Lâm Đồng có 60,3% diện tích tự nhiên là rừng với nhiều kiểu thảm thực vật. Tại đây đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 45 loài trong danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Các nhà khoa học đã ghi nhận trong rừng Lâm Đồng có sự hiện diện của 85 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim, 102 loài bò sát - lưỡng cư.
Tuy nhiên nguồn đa dạng sinh học ở tỉnh Lâm Đồng đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thể hiện qua các cấp độ: giảm chất lượng và các chức năng của hệ sinh thái; nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể. Trong một số trường hợp, đa dạng gen của quần thể các loài trọng tâm cũng đang bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt manh mún sinh cảnh làm cô lập các quần thể này.
Mối đe dọa đối với tính đa dạng sinh học của Lâm Đồng bao gồm các đe dọa trực tiếp như khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; săn bắt động vật hoang dã và khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản; phá rừng lấy đất sản xuất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; cháy rừng; khai thác khoáng sản. Đại diện Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, số vụ vi phạm lâm luật trong 5 năm ở Lâm Đồng (từ 2008 - 2012) do ngành kiểm lâm xử lý là 3.325 vụ với 1.409 ha rừng; khai thác lâm sản trái phép 2.743 vụ, thiệt hại 11.386 m3 gỗ tròn, hơn 7,7m3 gỗ xẻ; từ năm 2001 đến 2012, toàn tỉnh bị 453 vụ cháy rừng với hơn 1.186 ha... Còn các mối đe dọa gián tiếp là: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xâm nhập của động thực vật ngoại lai gây hại, phát triển du lịch thiếu kiểm soát.
Việc quản lý bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên trong cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là cơ chế, chính sách, luật pháp về quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập; năng lực bảo tồn còn hạn chế; nhận thức chưa đầy đủ về các giá trị của đa dạng sinh học.
Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng cho biết ở tỉnh, từ 5 năm nay, lực lượng thiếu, bỏ lửng 3 - 4 năm trong triển khai kế hoạch hành động đa dạng sinh học. Điều này cho thấy, những số liệu về đa dạng sinh học được nêu ở trên chỉ là sự kế thừa, nếu được điều tra đầy đủ, chắc chắn số lượng các loài động, thực vật được ghi nhận ở Lâm Đồng sẽ còn phong phú hơn nhiều; đồng thời sự suy thoái, thậm chí tuyệt chủng cũng “báo động đỏ” hơn nữa. Đã đến lúc phải “hành động” ngay là cảnh báo của các chuyên gia, các nhà quản lý về đa dạng sinh học. Chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2008 - 2020 của Lâm Đồng đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đa dạng sinh học và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.
Theo kế hoạch, ngành Tài nguyên & Môi trường đã đề xuất tổng kinh phí dự kiến 12,7 tỷ đồng, bao gồm 3 dự án về thu thập thông tin, điều tra, đánh giá, hiện trạng tài nguyên; hiện trạng công tác quản lý và khai thác; xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận