17/09/2007 06:08 GMT+7

Kỳ vọng với Tuổi Trẻ 20 trang: Cúc cung tận tụy

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

TT - Theo dõi thường xuyên báo Tuổi Trẻ, tôi lấy làm ngạc nhiên vì tính cúc cung tận tụy nghề nghiệp của tờ báo. Tính cúc cung tận tụy đó khiến tôi đem lòng yêu mến tờ báo. Tuổi Trẻ đã đảm nhận hầu hết thông tin cần thiết về xã hội, thậm chí còn làm vượt trội hơn những điều mà người ta cho rằng không phải là nhiệm vụ báo chí.

SMRS0SIW.jpgPhóng to

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Lê Đức Dục

TT - Theo dõi thường xuyên báo Tuổi Trẻ, tôi lấy làm ngạc nhiên vì tính cúc cung tận tụy nghề nghiệp của tờ báo. Tính cúc cung tận tụy đó khiến tôi đem lòng yêu mến tờ báo. Tuổi Trẻ đã đảm nhận hầu hết thông tin cần thiết về xã hội, thậm chí còn làm vượt trội hơn những điều mà người ta cho rằng không phải là nhiệm vụ báo chí.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thật ra dưới con mắt "cúc cung tận tụy" của một thành viên của cuộc sống, chẳng có cái gì gọi là "không phải trách nhiệm" của mình cả. Trách nhiệm là cái mà người ta phải đoạt lấy, như một triết gia hiện đại đã định nghĩa như vậy.

Ấn tượng sâu sắc của tôi với báo Tuổi Trẻ là tính cúc cung tận tụy đối với nhân dân qua nhiệm vụ của người làm báo:

- Tuổi Trẻ thường xuyên đưa tin về những người lao động nghèo khổ, về các khoản thuế má, về những bất hạnh, nói chung là về số phận không may của họ cũng như những mảnh đời, những câu chuyện nhân ái, hướng đến điều tốt đẹp. Mục "Nhịp đời qua ống kính" chứng tỏ điều đó.

- Tuổi Trẻ thường tìm cách lột mặt nạ của những kẻ gian tham trong xã hội; chỉ mặt bọn lừa đảo bóc lột dân. Điều đáng nói là thái độ đeo bám đối tượng đến tận cùng chỗ trú ẩn của kẻ tội phạm. Người đọc chưa quên vụ "điện kế điện tử": Tuổi Trẻ đã truy tìm cái gốc của sự gian lận tận Singapore, vạch mặt sự gian dối.

Không tự hạn chế mình trong nhiệm vụ nhà báo, Tuổi Trẻ còn vươn bàn tay ra bằng cách khuấy động lên những phong trào tốt đẹp, nhân văn. Phong trào "Ký tên vì công lý” chẳng hạn, là thái độ không thể im lặng trước số phận đau đớn của những người bị chất độc màu da cam. Cũng như "Tiếp sức đến trường" là việc chia sẻ cơm áo, học hành với những mảnh đời nghèo. Tuổi Trẻ đã đứng ra kêu gọi, đốc thúc, quyên góp, hoặc ít ra cũng xây dựng lại những ngôi nhà sụp đổ sau cơn bão, tất cả những điều đó đều trở thành nhiệm vụ của Tuổi Trẻ.

Nói đến phong trào cứu trợ đồng bào, tự nhiên tôi đâm ra ái ngại thay cho báo Tuổi Trẻ. Miền Trung thì đến bao giờ hết bão lụt, thế mà cứ hết bão lụt lại bão lụt, bàn tay trìu mến của báo Tuổi Trẻ lại xòe ra, không hề biết mỏi mệt, ôm lấy những vết thương trên mình đất nước. Nghĩ thế mà không biết ơn Tuổi Trẻ sao được. Qua hoạt động cứu trợ đó, người ta thấy việc làm hảo tâm của các doanh nghiệp, sự chia sẻ từ đồng lương khiêm tốn của từng người trong xã hội, những tấm lòng vàng gửi gắm của bạn đọc, những công đất trích ngang từ tấm lòng hào hiệp của những bác nông dân quen đời nặng nhọc…

Còn lại là chuyện những gánh nặng không tìm mà đến, hình như nó muốn tìm đến những đôi vai đã một lần không chịu bỏ mặc người khác. Tôi đã nghĩ đến chuyện các nhà báo Tuổi Trẻ có mặt ở Libăng vừa qua để cất công giúp đỡ những người Việt còn kẹt lại ở đó. Hay việc chuyện Trần Thị Hạ ở Trung Quốc quay quắt tìm mẹ suốt 18 năm, hoặc chuyện chị Huỳnh Mai bị chồng đánh chết ở Hàn Quốc, Tuổi Trẻ cũng đứng bên cạnh họ.

Vậy thì báo Tuổi Trẻ hãy tiếp tục lên tiếng đi. Đừng quên thái độ làm việc cúc cung tận tụy như đã có…

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên