03/04/2004 07:12 GMT+7

Lại xuất hiện "cò" thi thuê đại học!

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - Năm trước, nhiều đường dây thi thuê đại học bị phát hiện, khởi tố... nhưng không vì thế mà hình thức gian lận này không còn. Dù bốn tháng nữa mới đến kỳ thi tuyển sinh 2004, nhưng các đường dây thi thuê đã ráo riết vào cuộc...

x5oKKPbe.jpgPhóng to
Tài tự nhận đã lo cho nhiều phi vụ vào ĐH bằng tiền - Ảnh: N.H.
TT - Năm trước, nhiều đường dây thi thuê đại học bị phát hiện, khởi tố... nhưng không vì thế mà hình thức gian lận này không còn. Dù bốn tháng nữa mới đến kỳ thi tuyển sinh 2004, nhưng các đường dây thi thuê đã ráo riết vào cuộc...

Những học viên luyện thi... một ngày

Đầu tháng 3-2004, khi các thí sinh đang chuẩn bị chọn lựa ngành học và bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, thì tại các trung tâm luyện thi khu vực TP.HCM bỗng bùng lên các thông tin về thi thuê vào ĐH. Tại các trung tâm luyện thi trên đường Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)... thường có một thanh niên lịch sự, chờ phụ huynh đến đón con mình đang học luyện thi để gạ gẫm, đàm luận về một vấn đề rất thời sự: “Vào ĐH bây giờ khó quá!”.

Thanh niên này nhanh chóng tìm được sự đồng cảm với các vị phụ huynh, để rồi ngón nghề cuối cùng mới lòi ra: “nhận thi thuê”. Chưa dừng ở đó, thông tin về nhóm “cò” gạ thi thuê ngày càng xuất hiện nhiều hơn, lan sang các trung tâm luyện thi ở quận 3, quận 1. Đó là những học viên thường vào các lớp luyện thi rỉ tai, viết giấy giới thiệu về “một công việc quan trọng”, thu nhập cao nhằm lôi cuốn nhiều học viên đi theo con đường của các “cò” thi thuê này.

Tình cờ chúng tôi gặp một học viên tên H. tại một trung tâm luyện thi trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Khi nghe chúng tôi thăm dò về chuyện trong lớp có ai vào gạ thi thuê không, H. kể ngay: “Nó giỏi lắm anh ạ! Hôm học môn hóa, cô giáo cho bài làm cả lớp không ai giải được vì khó, thế mà nó lên bảng giải được ngay!”. Bước đầu tạo dựng uy tín của mình trong mắt các học viên cùng học trong lớp luyện thi của “cò” là như thế: giỏi giang, lịch sự và quan trọng nhất là tạo được niềm tin ngay từ đầu để “hút hàng” về phía mình.

Cuối cùng, chúng tôi cũng tiếp cận được với một số học viên vừa được “cò” rỉ rả để rủ “làm ăn chung” tại trung tâm luyện thi “chất lượng cao” thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM). Hôm ấy nơi này không tổ chức kiểm tra hóa đơn của học viên và thế là “cò” cứ thản nhiên vào lớp... Cũng với bài bản lên bảng giải toán, sau đó “cò” này (tên Tuấn) đã đề nghị toàn bộ học viên nam trong lớp ở lại để “bàn việc quan trọng”. Cò này sau khi cho số điện thoại của mình lại bắt đầu hành trình đến trung tâm khác.

Ba kiểu thi thuê!

Buổi tối, khi liên lạc theo số điện thoại của Tuấn cho, chúng tôi đã gặp Tài (Tài là SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện đang thực tập chuẩn bị tốt nghiệp). Tài cho biết: “Không còn nhận hồ sơ vào các trường công lập. Chỉ còn nhận hồ sơ vào các trường dân lập thôi với giá 10 triệu!”. Và cuộc hẹn với Tài được chóng vánh thiết lập vào sáng hôm sau.

Trong buổi làm việc ấy, chúng tôi mới nhận ra rằng lời nói tối hôm trước của Tài chỉ là... “nói bóng nói gió”... Tài vào đề ngay: “Có ba hình thức lo. Thứ nhất tôi có thể đưa bài vào. Thứ hai thi xong tôi nâng điểm. Thứ ba không cần thi mà có người thi hộ luôn”.

Trong suốt buổi trò chuyện, Tài tỏ ra là một người rất am hiểu về tuyển sinh ĐH. Tài luôn miệng nhắc đến - và không giấu nổi vẻ tự hào - khi đường dây của mình có bao luôn cả giám thị. Nghe Tài nói chúng tôi cũng giật mình, khi mà đối với cách đưa bài giải vào phòng thi, Tài tự tin tuyên bố từ 5g sáng là đường dây của Tài đã có đề, đến 7g30 là giải xong. Lúc đó tùy tình hình mà giám thị sẽ đưa bài giải vào.

“Nếu có thí sinh trong phòng thi phản ứng khi thấy có thí sinh chép bài thì sao?”. Tỏ vẻ kinh nghiệm, Tài trả lời ngay: “Tất nhiên những phòng thi kiểu đó giám thị sẽ coi dễ dãi hơn, hơn nữa thí sinh lo làm bài chứ ít ai để ý xung quanh mình”. Về trường hợp nâng điểm, Tài yêu cầu phải cho kiểm tra trình độ trước, sau đó mới đánh giá tình hình theo kiểu: thí sinh sẽ làm bài được bao nhiêu điểm, dự kiến ngành đó sẽ lấy bao nhiêu và báo lại cho phụ huynh biết là “có cửa” hay không. Nếu phụ huynh thấy không đủ sức mà vẫn chấp thuận thì không trúng tuyển vẫn phải trả tiền sòng phẳng.

Qua đến chuyện tiền bạc, Tài tỏ ra sôi nổi và cương quyết: “Giá cả tôi nhận một trường hợp vào sư phạm là 20 triệu. Giá đó là gần như không thay đổi”.

* Còn vào khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM thì sao?

- Tài: Kinh tế phải không? 17 triệu.

* Nếu ứng trước thì bao nhiêu?

- Ứng trước 5 triệu để chi phí. Hồ sơ giao bọn tôi.

* Năm ngoái nhận làm bao nhiêu trường hợp?

- Năm ngoái tôi lo 10 trường hợp, có một trường hợp không vô được khoa công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa, cũng dạng nâng điểm.

* Trường hợp đưa “gà” vào thi hộ thì hồ sơ, hình ảnh ra sao?

- Tụi tôi đã “bao” giám thị, đó là giám thị của tôi. Nếu công lập xui xẻo, tôi sẽ có trách nhiệm đưa vô dân lập. Dân lập tôi chỉ lấy 12 triệu.

Một mùa tuyển sinh ĐH nữa lại sắp diễn ra và những trò ma mãnh cũ lại bắt đầu tung chiêu gạ gẫm không ít người mong muốn vào đại học bằng... tiền!

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên