02/04/2005 17:05 GMT+7

Kyrgyzstan: thêm một kết cuộc đã báo trước

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCN - Một tổng thống, một nhà nước, một chế độ không “tự nhiên” mà chết, mà tự hủy hoại mình. Trường hợp của Kyrgyzstan?

MhyL8BTe.jpgPhóng to
TTCN - Một tổng thống, một nhà nước, một chế độ không “tự nhiên” mà chết, mà tự hủy hoại mình. Trường hợp của Kyrgyzstan?

Đến thứ tư 30-3-2005, trên website của tòa đại sứ Mỹ tại thủ đô Bishkek của CH Kyrgyzstan, mẩu tin vedette vẫn còn là một thông cáo nội dung như sau:

“Một văn bản giả mạo một báo cáo của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bishkek đang được phổ biến trên Internet, trong các cuộc biểu tình, tại các tiệm buôn bán, bến xe buýt, trong các thùng thư... bởi những người ủng hộ chính phủ (Akaev vừa bị lật đổ - TTCN).

Văn bản này được giả mạo giống như một văn thư mang tiêu đề của tòa đại sứ Hoa Kỳ, đề ngày 30-12-2004, nhằm vu cáo chính sách của Hoa Kỳ đối với Kyrgyzstan cùng tiến trình bầu cử của chính phủ này. Văn bản này còn giả chữ ký của đại sứ Young. Văn bản này là một sáng tác thô thiển của một cá nhân hay một số cá nhân nào đó không có quan hệ gì với Chính phủ Hoa Kỳ.

Văn bản này không thể nào phản ánh quan điểm của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bishkek... Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách Kyrgyzstan tố cáo sự giả mạo này và tiến hành các biện pháp hữu hiệu nhằm tách chính phủ khỏi bất cứ cố gắng phổ biến văn kiện đó”.

Nhưng cho đến sáng thứ tư 31-3-2005, chính phủ mà tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bishkek yêu cầu ra tay “đính chính những vu cáo trên” hầu đảm bảo quan hệ tốt giữa hai chính phủ đã không còn tồn tại nữa. Ông Askar Akaev đã cao bay xa chạy trước làn sóng bạo động ở thủ đô Bishkek phản đối kết quả bầu cử mà cả phe đối lập lẫn tòa đại sứ Hoa Kỳ đều cho là không trung thực.

Nội dung văn kiện đó như thế nào mà khiến tòa đại sứ Mỹ phải mất công buộc Chính phủ Akayev đính chính?

Đó là một bản phúc trình được cho là mang chữ ký (giả) của đại sứ Mỹ Young về tình hình Kyrgyzstan trước bầu cử:

“Oan ơi, ông địa”?

“Dựa trên bối cảnh kinh tế khủng hoảng, kèm theo là cảnh nghèo khó trên tòan quốc, nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, một vài yếu tố bên ngoài đã tác động mạnh mẽ đến khả năng dàn xếp giữa các thế lực chính trị, tỉ như ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc (TQ), Uzbekistan, Kazakhstan, và ở một mức độ nhỏ hơn, các nước EU cùng một vài tư tưởng Hồi giáo cực đoan xuất phát từ Iran.

xX9ntRc9.jpgPhóng to
Akayev
Các kết quả thăm dò dư luận tại Kyrgyzstan do tòa đại sứ Hoa Kỳ tiến hành cùng phối hợp với USAID, NDI, IRI cùng các tổ chức quốc tế khác, kể cả tổ chức “Ngôi nhà Tự do”, mạng tin tức Internews Network, Tổ chức Soros Foundations và Tổ chức Eurasia Foundation”, cho thấy không một nước nào trong số các nước trên có ảnh hưởng hơn cả. Ngoại trừ nước Nga với vô vàn những “giềng mối” ở Kyrgyzstan. Akaev được Nga bảo vệ và chỉ đạo. Thế nhưng, chúng ta chưa có được những chứng liệu về việc Nga tài trợ cho bất cứ ứng cử viên hay đảng phái nào.

Về phần TQ, viễn tượng Trung Á phát triển đặt Bắc Kinh vào thế lệ thuộc tiềm năng thủy điện của Kyrgyzstan. Do đó, Kyrgyzstan cũng hướng đến phát triển thương mại và kinh tế cho phù hợp với các kế hoạch của TQ, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp điện và nước. Đây là một vấn đề cần xem xét trong khi vạch ra một chính sách đối với sự hiện diện của TQ trong khu vực này.

Sự hiện diện quân sự của chúng ta tại Kyrgyzstan đang “làm phiền” Bắc Kinh. Qui chế tạm thời của căn cứ không quân chúng ta tại phi trường Manas ở thủ đô Bishkek tạo điều kiện cho TQ mong muốn Hoa Kỳ rút quân khỏi Kyrgyzstan. Vì thế, chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải những phản ứng của Chính phủ TQ chống lại sự bành trướng quân sự của chúng ta trong khu vực này. Hiện tại, TQ đang bán chính thức hậu thuẫn các chính khách sẵn lòng phát triển quan hệ với Bắc Kinh và hạn chế quân số của chúng ta tại Kyrgyzstan.

Về vấn đề khủng bố..., chúng ta đang đứng trước mối đe dọa thật sự từ các hoạt động của đảng Hồi giáo cực đoan Hizbut Tahrir... do Iran, Uzbekistan và Saudi Arabia quảng bá. Hiện có khoảng 30 tổ chức Hồi giáo đang hoạt động tại Kyrgyzstan...

Bản báo cáo trên là thật hay giả? Hãy khoan kết luận, song nếu đọc kỹ các báo cáo thật khác của các tổ chức khác thì có thể thấy những nội dung tương tự như các phân tích trên.

Báo cáo của USAID về Kyrgyzstan trong giải trình ngân sách cho quốc hội tài khóa 2003 (FY 2003 Congressional Budget Justification) không khác gì mấy: “Kyrgyzstan là nước mở cửa, tiến bộ và cộng tác nhất trong số các nước CH Trung Á. Kyrgyzstan (đóng vai trò) quan trọng đối với sự ổn định của khu vực. Kyrgyzstan là một đồng minh kiên quyết trong cuộc chiến chống khủng bố và là một thành viên đáng kể trong liên quân. Vị trí địa lý của Kyrgyzstan nơi đầu nguồn các hệ thống sông ngòi lớn của Trung Á cho phép Kyrgyzstan tác động đến các vấn đề sinh tử và nhạy cảm của các nước hạ lưu như các vấn đề thủy lợi, thủy điện...”.

LjAVF9nQ.jpgPhóng to
Bakiyev
Báo cáo này được soạn là năm 2002 để xin ngân sách 2003. Vào thời điểm đó, tổng thống Akayev vẫn còn được khen ngợi. Trước đó, sau sự kiện ngày 11-9-2001, ông đã cho phép Hoa Kỳ sử dụng phi trường Manas làm căn cứ không quân trong cuộc chiến tranh Afghanistan. Quyết định này của ông Akaev không gây ngạc nhiên do lẽ cho đến thời điểm đó ông Akaev vẫn còn được phía Mỹ xem là nhà lãnh đạo của đất nước đầu tiên tách khỏi Liên bang Xô Viết (1991), nhà lãnh đạo “cải cách” nhất ở Trung Á- hậu Liên Xô, chính phủ của ông được WB, IMF “sủng ái” nhất trong số các nước thuộc Liên Xô cũ.

Trong giai đoạn “cơm lành canh ngọt” đó, các cuộc bầu cử tháng 12-1995, các cuộc trưng cầu dân ý năm 1996 và 1998 nhằm gia tăng quyền hành cho tổng thống, rồi tháng 2 và 3-2000 cũng đã từng bị tố cáo là gian lận, song vẫn “chẳng sao”, vẫn không bị “ông đại sứ “ vạch mặt như bây giờ!

Đu dây chiến lược?

Ông Akayev đã “chết” ngay từ khi ông ký một thỏa hiệp với ông Putin vào tháng 9-2003 cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân Kant làm căn cứ phản ứng nhanh chống khủng bố. Nga đâu thể để yên cho Mỹ trong chớp nhoáng lập đến 13 căn cứ quân sự tại các nước Uzbekistan, Takijstan, Kyrgyzstan và Georgia mới 10 năm trước còn “cùng hội cùng thuyền” với mình!

Cho Mỹ lập căn cứ chống khủng bố thì cũng phải cho Nga lập căn cứ chống khủng bố. Ông Akayev chưa chết vì khủng bố thì đã chết vì chống khủng bố! Hai căn cứ (Kant) của Nga và (Manas) của Mỹ chỉ cách nhau 30km trên cùng một lãnh thổ, quả là chuyện xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử các quan hệ “đu dây giữa hai cường quốc”!

Thật ra, từ năm 1997 ông Akayev đã hợp tác quân sự với Mỹ. Ký giả quân đội Mỹ Douglas J. Gillert đã từng khoe trên mạng của Cục Báo chí quân lực Hoa Kỳ (American Forces Press Service) như sau: “40 binh sĩ của ba nước CH Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan đã cùng 500 binh sĩ mũ nâu Hoa Kỳ tiến hành cuộc hành quân thao diễn nhảy dù “Centrazbat 97”. Sau “Centrazbat 97”, các binh sĩ sư đoàn 82 không vận Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ huấn luyện binh sĩ các nước Trung Á”.

Tác giả chẳng buồn giấu mục đích của các hoạt động quân sự này của Mỹ: “Phó trợ lý BTQP Katherine Kelleher tuyên bố: quyền lợi của Hoa Kỳ tại Trung Á liên quan đến các cánh đồng dầu khí , mà đến năm 2010 sẽ biến khu vực này thành khu vực sản xuất dầu hỏa đứng thứ ba thế giới. Các láng giềng hùng mạnh về quân sự kế bên như TQ và Ấn Độ chắc chắn sẽ muốn nhảy vào các nguồn tài nguyên này. Chính vì lợi ích của Hoa Kỳ mà nay cần giúp đỡ thiết lập và duy trì sự ổn định và an ninh khu vực”.

Để ý kỹ sẽ thấy ký giả Mỹ này chỉ nhắc đến các láng giềng TQ, Ân Độ và còn kể rằng các sĩ quan Nga cũng có mặt quan sát cuộc tập trận!

Vào thời điểm năm 1997 đó, nước Nga dưới trào ông Eltsin còn “yếu” y hệt con người ông. Ông Eltsin lúc đó mỗi năm “hãnh diện” vì được WB và IMF tiếp tục cho vay, năm sau nhiều hơn năm trước, lần đầu tiên được mời dự hội nghị G-7 tại Lyon, sau đó được nâng lên hàng ngũ G-8. Ông Eltsin lúc đó quên rằng “có bao giờ con nợ đồng đẳng với chủ nợ” đâu! Ông còn bùi tai khi nghe hứa cho Nga gia nhập NATO! Nhất là khi nghe thuyết bùi tai “coi chừng TQ và Ân nhảy vô giành dầu hỏa!”. Thế là nước Nga của ông Eltsin đã để cho quân Mỹ nhảy vào Trung Á, chiếm “sân trước” mà đến nay ông Putin đang phải một mình phá vòng vây.

Khác biệt lớn giữa hai trào Eltsin và Putin là nếu như dưới trào Eltsin, dân Nga còn phải ăn thịt gà đông lạnh “viện trợ Mỹ”, phải vay nợ hằng năm mấy tỉ USD, thì đến cuối năm 2004 số ngoại tệ và vàng dự trữ của nước Nga đã lên đến 120 tỉ USD. Thành tích đáng kể nhất này của ông Putin sau năm năm cầm quyền tính đến ngày 26-3 vừa qua đã khiến 72% dân Nga hài lòng trong thăm dò dư luận do báo Pravda công bố tuần này. Riêng trong năm 2004, ngoại tệ sở hữu của Nga đã tăng hơn gấp đôi: tháng 11-2003 mới còn là 52,7 tỉ USD, thì sang tháng 11.2004 đã lên đến 117,4 tỉ USD (nguồn: Moscow Times 8-2-2004)!

Lúc này nước Nga tìm cách trở lại “chốn xưa” bằng thỏa hiệp mở lại căn cứ ở Kyrgyzstan. Chính từ sau khi ký thỏa hiệp này, ông Akaev đã ở trong “tầm ngắm” của một kế hoạch “thay ngựa giữa dòng” của Mỹ.

Thay ngựa giữa dòng

Bản báo cáo mà tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bishkek phủ định không phải là của đại sứ Young (!?) có đoạn: “Cầm quyền yếu kém, nghèo khó dai dẳng, căng thẳng giữa các sắc tộc, biên giới với Tajikistan thì hở, trong khi biên giới với Uzbekistan thì đóng chặt (hai nước Kyrgyzstan và Uzbekistan đã từng đánh nhau vào năm 1990 - TTCN), đó là những nguồn xung đột tiềm tàng có thể đe dọa ổn định khu vực và lợi ích kinh tế , chính trị của Hoa Kỳ tại Trung Á. Các nhóm phản loạn Hồi giáo Uzbekistan và nhóm Hồi giáo Hizb-u-Tahrir xâm nhập vào miền nam Kyrgyzstan...”.

Đúng là quá đủ để Mỹ thay ngựa!

Báo cáo này viết tiếp: mục tiêu của chúng ta là buộc Akayev từ chức sau bầu cử. Chúng ta biết rõ rằng phe cánh của Akayev nghi ngờ phe đối lập chuẩn bị sẵn kịch bản bầu cử như ở Georgia và Ukraine. Trong trường hợp kéo dài quyền hành, Akayev sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của nhóm dân nói tiếng Nga và một vài sắc tộc khác. Để chuẩn bị chiến thuật bầu cử, cần nhớ rằng Nga vẫn còn là “chủ nhân cơ bản ” ở Kyrgyzstan... Tôi nghĩ rằng K.Bakiyev, cựu thủ tướng, sẽ là ứng viên đáng chấp nhận nhất vào chức vụ tổng thống trong một diễn biến quan hệ Hoa Kỳ- Kyrgyzstan tốt đẹp”.

Thực tế sau ngày khai tử chế độ Akayev, ông Bakiyev đã lên cầm quyền. Trước đó cả năm, ông Akayev đã dự cảm được số phận của mình. BBC 25-5-2004 đã tường thuật cuộc gặp giữa ông Akayev với phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Lynn Pascoe hôm 24-5-2004, tức đúng mười tháng trước khi ông Akayev bị lật đổ: “Ông Akayev nài nỉ Hoa Kỳ đánh giá khách quan hơn nữa các cải cách dân chủ của ông”.

Thiên hạ ra tay hay tự diệt mình?

Lên cầm quyền năm 1991 khi Kyrgyzstan tuyên bố độc lập tách khỏi Liên bang Xô viết, ngay năm 1993 ông Akayev đã bị tai tiếng là có dính dáng đến tham nhũng. Chính quyền của ông Akayev trong năm 2004 được xếp vào hàng thứ 122 (đồng hạng với Ukraine), cao hơn Georgia hạng thứ 133. Georgia và Ukraine đã lần lượt có màu từ trước đó. Hậu quả của tham nhũng là gì nếu không phải là sự chênh lệch nghèo/giàu và sự chán ghét của dân chúng?

Kathy Gannon của AP 28-3-2005 viết: “Trước 1990, khi Kyrgyzstan còn là một nước cộng sản, dân chúng vẫn còn được chăm sóc y tế và nhà cửa, cho dù lúc đó có là nước nghèo nhất trong Liên bang Xô viết. Nay, UNDP ước lượng có khoảng 44% trên tổng số 5 triệu người Kyrgyzstan sống trong nghèo đói.

Càng đáng ngại hơn nữa khi một bộ phận công an, cảnh sát tham nhũng. Chính ông Akayev, ngay từ năm 2002, đã ý thức hiểm họa này. Pravda 5-2-2002 thuật: Tổng thống Kyrgyzstan Akayev loan báo một cuộc cải tổ tận gốc cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt đầu. Trước tiên là cải tổ cảnh sát nhằm khôi phục niềm tin của dân chúng, trong sạch hóa bộ máy cảnh sát cùng các cơ cấu quyền lực khác”.

Song các cố gắng của ông đã quá muộn để rồi khi biến cố xảy ra, tất cả trở thành những cái cớ để kích động các băng đảng côn đồ có tổ chức (tỉ như băng đảng của võ sư Bayaman Erkinbayev, AFP 28-3-2005) để tràn ngập, vô hiệu hóa cảnh sát, giật dây một bộ phận quần chúng bất mãn và nghèo đói, tạo thành khoảng trống quyền lực, vô chính phủ.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên