Trước đó, có thông tin nói rằng: cần thiết Ngân hàng (NH) Nhà nước sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để kiểm soát tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát.
Phóng to |
Tăng dự trữ bắt buộc là chuyện giữa NH Nhà nước với các NH thương mại nhưng “nạn nhân” của nó lại là doanh nghiệp và thị trường. NH huy động được 100 đồng, nếu tỉ lệ dự trữ bắt buộc là 3% tăng lên 4% thì chỉ riêng khoản này, tiền cho vay của NH đã bị hụt đi 4 đồng. Tiền cho vay ít đi thì lãi suất cho vay cũng phải tăng thêm để trả lãi cho 100 đồng đã huy động. Lãi suất đã cao lại tăng thêm, không có vốn để vay, điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Một chuyên gia kinh tế nói rằng còn quá sớm để lo ngại việc NH Nhà nước áp dụng công cụ dự trữ bắt buộc. Đầu tháng 3-2011, khi các giải pháp để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát được ban hành, cũng có ý kiến khác nhau và NH Nhà nước đã bác bỏ khả năng sử dụng ngay công cụ dự trữ bắt buộc. Lý do để không sử dụng dự trữ bắt buộc, vốn được xem là hữu hiệu để kiểm soát lạm phát, là làm như thế sẽ đổ thêm dầu vào lửa, đẩy một số NH khát vốn phải kiếm thêm vốn cho khoản dự trữ bắt buộc tăng thêm. Hệ quả là mặt bằng lãi suất sẽ bùng lên, làm rối các giải pháp giảm lãi suất mà NH Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt.
Đến nay tình trạng một số NH khát vốn chưa được cải thiện. Mặt khác, tín dụng trong hai tháng đầu năm chưa quá nóng để phải dùng liều thuốc cao. Tại TP.HCM hai tháng đầu năm tín dụng tăng 3,8% nhưng tín dụng bằng VND chỉ tăng 1,4%. Vì thế, theo một số chuyên gia kinh tế, ở thời điểm này NH Nhà nước sử dụng các biện pháp khác để kiểm soát tín dụng chứ không thể là tăng dự trữ bắt buộc.
Thật ra, việc tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc được NH Nhà nước đề cập trong chỉ thị 01 ban hành đầu tháng 3-2011 nhưng chỉ để “phạt” những NH không chấp hành kiểm soát tín dụng vào chứng khoán, bất động sản theo chỉ tiêu của NH Nhà nước chứ không phải cho toàn hệ thống.
Theo chỉ thị này, nếu có “phạt” cũng chỉ thực hiện trong sáu tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Ngoài ra, NH Nhà nước cho biết nếu đến cuối tháng 6-2011, tốc độ tăng tín dụng vẫn vượt mục tiêu sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp pháp luật để kiểm soát tín dụng. Như vậy, chuyện tăng dự trữ bắt buộc nếu có chỉ là câu chuyện của nửa cuối năm 2011. Còn lúc này, như một chuyên gia kinh tế bình luận, nếu tăng dự trữ bắt buộc là vội vã, chỉ làm cho tình hình xấu đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận