05/02/2013 19:26 GMT+7

Lạc loài mùi kiệu

Đ.P THÙY TRANG(Tây Ninh)
Đ.P THÙY TRANG(Tây Ninh)

ATX - Trước giờ, cứ mỗi độ gió bấc tràn lan trên cành cây mái lá là mẹ tôi lo sàng tro để dành ngâm kiệu. Rồi khi tiễn ông Táo về trời cũng là lúc góc chợ quê sáng giòn màu kiệu.

pdyLXKci.jpgPhóng to
Làm kiệu đón tết - Ảnh: Đức Thành

Ấy cũng là khi vuông bếp nhà tôi thơm nồng mùi hương kiệu. Mẹ tôi không mua loại kiệu trụi lủi trụi lơ vì cắt gốc sẵn mà mẹ chọn loại kiệu còn rễ và lá. Rễ và lá kiệu sau khi cắt rửa sạch, ngâm nước cơm vo ba ngày sẽ thành một món dưa chua với mùi vị đầy hấp dẫn. Mấy ngày giáp Tết bận rộn, bao nhiêu là việc phải làm, tới không còn thời gian nấu ăn nữa! Thì cứ việc múc tô thịt kho, vắt ráo dưa lá kiệu, vừa kích thích tiêu hóa cực tốt, vừa làm chất xơ cũng không món nào bằng.

Còn củ kiệu, mẹ sẽ mang ngâm với tro bếp theo tỉ lệ cứ một ký kiệu là hai mo cau tro, thêm vài lít nước ngâm trong chiếc thau nồi nào đó càng sứt vành, mẻ miệng càng tốt, hoặc một mẩu đít lu nào đó cũng được, nước tro mặn mà ngâm mấy ngày trong thau nhôm thì còn gì là thau.

Mẹ bảo, kiệu ngâm tro như thế sẽ làm cho mùi kiệu bớt nồng mà củ kiệu trong giòn giữ được rất lâu. Sau 3-4 ngày ngâm thì mang ra cắt bỏ những chỗ úng, còn lại củ kiệu như hai lóng tay thôi, phơi qua một nắng thì xếp vào lọ, cứ một lớp kiệu thì một lớp đường cát trắng. Xếp như thế cho đến khi nào hết cả rổ kiệu thì mang lọ cất vào chỗ tránh ánh sáng dăm ba ngày. Mùng một, mùng hai Tết đã có thể mang ra trước cúng ông bà, sau làm món nhắm trộn với tôm khô là “ngon nhứt xứ”.

Mẹ bảo món kiệu ngâm tro không những là món truyền thống của gia đình nông thôn Việt, mà còn thể hiện sự khéo léo của người mẹ, người chị trong nhà. Rim kiệu toàn bằng đường cát, nhưng nhiều ngày sau đường thấm, củ kiệu trong veo, giòn tươi rau ráu, chua dìu dịu. Còn nước đường trong hũ ngấm vào kiệu đã ra một loại nước hỗn hợp chua ngọt rất dịu dàng. Số nước trong lọ kiệu ấy sau khi dùng hết kiệu thì ra giêng vẫn có thể bỏ thêm củ cải, dưa leo muối vào làm thêm món gỏi ăn suốt mấy tháng sau.

Nhưng khâu cắt kiệu thì mệt lắm. Cứ gọi là trẹo cả lưng, sụp cả mắt, dù hai ba chị em cùng nhau làm. Trong góc bếp nhập nhòa ánh đèn dầu với mùi kiệu vương đầy tóc tai, áo quần đó, là kế hoạch du xuân, ước nguyện năm mới của các mẹ, các chị được hình thành trong tiếng cười vui giòn giã.

Bây giờ siêu thị cứ “thập diện mai phục” người tiêu dùng. Các thứ trên trời dưới đất, lưng lửng tầng mây đều có cả. Và mùi kiệu ngâm tro ngày Tết, mùi bánh quy, bánh ít ngày xuân cũng biến mất tự lúc nào. Hũ dưa muối chua sao cứ xanh thẳm màu dưa mới hái mà không xanh tái như các loại dưa chua?

Ăn xong rồi mới thấy dưới đáy hũ cả lớp phẩm màu xanh lét chưa tan. Còn dưa kiệu thì trắng đục, cắn vào miệng cứ mềm ủng chua tái tê. Thì ra người ta ngâm kiệu bằng giấm tây cho mau chua, chỉ cần làm buổi sáng, chiều đã ngự trên mâm cơm rồi. Nước trong hũ kiệu ngâm giấm cứ là đắng nghét nên củ kiệu phải ráng ăn tống ăn tháo cho nhanh! Mùi kiệu ngày xuân bây giờ hình như mất đi không còn cảm thụ sự khéo léo của người phụ nữ?

Tết này mẹ tôi lại dặn ráng tìm cho mẹ ít kiệu còn tươi nguyên rễ và lá. Đừng vác những thứ từ siêu thị về nữa. Mẹ già rồi, thời gian làm việc không còn nhiều, còn sức khỏe lúc nào, mẹ muốn truyền thụ mớ bí quyết khéo tay hay làm cho con cháu ngày đó.

Mớ bí quyết đó đơn giản lắm, chi li không tên gọi, so với thời đại Anh văn, vi tính, đi chợ trên net, xem phim 3D… bây giờ. Nhưng nó là thứ giữ hạnh phúc gia đình bền vững nhất mà không có một thứ công nghệ thời đại nào thay thế được. Nhưng chị em tôi cứ kêu, công việc nhiều như sao sa, cần gì cứ “xẹt ngang” qua siêu thị là xong, hơi sức đâu mà đày mình cực khổ.

Vậy là một mình mẹ bên góc bếp, đôi tay già nua run run tỉ mẩn cắt từng củ kiệu để cho con gái “làm đẹp” với nhà chồng, tặng con dâu làm của biếu nhà mẹ ruột. Mùi hương kiệu nồng cay vương đầy gian bếp nhỏ, lưng áo sờn mẹ tôi cũng thơm dìu dặt mùi đường, mùi nắng, mùi khói bếp... Chỉ có chị em tôi là ăn trắng mặc trơn trong ngày xuân mới. Lạc loài mùi kiệu trong thời đại chúng tôi rồi!

EtMspLaD.jpgPhóng to

Áo Trắng Xuân Qúy Tỵ 2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Đ.P THÙY TRANG(Tây Ninh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên