15/07/2005 06:01 GMT+7

Kiều Loan từng đứng trên sân khấu Sài Gòn

HOÀI HƯƠNG
HOÀI HƯƠNG

TT -Sau khi bài viết "Công diễn kịch thơ Kiều Loan: 65 năm đợi chờ hạnh phúc của thi sĩ Hoàng Cầm" tới tay độc giả, Tuổi Trẻ đã nhận được thư của một bạn đọc nhờ chuyển đến nhà thơ, xin được chia vui với ông nhân sự kiện này.

Hồi âm từ kịch thơ của Hoàng Cầm:

56m6bUcQ.jpgPhóng to
Kiều Loan (Quách Thu Phương) hội ngộ cùng chồng - cảnh trong kịch thơ Kiều Loan do Nhà hát Tuổi Trẻ vừa dàn dựng Ảnh: V.D.

Đồng thời qua thư, bạn đọc đã "báo với bác một tin vui mà bác chưa từng hay biết: cách đây 31 năm (1974), Kiều Loan của bác đã đường hoàng đứng trên sân khấu Sài Gòn và sống trong phong trào đấu tranh của SVHS Sài Gòn - Gia Định tại miền Nam trong thời điểm gian khó nhất".

Kèm theo thư là tờ giới thiệu chương trình ghi rõ "Thi kịch Kiều Loan của Hoàng Cầm do ban kịch sinh viên Vạn Hạnh trình diễn lúc 19g30 đêm 10-12-1974 tại hí viện Thống Nhất", và một bài báo ngắn đưa tin về sự kiện văn nghệ, trong đó sơ lược nội dung vở diễn và khen ngợi "hai khuôn mặt xuất sắc nhất là cô Diệu Hạnh (SV Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn) vai Kiều Loan và Lê Thanh vai Vũ Quốc Thái chồng Kiều Loan".

Vì lá thư giấu tên, giấu địa chỉ, chúng tôi phải lần qua các cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh và tìm được chàng "kép chính" Lê Thanh vai Vũ Quốc Thái ngày xưa. Anh tên thật Lê Quang Vinh, hiện là trưởng Phòng văn hóa Sở VH-TT TP.HCM. Điều thú vị là nàng Kiều Loan ngày ấy - tức cô đào chính Diệu Hạnh - hiện công tác tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, sau khi đóng chung đã trở thành... bà xã thật sự ngoài đời của chàng Vũ Quốc Thái - Lê Quang Vinh.

Cầm bài báo trên tay, anh Quang Vinh nhớ lại: “Bài này đăng trên tờ Điện Tín, một tờ báo tiến bộ thời bấy giờ. Đó là thời điểm phong trào SVHS bị mật vụ theo dõi gắt gao và đàn áp dữ dội, các thủ lĩnh sinh viên đều phải tránh vào vòng bí mật hoặc ra chiến khu, cho nên việc đấu tranh ở đô thị phải giấu dưới các hình thức hoạt động văn nghệ.

Vì thể loại kịch có sức lay động cao mà chưa được khai thác, chúng tôi có ý tìm kiếm kịch bản và cuối cùng chị Vũ Kim Hạnh - nguyên là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, hiện là giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP - đã tìm ra Kiều Loan. Nhận thấy ý tứ kịch bản rất hợp với mục đích nói lên khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, chúng tôi đã quyết dựng kịch bản này.

Để tránh bọn mật thám, ban kịch sinh viên tận dụng tập ở mọi nơi: sân trường, sân chùa, thiền viện Quảng Đức ở quận 3, Tỳ Bà trang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, cô nhi viện... Ban đầu tự tập, rồi sau thấy ý kịch lớn quá, nhân vật thì nhiều mà tính cách nào cũng sâu sắc, thành ra thấy không ổn, phải mời thêm anh Hồ Minh Đạo là sinh viên Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn đạo diễn cho.

Phục trang thì gia đình chị Kim Hạnh - thời ấy có tiệm may - tự may cắt, "lực lượng" tuy chỉ có Diệu Hạnh từ trường lớp, còn lại toàn là dân phong trào có chút năng khiếu; nhưng trong không khí của thời "dậy mà đi" hừng hực khí thế ấy, chúng tôi đã diễn hăng say không thể tả, thích thú vô cùng và thấy vai nào diễn cũng thật hay.

31 năm rồi mà tôi vẫn nhớ những lời thơ tuyệt đẹp: Kiều Loan ơi ta đã mất em rồi... Tỉnh giấc công hầu hoa tả tơi...

Diễn sinh hoạt trong nội bộ thì không kể, tôi nhớ nhất ba đêm chính thức ra mắt khán giả vô cùng rầm rộ của vở kịch này: đêm đầu là tại hội trường nhỏ của thiền viện Quảng Đức (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), bị cấm nhưng rồi lấy lý do "phổ biến tinh thần và ý nghĩa Ngày quốc tế nhân quyền của thanh niên đạo Baha'i”, đêm diễn thứ hai tại hí viện Thống Nhất - tức hội trường Xổ số kiến thiết ngày nay, và lần thứ ba tại sân khấu nhà hát trung tâm TP Nha Trang. Rạp hát này đông nghẹt khán giả đến tận trên lầu với không khí sôi sục tranh đấu. Sau đó có tin chính quyền sẽ đưa nhóm kịch ra đảo diễn và giam luôn tại đó nên nhóm mới phải trở lại Sài Gòn”.

Êkip Kiều Loan xưa, nay có người là giám đốc, phó giám đốc, bác sĩ, nha sĩ, riêng anh sinh viên đóng vai hình bộ thượng thư nay chính là phó chánh án Tòa án TP... cùng tỏ lòng ngưỡng mộ và cùng chúc "bác Hoàng Cầm thật nhiều sức khỏe!".

Khi được hỏi về cảm nghĩ khi giờ đây Kiều Loan được chính thức dựng lại trên một sân khấu chuyên nghiệp, anh Lê Quang Vinh nói: “30 năm nhìn lại, với con mắt của người được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tôi càng thấy kịch bản viết quá giỏi. Lời thơ vốn rất dễ làm chậm hành động kịch, ấy thế mà vẫn cuốn người xem đến tận cùng bởi quá đẹp, quá hào hùng. Nhưng dù gì thời ấy chúng tôi làm vở chỉ để đáp ứng mục đích phong trào, chưa khai thác hết vẻ đẹp bên trong cũng như ý nghĩa lịch sử của vở diễn. Vậy nên việc dựng lại vở cho đúng với tầm cỡ nghệ thuật là điều rất đáng cổ vũ. Cá nhân tôi trông đợi được xem vở diễn này".

Một tin vui kính chuyển đến thi sĩ Hoàng Cầm, xin được chia sẻ hạnh phúc lớn lao khi sáng tạo vượt thời gian, thuyết phục và đồng cảm được bao thế hệ...

HOÀI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên