Thầy cô trong trường bảo rằng hơn 20 năm thầy về hưu nhưng ấn tượng về thầy vẫn còn đó, đủ đong đầy... Tôi cũng không ngoại lệ.
Chính sự nâng đỡ tinh thần cũng như chia sẻ rất công bằng của thầy Trần Hữu Tá là một trong những màu sắc đáng nhớ trong hành trình làm nghề và học tập của tôi.
Từ sự động viên của thầy
Tôi không được học từng bài giảng với thầy nhưng ấn tượng sâu sắc bắt đầu có được khi bạn bè bảo rằng thầy giảng rất uyên bác. Những năm tháng sinh viên cũng từng học ké với khoa này, khoa kia làm cho tôi có cơ hội được nghe thầy vài tiết.
Rồi đến những năm 2005 - 2006, đề tài cấp bộ đầu tiên của chúng tôi về vấn đề định hướng giá trị đạo đức nhân văn của sinh viên được công bố với những minh chứng cũng khá mới mẻ và có phần gây sốc.
Giữa một số ý kiến có phần lo lắng, thầy đã trả lời phỏng vấn trên báo rằng đây là những dữ liệu đáng suy ngẫm và thay vì cứ lo thì hãy nghĩ đến giải pháp. Lúc ấy, có thể thầy chỉ biết tôi là giảng viên và là một người làm nghiên cứu trẻ.
Tuy nhiên, những đánh giá phản hồi của thầy sau một vệt bài báo về lối sống của giới trẻ có nhắc đến nghiên cứu của chúng tôi sau đó càng khẳng định sự đồng cảm của thầy.
Không lâu sau, trong một lần gặp thầy trong hội thảo khoa học, thầy bảo thầy rất thích cách lý giải đa chiều và phả vào trong nhận định những hơi thở của thời cuộc ở đề tài nghiên cứu định lượng và định tính phối hợp.
Thầy còn động viên nhóm nghiên cứu chúng tôi tiếp tục với các nghiên cứu về tâm lý học phát triển, tâm lý thanh niên để có một cái nhìn mới về diễn tiến lối sống của thanh niên.
Có thể nói chính sự động viên của thầy với một nhà nghiên cứu còn trẻ đã là sự nâng đỡ về tinh thần đáng quý. Nâng đỡ đồng nghiệp, nâng đỡ cộng sự, nâng đỡ với tinh thần chấp nhận, khuyến khích và thừa nhận là điều đáng quý mà tôi đã làm và sẽ làm bởi tôi nghĩ đó là niềm vui và trách nhiệm.
Chữ trọng trong làm việc
Cũng những năm 2007 - 2010, tôi trở thành báo cáo viên thường xuyên làm việc với các trường phổ thông, nhất là trường trung học. Thầy Trần Hữu Tá cũng là người trực tiếp trò chuyện và trao đổi để sẻ chia về nhu cầu của giáo viên, của hội đồng sư phạm về từng chuyên đề cho đội ngũ giáo viên. Thầy vẫn gọi bằng tên hoặc bằng thầy dù khoảng cách thế hệ cũng như vị trí.
Từng chuyên đề đến với đội ngũ giáo viên cộng sự của thầy về các kỹ năng mềm của giáo viên, kỹ thuật tiếp cận học sinh. Giao tiếp là chinh phục trí tuệ và trái tim học trò đều là những đặt hàng rất thú vị từ phía thầy và hội đồng sư phạm. Chính sự tôn trọng mà thầy dành cho chính mình nên những ấn tượng của tôi về nghề giáo, về người quản lý càng trở nên sâu sắc.
Thực ra, chỉ cần đối đãi đầy chân thành với nhau, người ta có thể dễ dàng trở thành những người dễ dàng chia sẻ.
Với kinh nghiệm dày dạn về giảng dạy, quản lý chuyên môn nhưng từng buổi chuyên đề thầy đều tham dự và lắng nghe một cách hết sức cẩn trọng và phản hồi tích cực. Thậm chí thầy còn trải lòng về một khát vọng mỗi giáo viên làm sao có thể thấu hiểu, tương tác tích cực và tư vấn để các em sống tốt, học tốt, vào đời và lập thân - lập nghiệp.
Mong mỏi này của thầy cùng nhiều bậc thầy cùng ngành đã làm cho các chuyên đề tập huấn cho giáo viên hiện nay về hỗ trợ tâm lý, nâng đỡ tinh thần cho học sinh càng thêm màu sắc.
Mỗi một nhân cách đều có những sắc màu riêng và may mắn thay những chất liệu để trưởng thành của tôi là những bài học đáng nhớ. Khi trưởng thành, khi bắt đầu đi trước một chút so với lớp sau, tôi hiểu nhiều hơn về việc chấp nhận.
Bởi khi chấp nhận là lúc chúng ta bao dung, trọn vẹn hơn. Khi chấp nhận là cơ hội để chúng ta thừa nhận sự việc đang như là thay vì cứ phải là; nhất là khi chấp nhận để thấy chúng ta có sự kết nối và tương tác tích cực thay vì giữ thế...
Khi bắt đầu học trở thành quản lý, kinh nghiệm tôn trọng đồng đội, tạo cơ hội cho đồng nghiệp cũng như đầu tư cho con người như tài sản quý của tổ chức là điều đáng để thực hiện hơn cả. Hành trình đầu tư ấy cần sự quan tâm, đặt hàng và cần nhất là chữ trọng trong quá trình làm việc.
ThS Đặng Trọng Hộ (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, Lâm Đồng):
Một câu chuyện khắc cốt ghi tâm
Được gặp gỡ thầy Trần Hữu Tá như là cơ duyên và cả ân huệ. Đối với tôi, thầy đã có những ảnh hưởng lớn đến công việc và nhân cách nhà giáo. Thầy như người bố giúp tôi trong học tập, định hướng cho tôi về đường đời.
Năm 1996, tôi làm luận văn thạc sĩ ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khi đang là giáo viên Trường PTTH Thăng Long, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Khi đó tôi rất nghèo, không có tiền học tiếp nên toan bỏ học.
Hay tin, thầy Trần Hữu Tá động viên tôi ở lại học, thiếu tiền thầy đưa cho mà tiêu. Rồi thầy nói vợ thầy đưa cho tôi 500.000 đồng, bằng tháng lương của tôi lúc đó. Điều khiến tôi xúc động hơn nữa là khi ấy thầy cũng khó khăn, chẳng dư dả gì nhưng vẫn thương trò nên mới đưa tiền cho học trò để tiếp tục việc học hành.
Cách xử sự đó của thầy đã gieo vào học trò một niềm tin mãnh liệt về nghề giáo, về ngày mai và hình thành ý thức trách nhiệm sâu sắc về việc học hành và bổn phận của người thầy đối với các thế hệ học trò.
Tôi đã khóc và bỗng trở nên mạnh mẽ trước nghĩa cử đó của thầy. Sau này không chỉ tôi mà vợ con tôi cũng rất xúc động và khắc cốt ghi tâm câu chuyện này.
Thầy ra đi là một mất mát lớn nhưng tôi tin những gì thầy đã dạy sẽ được các thế hệ học trò của thầy gìn giữ và tiếp tục trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
"Nhà báo không thẻ"
Hoạt động báo chí, xuất bản, với thầy Trần Hữu Tá tuy chỉ là nghề "tay trái" nhưng vốn xem đây là công việc, phương tiện hết sức cần thiết đối với người nghiên cứu và giảng dạy văn học, cũng như công tác quản lý, điều hành, quảng bá các hoạt động giáo dục đào tạo, nên thầy đã tích cực tham gia và có nhiều sáng kiến.
Dù là khi đang công tác ở Hà Nội hay khi đã về công tác tại TP.HCM, thầy luôn xem đây là một "kênh" giao tiếp đắc dụng và có sức lan tỏa nhanh để phát huy những sở trường công tác của mình.
Viết báo, trả lời phỏng vấn, với thầy, vì vậy, cũng chính là cơ hội thuận tiện để trong tư cách tác giả bộc lộ quan điểm, chủ kiến của mình trước những vấn đề cấp thiết của khoa mình, trường mình, ngành mình.
Hơn nữa, đó cũng là dịp giao lưu, chia sẻ với đồng nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên, với các thầy cô giáo ở trường phổ thông và với công chúng. Trên báo chí, truyền thông, Trần Hữu Tá được xem là cây bút nhạy cảm, sắc bén, hóm hỉnh, sâu sắc và tài hoa.
Thầy cộng tác mật thiết, thường xuyên với nhiều tờ báo, tuần báo, bán nguyệt san, tạp chí ở TP.HCM và báo chí trong nước. Đánh giá cao đóng góp của thầy trong lĩnh vực này, một người bạn thân thiết trong làng văn, làng báo đã gọi thầy là "nhà báo không thẻ".
Đó là một cách mệnh danh đầy trân trọng, trìu mến và hoàn toàn xứng đáng. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay thầy đã viết, trả lời phỏng vấn trên 400 bài.
Nguyễn Thành Thi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận