![]() |
Điêu khắc gia Alfred Hrdlicka |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Viện bảo tàng Thánh đường tại thủ đô Vienna (Áo), vốn không được giới nghệ thuật thế giới quan tâm lắm kể từ khi được thành lập năm 1933, bỗng chốc trở thành tâm điểm của các tín đồ Thiên Chúa giáo Âu - Mỹ và văn nghệ sĩ. Chẳng là nơi đây mở cuộc triển lãm các tác phẩm của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Alfred Hrdlicka - một tên tuổi lớn của nghệ thuật đương đại Áo, nhân sinh nhật 80 tuổi vào tháng ba vừa qua và đến 10-5.
Cuộc triển lãm với chủ đề "Tôn giáo, nhục thể và quyền lực" (Religion, fleisch und macht) gồm một số tranh và tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ theo chủ nghĩa vô thần này, thể hiện Chúa Jesus và các tông đồ trong nhiều tình huống khác nhau. Tác phẩm gây tranh cãi nhất có tên khá dài dòng là Bữa tiệc cuối cùng của Leonardo tại nhà hàng của Pier Paolo Pasolini thể hiện 12 tông đồ đang nằm trên bàn ăn với những cử chỉ không tiện viết ra nơi đây.
Sau khi nhiều tín đồ cùng giáo hội Thiên Chúa giáo thành phố Vienna phản ứng mạnh mẽ, lên án tác phẩm này là báng bổ, ngày 7-4, ban tổ chức đã tạm thời đem tranh cất đi. Nhưng theo ông Bernhard Boehler, giám đốc bảo tàng: "Hrdlicka chỉ muốn nêu ra phần nhục thể trong con người với phong cách gây ấn tượng", bản thân ông nhận thấy không có gì là báng bổ!
Không chỉ tại Áo, giáo hội Thiên Chúa giáo tại Đức, Mỹ cũng kịch liệt lên án Hrdlicka. Trang chủ tôn giáo kreuz.net mô tả hình ảnh trong tác phẩm nói trên là xấu xa, trụy lạc, còn nhật báo Die Presse của Áo ví bức tranh này là "phiên bản Vienna của cuộc khủng hoảng biếm họa".
Người phát ngôn của Hồng y giáo chủ Christoph Schoenborn của thành phố Vienna tuyên bố bảo tàng tổ chức triển lãm không có nghĩa là những người tổ chức cùng quan điểm với tất cả tác phẩm được trưng bày. Ông cũng nói thêm là việc dỡ bỏ Bữa tiệc của Leonardo không phải là hành vi kiểm duyệt mà chỉ là "một hình thức bày tỏ sự tôn trọng đối với những ai mà tác phẩm này có thể làm tổn thương sâu sắc niềm tin của họ”.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, họa sĩ Hrdlicka cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì Bảo tàng Thánh đường dám tổ chức triển lãm các tác phẩm gây tranh cãi của mình. Hrdlicka gọi Boehler là một người "mạnh mẽ” nhưng ông cùng Boehler đồng ý với nhận định của báo Die Presse là sự tranh cãi quanh tác phẩm này có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tranh biếm về tiên tri Mohammad.
Tuy luật pháp các nước Tây Âu, chẳng hạn như Đan Mạch, nghiêm cấm hành vi báng bổ tôn giáo, nhưng điều này thường chỉ áp dụng vào những trường hợp phỉ báng trực tiếp, còn khi mang một hình thức có liên quan đến văn hóa như văn thơ, tranh, tượng… thì lại thuộc lĩnh vực tự do ngôn luận và sáng tạo nên không bị xem là hành vi báng bổ.
Có điều chẳng ai nói ra là những chuyện đại loại như bức tranh Bữa tiệc của Leonardo còn bộc lộ một khía cạnh khác của nghệ thuật đương đại Tây Âu nói chung, đó là sự "tắc tị” đề tài!
Xuất hiện phiên bản Fitna về đạo Cơ đốc
Một blogger người Saudi Arabia đã ra phiên bản phim Fitna về đạo Cơ đốc để trả đũa phim Fitna của nghị sĩ Hà Lan Geert Wilders về đạo Hồi. Bộ phim nêu lên những đoạn bạo lực trong Kinh thánh để cho thấy mỗi tôn giáo thật ra đều có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có tên Schism (Sự ly giáo), bộ phim chỉ dài hơn 6 phút này được blogger có tên Raed Al-Saeed (33 tuổi) thực hiện và có thể xem trên YouTube. Trong phim trích những đoạn từ Kinh thánh được coi là khuyến khích bạo lực, chém giết và chiến tranh, chèn lẫn trong đó những hình ảnh gây kích động như cảnh quay binh lính đánh những cậu bé không có vũ khí ở Iraq với những tiếng bình luận khoái trá ngay trong đoạn phim gốc. Một số đoạn khác có cảnh một nữ truyền đạo khuyến khích trẻ em chém giết vì tôn giáo của mình, những đứa trẻ tự hào nói về mình như những "chiến binh của Chúa". Đến cuối phim, Al-Saeed chỉ ra sự tương đồng giữa bộ phim của anh ta và phim của Wilders với dòng chữ cuối cùng nói: "Có thể dễ dàng trích từ bất cứ cuốn sách tôn giáo và diễn giải như một cuốn sách vô nhân tính nhất, nếu ta tách nó ra toàn bộ nội dung tổng thể. Đó chính là cách Geert Wilders làm để có thêm người ủng hộ cho học thuyết thù hằn của mình, để tạo ra sự ly giáo". Al-Saeed nói với Arab News rằng đã làm bộ phim trong chưa đầy 24 giờ để mọi người thấy rằng không nên đánh giá đạo Hồi qua Fitna. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận