12/04/2020 13:03 GMT+7

'Kỳ án' đòi bò lông vàng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Con bò là tài sản rất quý báu của người dân ở các vùng quê. Một ngày 'xấu trời', bò đi lạc hoặc người chồng cao hứng đem bán đứt cho hàng xóm, thế là tranh chấp nảy sinh.

Kỳ án đòi bò lông vàng - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Con bò cái tơ lông vàng đậm, đầu dồ, đang nhú sừng, cao 1,16m, dài 1,33m là tài sản tranh chấp trong vụ kiện "yêu cầu chuộc lại tài sản đã bán và trả tiền công chăm sóc, chăn giữ bò", diễn ra tại TAND huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Chồng bán, vợ đòi chuộc

Trình bày trước tòa, bà Nguyễn Thị Hà (42 tuổi) cho biết bà được cha mẹ cho một con bò cái tơ 5 tháng tuổi. Vợ chồng bà dự định nuôi để sau này cho con làm vốn. Tuy nhiên sau đó, ông Nguyễn Sáng là chồng bà, lại tự ý bán con bò cho vợ chồng người hàng xóm là ông Phan Hữu. 

Khi biết sự việc, bà đã gọi điện cho ông Hữu để ngăn chặn vì bà không đồng ý bán. Tuy nhiên, ông Hữu vẫn mua con bò với giá 12 triệu đồng. Vợ chồng ông Hữu còn đánh chửi bà, nên bà mới làm đơn khởi kiện ra tòa.

Ngược lại, ông Sáng cho rằng trước khi bán bò ông đã trao đổi với vợ. "Tiền bán bò tui đã sử dụng vào việc gia đình, vợ tui đều biết. Nay vợ tui kiện đòi bò, tui không đồng ý. Bò đã bán, tiền đã chi tiêu hết rồi, lấy tiền đâu mà chuộc lại" - ông Sáng viết trong đơn. Giận vợ trước sau bất nhất, ông cũng không chịu đến tòa.

Quá trình xét xử, bị đơn là ông Hữu đồng ý cho nguyên đơn chuộc lại bò với giá 12 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hữu yêu cầu bà Hà phải trả tiền công chăm sóc, giữ bò trong hơn 7 tháng là 30.000 đồng/ngày. Trong khi đó, bà Hà chỉ đồng ý trả 3.300 đồng/ ngày. 

Theo bà Hà, tiền công chăn giữ bò tại địa phương là 1 triệu đồng/con/năm. Vì vậy yêu cầu của ông Hữu là quá cao so với thực tế.

"Khi tui mua bò mới được 5 tháng tuổi chưa dứt sữa mẹ, tui phải chăm sóc rất kỹ. Mỗi ngày bò ăn rơm, ăn cỏ hết 10.000 đồng, tiền công giữ bò mỗi ngày 10.000 đồng nữa. 

Rồi tiền thuốc tiêm phòng ngừa tụ huyết trùng, sán lá gan, uống nước cám, sữa thêm, tắm hằng ngày. Tui chăm tốt vậy nên bò mới phát triển. Nếu tui không chăm mà đem bò đi bán thì giờ lấy đâu ra bò cho bà Hà chuộc lại" - ông Hữu phân trần tại tòa.

Vậy là nguyên đơn, bị đơn không ai chịu nhường ai, hội đồng xét xử phải trưng cầu giám định giá trị của con bò, đồng thời gửi công văn tham khảo ý kiến chính quyền địa phương. 

Căn cứ trên tình hình phát triển của con bò đang tranh chấp, cán bộ thú y UBND xã đã đưa ra nhận xét: giá chăm sóc, chăn giữ con bò này khoảng 25.000 đồng mỗi ngày. 

Giá mua bò lúc đầu ông Hữu bỏ ra 12 triệu đồng. Kết quả định giá cho thấy con bò có giá thị trường khoảng 15 triệu đồng. Vì vậy, tòa tuyên buộc bà Hà phải trả cho ông Hữu 3,1 triệu đồng tiền công chăm sóc, chăn giữ bò.

Ngoài ra, do cả hai bên không thỏa thuận được nên chi phí thẩm định giá trị con bò phải chia đôi.

Bắt nhầm bò, phải chịu phí giám định

Ở nhiều vùng quê hiện nay, đàn bò được thả rông trên đồng ruộng hoặc trên núi lâu ngày. Đến mùa, người dân mới đi tìm thì phát hiện bò của mình đã mất hoặc đi lạc vào đàn bò nhà người khác. Thế là tranh chấp nảy sinh.

Tại đơn gửi đến TAND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Thái B. (75 tuổi) trình bày việc con bò 3 tuổi nhà ông bị anh Hồ Đức L. (37 tuổi, người cùng xóm) bắt nhầm.

Gia đình ông B. nuôi đàn bò 6 con. Hằng ngày ông thả đàn bò vào rừng cùng với đàn bò của các hộ dân trên địa bàn. Thỉnh thoảng ông mới vào kiểm tra. Tháng 8-2018, ông phát hiện con bò của ông bị anh L. bắt mất. 

Con bò bị bắt là bò cái, được ông đặt tên là "chị đẹp" với bộ lông màu vàng, sừng ngắn, có một xoáy giữa trán. 

Ngoài ra, ông đã cắt một nhúm lông đuôi bò khi thả vào rừng để làm dấu. Nay ông yêu cầu tòa án tuyên con bò đang tranh chấp thuộc sở hữu của ông. Hiện ông vẫn còn nuôi bò mẹ của con bò đang tranh chấp.

Không chịu thua, anh L. cũng cương quyết cho rằng bò tranh chấp là của anh, do anh được hỗ trợ vay vốn để mua. Sau một thời gian thả bò vào rừng thì bị mất nên anh đã báo chính quyền địa phương. 

Sau đó, vợ anh tìm thấy con bò ở bờ sông nên đã dắt về nhà. "Trước khi thả bò vào rừng, tôi đã làm dấu bằng cách cột ở cổ nó sợi dây vải màu xanh đọt chuối " - anh L. quả quyết.

Hai người không ai chịu nhường ai nên tòa án đành phải cho bò đi giám định ADN. Ông B. được thông báo đóng 11 triệu đồng, anh L. được thông báo đóng 5 triệu đồng phí giám định nhưng anh L. không đóng. Kết quả giám định cho thấy con bò tranh chấp và mẫu bò ông B. cung cấp có quan hệ mẹ con 99,99%.

Kết quả giám định đã rõ, tòa tuyên anh L. phải trả lại con bò đang chiếm giữ cho ông B., đồng thời anh còn phải nộp 11 triệu đồng chi phí giám định - bằng giá trị con bò tranh chấp. Đổi lại, anh L. được ông B. trả 1,8 triệu đồng tiền công chăn dắt, chăm sóc bò trong 180 ngày.

Công chăm sóc bò căn cứ vào đâu?

Khi giải quyết vụ án tranh chấp tiền công chăn giữ bò giữa bà Hà và ông Hữu, giá chăn bò không có quy định cụ thể. Vì vậy, tòa án đã tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương.

Theo văn bản của UBND xã, việc chăm sóc bò có giá cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiền công chăm sóc, có thường xuyên tắm rửa, cho bò ăn thêm thức ăn bổ sung hay không... Cán bộ nông nghiệp cũng được huy động vào cuộc.

Kết quả cho thấy bò được ông Hữu chăm sóc kỹ, phát triển rất tốt nên chi phí chăn giữ được xác định khoảng 25.000 đồng/ngày.

Hội đồng xét xử đã lấy mức giá chăm sóc bò mà cán bộ nông nghiệp xã cung cấp là 25.000 đồng + mức giá mà bà Hà chấp nhận là 3.300 đồng rồi chia đôi, được con số 14.150 đồng/ngày.

Số tiền này nhân với 7 tháng 15 ngày được hơn 3,1 triệu đồng. Tòa án xác định đây là tiền công chăm sóc bò mà bà Hà phải trả cho ông Hữu.

Bản án vụ đòi bò này cũng đã được TAND tối cao xem xét đưa vào nguồn án lệ.

Giám định ADN cho… trâu Giám định ADN cho… trâu

TTO - Trâu bò thả rông rồi đi lạc, dẫn đến tranh chấp giữa những người nuôi với nhau. Kéo nhau ra tòa, tòa cho giám định ADN con vật, thế là có ngay đáp án.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên