![]() |
Suối Nước Moọc-Ảnh: C.M.K. |
Khởi hành từ khu hành chính của vườn quốc gia, xe đưa đoàn theo những con đường mòn quanh co khúc khuỷu. Càng luồn sâu vào rừng rậm, quang cảnh càng u tịch và hiểm trở, những đèo dốc khi hun hút xuống vực, khi chất ngất vách lèn, khiến ta có cảm giác một chút hiểm nguy của những cung đường Trường Sơn năm xưa.
Thiên nhiên kỳ lạ và hoang dã
Chúng tôi được dừng chân thăm nhiều địa danh lịch sử, những nơi từng được mệnh danh là "tọa độ lửa" của đường Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ: hang Tám Cô, phà Xuân Sơn, sân bay Khe Gát và tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của thác Gió. Từ chân núi Tây Trường Sơn tuôn ra dòng suối xanh trong vắt. Tại vị trí này, đoàn rời khỏi ôtô, bắt đầu hành trình đi bộ khám phá cảnh quan suối Nước Moọc. Đi trong mưa xuyên qua những cánh rừng dọc bên bờ sông Chày, chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh quan kỳ thú của vùng suối Nước Moọc.
Hàng chục con suối chảy quanh co, kết nối vào nhau như mạng lưới, khi thì thầm chảy dưới tán cây chằng chịt, lúc lại lồng lên dữ dội, tạo thành hàng trăm thác nước huyền ảo. Những cột nước thấp mọc lên từ lòng đất tuôn chảy thành các dòng suối, bởi vậy dân địa phương gọi là "Moọc". Có những đoạn ngã năm ngã bảy suối, nước chảy về mọi phía nên không biết thượng nguồn ở phía nào.
Ông Phan Hồng Thái (hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) cho biết những dòng suối từ dưới lòng đất phun lên này nhập với nhau thành ba dòng suối lớn rồi lại chui vào núi đá mất hút. Các nhà nghiên cứu phán đoán những dòng suối Moọc chính là khởi nguồn cho dòng sông ngầm vĩ đại trong lòng động Phong Nha.
Con đường vắt vẻo trên đá hòn và đá cuội đưa chúng tôi len lỏi dưới tán rừng cây mát rượi cùng tiếng nước suối chảy rì rầm, nhiều đoạn phải lội qua dòng suối chảy khá xiết, nếu không cẩn thận sẽ trượt chân, đá lăn khá nguy hiểm. Tham quan tuy "vất vả” nhưng tha hồ được khám phá những loài cây, chim, thú. Những cây gỗ quý nơi đây đều được gắn biển với lai lịch rõ ràng.
Ta dễ dàng bắt gặp những cây leo thân to cỡ bắp đùi vắt ngang dòng suối, thỉnh thoảng xuất hiện những chú khỉ đánh đu trên thân cây, chuyền từ bên này sang bờ bên kia. Những con thú nhỏ băng qua lối mòn và chim rừng đậu bình thản trên những cành cây. Nếu ai can đảm, hãy sẵn sàng để bơi giữa dòng nước lấp lánh tuyệt đẹp. Ở nơi hợp lưu giữa suối Nước Moọc và sông Chày, có đoạn suối nước chảy êm đềm được dành riêng để du khách đắm mình trong dòng suối, tận hưởng những phút giây thư giãn nhẹ nhàng.
Trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa
Bảy cây cầu gỗ bắc ngang qua các dòng suối, được Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) xây dựng vào giữa năm 2008, đã biến khu vực suối Nước Moọc thành tuyến du lịch sinh thái dài gần 2km. Du khách được mắc võng nằm đu đưa dưới tán cây rừng, nghe suối nước chảy bên mình và có thể tắm mát dưới dòng suối Nước Moọc trong vắt lô nhô đầy những tảng đá to nhỏ. Đây là tuyến du lịch sinh thái đầu tiên được khai phá trong di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, bắt đầu hoạt động đón khách từ tháng 9-2008.
Ông Joachim Esser, cố vấn văn phòng GTZ Việt Nam, cho biết: việc khai phá khu vực suối Nước Moọc không chỉ mở ra tuyến du lịch mới, mà điều quan trọng tại đây sẽ thí điểm mô hình du lịch cộng đồng. Các tộc người thiểu số sống tại vùng đệm và vùng lõi của vườn quốc gia chủ yếu thuộc nhóm Bru Vân Kiều (Vân Kiều, Khùa, Trị và Ma Coong), nhóm người Chứt (Mã Liềng, Mày, Sách, Rục và Arem). Những tộc người nơi đây vẫn còn giữ tập tục sống du canh du cư, săn bắn và hái lượm, gây hại tài nguyên rừng.
Những năm gần đây, với sự kiên trì vận động của chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Bình, nhiều người dân tộc thiểu số trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã sống định canh định cư, nhưng vẫn còn khoảng 2.000 người du canh du cư. Đặc biệt tộc người Rục vẫn chưa bỏ được tập tục sống trong hang động theo cách của người nguyên thủy, dù chính quyền đã nhiều lần đưa họ tập trung về làng bản nhưng sau đó họ lại vào rừng.
Đến suối Nước Moọc, du khách sẽ tham gia nhiều hoạt động lý thú: thuê xe đạp leo núi, chèo thuyền cao su trên các dòng suối, câu cá trên suối (tại đây có nhiều loài cá đặc trưng riêng của vùng núi đá vôi Quảng Bình: cá chình hang động, cá lăng Quảng Bình...). Du khách có thể ở lại 1-3 ngày trong ngôi làng nhỏ Chày Lập, trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của những người dân bằng cách sống trong ngôi nhà của họ, làm việc với họ ở trong vườn, ngoài đồng và vui chơi với những đứa trẻ hiếu kỳ.
Áo Trắng số 2 (ra ngày 1-02-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận