![]() |
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ làm việc không mệt mỏi cho đến ngày cuối đời |
Tôi vẫn nhớ như in trong không gian tĩnh lặng này, không ít lần tôi được dịp ngồi nghe thầy say sưa nói về cái nghiệp gắn với số phận con người - không chỉ trong ngành y mà cả khi cầm bút.
Sinh thời ông đã không mệt mỏi lật lại bao nhiêu vụ án oan khuất. Cho đến lúc tuổi trên 80 mà ông vẫn còn nhớ đến tên từng người trong từng vụ án.
Tôi không thể lý giải tại sao một ông già đã trên 80 tuổi phải bôn ba khắp nơi tìm gặp cho được những người có trách nhiệm để cứu một thanh niên 22 tuổi ở vùng quê đồng bằng sông Cửu Long mà mình chưa hề quen biết. Còn ông thì chỉ nói: “Chỉ vì tôi không thể ngồi yên khi thấy một vụ án oan khuất cho một con người, lại là một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ”.
Ông bảo đó là công việc rất bình thường của người thầy thuốc pháp y nhưng lại là điều ông tâm huyết khi mỗi lần có dịp chuyện trò với lớp thầy thuốc trẻ: làm pháp y không chỉ đòi hỏi kiến thức khoa học, kinh nghiệm, mà còn phải có cái tâm và rất khách quan. Không thể để những thiếu sót phản khoa học và ấu trĩ xảy ra bởi nó liên quan đến số phận những con người.
Ông còn là một nhà văn, nhà báo đã viết khá nhiều sách và cộng tác với nhiều báo. Ông viết từ lĩnh vực y học, văn chương, chính trị, kinh tế... Cuốn bút ký Con tàu mang tên nỗi nhớ là dịp ông trải lòng mình với những ký ức về Hà Nội xưa, về những ngày đêm chiến đấu chống quân thù, sống cùng máu và nước mắt. Còn sách y học thì có: Bệnh của trẻ sơ sinh, Bệnh tiểu đường, Bệnh nhồi máu cơ tim...
Quyển Bệnh nhồi máu cơ tim, ông nói đó là nén hương cho người bạn đời quá cố Nguyễn Thị Nghệ, sau cơn nhồi máu cơ tim năm 1993 cả gia đình chạy chữa hết sức, đến năm 1999 đã không qua khỏi. Lần ấy khi tôi xin chụp ảnh ông, ông khóc và bảo hãy chụp sao cho cùng thấy cả bức ảnh của bà trên bàn thờ. Bởi vì “Cô ấy là một người phụ nữ rất Việt Nam, cả đời đều dành cho chồng con”...
Và bây giờ, trên tay tôi là quyển sách do ông dịch vừa xuất bản tháng 8-2006 dày gần 700 trang tựa đề Người Pháp và người Annam - bạn hay thù? (tác giả Philippe Devillers, xuất bản năm 1998 và đây là bản dịch đầu tiên ra tiếng Việt).
Ông viết bằng tất cả sự say sưa và tâm huyết với kỳ vọng làm thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân cách lớn của ông đã thuyết phục tôi ngay khi tình cờ gặp ông sau một cuộc họp tại Sở Y tế TP.HCM vào khoảng năm 1985. Ông hỏi tôi: “Con biết gì về HIV?”. Thấy tôi cứ lúng ta lúng túng, ông cười xòa: “Chưa biết thì phải tìm mà đọc”. Thế rồi ông say sưa nói về một lĩnh vực mà lúc bấy giờ còn rất mới, báo chí ít nói đến và cũng chưa có Internet như bây giờ. Rồi ông ra cổng lấy chiếc xe đạp, đạp thoăn thoắt...
Tôi tìm đọc những bài viết của ông về HIV/AIDS từ năm 1985 và đến năm 1988 ông đã cho ra đời quyển Đừng chết vì thiếu hiểu biết - là một trong những quyển sách đầu tiên viết về AIDS và chỉ trong vòng một tháng đã bán hết. Ông cũng viết rất nhiều về ma túy, về hút thuốc lá.
Một lần ông gọi tôi than phiền rằng quá bức xúc trước những tệ nạn xã hội, đặc biệt trong một bộ phận thanh thiếu niên. “Báo chí phải làm gì để hướng các bạn trẻ đi đúng hướng? Ở một quốc gia còn nghèo thì không chỉ chống tiêu cực, mà còn phải chống lãng phí cả thời gian, lãng phí tuổi thanh xuân trong giới trẻ”. Tôi hiểu bức xúc của ông là bức xúc của một thầy thuốc, nhà giáo rất tâm huyết, nhưng rồi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa làm được gì nhiều để đáp lại câu hỏi này.
Kính thưa thầy, bác sĩ Ngô Văn Quỹ, thầy đã ra đi, nhưng tấm gương sáng về một nhân cách cao thượng, một thầy thuốc tận tụy cho nghĩa cả vẫn sống mãi...
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1954, công tác ở Bệnh viện Bạch Mai, rồi Việt Đức,Viện K Hà Nội, Bệnh viện E, vào công tác ở TP.HCM - là cán bộ giảng về pháp y, bác sĩ Ngô Văn Quỹ luôn là người thầy tâm huyết và mẫu mực. Ông mang cả kho báu kiến thức suốt thời gian làm pháp y ở Hà Nội (qua thực hiện trên 2.000 ca mổ) vào Sài Gòn. Ông cho rằng nghề y là công việc hết sức quan trọng, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu mà còn phải có cái tâm thật sáng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận