24/07/2005 06:15 GMT+7

Kim Xuân: "Sân khấu vẫn là trên hết..."

HÒA BÌNH thực hiện
HÒA BÌNH thực hiện

TTCN - Với vai bà Kim ác độc trong Vòng xoáy tình yêu (VXTY), Kim Xuân đã gây được sự quan tâm đặc biệt với đông đảo khán giả. Buổi hẹn với Kim Xuân thật chẳng dễ dàng gì bởi chị đang “hot” với vai bà Kim nên có quá nhiều lời mời đóng phim…

7VMWJtji.jpgPhóng to
Kim Xuân và gia đình
TTCN - Với vai bà Kim ác độc trong Vòng xoáy tình yêu (VXTY), Kim Xuân đã gây được sự quan tâm đặc biệt với đông đảo khán giả. Buổi hẹn với Kim Xuân thật chẳng dễ dàng gì bởi chị đang “hot” với vai bà Kim nên có quá nhiều lời mời đóng phim…

Có lẽ vai bà Kim là một “vinh quang nghề nghiệp” đầy bất ngờ với Kim Xuân! Bây giờ, khi VXTY đã kết thúc, đã qua “sốt” nhưng chỉ cần một lần ngồi quán với chị thôi cũng biết Kim Xuân đang nổi tiếng cỡ nào: rất nhiều người đến chào hỏi hay chỉ để nhìn ngó “bà Kim”.

Trong một bộ phim gay cấn, hấp dẫn nhưng có quá nhiều điều sơ hở, vô lý về tính cách nhân vật, tình huống xung đột để có thể được chấp nhận, bà Kim của Kim Xuân vẫn chấp nhận được. Ở bà Kim có sự chừng mực biết giấu cái ác đi, hạn chế được phần lớn sự vô lý trong cách thể hiện tâm lý một chiều, tốt - xấu rạch ròi ồn ào, hời hợt như ở hầu hết nhân vật khác.

Diễn cái ác nhưng cũng biết lấy điểm với khán giả khi nhấn vào tâm lý một bà mẹ thương con mù quáng là khả năng “đọc vai” chỉ có ở một diễn viên giàu kinh nghiệm sân khấu lẫn cuộc đời. Một thoáng chốc mềm lòng, thương cảm khi đối mặt với đứa cháu gái mình đã nhận nuôi từ nhỏ nay phải nhờ tay kẻ ác giết chết đi là nét diễn chiều sâu chỉ có ở một diễn viên giỏi nghề, với những vai diễn đáng nhớ trong Người đàn bà mộng du, Nơi giáp ranh, Cõi tình, Con cáo và chùm nho, Khoảnh khắc tình yêu, Tình yêu dành cho hai người, Cơn mê cuối cùng, Thời con gái đã xa…

* Cái vẻ đời thường bình dị được lòng người của chị có cái gì đó sắc sảo, tinh tế quá, như chính vai diễn của chị vậy! Còn nghe anh em trong giới vẫn nói: “Bà Xuân là người sống khéo lắm”…

HYfi08t2.jpgPhóng to
Thành Hội, Kim Xuân và Hữu Châu trên sân khấu IDECAF
- Mình đã trải qua những lúc nguy khốn nhất, tưởng chẳng thể nào vượt qua; tưởng đã bị loại trừ khỏi nghề vì nạn phe cánh. Đó là những năm khoảng 1996-2000, Sân khấu nhỏ 5B bắt đầu rạn nứt, chia rẽ. Mình không dựa vào ai, không lọt vào phe nào nên bị loại trừ không thương tiếc. Lúc đó mình chơi vơi, cứ mãi dằn vặt với câu hỏi không biết cách sống của mình đã đúng hay sai. Rồi mình vẫn quyết định: phải đứng bằng chính đôi chân của mình khi làm nghệ thuật. Chính ông xã là chỗ dựa trụ cột, là người đã nắm tay mình đi qua những cơn dông bão cuộc đời đó. Anh đã dạy mình rất nhiều bằng chính cách anh sống hằng ngày để có một Kim Xuân được cho là sống điềm đạm, khéo của hôm nay.

Đã sống qua những lúc như thế, bây giờ chuyện gì cũng là nhỏ nhoi trong mắt mình. Mình thương mọi người nên mọi người cũng thương mình, trừ trường hợp chưa hiểu nhau thôi. Kim Xuân nghĩ đừng nên cộc cằn với nhau, đừng thu hẹp trái tim, nếu sống vị kỷ, cá nhân quá trái tim sẽ không nở hoa. Hãy mở rộng trái tim mình ra cho nhiều và đón nhận nhiều, đừng khoanh vùng, chia ngăn trái tim, e dè với người này nhưng mở rộng với người khác vì một mục đích nào đó.

* Lúc này chị đang được nhiều đoàn làm phim săn đón quá (cứ nghe điện thoại của chị reo hoài). Là “sao truyền hình” thì thù lao đóng phim chắc phải khác? Nhưng qua “hiện tượng VXTY” chị có thể nói gì về phim truyền hình? Nghe các diễn viên trẻ như Đức Tiến nói rất quí chị vì được chị chỉ bảo rất nhiều trong khi diễn...

- Lại là chuyện VXTY, biết bao nhiêu báo đã tìm hỏi về phim ấy. Đầu tiên phải cảm ơn khán giả VN đã xem phim VN, nhưng theo Kim Xuân, những người làm phim phải thật nghiêm túc rút kinh nghiệm về rất nhiều thứ: kịch bản, công tác đạo diễn, diễn xuất diễn viên, bối cảnh phim trường… Đây là lần đầu tiên làm loại này nên mình có thể được thông cảm, nhưng khó có sự thông cảm ở lần sau.

Chính tôi đã đi gặp lãnh đạo hãng phim để nói rằng: “Đừng nên lặp lại những điều không đáng có. Có những chi tiết nhỏ thôi nhưng lại lấy được hay làm mất đi cảm tình của khán giả lớn lắm”. VXTY đã được làm rất vội về thời gian, đến nỗi chính tôi phải phản đối cần có ngày nghỉ để bảo vệ thanh sắc cho diễn viên. Nếu có đủ thời gian, nếu được làm lại, nhân vật của tôi và bộ phim chắc chắn sẽ được làm tốt hơn, thuyết phục hơn.

Tôi thích cách làm phim VXTY ở công tác chuẩn bị rất chu đáo. Diễn viên chỉ biết diễn thôi và phải diễn cật lực, cần ăn uống hay gì đó đều được cung cấp ngay tại phim trường. Cách làm phim VXTY đã ít nhiều có sự chuyên nghiệp rồi, nhưng nhìn chung, phải nói rằng phim truyền hình của ta đang mắc bệnh qua loa. Bàn tính kế hoạch thì rất qui mô, nhưng đi vào thực hiện nhiều khi chỉ làm cho xong, cho rồi.

Đang có rất nhiều kịch bản phim gửi đến nhưng tôi chưa nhận lời vì chưa có vai hay, vai lạ làm mình thích, trừ Tiếng chuông trôi trên sông tôi vừa quay xong. Tôi không ra giá bao giờ nhưng tôi biết giá của mình đang cao khiến tôi hài lòng. Cảm ơn các bạn diễn viên trẻ đã nhớ tôi. Các em không biết, hỏi thì mình giúp. Chắc mình nói đúng, có ý tốt nên các em chịu nghe.

* Chị đang sốt với phim, bức xúc về phim như thế, còn sân khấu đang có vị trí ra sao với chị?

- Sân khấu vẫn luôn ở vị trí chính chứ. Mình vẫn giao trước với đoàn làm phim là phải nhượng bộ để mình có thể đảm bảo lịch diễn kịch: “Tôi đã sống với sân khấu 30 năm, có khi nó là niềm vui, có khi là nỗi buồn nhưng tôi không thể bỏ được. Sân khấu cũng là nồi cơm chính của tôi, tôi không thể đập nồi cơm của mình”. Bao giờ cũng thế, bận việc đến đâu mình cũng luôn đến sân khấu trước lúc mở màn một giờ để tịnh tâm, chuẩn bị hết mình khi ra sàn diễn.

Nhưng nói đến sân khấu bây giờ chẳng vui vẻ gì, mình vẫn cứ thấy bức xúc vì nhiều đồng nghiệp: một tuần diễn được mấy ngày; một ngày có 24 tiếng, chỉ được có ba tiếng đồng hồ để sống trên sân khấu, tại sao không chịu tận tâm với nó để được vui sướng, thanh thản cả ngày!

* Các nhân vật của chị cho thấy Kim Xuân ngoài đời là một phụ nữ sắc sảo, ẩn chứa sự mãnh liệt, dữ dội bên trong mới có thể thể hiện được tính cách các vai diễn… Chị thích thể hiện loại vai nào?

- Kim Xuân lại cho rằng mình là người đơn giản, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thích những điều rất bình thường. Mình thích đi siêu thị vì sạch sẽ, không phải trả giá, tiết kiệm thời gian để có thể ở nhà được lâu hơn. Mình xa lạ với chuyện đi vui chơi giải trí ở quán bar, vũ trường mà rất thích ở nhà để cảm nhận cảm giác thoải mái, yên bình, thư giãn tuyệt vời. Ở nhà Kim Xuân cũng la lối con rất dữ mà chẳng thấy cu cậu có vẻ sợ gì cả. Khả năng diễn xuất của Kim Xuân xuất phát từ quan niệm “đừng bao giờ thờ ơ với cuộc sống xung quanh”, hãy quan sát và chiêm nghiệm. Mình cũng rèn nghề qua phim ảnh nước ngoài. Có những phim đã buộc mình phải suy nghĩ lại về nghề rất nghiêm túc.

Mình thích khám phá tất cả các loại vai, nhưng có loại vai mình không bao giờ thích trở lại là nhân vật chỉ biết cam chịu một cách tội nghiệp đến vô lý hay chỉ có cái ác ghê gớm như bà Kim. Đó là những mẫu người mình rất không thích ngoài đời.

* Chị từng có những vai kịch truyền hình rất hay trong Ký ức tình yêu, Đêm khuya về với mẹ…; cả những vai rất được khán giả nhớ ở “Chuyện trong nhà ngoài phố” như… Gà móng đỏ. Nhưng kịch truyền hình hiện nay, có cả chị đóng, vẫn xuất hiện đều đều trên tivi mà hình như chẳng ai nhớ...

- Kịch truyền hình là một “đặc sản” của Đài truyền hình TP.HCM. Có thể bây giờ khán giả có nhiều món ăn để lựa chọn hơn như các game show chẳng hạn, nhưng có một điều chắc chắn rằng người ta đã không biết giữ chất lượng của kịch truyền hình, đang làm mất dần những điều hay của nó. Một trong những điều khiến tôi trăn trở nhất là việc khống chế thời lượng của một vở kịch truyền hình chỉ còn 90 phút - một khoảng thời gian chẳng thể nào làm một vở kịch hay được.

* Có mặt trên sân khấu Đoàn kịch Cửu Long Giang từ năm 1976, sau này là Đoàn Bông Hồng, Kịch thành phố, Kịch 5B, rồi Kịch IDECAF, có thể xem chị là một chứng nhân của sân khấu miền Nam sau ngày 30-4. Về các thời kỳ sân khấu đã qua và hiện nay, chị thích chặng nào nhất?

- Tôi mê thoại kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng từ trước giải phóng. Diễn kịch là ước muốn của cả đời tôi, 30 năm đúng là có quá nhiều điều để nói! Ít nhất, thời còn các đoàn kịch Kim Cương, Bông Hồng, Cửu Long Giang các rạp cũng đã đông khách hằng đêm. Nếu bảo tại thời đó khán giả không có nhiều sự lựa chọn thì tại sao ở nước Mỹ công nghệ giải trí cực kỳ hiện đại như hiện nay vẫn có những vở diễn vé được bán hết từ trước cả tháng, cả năm.

5B là hiện tượng lạ nhưng không phổ biến. Chẳng thể nói tình hình sân khấu hiện nay đang là thời hoàng kim được. Chẳng thể đòi hỏi hơn nữa ở các sân khấu kịch tư nhân đang phải tự thu tự chi, tự giữ khán giả, Nhà nước không hề ngó đến. Còn các sân khấu kịch nhà nước đã không làm được nhiệm vụ của mình; ở một thành phố 8 triệu dân này không có lấy một sân khấu đúng nghĩa để mà hãnh diện…

Tôi mê sân khấu của những năm Tôi và chúng ta, Người đốt đền, Âm mưu và tình yêu, Khúc thứ ba bi tráng, Hà Mi của tôi, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Đôi bông tai, Cho tình yêu mai sau, Tanhia, Hoa sim gai trắng, Câu chuyện ở Iêchkut… Lúc đó tôi vừa được diễn vừa được xem bạn bè diễn. Tiền thì chỉ đủ ăn nhưng sàn diễn đúng là những sân khấu lớn thật sự. Những người có lỗi phải biết làm sao để sân khấu được trở về đúng tầm của nó!

* Cảm ơn chị vì một cuộc trao đổi nói được rất nhiều điều!

HÒA BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên