13/08/2008 20:37 GMT+7

Lạm dụng bia rượu chưa được xem là quốc nạn?

MAI ĐẶNG THẢO NGUYÊN
MAI ĐẶNG THẢO NGUYÊN

TTO - Tôi vẫn nhớ một bài viết của bác sĩ Lương Lễ Hoàng rằng "chưa ở đâu người ta chia nhau thuốc độc mà vui như ở bàn nhậu". Và tôi đem bài viết ấy cho vài người bạn mê nhậu xem, họ chỉ cười khẩy.

6.000 tỉ đồng và những cuộc nhậu!

Với đàn ông, nhậu có nhiều lý do, nhậu vì công việc, vì mối quan hệ bạn bè, vì vui, vì buồn... Nói chung, nhậu là gen thừa hưởng từ đời này sang đời khác của đàn ông Việt Nam. Hậu quả của chuyện nhậu đều trút lên phụ nữ, buồn phiền, lo lắng cho sức khỏe của chồng, con...

Chúng ta nói nhiều đến tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu nhưng thật sự chưa ai nhắc nhiều đến việc giảm uống rượu bia trong các buổi tiệc chiêu đãi. Thứ nhất tiết kiệm được tiền, thứ hai giữ được sức khỏe, thứ ba tránh được những thiệt hại, tổn thất do tai nạn giao thông. Việc bán rượu bia tại nước ta giống như bán nước suối, việc một em nhỏ chừng 6-7 tuổi mang chai đi mua rượu là chuyện bình thường. Học sinh trung học phổ thông thì đã biết tụ tập nhậu nhẹt. Và chúng ta hầu như là "bó tay" trước những hiện tượng đó. Ngay cả việc điều khiển các phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia cũng là chuyện thường ngày, thỉnh thoảng ai "xui" lắm mới bị đo nồng độ rượu .

Nếu có những quy định chặt chẽ hơn về việc bán rượu cho đối tượng nào kèm theo những hình phạt nghiêm khắc cho người lái xe khi say rượu có lẽ sẽ có hiệu quả hơn. Ngoài ra, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên nhìn nhận việc uống rượu bia xả láng này một cách nghiêm túc như chuyện đội mũ bảo hiểm. Mỗi ngày phát một clip hình lá gan dưới tác dụng của rượu để các anh bợm nhậu cảm nhận được lời kêu cứu của cơ thể nếu không các anh cứ suy nghĩ theo kiểu "mặc kệ nó" khi cầm ly.

Vấn đề này lẽ ra phải được xã hội nhận thức một cách đầy đủ về tác hại và hậu quả lâu dài để có giải pháp kịp thời khi còn chưa quá muộn.

Ở các nước công nghiệp phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Hà Lan, .v.v người ta vẫn đang sử dụng rượu bia, và người dân của họ vẫn đang là những công dân có nhiều ưu thế hơn về thể chất và trí tuệ so với các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên đa số người dân các nước văn minh họ hiểu rất rõ thành phần các hợp chất có trong thức uống cũng như tác dụng của nó lên cơ thể của con người như thế nào? Vì vậy họ biết nên uống thức uống gì, uống bao nhiêu và vào thời điểm nào? Một lý do khác là sản phẩm thức uống được sản xuất theo các công nghệ tiêu chuẩn để bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể nếu không lạm dụng. Hệ thống pháp luật cũng có những quy định chặt chẽ để bảo vệ những công dân không ý thức được tác hại của việc lạm dụng thức uống có cồn.

Hầu hết những người lạm dụng bia rượu ở Việt Nam không nhận thức được các vấn đề rất nghiêm trọng của chất hóa học alcohol (cồn), không chỉ có tác hại đến thể chất mà nguy hiểm hơn, nó sẽ hủy diệt tế bào thần kinh, và làm cho người sử dụng nhiều rượu bia trở nên phản ứng chậm chạp, ngày càng đần độn hơn (do các dây thần kinh trong tế bào não bị hủy diệt dần dần).

Tác động của cơ chế này, chúng ta có thể nhận thấy tức thời ở người một người vừa uống say mất khả năng kiểm soát về ngôn ngữ và hành động, vì vậy họ thường nói năng không chuẩn, đi đứng chao đảo, và nhiều khi có những hành động bất thưòng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân xã hội.

Thể chất và trí tuệ của các công dân của một đất nước sẽ trở nên như thế nào? Và sự tiến triển của xã hội Việt Nam do chính từng cá nhân của xã hội đó quyết định sẽ ra sao?

Con số 6.000 tỷ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam mỗi năm có thể làm nhiều người giật mình về mức độ “nhậu nhẹt” của người Việt. Tuy nhiên nếu chịu khó quan sát thì có thể sẽ kinh hoàng hơn khi đề cập đến mức độ an toàn mà người Việt đang tiêu xài 6.000 tỷ đồng này.

Ngoài lượng bia, rượu có thương hiệu được các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước sản xuất, có một phần không nhỏ còn lại là do những cơ sở sản xuất nhỏ, không đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là chưa kể đến khâu bảo quản, phân phối chưa đạt yêu cầu. Có một điều rất đáng ngạc nhiên là nếu đi sâu về các vùng nông thôn thì sẽ thấy tồn tại một thực tế là rượu ai cũng có thể nấu, ai cũng có thể bán. Trong khi đây là một sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Chẳng ai biết được những chai rượu có mặt trên thị trường đã được pha chế như thế nào, với những chất gì, có đảm bảo hay không… Người sử dụng chỉ còn biết “nhắm mắt” mà dùng. Ngược về các thành phố, đi dọc các con đường có thể thấy nhan nhản những nơi cung cấp bia giá rẻ, được sản xuất theo kiểu hộ gia đình, hoặc các cơ sở nhỏ. Và tất nhiên cũng chẳng ai biết chất lượng thật sự ra sao. Người tiêu dùng không thể tự mình thẩm định chất lượng của những sản phẩm như vậy, họ chỉ còn biết “chấp nhận” rủi ro khi quyết định chọn lựa một sản phẩm giá rẻ.

Trước hết, các cơ quan quản lí cần quản lí chặt chẽ khâu đầu ra. Việc sản xuất rượu bia ở quy mô nhỏ cần phải được chọn lọc dựa trên những tiêu chuẩn nhất định, chỉ những cơ sở nào có đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm túc các cam kết thì mới được cấp phép.

Trong quá trình sản xuất, cơ quan quản lí địa phương cần phải thực hiện kiểm tra định kì để đảm bảo các cơ sở sản xuất thực hiện đúng các yêu cầu ban đầu, tránh việc “siết đầu vào, thả đầu ra”. Đây là những việc cần phải làm mạnh ngay từ bây giờ để góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho một trong những mảng tiêu dùng thường xuyên của người dân là sử dụng các chất có cồn. Để không còn những trường hợp ngộ độc thương tâm xảy ra như thời gian vừa rồi, cũng như bảo vệ sức khỏe lâu dài cho hàng triệu người tiêu dùng.

MAI ĐẶNG THẢO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên