![]() |
Một cú bay khá đẹp mắt của skateboy Thiện Phúc - Ảnh: T.T.D. |
Tập làm “rắn trườn”
Chúng tôi đến công viên 23-9 theo những lời hò hẹn trên mạng. Ở một góc nhỏ, hơn một chục tay chơi SK8 đang say sưa tập luyện. Một nhóm lướt đà bay qua chiếc ván giữa sân. Có cả ba cô gái đang tập giữ thăng bằng trên ván.
Bỗng một chàng Tây balô lả lướt xuất hiện: “I am Erik Gunnarsson. Who is skateboy?” (Tôi tên Erik Gunnarsson. Bạn nào chơi ván trượt?). Ngay tức khắc tất cả ào ra. Tiếng ván chạm đất bình bịch, nhiều bạn té ạch đụi. Chúng tôi thử đặt chân lên ván, cả người chao đảo. “Tụi này chơi hoài vẫn té lên té xuống” - skateboy Phúc, trưởng nhóm SGS (Sài Gòn Skateboarding), cười.
Nhờ tận tình hướng dẫn, sau hai giờ loay hoay tôi đã đi “sờ-nách” (snack, kiểu ziczăc như rắn trườn) được... 1m. Đổi lại cả người ê ẩm, chân tươm máu. Thanh Hà, SV ĐH Bách khoa TP.HCM, vừa lướt "rắn" một đoạn khoảng 4m, vừa nói: "Tập cả tuần, trầy mấy vết mới được chừng này".
Skateboy Thanh Tùng, HS THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3), tập nhảy nâng ván theo cách của tay chơi Tony Hawk lừng danh thế giới, nhưng chỉ người tung lên còn ván “ở lại”. Tức mình Tùng đạp mạnh trúng đầu ván, tấm ván bung lên còn cậu bé trượt nằm dài. Tuy vậy, Tùng khám phá được cách làm cho ván bay lên khỏi mặt đất: “Lần đầu chỉ lên được vài centimet nhưng sướng tê người”.
Một bạn trẻ chống nạng gỗ vào thăm sân, đó là skateboy Hoàng Hà, HS Trường THPT Nguyễn Khuyến. Chân Hà bị tụ máu bầm vừa phải qua phẫu thuật. Hà cho biết cũng từng bị một tai nạn khác khi chơi ván ở Vũng Tàu. Còn skateboy Phúc giơ lên đôi chân lồi lõm của mình: “Đứa nào cũng vậy cả. Ván đập vô chân, chưa kịp lành lại bị đập tiếp”...
Khổ thân SK8
![]() |
Skateboy Erik Gunnarsson, nhóm SGS, chơi trong ánh mắt... cảnh giác của bảo vệ CLB Phan Đình Phùng (phải) |
“Đồ nghề” SK8 thường được bán kèm trong các cửa hiệu thời trang hip-hop. Giá hoàn toàn không rẻ: deck (tấm ván) 1,1 triệu đồng, hai truck (trụ bên dưới deck) 900.000 đồng, bộ bạc đạn 500.000 đồng, bộ bánh xe 700.000 đồng, chưa kể các phụ kiện như balô đựng ván, băng thun bảo hộ...
SK8 đã có mặt từ rất lâu, nhưng tại VN môn chơi này gần như chỉ được biết đến qua truyền hình và từ một số du khách nước ngoài. Nhóm SK8 đầu tiên có lẽ là Lê Nin Team ở Hà Nội. Tại TP.HCM hiện mới chỉ có SGS thường xuyên tập luyện, một số ít nhóm nhỏ sinh hoạt chưa thường xuyên lắm, còn lại là các tay chơi lẻ. Họ thật sự thiếu sân chơi. Skateboy Bảo cho biết Lê Nin Team phải “lướt” nhiều nơi trước khi “đáp” tại công viên Lê Nin.
Còn tại TP.HCM, duy nhất chỉ có một nơi dành cho dân SK8 là siêu thị An Phú (Q.2) nhưng chủ yếu dành cho Tây, muốn chơi phải trả phí vào cổng 3 USD, một cái giá mà một bạn trẻ có nickname Bonchanh than vãn: “Nhịn vô đó 20 lần là mua được một chiếc ván xịn”.
Skateboy Phúc kể lể “lịch sử đau khổ” của SGS: “Ở công viên Lê Văn Tám thì bị bảo vệ đuổi do sợ trúng người già tập dưỡng sinh. Ban đêm ra khu nhà thờ Đức Bà thì bị công an rượt”. Sáng 9-1, chúng tôi đến sân CLB Phan Đình Phùng và thấy nhiều bạn trẻ ôm ván ngồi chèo queo buồn thiu.
Trong lúc các nhóm chơi breakdance (nhảy điệu hip-hop) hay bóng rổ quậy tưng bừng thì khi SGS bất ngờ nhào ra chơi, được khoảng 15 phút có một bảo vệ xuất hiện, mặt rất ngầu: “Gì mà cứ nhảy lên nhảy xuống lỡ trúng người ta thì sao? Lại làm hư cơ sở vật chất ở đây hết...”.
Vậy muốn lướt ván thì đi đâu nhỉ?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận