![]() |
Chiếc OH-23, với hai ghế ngồi trong vòm kính nhựa trong suốt, cho phép tôi nhìn thấy mọi phía, trừ chỗ bị che lấp bởi tấm thép nhỏ ở dưới chân và tấm dựa lưng ghế. Động cơ máy không có gì che chắn, nằm ngay phía sau vòm kính và đỡ các cánh quạt dài trên một trục kim loại; nằm sau động cơ là một cái đuôi bé nhỏ trông giống như chiếc gậy nâng đỡ một chiếc rô-tơ nhỏ bên hông. Khối máy đặt trên các đường rãnh hẹp bằng kim loại. Ban đầu, Lục quân Mỹ đưa trực thăng OH-23 sang Việt Nam chỉ để sử dụng vào các chuyến bay trinh sát nhưng Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 đã cải tạo chúng thành trực thăng vũ trang bằng cách dùng một sợi dây thép treo lủng lẳng một súng liên thanh ở ngay cửa ra vào nằm ở một bên vòm kính nhựa. Các phi công OH-23 thuộc Lục quân, hằng ngày vẫn bay thám thính trên các vùng tuy đã bị tàn phá nhưng vẫn còn dân chúng sinh sống.
Các chuyến bay này thường được gọi là “các phi vụ săn tìm loài sóc” nhằm phát hiện kẻ địch để sau đó, hoặc dùng súng máy tiêu diệt, hoặc chỉ điểm cho pháo binh oanh tạc. Họ cho tôi biết trong ba tháng hoạt động, họ đã đếm được 52 xác Việt Cộng; nghĩa là nhiều hơn số xác mà loại trực thăng Huey lớn hơn của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 xác nhận đã diệt được trong cùng thời gian đó. Khi tôi nói chuyện với một toán phi công trực thăng OH-23, một phi công trẻ cho biết nguyên nhân:
- Trực thăng Huey phải cất cánh khi đang còn ở cách xa mục tiêu nhiều hơn so với trực thăng OH-23 mà lại phải quay về sớm hơn, và Huey không thể nào bay thấp được.
Tôi hỏi họ có xem bất cứ ai đang ở lại trong khu vực đã bị họ phá hủy là quân địch hay không.
- Dân chúng đã nhân cơ hội trốn chạy ra ngoài. - Viên chỉ huy phi công trả lời. - Nhưng tôi cho rằng không phải bất cứ ai ở lại cũng đều là Việt Cộng cả. Đôi khi họ là dân quay về để làm ruộng. Nhưng tôi có thể đánh cược là mọi thanh niên trong lứa tuổi quân dịch đều là Việt Cộng. Rõ ràng đây là một vùng thuộc quyền kiểm soát của Việt Cộng. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến việc một thanh niên nhắm bắn chúng tôi trong khi có đàn bà và trẻ em đang đứng bên cạnh. Lúc đó, tôi thường chần chừ không gọi pháo binh oanh tạc nhưng bây giờ thì tôi khắc phục được ý nghĩ do dự ấy rồi.
Mục đích chuyến bay hôm ấy chỉ là để chuyển tôi từ căn cứ Đức Phổ về thị xã Quảng Ngãi nhưng viên phi công đã bay vòng vèo để có thể đi qua những vùng mà anh ta cùng phi đoàn đã từng săn đuổi quân địch. Vì trong chuyến bay này không có ai là pháo thủ, chúng tôi không thể bắn vào mục tiêu nào mà phi công nhận định có thể là Việt Cộng. Chúng tôi hạ cánh ngay sau năm giờ chiều, trước khi mặt trời lặn nửa giờ.
Đi trực thăng, ngồi trong vòm kính trong suốt, bạn sẽ có một cảm giác hoàn toàn khác với khi đi bằng một loại máy bay nào khác. Ngược với trực thăng Huey, loại máy bay chở được mười người nên phải cất cánh và hạ cánh từ từ, thận trọng giống như một con tàu khi đang rời hay cập bến, chúng tôi cảm thấy hình như lúc nào chiếc trực thăng vòm kính cũng có thể phóng vọt lên cao một cách dễ dàng, tựa như một chiếc thang máy trong một tòa nhà văn phòng hiện đại. Ở trên cao, dù nhìn về phía trước hay hai bên, ta đều không thể nhìn thấy bất cứ bộ phận nào của trực thăng, ngoại trừ tấm bảng điều khiển ở trước mặt. Hầu hết các loại trực thăng bay trên toàn cảnh của một vùng, trên các ngọn cây, các mái nhà, nhưng loại OH-23 lại bay vào trong cảnh vật, bay vào giữa các vòm cây, bay ngang các mái nhà ở những nơi nhà cửa không quá dày đặc. Trên đồng lúa, nó có thể lượn ở độ cao chỉ vài mét cách mặt đất. Bay trên chiếc trực thăng tuy nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn này với tất cả máy móc lắp phía sau lưng nằm ngoài tầm nhìn, ta có cảm giác tự do muốn bay đi đâu cũng được, tưởng chừng như mình có thể đậu xuống một cành cây như chim, hoặc có thể bay thẳng ngay vào cửa nhà ai đó và bay ra ngoài qua cửa sổ.
Khi bay về hướng Đông ra biển, tôi thấy vùng đất bị tàn phá bắt đầu từ ngay xung quanh căn cứ. Các vết xe tăng, xe ủi đất, xe thiết giáp chở quân chồng chéo trên nền đất đỏ của các ngôi nhà. Không sót lại một tàn tích nào còn có thể đứng được cả. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã bay vượt qua các làng mạc cũ và đến một vành đai trồng lúa rộng lớn nằm giữa Quốc lộ 1 và bờ biển. Cánh đồng đầy hố bom đạn nhưng vẫn được cày cấy. Dân chúng mặc áo bà ba đen quen thuộc của nông dân đang lom khom làm ruộng. Các tờ truyền đơn rơi vương vãi đó đây trên các bờ ruộng hoặc bị ngập chìm trong các vũng nước ngoài đồng. Anh bạn phi công giải thích đó là những tờ truyền đơn tâm lý chiến. (Tính trung bình mỗi ngày tại tỉnh Quảng Ngãi, quân Mỹ đã thả xuống cả triệu tờ như vậy.)
Chúng tôi vượt qua một rặng cây ở rìa phía Đông của cánh đồng và bay vào một khu vực có nơi ở tạm của khoảng hai mươi, ba mươi ngàn dân cụm lại thành làng dọc theo một dải đất dài khoảng hai mươi và rộng bốn cây số dọc bờ biển. Nhà cửa nằm dọc theo dải đất này cũng bị phá hủy hầu như không sót một nhà nào. Tại vùng duyên hải huyện Đức Phổ, khoảng hai phần ba nhà ở là vách đất cốt tre, mái tranh và số nhà còn lại có tường đá, mái ngói đỏ. Có nơi, dù lính đã đốt cháy ngôi nhà nằm trên mặt đất, các chỗ còn lại như sân sau, giếng nước, bờ rào, cổng đá, rặng cọ, bụi tre vẫn còn đứng nguyên. Ngôi nhà vốn là trung tâm của quang cảnh và nằm ẩn dưới bóng cây đã biến đi đâu mất; chỉ còn sót lại nền nhà đầy tàn tro và xà bần. Tại những làng bị pháo cối oanh tạc, máy bay ném bom và súng liên thanh bắn phá, sự hủy hoại xảy ra không có tính chọn lọc như vậy. Những quả bom đa tác dụng đã phóng ra các mảnh thép xuyên và sóng chấn động; nơi bom rơi, tác động hướng lên trên của lực nổ đã cắt cụt ngọn những cây cọ, chỉ để lại thân cây trơ trụi, tuy đã bị xé nát vẫn còn hướng lên trời. Mảnh bom đã cắt ngang nhiều thân cây hoặc cắt trụi cành lá, có nơi sức bom nổ trốc toàn bộ cây và hất ra xa từ năm mươi đến một trăm mét. Tại các nơi bị bom na-pan, đồng ruộng và sân nhà bị cháy đen, cây cối trụi lá từng mảng lớn. Những tờ truyền đơn theo chiều gió bay vào các hố bom đạn. Hình như việc hủy diệt không được tiến hành một cách có hệ thống.
Vết tích còn lại trong hầu hết các làng cho thấy chứng cứ của nhiều phương pháp hủy diệt khác nhau. Tôi biết pháo binh thường dùng hỏa lực quấy rối-ngăn chặn bắn liên tục trong nhiều ngày vào các khu vực lớn, dọc ngang mỗi bề đến mấy cây số. Thật dễ hiểu khi tôi nhìn thấy các hố do đạn pháo đào lên không theo một cung cách nào cả, đạn pháo rơi bất kỳ chỗ nào, có thể rơi xuống các cánh đồng trống hoặc các rặng cây và làng mạc. Xe tăng và xe thiết giáp chở quân cắt xé cảnh quan bằng các con đường đi riêng. Rõ ràng các lái xe đã chọn cách đi vượt qua cánh đồng chứ không dùng các con đường đã có sẵn do sợ bị cài mìn.
Trong vùng, những gia đình bỏ trại tập trung trở về nhà hoặc còn ở lại từ trước đều phải sống dưới hầm. Các cửa hầm tối đen rải rác dọc các rặng cây ở sân sau. Khi chúng tôi bay qua, tất cả các gia đình đang ngồi trên sân trước ngôi nhà bị tàn phá đều ngẩng đầu nhìn chúng tôi, và bất động trong tư thế đó mà nhìn theo cho đến khi chúng tôi bay khuất. Lúc này đã gần sáu giờ và nhiều gia đình đang xúm quanh bếp lửa nấu cơm chiều. Nồi niêu, giường chiếu và vài chiếc bàn ghế nằm lăn lóc, rải rác trong sân. Tại vài nơi, các khung nhà khẳng khiu đã xuất hiện. Khắp nơi đều thấy những đống rơm cao khoảng một mét, và mãi sau tôi mới nhận ra đó là những chiếc lán cá nhân nhỏ bé, không có vách, chỉ là các mái lợp rơm rạ có cọc chống và khung tre nâng đỡ. Có vài người dựng lều ngay giữa đồng, cách xa các lùm cây và xa các công sự – có thể họ nghĩ rằng quân Mỹ sẽ coi các công sự và hầm ngầm là của Việt Cộng xây dựng để phòng thủ – dễ bị coi là mục tiêu quân sự hàng đầu của các cuộc oanh tạc. Củi đun chủ yếu là xà và cột của ngôi nhà bị phá hủy đã chất thành đống. Trẻ em chơi trong bụi đất và thông thường chỉ thấy phần lớn là trẻ em, đàn bà và người già - không thấy đàn ông. Trẻ em đang cưỡi trâu từ ngoài đồng trở về nhà.
Viên phi công chú ý nhìn những nơi có đạn pháo nổ đang phun ra khói trắng ở ngoài rìa cánh đồng và cẩn thận bay tránh xa vùng này khoảng một cây số. Dân chúng ở dưới vẫn tiếp tục làm việc bên ngoài các chiếc lán, không hề có biểu hiện chú ý đến đạn pháo đang nổ gần đấy. Viên phi công bay vụt nhanh qua cánh đồng ở độ cao năm mét. Anh ta chỉ cho tôi thấy các mảnh vụn cong queo của sắt thép và một động cơ nằm trên một khoảnh đất cháy trụi của một thửa ruộng và nói rằng ngay trong tháng trước, trực thăng của anh đã bị bắn rơi tại đây. Anh ta và anh chàng pháo thủ đã an toàn hạ cánh khẩn cấp. Sau khi rơi xuống đất, quân du kích nấp ở một rặng cây đã nã súng bắn và họ đã bắn trả. Mười lăm phút sau, một trực thăng khác đã đến cứu họ. Vài phút sau khi chỉ cho tôi chỗ bị bắn rơi trước đây, viên phi công cho chiếc trực thăng bay lượn một vòng biểu diễn trên không. Anh ta lao về hướng rặng cây cho đến khi sắp đâm vào thì vụt bay thẳng lên, rồi cho máy bay quay tròn phía trên rặng cây và tàn tích các ngôi nhà đổ nát, sau đó lại ngừng bay hẳn như thể chiếc trực thăng đã bị một cơn gió giữ chặt lại.
Trong khi máy bay bồng bềnh chầm chậm trên các rặng cây xơ xác vì bom đạn, viên phi công bỗng kêu lên:
- Xem kìa! Có một tên! - Anh ta phấn khích kêu to hơn. - Thấy không? Thấy không? Hắn đang trốn!
Tôi nhìn xuống và thấy một thanh niên đang ngồi co mình lại trên con đường ngay sát rặng cây. Viên phi công quay vòng chiếc trực thăng lại và bay thẳng về phía anh thanh niên lúc đó đã đứng lên và bắt đầu bổ củi bằng chiếc rìu.
- Có thấy không? Hắn đang giả vờ làm việc. - Viên phi công nói. Một lúc sau anh ta lại la lên. - Hãy xem này! Lại thêm một con mẹ nữa. Mụ ta đang trốn! Hãy xem mụ trốn ra sao?
Tôi nhìn xuống và nhìn thấy một người đàn bà mặc đồ đen nấp quanh một gốc cây khẳng khiu, lúc nào cũng đứng về phía bên kia của thân cây đối diện chiếc trực thăng.
Chúng tôi bay sang phía bên kia của Quốc lộ 1, nơi các làng đã bị tàn phá. Chúng tôi bay ở tầm thấp, vụt qua một vùng cảnh vật tiêu điều, qua một cánh đồng cỏ cao và viên phi công nói:
- Tôi từng diệt được bốn tên ở đây. Chúng chạy đến một công sự để nấp nhưng không kịp.
Chúng tôi bay qua một làng bị tàn phá trước kia nằm dưới rặng cây. Một làn khói mảnh dẻ bốc lên từ một đốm lửa màu da cam trong một lùm cây. Viên phi công nói:
- Đấy, có một Việt Cộng đang ăn bữa tối. Chẳng có ai được ở dưới đó. Hắn không được ở đó.
Chúng tôi bắt đầu bay chầm chậm hướng ra phía biển, dọc theo sông Vệ, con sông đánh dấu ranh giới ngăn cách Khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 và Khu Trách nhiệm Chiến thuật của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Một em bé trần truồng đang tắm cho một em khác bé hơn cũng trần truồng tại một khúc sông uốn cong, nước trong suốt tận đáy cát. Cả hai đứng bất động, chăm chăm nhìn theo chiếc trực thăng của chúng tôi bay qua đầu. Các nhịp của hai chiếc cầu bị vặn cong queo đang nằm dưới sông. Tại bờ Nam, nơi mà Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 vừa mở cuộc hành quân, từng đống gạch, tro và các cọc nhà cháy xém giống nhu các bộ xương đang đứng lêu nghêu trên các nền nhà, ruộng lúa thì màu nâu và đen hoặc đã trở nên hoang dại. Nhưng ở bờ Bắc, nơi quân đội Việt Nam Cộng hòa đang hành quân, cây cối và ruộng đồng đang mùa xanh tốt – như thể tại đây đang ở một mùa khác – và các ngôi nhà vẫn còn đứng đó, ngay bên cạnh vườn rau, sân và cây cọ.
Trên đường quay về Quốc lộ 1, chúng tôi bay vượt qua bờ Bắc. Khói bếp nấu cơm chiều đang bay lên từ các khoảng sân sẫm màu. Dân chúng đang quang gánh đi về nhà dọc theo hai bên đường Quốc lộ và phụ nữ đi xe đạp trên các đường khác. Khi viên phi công thả tôi xuống một bãi đáp trực thăng trong khu nhà của cố vấn Mỹ ở rìa thị xã Quảng Ngãi, màn đêm đã buông xuống. Trong khu nhà này, mọi thứ đều là Mỹ, và tất cả mọi thứ như nhằm tạo cho tôi cái cảm giác là đã được hạ cánh một cách thần kỳ ngay trên đất Mỹ.
Những căn nhà trong khu nhà đều làm bằng ván trắng, được bố trí gọn gàng ngăn nắp và tiếng chuyện trò râm ran vang ra từ nhà ăn rực sáng ánh đèn, nơi khách đang tự phục vụ theo kiểu tiệc đứng. Binh lính và các cố vấn dân sự mặc áo sơ mi tinh tươm, đầu chải mượt đang cười nói đi vào nhà chiếu phim có máy lạnh. Tôi vào quán bar của sĩ quan và ngồi ngay bên cạnh bàn một số sĩ quan trong khi họ đang vừa uống vừa hát. Tiếng hát vang to, không chút dè dặt và họ cầm cốc đập xuống bàn để gõ nhịp. Lời của bài hát như chế giễu các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ đã giết hại thường dân một cách không cần thiết - bài hát mà tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần với nhiều biến tấu khi tôi đang ở Quảng Ngãi như sau:
Ném bom vào nhà thờ, nhà trường
Ném bom xuống cả ruộng nương,
Để cho lũ trẻ chơi trên sân biết
Thế nào là bom na-pan.
Tháng 6, khi Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 bộ binh đang hoạt động tại Đức Phổ, thì Lữ đoàn 1 Sư đoàn Cơ động Không vận 101 với khẩu hiệu là “không ngơi nghỉ” đã di chuyển theo hướng Tây Bắc để mở cuộc hành quân Malheur II. (Địa danh này đã được Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Cơ động Không vận 101 đặt tên cho một cuộc hành quân trước đó, mượn tên của một thị trấn ở Oregon, không phải mượn tiếng Pháp có nghĩa là “sự bất hạnh” hay “đau khổ”.)
Cuộc hành quân Malheur II là đợt đầu tiên trong ba cuộc hành quân của Sư đoàn 101 trong quá trình chuyển dần hoạt động ra hướng Bắc, đi qua ba vùng đồng bằng rộng của vùng duyên hải hạ lưu của tỉnh Quảng Ngãi (cuộc hành quân Malheur I trước đó ở Đức Phổ). Với mục tiêu là tiêu diệt các đơn vị quân địch trong vùng, biến nơi này thành vùng bắn quấy rối và ngăn chặn, Sư đoàn 101 hy vọng sẽ ngăn chặn được dòng tiếp tế hậu cần và nhân lực giữa quân du kích vùng đồng bằng và quân du kích miền núi. Cuộc hành quân Malheur II được mở ở vùng thung lũng của con sông Vệ chạy uốn quanh giữa các quả núi một đoạn dài từ mười đến mười lăm cây số. Bước đầu tiên là di chuyển khoảng năm ngàn người sống trong thung lũng đến các vùng duyên hải, nơi sẽ được xây dựng các trại tỵ nạn mới. Dân chúng được di chuyển bằng trực thăng và họ được phép mang theo bất cứ thứ gì có thể mang theo bằng tay.
Giống như mọi cuộc hành quân trước đó, quân đội Mỹ phải di tản một số lượng lớn thường dân ra khỏi vùng chiến sự, trong cuộc hành quân Malheur II này Sư đoàn 101 cũng phải phân loại từng người theo mức độ tham gia hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Cách phân loại theo thứ tự từ những người đáng nghi nhất đến những người ít nghi nhất là “Việt Cộng chính cống”, “tình nghi Việt Cộng”, “ủng hộ Việt Cộng”, “người bị tạm giam”, “người tỵ nạn” và “lính đào ngũ”. Nhưng trong cuộc hành quân Malheur II, Tình báo Lục quân chỉ có nửa tá thông dịch viên và chỉ có vài ngày để phân loại trên năm ngàn người trong một vùng mà chính phủ Việt Nam Cộng hòa không có mặt từ hơn một thập kỷ và chẳng nắm được tình hình dân chúng; trong một vùng mà mọi người già, trẻ, gái, trai đều đã cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng cầm súng thì rõ ràng là với hầu hết số dân phải phân loại đó, Lục quân Mỹ không thể nào xác định được người nào vào loại nào.
Có thể nói một cách công bằng rằng trong hầu hết các trường hợp, Lục quân quyết định việc phân loại dựa trên cơ sở những việc mà họ đang làm. Ví dụ, khi binh lính vào trong làng để quây bắt dân chúng đưa đi di tản, họ phân loại dân chúng thành “ủng hộ Việt Cộng”, “tình nghi Việt Cộng” và xếp loại cả làng là “100% Việt Cộng”; nhưng cũng là số dân làng ấy, khi di chuyển vào trại, Lục quân lại phân họ thành “người tỵ nạn”. Cũng cách thức tương tự, bất cứ người Việt Nam nào bị lính Mỹ bắn chết hầu như đều được xếp loại là “Việt Cộng chính hiệu” (lính Mỹ thường nói đùa rằng “Bất cứ người chết nào không phải da trắng thì đều là Việt Cộng!”). Càng ngày Lục quân Mỹ càng sử dụng phổ biến cách đánh giá mức độ phạm tội của người Việt Nam bằng cách xếp họ vào loại “người bị giam giữ”.
Theo lý thuyết, một “người bị giam giữ” là người mà họ không kết luận được mức độ tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng như thế nào mà chỉ bị giam giữ để thẩm vấn mà thôi. Nhưng trong cuộc hành quân Malheur II này, Sư đoàn 101 đã thống kê toàn bộ số người bị giam giữ (gồm 631 người) trong một bản thống kê cùng với số người bị quân Mỹ giết và bị bắt làm tù binh, như thể họ đã xác định được rằng những người bị giam giữ đều là người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tình hình còn dễ gây nhầm lẫn hơn nữa do cách sử dụng từ ngữ trùng lắp và định nghĩa cực kỳ nhập nhèm, dễ lẫn lộn. Các cụm từ “người bị giam giữ”, “tình nghi Việt Cộng” và “người tỵ nạn” đều có thể dùng để chỉ một người, tùy theo sự chọn lựa của vị chỉ huy, mặc dù các cụm từ này đã được sắp xếp riêng rẽ trên các cột thống kê số liệu báo cáo về Sài Gòn. Trong cuộc hành quân Malheur II, có thể nói chắc chắn là tất cả những “người tỵ nạn” đều là người đã từng “bị giam giữ” và trong khi họ đang ở trong những làng của một khu vực bị Mỹ coi là thù địch thì họ cũng bị xếp loại ngay là người “ủng hộ Việt Cộng”. Tại trận tuyến, các từ ngữ “tình nghi Việt Cộng” và “ủng hộ Việt Cộng” thường được dùng lẫn lộn và có thể thay thế cho nhau. Bất cứ người nào bị đặc biệt nghi ngờ là “tình nghi Việt Cộng” như vậy đều bị trói tay ra sau lưng, bị buộc một bao cát lên đầu và chuyển đến một trung tâm thẩm vấn. Nhìn thấy họ bị trói như một tù binh, người thẩm vấn có xu hướng coi họ là một người ủng hộ Việt Cộng thực sự, và thế là may mắn lắm họ mới không bị tra tấn và giam giữ.
Trong khi tiến hành cuộc hành quân Malheur II, Sư đoàn 101 đã tổ chức thực hiện một kế hoạch thật khôi hài – dồn đàn gia súc. Họ quây trên một ngàn trâu bò và bắt đầu dồn chúng xuống chân thung lũng và hướng đến các trại tập trung dân cư mới được di chuyển đến. Tuy nhiên công việc mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Sau sáu ngày thực hiện, đàn gia súc chỉ đi được 16 cây số trong tổng độ dài 20 cây số của đoạn đường đi đến trại. Mệt mỏi với việc xua đuổi đàn gia súc, Sư đoàn 101 đã chuyển giao đàn này cho một đơn vị thuộc lực lượng dân vệ của Việt Nam Cộng hòa. Đơn vị này đã bắt trộm khoảng hai trăm con và đuổi số còn lại đến các khu chăn nuôi gia súc gần các trại. Một vài ngày sau, vụ trộm bị bại lộ, lính Mỹ liền quay trở về và bắn chết nhiều gia súc bị bắt trộm.
Một bản tin do Lữ đoàn phát hành đã mô tả lại các giai đoạn của cuộc di tản và xua dồn trâu bò trong cuộc hành quân như sau:
“Trên năm ngàn cư dân vùng đồng bằng phía Tây sông Vệ đã được trao lại cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiểm soát khi các đơn vị quân sự Mỹ kết thúc chương trình hoạt động dân sự lớn nhất từ trước đến nay được tiến hành tại tỉnh Quảng Ngãi.
Khi di tản dân làng, lực lượng quân sự hỗn hợp đã thu gom đàn gia súc và gia cầm, tiến hành giai đoạn hai của cuộc hành quân bằng cách xua đàn gia súc đến Nghĩa Hành. Trong lúc trực thăng bốc dân làng đến Nghĩa Hành, lính dù bắt đầu xua đàn gia súc. Họ gán cho lộ trình này cái tên “đường mòn Chisholm”(*) và những tiếng la ó “Hãy thúc chúng tiến lên! Hãy thúc chúng ra khỏi làng!” vang vọng khắp thung lũng. Binh lính Cộng hòa thì hát các bài dân ca; lính dù Mỹ đáp lại bằng các điệu Âu Tây. Binh nhất Gary M. Nichols, quê ở Wynne vốn sắp tốt nghiệp khóa thú y được giao việc chăm sóc các con bò mẹ và bê con sinh ra trong suốt chuyến đi này.”
Để thông tin cho báo chí, Lữ đoàn lựa chọn một tấm hình chụp cảnh binh lính đang xua đuổi đàn gia súc đi qua các cánh đồng lúa vừa mới cấy chỉ nhú lên khỏi mặt nước năm bảy phân và ghi thêm một tiêu đề: “Đây là ruộng lúa nước, không phải là cánh đồng cạn”. Khi nói đến chuyện này, các sĩ quan Sư đoàn 101 tỏ ra thích thú, phấn khởi với ý nghĩ họ đã áp dụng được việc dong đàn trâu bò, một việc làm đặc biệt, đặt Hoa Kỳ vào trong khung cảnh của các ruộng lúa nước ở Việt Nam.
Nhiều tuần sau khi kết thúc cuộc hành quân Malheur II, tôi lại bay qua thung lũng sông Vệ trên một máy bay FAC và quan sát thấy mọi ngôi nhà đều bị phá hủy. Viên phi công nói với tôi rằng sau khi xua đuổi hết dân chúng, lính của Sư đoàn 101 đã phá hủy sạch các làng này. Anh ta cũng lấy tay chỉ toàn bộ các đồng ruộng đã đồng loạt biến thành màu nâu và giải thích rằng chiến dịch Ranch Hand đã tiến hành rải chất độc diệt cây cỏ xuống thung lũng.
Một vài ngày sau, tôi hỏi viên sĩ quan thông tin của Lữ đoàn việc hủy diệt đã diễn biến ra sao.
- Tôi e rằng anh đã nhận được tin tức sai. - Anh ta đáp. - Chúng tôi có hủy diệt thung lũng đâu!
Tôi nói rằng tôi vừa bay qua khu vực này và quan sát thấy đúng là thung lũng đã bị hủy diệt.
- Tôi không biết điều đó. Nhưng chúng tôi không hủy diệt thung lũng.
Tôi hỏi anh ta giải thích như thế nào mới là hủy diệt.
- Này! Khi tôi rời thung lũng, mọi cây cối vẫn còn y nguyên. - Anh ta trả lời. Ngừng hồi lâu, anh ta nói thêm. - Chúng tôi không có kế hoạch hủy diệt thung lũng. Nhưng Việt Cộng đã quay lại thung lũng nên chúng tôi chẳng còn có cách nào khác là phải đưa hai tiểu đoàn trở lại đấy và thung lũng bị hủy diệt trong quá trình ngăn cản không để cho quân địch hoạt động.
Viên sĩ quan thông tin tại bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tỏ ý rất ngạc nhiên khi nghe tin các làng trong vùng thung lũng đã bị hủy diệt. “Đấy là một tin mới cho tôi”, anh ta nói.
Tôi thường thấy các sĩ quan Mỹ có xu hướng làm ngơ trước một phần kết quả của các cuộc hành quân - ví dụ như hủy diệt các làng mạc trên quy mô lớn – thậm chí họ còn phủ nhận nếu các kế hoạch ban đầu vạch ra cho các huyện không nêu các mục đích này.
Khi dân chúng các làng trong thung lũng sông Vệ đặt chân xuống các khu đất trống hoang ở Nghĩa Hành - nơi mà về lý thuyết họ sẽ sớm có lều lán để ở - họ đã trở thành một bộ phận trong số dân chúng được đăng ký gồm 120.000 người ở tỉnh Quảng Ngãi bị mất sạch gia tài trong khi các nhu cầu tối thiểu về cơm ăn và lều ở cũng chưa được đáp ứng. Vào cuối tháng 6, ông Ernest Hobson, cố vấn dân sự về người tỵ nạn của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc cơ quan AID (viện trợ Mỹ) đã viết trong bản “Phụ lục thống kê kèm theo Bản Báo cáo Tổng hợp đặc biệt của tỉnh Quảng Ngãi” phát hành hàng tháng như sau:
“Khó khăn lớn nhất của lĩnh vực công tác người tỵ nạn trong tháng này đã nảy sinh do cuộc hành quân của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon gây ra, khi bộ phận chuyên trách công tác tỵ nạn đã nhận được yêu cầu phải đặc biệt hỗ trợ cho hoạt động quân sự. Những khó khăn ngày một tăng thêm do tình trạng thiếu nhân viên người Mỹ và người Việt Nam. Vấn đề hậu cần, vấn đề ngân sách sẽ không thể nào giải quyết được nếu không có sự hỗ trợ khẩn cấp và đáng kể của cơ quan cấp vùng và của trung ương. Hoạt động quân sự nói trên đã vượt quá khả năng xây dựng trại dành cho người tỵ nạn mới, chỉ riêng tại Nghĩa Hành đang cần phải có thêm đến 500 trại.”
Vào lúc dân vùng thung lũng sông Vệ đến, khẩu phần lương thực dự trữ khẩn cấp đang bị thiếu trầm trọng; và vì một sự nhầm lẫn về hành chánh, mãi đến gần một tuần sau, Lục quân mới bàn giao khoảng sáu mươi hai tấn gạo - số gạo mà họ đã thu gom được trong vùng thung lũng. Sau bốn ngày nhịn đói, một số người được bố trí ăn ở trên mấy đám ruộng sát ngay bên cạnh kho gạo đã tìm cách phá kho vào ban đêm. Lính Lục quân đã phải sử dụng lựu đạn cay và làm chết hai bé trai mười hai tuổi. Vào cuối tháng Tám, vẫn còn hai ngàn gia đình tại các trại, một số nằm tại thung lũng sông Vệ, chưa có bất kỳ một loại lều lán nào để che mưa, che nắng. Vào đầu tháng 8, Phó Đại sứ Robert Komer mới biết được tình hình trên qua tin tức truyền hình và báo chí, đã viết một bức thư đề ngày 15 tháng 8 cho bác sĩ Nguyễn Phúc Quế, Ủy viên Ban Tỵ nạn của chính quyền Sài Gòn. Bức thư được sao chụp lại và phân phát cho một vài quan chức của Vùng I Chiến thuật(*). Bức thư viết:
“Tôi chắc chắn rằng ông sẽ đồng ý với tôi là tình hình dân tỵ nạn hiện nay tại Vùng I là nghiêm trọng.
Có ít nhất đến một nửa số dân tỵ nạn ở Nam Việt Nam đang ở Vùng I. Tại nước Mỹ, nhất là trong Quốc hội, đang có nhiều lo lắng về tình hình cụ thể tại Vùng I. Trong tuần qua, trên báo chí và trên truyền hình ở Mỹ, đã có nhiều câu chuyện về tình hình Vùng I. Tôi lo sợ rằng vấn đề dân tỵ nạn tại vùng này đã vượt quá khả năng xử lý của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tôn lợp nhà và các vật tư làm lán trại khác đã bị thiếu trầm trọng, lại không đủ trực thăng vận chuyển. Nhu cầu về lương thực dự trữ khẩn cấp rất lớn. Chúng tôi được thông báo rằng số dân tỵ nạn được nhận khoản Trợ cấp Cứu tế tạm thời chưa đến 50%; số dân nhận khoản Trợ cấp Tái Định cư chưa đến 25%; và hoạt động của Ủy ban đặc biệt về người tỵ nạn gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng do nhiều quan chức cấp tỉnh không quan tâm.”
Vị Phó Đại sứ tiếp tục đưa ra ý kiến nên có chế độ ưu tiên dành cho việc chuyên chở lương thực cho số dân chúng bị mất hết tài sản tại Vùng I.
Trong thư trả lời, bác sĩ Quế đã đổ trách nhiệm gây nên tình hình khủng hoảng này cho Lục quân Mỹ. Ngày 13 tháng 10, hãng thông tấn Mỹ UPI đưa tin bác sĩ Quế nói rằng trong một vài trại ở Vùng I “lương thực bị thiếu thốn trầm trọng và có nguy cơ sẽ xảy ra nạn đói nghiêm trọng”. Bản tin viết tiếp:
“Bác sĩ Quế phàn nàn rằng nhiều lúc ông chỉ được thông qua trước một ngày khi các cuộc hành quân của quân đội Mỹ đột nhiên gây ra hàng ngàn người tỵ nạn.
Ông nói ông không thể nào chuẩn bị kịp để tiếp nhận hàng 10.000 người một lúc mà chẳng được thông báo trước.
Ông nói trong năm nay có đến 14 cuộc hành quân, gây ra khoảng 300.000 người tỵ nạn.
“Chỉ đến lúc cuối cùng, có thể là trước một hoặc hai ngày tôi mới nhận được điện thoại: Này ông Quế ơi, ngày mai, tại chỗ này, chỗ kia, sẽ có 10.000 người tỵ nạn cho ông đấy!”.
Theo cuốn “Sổ tay Hoạt động Cứu trợ người tỵ nạn” áp dụng cho toàn quốc, có nêu rõ các quy chế xử lý vấn đề người bị mất hết tài sản ở Nam Việt Nam, tôi hiểu ra rằng từ ngữ “trợ cấp tạm thời” có nghĩa là khoản lương thực và tiền được sử dụng trong tình hình khẩn cấp đối với những người mới đến trại. Cuốn sổ tay nêu: “Mức chi trả Cứu trợ Tạm thời chính thức của nhà nước cho mỗi người tỵ nạn mỗi ngày là 10 đồng Việt Nam (khoảng 8 xu Mỹ), không phân biệt tuổi tác và dân tộc. Trợ cấp tạm thời có thể chi trả một lần bằng tiền hoặc một phần bằng tiền và một phần bằng gạo”. Tóm lại, theo ý kiến của Phó Đại sứ Komer, trên 50% dân chúng trong các trại tỵ nạn tại Vùng I – với số lượng lên đến trên nửa triệu người – kể từ khi đến trại cho đến ngày 15 tháng 8, không được nhận lương thực của chính phủ Mỹ hoặc của chính phủ Sài Gòn. Nhờ có bức thư gửi đi, Vùng I mới nhận được một ít cứu trợ khẩn cấp. Nhưng từ giữa tháng 6, khi ông cố vấn Hobson viết thư cho đến cuối tháng 8, chỉ riêng ở Quảng Ngãi, số người mất hết tài sản do các cuộc hành quân đã tăng lên 31.888 người và cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Để giảm bớt tình trạng thiếu thốn lương thực tại các trại huyện Đức Phổ, cứ một tuần vài ba lần, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 lại thu gom được nửa tấn thức ăn thừa trong các bếp ăn tập thể của binh lính và phân phối cho các trại gần đó.
Nói về dân chúng trong các trại, các quan chức Mỹ thường tránh né không đề cập đến chuyện làm như thế nào và lý do tại sao dân chúng lại mất hết của cải mà chỉ nêu là “người tỵ nạn mới nảy sinh” hoặc “tỵ nạn Cộng sản” hoặc “người thoát khỏi đô hộ Cộng sản”. Khẩu hiệu “Hai triệu dân tỵ nạn đã bỏ phiếu bầu cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa bằng đôi chân của mình”(*) đã trở thành một trong những câu nói sáo rỗng của cuộc chiến, và Cơ quan Hoạt động Dân sự Mỹ (American Office of Civil Operations) đã đưa nhiều trại này trong báo cáo của họ vào danh sách “các thôn xóm được bảo đảm an ninh”. Trong bản báo cáo tháng 8, ông cố vấn Hobson đã nêu vấn đề này bằng những lời lẽ khác:
“Kể từ ngày 13/06/1967 đến nay, chúng tôi đã nhận được tất cả 31.888 dân tỵ nạn mới do kết quả trực tiếp của các cuộc hành quân của lực lượng đồng minh. Hầu hết số dân tỵ nạn mới này thực chất là số dân di tản. Mức tăng vọt dân tỵ nạn đã làm cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa không còn khả năng giải quyết tình hình. Lúa gạo, hàng hóa Mỹ và tôn lợp thiếu thốn nghiêm trọng. Chính quyền cấp vùng và trung ương ở Sài Gòn bị thúc bách phải giải quyết vấn đề tôn lợp nhà trước mùa mưa. Vào lúc này có khoảng 2.000 gia đình không có nhà ở thích hợp hoặc bất cứ loại lều lán nào.”
Bản báo cáo tháng 6 “Tình hình chung về dân tỵ nạn trong tỉnh” do chính quyền cấp tỉnh Việt Nam Cộng hòa soạn thảo đã phân loại 80.000 trong số 122.680 “dân tỵ nạn” thành “dân sống phân tán”, có nghĩa là họ không được cấp lều lán ở trong các trại. Bản báo cáo nêu còn có 122.680 dân ở trong hoặc xung quanh các trại đã được xây 573 nhà xí, 33 trường học và 27 trạm xá, tính trung bình là một nhà xí cho 214 người, một nhà trường cho 3.000 trẻ em (ước tính số trẻ em chiếm 2/3 số dân tỵ nạn) và một trạm xá cho 4.543 người. Các tiện nghi này lại không được phân bố đồng đều giữa các trại. Trong số 68 trại, có 50 trại không có trường học, 46 trại không có nhà xí, 42 trại không có trạm xá. Trong số 573 nhà xí, có 471 ở trong các trại của Sơn Tịnh và số 102 nhà xí còn lại là của các huyện khác.
Trong số 68 trại, ước tính có khoảng 15% dân chúng là người khỏe mạnh. Chỉ có một số rất ít việc làm cho phụ nữ, nhất là việc làm trong các căn cứ Mỹ. Một số phụ nữ làm nhân viên phục vụ trong các nhà ăn của binh lính và một số khác làm công việc đổ cát vào bao tải để xây dựng căn cứ phòng thủ. Những lao động nữ đều được trả lương. Tại cả hai căn cứ Đức Phổ và Chu Lai, tù binh cũng đổ cát vào các bao tải và phục vụ việc xây dựng căn cứ phòng thủ. Tại các căn cứ, hình ảnh rất thường gặp là một toán phụ nữ đang lao động trên những cồn cát nóng, đổ cát vào đầy các bao và chuyên chở dưới trời nắng nóng trong khi một lính Mỹ ngồi gần cạnh mang theo một súng M-16; có một lần, tại căn cứ Chu Lai, người ta phát hiện một quả mìn nằm trong bức tường bao cát gần một kho đạn, bức tường bao cát này do một toán lao động trong số phụ nữ đã bị mất hết nhà cửa tài sản xây lên. Một số phụ nữ trẻ ở các trại tập trung đã trở thành gái mại dâm phục vụ cho lính Mỹ (một thị trấn nằm ngay sát trước cổng căn cứ Chu Lai bị coi là không an toàn nên lính Mỹ chỉ được vào các quán bar với gái điếm trong khoảng từ 8 đến 11 giờ sáng). Số ít đàn ông còn có sức lao động có thể tìm một công việc tạm thời như đập đá trong căn cứ. Mọi công việc đều có người làm, tùy theo cách tuyển chọn lao động hàng ngày và tùy theo yêu cầu xây dựng của quân đội để tuyển mộ hoặc thải hồi công nhân. Một số ít khác đan rổ và làm các mặt hàng lưu niệm bán cho lính Mỹ. Tuy nhiên, tất cả các loại công việc này chỉ sử dụng nhiều nhất là vài trăm người. Số còn lại vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp.
Các nhà ở điển hình trong các trại chủ yếu bao gồm các dãy lán dài xây dựng song song kiểu trại lính, không vách, không nền, chỉ có cột và mái tôn. Những người được xếp loại là “người sống phân tán” thì ngủ dưới các mái tranh có cọc chống, hoặc sống ngoài trời. Một vài người dựng lán bằng bìa cứng của các hộp giấy mang nhãn hiệu in sẵn lặp đi lặp lại nhiều lần. (Trên những bức tường làm bằng bìa cứng của những căn nhà này từ trên xuống dưới dày đặc những dòng chữ thường thấy trên các thùng khẩu phần lương thực của lính: “KHẨU PHẦN CHIẾN ĐẤU”, “KHẨU PHẦN CHIẾN ĐẤU”, “KHẨU PHẦN CHIẾN ĐẤU”). Vì dân chúng cần thực phẩm hơn nhà ở nên một số dân trong trại tập trung đem mái tôn được cấp đi bán cho dân ở thị xã Quảng Ngãi để lấy tiền mua gạo, mà giá gạo lại tăng lên ghê gớm do nhu cầu của các trại tăng lên đột xuất cùng lúc với mức sản xuất lương thực tại địa phương sụt giảm do đất đai bị bỏ hoang. Các quan chức cấp tỉnh và cấp huyện cũng lấy trộm tôn đem bán. Các phố chính ở thị xã Quảng Ngãi lấp lánh các mái tôn mới do việc mua bán bất hợp pháp này. Chính những mái tôn mới này đã báo động cho các cố vấn Mỹ phụ trách công tác về tỵ nạn biết phần lớn số tôn đã không được sử dụng vào việc làm lều trại cho dân chúng. Các trại được xây dựng tốt nhất là số trại có sự hợp tác của các quan chức Mỹ và Việt Nam được nhóm tín đồ giáo phái Cao Đài quản lý và ủng hộ thêm về tài chính. Như trong các trại khác, các trại này cũng được xây thành nhiều dãy thẳng hàng giống như trại lính, phân cách bằng những lối đi không trồng cây, nhưng nhà ở tại đây thường là các dãy tường vách đất khung tre và không ai phải nằm ngủ ngoài trời cả. Dân chúng trong các trại này, khác với các trại khác, đã được chính phủ cấp một ít đất để canh tác.
Cuốn “Sổ tay Hoạt động Cứu trợ người tỵ nạn” nêu khái lược các thủ tục chuẩn mực mà các quan chức trong Vụ Tỵ nạn của Cơ quan Hoạt động Dân sự Mỹ ở Sài Gòn lập ra để giải quyết đời sống dân tỵ nạn trong các trại. Cuốn sổ tay đã vạch ra kế hoạch hai giai đoạn: Xây dựng Các trại tạm thời và Công cuộc Tái định cư. Phần I-B, Chương 3 của cuốn sổ tay thống kê một số tiện nghi “bắt buộc phải có” cho mỗi một trăm hộ dân trong các trại tạm thời là: 20 nhà xí, một lớp học và hai giếng nước chẳng hạn. Phần I-C cùng chương này cũng thống kê nhiều hoạt động trong trại tạm thời bao gồm “hoạt động tập thể, hành động công dân vụ và hoạt động dân sự, xây dựng tinh thần đoàn kết trong người tỵ nạn, giáo dục xu hướng dân chủ” và “dạy nghề” nhưng Chương 4 với đầu đề “Tái định cư” lại nêu “Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được phép xây dựng các trung tâm dạy nghề. Cần phải sắp xếp để tận dụng các nhà dân hoặc nhà của chính phủ để tránh hao phí ngân sách không cần thiết”. Phần II với đầu đề “Thủ tục Đăng ký dân tỵ nạn” yêu cầu phải có một chuyên viên lấy dấu vân tay và chụp hình “những người chưa được xác minh”. Phần IV, Chương 3 nêu rõ rằng số tiền cứu trợ tạm thời 10 đồng mỗi ngày có thể cấp luôn một tháng và có thể kéo dài thêm một tháng nữa trong trường hợp “tình hình tại địa phương còn thiếu an ninh hoặc việc xây dựng các trung tâm tái định cư chưa hoàn thành kịp thời”. Phần IV-B thống kê số dân chúng theo các loại sau đây để xét được hưởng cứu trợ tạm thời:
1. Dân tỵ nạn từ các vùng thiếu an ninh được tập trung trong các trại tạm thời.
2. Những người xin vào cư trú các trại tạm thời mà không phải là người địa phương phải được phỏng vấn về lý lịch và lý do rời khỏi quê quán mình. Phải thông qua một điện văn của tỉnh nguyên quán để nắm được các chi tiết chế độ cứu trợ trước đây để có thể có cách nhận định và xử lý. Trong lúc chờ đợi, họ được cấp chỗ ở tạm thời tại một trại tỵ nạn và chỉ được trợ cấp dụng cụ sinh hoạt.
3. Thân nhân của lực lượng nòng cốt và các thành viên Lực lượng dân vệ đến từ các vùng thiếu an ninh.
4. Thân nhân của các phần tử Việt Cộng cũng được xem xét vì lý do nhân đạo; tuy nhiên chính quyền địa phương cần phải theo dõi hoạt động đi lại của họ để đề phòng các hoạt động chống phá mà họ có thể gây ra.
Mặc dù tiền trả cho dân chúng trong các trại tạm thời dự kiến chỉ kéo dài nhiều nhất trong hai tháng, nhưng cuốn sổ tay cũng ghi rõ ở những nơi gọi là “các trại tạm thời cũ” có thể cần phải bổ sung thêm giếng nước và nhà xí.
Trong giai đoạn hai được ghi trong cuốn sổ tay có tên “Tái định cư”, dân chúng trong các trại tạm thời sẽ được coi là trở lại cuộc sống bình thường trong các làng mới là phải có công ăn việc làm, có nhà cửa thích đáng và được một hệ thống an ninh hữu hiệu bảo vệ chống lại ảnh hưởng của Việt Cộng. Sổ tay cũng nêu ra nhiều cách tái định cư. Trong mục “Trở về làng” là phương pháp tốt nhất được nói đến, cuốn sổ tay viết: “Đây là công thức tái định cư tốt nhất. Tuy nhiên, làng quê này cần phải được bình định hoàn toàn và bảo đảm tuyệt đối an ninh để loại trừ khả năng xảy ra một làn sóng di tản thứ hai”. Nếu người di tản từ các tỉnh khác đến, “tỉnh chủ nhà” chỉ được cấp cho họ tiền trợ cấp tạm thời sau khi đã được tỉnh nguyên quán khẳng định “đúng là số người này muốn trốn chạy khỏi chế độ Cộng sản”. Phương pháp định cư thứ hai được gọi là “Tái định cư trong các Trại Tạm thời”. Cuốn sổ tay ghi: “Nếu không có vị trí nào thuận lợi cho việc tái định cư trong một tỉnh hoặc thành phố tự trị nào đó, dân tỵ nạn sẽ được bố trí vào các trại tạm thời. Về vấn đề này, các căn nhà tạm thời mà họ hiện đang ở sẽ trở thành nhà riêng của họ và chính quyền địa phương không phải trả cho họ tiền trợ cấp nhà cửa tái định cư là 5.000 đồng”. Chương 4, Phần II, Đoạn 2 xác định rõ là các địa điểm tái định cư phải đi lại dễ dàng bằng đường bộ và có nhiều tiềm năng hứa hẹn phát triển kinh tế.
Tại nhiều đoạn, cuốn sổ tay giải thích rõ dân chúng là nạn nhân của Việt Cộng cần phải được đối xử tốt hơn so với những người là nạn nhân do các cuộc hành quân của Mỹ hoặc do thiên tai. Chương 5 trong cuốn sổ tay nói về “cứu trợ tai họa” xác định rằng nếu có người nào trên mười tám tuổi bị Việt Cộng giết, gia đình người bị hại sẽ được nhận bốn ngàn đồng, nhưng nếu anh bị chết do những nguyên nhân khác, các khoản tiền sẽ được gộp lại dưới đề mục “chết do bất cẩn” và gia đình chỉ được nhận ba ngàn đồng. Ở cuối chương này, cuốn sổ tay ghi: “trợ cấp nói trên chỉ áp dụng cho những người tỵ nạn đã nhận cứu trợ tạm thời hoặc đã được tái định cư hẳn trong thời gian dưới một năm. Quá thời hạn này, họ sẽ được coi là đã trở lại đời sống bình thường”.
Cuối tháng 8, tôi nói chuyện với ông Hobson, nhà quản lý – một người da đen có thân hình vạm vỡ, đã tốt nghiệp thạc sĩ về quản lý kinh doanh và, trước khi sang Việt Nam để làm cố vấn cấp tỉnh về người tỵ nạn, ông ta đã từng nhiều năm làm sĩ quan phụ trách ân xá tù nhân ở Mỹ và đã tham gia nhiều dự án thanh niên ở Hác-lem(*). Ông bảo tôi:
- Kể từ ngày dân tỵ nạn đến đây, họ đã bị đối xử tồi tệ và chẳng hề được ai chú ý. Hiện nay có năm ngàn người sống không nhà. Lý do đơn giản là chúng ta chẳng có người và của cải để giúp họ. Tất nhiên đây là các trại tồi tệ nhất. Hai trại tốt nhất là do Phật giáo đỡ đầu. Hầu hết các trại đều có tình trạng là mười gia đình chen chúc nhau sống trong một diện tích dành cho một gia đình. Và chẳng ai có việc làm. 85% dân tỵ nạn là phụ nữ, trẻ em và người già. Nếu họ có chút ít đất nào để canh tác thì thường là đất xấu nhất, bởi vì đất của chính phủ thường là loại xấu nhất. Chúng tôi đã cố gắng tổ chức một lớp dạy nghề nhưng khó khăn cơ bản là ở chỗ đây không phải là một nước công nghiệp nên rõ ràng là chẳng thể tìm ra công việc gì cho họ. Chúng ta không thể tách hơn mười hai vạn rưỡi nông dân ra khỏi đồng ruộng của họ và trông chờ họ tự tìm được một cuộc sống khả dĩ xung quanh các thành phố. Trong cuộc hành quân ở thung lũng sông Vệ, lần đầu tiên chúng tôi có tiến hành chiến tranh tâm lý. Vì thế dân chúng cũng có một khái niệm mơ hồ về những gì sắp xảy ra, nhưng được như vậy chỉ là do chúng ta kiên trì vận động. Trước đó, họ chẳng biết gì cả. Họ chẳng hề biết tại sao họ bị bốc đi, họ sẽ đi đâu và những gì sẽ đến với họ. Anh sẽ không tin là tình hình ở đây đang có những mâu thuẫn. Nếu tôi kể chuyện với dân chúng ở bên Mỹ, họ sẽ bảo là tôi nói dối. Và thực trạng tình hình mỗi nơi một khác. Chẳng có trại nào giống trại nào. Cũng chẳng có đợt hoạt động nào giống đợt hoạt động nào. Và từng đợt hoạt động lại tiến hành riêng rẽ với nhau… Lục quân đột ngột báo cho chúng tôi biết sẽ có 5.000 dân tỵ nạn sẽ đến, không có tài sản và lương thực. Quả giống như là một buổi hòa nhạc mà từng nhạc công cứ tự mình chơi theo ý thích riêng – như thế thì anh có thể biết đó là loại nhạc gì rồi!
Sau đó, tôi được xem một tờ truyền đơn chiến tranh tâm lý đã rải xuống vùng thung lũng sông Vệ. Một mặt truyền đơn là tấm hình của hai vợ chồng, mỗi người bế một đứa con trai. Cả bốn người đang cười trước ống kính. Dòng chú thích viết: “Tôi, Trịnh Sử và gia đình đã được tái định cư tại trại tái định cư Nghĩa Hành, tại đây chúng tôi đã nhận đủ trợ cấp của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tôi khuyên các bạn nên tuân theo các chỉ dẫn của quân đội Mỹ tại Nghĩa Hành và các bạn sẽ được sống an toàn như chúng tôi”. Mặt sau viết:
“Hỡi dân chúng ở thung lũng sông Vệ, chính phủ Việt Nam Cộng hòa kêu gọi các bạn hiện đang ở trong núi hãy xuống núi và đi về Nghĩa Hành. Tại đó, các bạn sẽ được chính phủ Việt Nam Cộng hòa và lực lượng đồng minh bảo vệ và chăm sóc. Bạn bè của các bạn dời đến Nghĩa Hành đã nhận được lương thực và thuốc men. Các bạn sẽ được an toàn tại Nghĩa Hành. Sẽ có nhà ở cho gia đình các bạn. Những ai trong số các bạn đang tìm cách ở lại vùng này sẽ bị coi là thù địch và sẽ gặp nguy hiểm.”
Cuối cùng, tôi đã nói chuyện với một trong số người đã thực hiện những tấm hình chụp để in vào truyền đơn. Đó là một anh binh nhì Mỹ cao trên 1,9 mét, người to, khỏe. Anh ta nói:
- Chúng tôi đã phải nhăn mặt làm trò hề để cho những người đứng chung quanh cười. Chúng tôi đã cố gắng làm cho một ông già tuổi sáu mươi mặt xấu xí bật cười nhưng ông lão chỉ đứng lặng yên, không hề nhếch mép, dù chúng tôi đã làm đủ trò. Nhưng rồi khi tôi leo lên một cái thang để chụp hình, tôi trượt chân té ngã, đến lúc ấy mới thấy lão già chết tiệt ấy bật cười!
Trước khi tôi ra về, ông Hobson giải thích cho tôi rằng một trong số những điều rắc rối nhất ông ta gặp phải là tìm xem loại thực phẩm nào thích hợp cho việc ăn uống trong các trại. Sau gạo, lương thực chính của hàng cứu trợ Mỹ là hạt mì. Tuy nhiên, ông Hobson đã phát hiện ra rằng dân chúng trong các trại, kể cả người đang bị đói, đều bán số mì này cho người nuôi heo, một phần vì họ không thích mùi vị cháo mì này nhưng chủ yếu vì họ thấy phải tốn quá nhiều củi để nấu. Ở đây củi rất hiếm, đặc biệt là tại các trại; và nếu sử dụng cỏ và cành cây tìm trong nhiều ngày chỉ để nấu một bữa cháo mì thì chắc chắn là họ sẽ phải nhịn đói trong nhiều ngày sau đó, giống như sử dụng gạo ăn cả tuần để nấu ăn trong một ngày. Ông Hobson nói:
- Người Mỹ khó có thể biết chính xác người Việt Nam muốn cái gì. Ví dụ khó có thể phân biệt một người giàu và một người nghèo. Cả hai đều không có máy giặt và nhà trang trí kiểu cách. Sự khác nhau có thể chỉ là chiếc xe máy để ở trước nhà. Do đó, lính Mỹ thấy người Việt Nam nào cũng nghèo.
Ông Hobson nói đến công lao của ông Tề, người trợ lý mà ông rất quý trọng, đã liên tục dạy cho ông về phong tục Việt Nam. Ông nói to như để cho cả tôi và ông Tề cùng nghe:
- Ông Tề đang cố công luyện cho tôi để một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một người Việt Nam lịch thiệp thứ thiệt. Và việc đầu tiên cần giải quyết là tiếng cười. Tôi vốn là người hay cười to tiếng và ông Tề nói đó là vấn đề số một cần phải giải quyết. Nhưng tôi phải là tôi, tôi phải trở thành một người lịch thiệp với tiếng cười to của tôi. - Nói xong, ông lại cười rõ to.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi sau đó, ông nói:
- Tôi hỏi anh, nếu chúng ta không tranh thủ được lòng trung thành của dân tỵ nạn ngay trong các trại này, thì làm thế nào tranh thủ được con tim, khối óc của những người đang sống trong các thôn xóm ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó. Các ngài sếp bự cứ muốn chuyển dân chúng hết nơi này sang nơi khác. Các vị ấy bảo: “Người miền núi phải biết sống ở đồng bằng, người nông dân phải biết sống ở thành thị”. Vấn đề rắc rối ở đây là các vị ấy không có con tim. Đơn giản chỉ là vấn đề họ không có con tim.
Tôi nói các số liệu về người tỵ nạn thống kê trong tỉnh cho thấy có hàng vạn người đã được “tái định cư”.
Ông Hobson giải thích rằng điều đó đã được làm theo các điều khoản ghi trong “Cuốn Sổ tay Hoạt động Cứu trợ người tỵ nạn” về việc “Tái định cư trong các Trại Tạm thời”. Ông nói:
- Mọi công việc tái định cư đó đều chỉ là trên giấy. Đáng lẽ chúng ta phải đưa cho mỗi gia đình năm ngàn đồng Việt Nam là khoản trợ cấp tái định cư để họ làm nhà mới. Nhưng những gì mà ta làm là nói: “Đúng rồi, chỗ chúng tôi làm nhà cho các anh hiện nay là lâu dài, đó là nhà của anh rồi, nên các anh không được nhận năm ngàn đồng nữa”. Một cách làm khác là cử đến đây một thôn trưởng và đặt cho trại một cái tên. Thế là có thể coi đó là một làng hay xóm. Tất nhiên địa điểm này phải đạt một số tiêu chuẩn nào đó, nhưng cơ bản cũng chỉ là việc trên giấy. Như vậy có nghĩa là trại này đã tách ra khỏi tay của Ủy ban đặc biệt về người tỵ nạn và đã thuộc quyền quản lý của Bộ Phúc lợi Xã hội – mà rồi cũng là tôi…!
Ông Hobson lại cười to, một kiểu cười làm cho ông không thể trở thành một người Việt Nam lịch thiệp. Nhưng ông vội im lặng, rồi lắc đầu:
- Tôi không có đủ thời gian để xem họ từ đâu đến. Tất cả những gì mà tôi có thể làm được là tìm kiếm chút ít lương thực và tấm lợp nhà cho họ, nếu không thì coi như từ bấy đến nay họ chẳng được cấp gì cả.
Ngày 6 tháng 10, một bác sĩ người Anh đã làm việc tại bệnh viện dân sự Quảng Ngãi, bệnh viện duy nhất trong cả ba tỉnh này – trên ba năm đã viết một báo cáo rằng “điều kiện bảo đảm sức khỏe trong các trại rất khác nhau”, ông giải thích rằng:
“Các trại thành lập đã lâu năm có tốt hơn chút ít. Ở các trại này thường có một người tạm gọi là y tá, có nhà vệ sinh, có giếng nước. Nhưng bệnh tật, nạn đói và thiếu dinh dưỡng là phổ biến.
Ở các trại mới, tiện nghi cấp nước và vệ sinh kém, tiền ít, lương thực ít, nhà ở tồi tàn, rét lạnh và bệnh tật cũng là phổ biến.
Các trại mới lập gần đây: chỉ có lều tạm, không nhà ở, không lều bạt, phơi mưa nắng, không có nước, không nhà vệ sinh, không tiền, không lương thực, bệnh kiết lỵ, sốt rét, thiếu dinh dưỡng, viêm gan truyền nhiễm, dịch bệnh là chuyện xảy ra hàng ngày. Nhiều người chết, trung bình mỗi tuần hai, ba người, vì các nguyên nhân trên. Nay mùa mưa đã bắt đầu, tương lai trước mắt ở đây sẽ thật là khủng khiếp. Trong toàn tỉnh có khoảng 5.000 đến 10.000 trại thuộc loại này.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận