Nhờ chịu khó viết nháp các bài tập làm văn, cả bài toán nữa, tôi theo được nghề thầy. Những năm 1960, tôi yêu cầu HS phải tập làm dàn ý rồi mở rộng ý thành câu, thành đoạn trên bản nháp rồi mới tạo thành bài chép nộp.
HS của tôi kêu trời. May mà nhiều em tuân thủ việc tư duy trên dàn ý mà câu chữ xếp theo trật tự logic trên nháp, rất có lợi cho việc rèn ý, luyện câu, tạo bài. Nhưng phải đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới có đủ ba bản: dàn ý, bản nháp và bài văn nộp.
Nhiều khi tôi chỉ thu một trong ba bản đó tùy trình độ từng em. Tôi yêu cầu phải sửa chữa bản nháp nhiều lần, dập xóa chỉnh đốn câu, thêm bớt từ, bỏ từ vô vị tối nghĩa. Như Andersen khi giấy nháp của ông đã dập xóa hết chỗ, ông đã viết thêm ra trên những tờ giấy nhỏ và khâu vào. Cho nên truyện của ông người lớn, trẻ con đều thích. Tôi cho các em xem thủ bút một bản nháp của Nguyễn Công Hoan để thấy rõ nhà văn chu đáo khi lao động nghệ thuật.
HS bây giờ đánh rơi mất vũ khí rèn giũa văn chương, hạ bút viết bừa, câu lôi thôi dài dòng không chấm phẩy gì cả. Thầy cũng chỉ xem lướt bài văn, đếm ý cho điểm. Cho nên văn chương học đường thật là “bí bét”.
Hỡi ôi, còn đâu thói quen làm bản nháp để tạo văn bản ở trường!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận