hiện lời nói trước toàn dân. Đó là nói để cho... có nói, nói để cho toàn dân biết tôi vẫn là một Bộ trưởng, nhưng không có trách nhiệm giải quyết những lời hứa đó. Nếu gay gắt quá thì tôi "sẽ kết hợp với bộ này, anh khác" sẽ bàn bạc và... sẽ trả lời sau?
Cho đến nay, chúng ta chưa có một văn bản pháp luật nào quy định thế nào là lời nói của Bộ trưởng trở thành lời hứa, rồi thực hiện lời hứa đó như thế nào. Đây là trăn trở của toàn dân, đáng ra không cần thiết, nhưng vì các vị hứa nhiều quá mà chẳng làm được bao nhiêu nên người ta lại yêu cầu đến... luật! Qua đây thể hiện sự yếu kém rất rõ về tinh thần trách nhiệm.
Cứ nhìn lãnh đạo các nước, khi xảy ra vấn đề - có thể vấn đề đó chưa bao giờ các vị hứa - nhưng thuộc lãnh vực mình quản lý, ngay lập tức họ tự chịu trách nhiệm, hình thức tự nhận trách nhiệm là từ chức. Chúng ta, một số lĩnh vực có nhiều vấn đề như giáo dục, giao thông, y tế... xảy ra quá nhiều vấn đề. Kỳ họp nào cũng nghe các vị đứng đầu ngành "xin hứa, xin nhận trách nhiệm..." nhưng đâu rồi cũng vào đó. Lời nói... gió cứ thổi bay!
Làm gì để những lời nói đó gió... thổi không bay? Cơ chế nào có thể truy được đó là lời hứa của anh, nếu anh hứa mà không thực hiện, giải quyết được thì anh phải chịu hình thức trách nhiệm nào? Đây là những câu hỏi chúng ta buộc phải trả lời được trước khi vào thực chất các buổi chất vấn trên QH. Nếu không có cơ chế giám sát, những buổi chất vấn trả lời trên QH thực chất cũng chỉ là... diễn đàn. Khi kết thúc diễn đàn, mọi thứ vẫn vận hành theo lối cũ!
Nếu chúng ta chưa có cơ chế giám sát, các vị đầu ngành vẫn “xin - sẽ", thì trước khi chất vấn, cứ phát lại băng những vấn đề mà các vị đã hứa kỳ họp trước chưa thấy giải quyết, tiếp tục giải quyết triệt để bằng chính những... lời hứa tại kỳ họp này. Có thể đây là biện pháp... truy hiệu quả, để các vị hiểu đúng thế nào là "lời hứa". Khi nhận ra đúng vấn đề, chúng tôi tin các vị bộ trưởng sẽ rất hạn chế hứa và chỉ bắt tay hành động thôi!
Người dân cần Bộ trưởng nói đi đôi với làm là đủ!
Với tư cách là một công dân, là một cử tri, bấy lâu nay tôi vẫn tin rằng việc các vị Bộ trưởng của chúng ta mỗi lần đứng trước Quốc hội trả lời chất vấn của các đại biểu, về một vấn đề nào đó và đưa ra một phương án là Bộ sẽ kết hợp với các ban ngành A; B; C... để giải quyết vấn đề được đặt ra, thì đó chính là lời hứa của Bộ trưởng đối với đại biểu, với nhân dân.
Thế nhưng, thật bất ngờ… là không ít Bộ trưởng lại nói: “đó không phải là lời hứa”. Thực tình, tôi không biết khi các vị không thừa nhận những lời nói đó của mình trước Quốc hội là lời hứa… thì các vị coi đó là gì? Không lẽ các vị coi đó chỉ là lời lời nói bông đùa, hoặc đó là do các Bộ trưởng bị đại biểu chất “dữ” quá thành ra nói nhảm, nói lan man, nói đại cho qua…!!???
Đến đây thì rõ ràng là những cử tri như chúng tôi không thể yên tâm về chất lượng của các kì họp quốc hội nữa! Bởi một điều, những vấn đề cử tri chúng tôi bức xúc đều đã được các đại biểu đem ra bàn thảo, chất vấn, xin ý kiến của Bộ trưởng... trước quốc hội, nhưng cuối cùng lại nhận được những câu trả lời, những phương án mang tính nửa vời từ Bộ trưởng… và đó không là lời hứa của Bộ trưởng với cử tri chúng tôi. Khi các cán bộ đã không xem đó là những lời hứa, thì cử tri chúng tôi biết chắc một điều là trong quá trình thực hiện nó, các vị Bộ trưởng sẽ trở nên vô trách nhiệm, và cuối cùng thì những nguyện vọng của cử tri sẽ mãi không được thực hiện theo đúng nguyện vọng của mình.
Vậy nên, là cử tri, chúng tôi thấy không cần nữa những lời nói vốn không phải là lời hứa. Và ngay cả những lời được các vị Bộ trưởng nhận đó là những lời hứa, song trên thực tế các vị lại thờ ơ, vô trách nhiệm với nó… thì chúng tôi cũng không cần nốt. Bởi đó không khác những lời nói “suông” vô nghĩa. Và cuối cùng là chúng tôi lại càng không cần việc Quối hội đưa ra và luận bàn xem thế nào là lời hứa và thế nào là lời nói… điều đó có vẻ dư thừa.
Và cuối cùng là điều chúng tôi cần ở các vị Bộ trưởng, đó là lời nói (không cần là lời hứa!) phải đi đôi với hành động.
Giá như Bộ trưởng đừng hứa!
Có một điều mà cử tri không thích chút nào ở Bộ trưởng là khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng không đi thẳng vào vấn đề mà cứ “vòng vo tam quốc” mãi đến khi hết thời gian mà vẫn chưa nói được vấn đề cốt lõi cử tri quan tâm. Cử tri hết sức ngán ngẩm khi phải chứng kiến cái điệp khúc lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần của các Bộ trưởng. Bộ trưởng này nói “chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ trình chính phủ giải quyết”, Bộ trưởng khác cũng nói “chúng tôi nhận thấy khuyết điểm và sẽ sửa chữa”...
Trách nhiệm chỉ có mỗi Bộ trưởng mà nói là “chúng tôi”, cứ y như bộ trưởng muốn lôi cả bộ vào bàn họp. Thế nhưng, những cái “tiếp thu”, “nhận khuyết điểm”, “sẽ sửa chữa” hầu như không thấy Bộ trưởng nào thực hiện. Nhưng cử tri thì cứ đinh ninh rằng những tâm tư của mình đã đến được tai Bộ trưởng và xem những cái “sẽ sửa chữa”, “tiếp thu” đó như một “lời hứa”.
Rồi thời gian trôi qua, kỳ họp mới lại đến nhưng cử tri không thấy Bộ trưởng thực hiện “lời hứa” của mình. Cử tri giận lắm, muốn làm ra lẽ vì sao Bộ trưởng đã hứa mà không chịu thực hiện? Đến khi có người chuyển lời nhắn của cử tri đến Bộ trưởng thì Bộ trưởng trả lời một cách vô tư “chúng tôi có hứa bao giờ đâu”. Mà đã không hứa thì không thực hiện và cũng chẳng có trách nhiệm gì cả!
Bộ trưởng thì có năm bảy cách giãi bày, có chín mười đường tháo lui, chỉ thiệt cho cử tri chân chất thực bụng nên cả tin vào những “lời hứa” suông của Bộ trưởng trước nghị trường để rồi ngậm ngùi nhận ra “mình bị lừa”. Bị người khác lừa thì được chứ để Bộ trưởng lừa thì tức lắm. Bộ trưởng là người quản lý tối cao một ngành, có quyền “hô mưa hoán vũ” nhưng lại là công bộc của dân. Bộ trưởng tốt là phải lo lắng đến kế an dân, lo cho dân như con của mình (quan chi phụ mẫu).
Quyền của Bộ trưởng thì to thật nhưng trách nhiệm cũng rất lớn. Bộ trưởng phải có trách nhiệm về những sai phạm của bộ mình. Trách nhiệm ở đây không chỉ là trách nhiệm gánh vác mà còn là một hành động có văn hoá nói chung. Thế mà cử tri có thấy Bộ trưởng nào chịu trách nhiệm thật sự đâu.
Các Bộ trưởng nói đến trách nhiệm thì nhiều lắm nhưng thử hỏi có mấy Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm? Sự cố tàu E2 năm 2004 ở Lăng Cô (Huế) có làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nghỉ việc? Chi hàng trăm dự án dang dở theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ” có làm Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư từ chức? Không! Các vị không từ chức mà còn vững ngôi hơn bao giờ hết. Người dân có cảm tưởng là sau mỗi “sự cố” ở mỗi bộ là để củng cố thêm địa vị của Bộ trưởng và làm cho bộ ấy thêm “nổi tiếng” vì được dư luận chú ý.
Dư luận đặt câu hỏi là tại sao không sa thải những Bộ trưởng bên ngoài khoác lác mà trong bụng không một chút vì dân? Phải chăng ta thiếu người, thiếu năng lực? Không! Thiếu người thì không. Thiếu năng lực lại càng không. Vậy thì hà cớ gì chúng ta giữ lại những kẻ sâu mọt hại dân hại nước? Cử tri chúng tôi rất đau lòng trước thực trạng đất nước làm ăn trì trệ. Ấy thế mà có vị Bộ trưởng nói chúng ta sẽ tiến kịp Thái Lan trong vòng 20 năm tới. Chưa chắc đâu! Người ta có ngồi chờ mình đuổi kịp người ta, mà cứ cách làm ăn kiểu này thì sự tụt hậu còn xa lắm. Vì thế mà đất nước cần một xung lực để phát triển thì Luật đầu tư ra đời lại kìm hãm một cách nặng nề.
Chúng ta quen làm theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì sẽ có lúc trên sân chỉ còn có ta đá bóng mà thôi. Mà lạ thay, đá với người ngoài có thắng có thua cũng lấy làm hãnh diện chứ người trong nhà đá hoài với nhau còn vui nỗi gì? Vấn đề sẽ không thể nói dứt nếu cứ nói ra mãi thế này, vì thế tôi xin nêu mấy kiến nghị sau cũng là hợp tình với lòng cử tri cả nước cả.
1. Trong trả lời chất vấn, QH phải xem xét bộ nào gây nhiều bức xúc ở cử tri thì cho bộ đó được trả lời nhiều thời gian hơn. Các bộ có ít bức xúc của cử tri có thể trả lời chất vấn ít hơn. QH phải quan tâm để các bộ trưởng có nhiều vấn đề trả lời chất vấn trước. Trường hợp ý kiến nhiều quá, có thể kéo dài kỳ hợp một tháng rưỡi so với hiện tại là một tháng.
2. Không chấp nhận Bộ trưởng trả lời ĐB quốc hội bằng văn bản. QH cho ĐB chất vấn trực tiếp Bộ trưởng cho đến khi hết ý kiến thì thôi.
3. QH qui định đâu là “lời hứa” và đâu là lời “cửa miệng” của các Bộ trưởng để tiện việc giám sát, xử lý.
4. QH ban hành qui định khung pháp lý chế tài Bộ trưởng không thực hiện quá nửa “lời hứa” của Bộ trưởng.
5. Tuyên truyền mục đích, lý tưởng phục vụ nhân dân vào hàng ngũ lãnh đạo cốt cán.
Các vị Bộ trưởng nếu đã nói thì phải làm
Với người dân, việc định nghĩa "Thế nào là lời hứa của Bộ trưởng" không quan trọng. Điều quan trọng là các vị Bộ trưởng đã nói gì và hành động gì để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, chứ không phải là những lời nói ấy phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào để được liệt vào hàng lời hứa bắt buộc phải thực hiện.
Chẳng hạn Bộ trưởng bộ A nói: bộ sẽ cố gắng khắc phục vấn đề X Y Z trong thời gian tới. Về hình thức, đây có thể không phải là lời hứa nhưng nếu qua một thời gian dài sau đó vấn đề không được giải quyết, vẫn còn những bức xúc thì chắc chắn người dân sẽ mất lòng tin vào bộ, vào đảng. Hâu quả của lời nói của người lãnh đạo không được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, làm nửa với chẳng hề liên quan đến những tiêu chuẩn về lời hứa ban đầu cả.
Mặc khác, một yêu cầu rất quan trọng của hầu hết cử tri là các Bộ trưởng cần tránh phát biểu chung chung, không đi vào trọng tâm của các vấn đề. Đòi hỏi lúc nào cũng phải chi tiết, rõ ràng và có căn cứ. Nếu đáp ứng được yêu cầu này thì chẳng cần đưa ra các tiêu chuẩn mà tự bản thân mỗi lời nói như vậy sẽ trở thành những lời hứa. Xin được nhắc lại cái dân cần chính là: xin các vị Bộ trưởng nếu đã nói thì phải làm.
Vấn đề là ý thức trách nhiệm
Đã không ít lần cử tri thắc mắc về việc nhiều thành viên Chính phủ hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước sẽ giải quyết các vấn đề Quốc hội và cử tri yêu cầu nhưng đã... thất hứa. Hy vọng thật nhiều ở kỳ họp lần này với nhiều sự đổi mới của Quốc hội, nhất là việc xác định trách nhiệm cá nhân các thành viên Chính phủ. Thế nhưng, hy vọng rồi lại thất vọng.
Đã có những vị "tư lệnh" nhanh chóng tìm cách thoái thác trách nhiệm của mình và của ngành bằng cách ... "chiết tự". Theo lời ông Lê Quang Bình, đã có những bộ trưởng cho rằng, ở kỳ họp trước lời hứa của họ không phải là... lời hứa. Thế thì nó là cái gì đây? Cũng theo lời ông Bình, khi trả lời trước Quốc hội, rất ít bộ trưởng nói rõ rằng "tôi xin hứa với Quốc hội..." mà phổ biến các bộ trưởng chỉ nói "chúng tôi xin tiếp thu và tới đây sẽ phối hợp với..."hoặc "chúng tôi xin tiếp thu và tới đây sẽ báo cáo Chính phủ để khắc phục".
Như vậy quả bóng trách nhiệm đã được chuyền sang chân Chính phủ. Ở đây chúng tôi hiểu rằng, với cách trả lời "phổ biến" như trên, các vị bộ trưởng đã rất chủ động né tránh trách nhiệm của mình. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các vị Bộ trưởng không "xin hứa" trước Quốc hội và cử tri cả nước những việc cần phải làm. Chính vì vậy, ở các lần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, chủ tịch đoàn cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của những người đứng đầu các ngành và yêu cầu những vị đó phải hứa, cao hơn là nói rõ thời gian thực hiện lời hứa của mình để Quốc hội và cử tri giám sát.
Từ thực tế trên đây, thiết nghĩ Quốc hội cần sớm triển khai việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ. Việc này sẽ giúp cho họ ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Ban hành những qui định về việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ là điều cần làm, tuy nhiên, trước hết và rất quan trọng, các thành viên Chính phủ phải nhận thức được trách nhiệm của mình mà tự giác, chủ động thực hiện những vấn đề tồn tại của ngành mình phụ trách chứ không phải đợi đến khi Quốc hội "truy hỏi" hoặc khi bị "tái hỏi" thì cho rằng mình không hứa.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Các thành viên Chính phủ phải là "công bộc", là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" như lời Bác dạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận