![]() |
Cảnh trong vở "Kiều Loan" |
Ở VN có lẽ không vở kịch nào có số phận long đong như kịch thơ "Kiều Loan": Được thi sĩ Hoàng Cầm hoàn thành năm 1944, bị cơ quan kiểm duyệt thực dân bác bỏ vì dám chỉ trích nhà Nguyễn. Sau khi nước VN độc lập, "Kiều Loan" mới được công nhận, nhưng do thực dân Pháp gây hấn năm 1946, nên việc dàn dựng vở đành dừng lại.
Mới đây, Kiều Loan lần đầu tiên được công diễn tại Hà Nội và đã gây được tiếng vang. Mặc dầu vậy, vở diễn này lại có nguy cơ sẽ bị xếp xó, đơn giản vì nó chỉ là một vở diễn báo cáo tốt nghiệp của đạo diễn Anh Tú.
Cho đến nay, việc "phát hành" vở vẫn chưa có quyết định chính thức. Lý do: Cho dù có đến 80% người trong nghề sau khi xem đều chấm điểm "trên 9", nhưng chắc chắn vở kịch thơ này rất... kén khách. Đạo diễn Anh Tú, Trưởng đoàn kịch 1 - Nhà hát Tuổi trẻ, đã có cuộc trò chuyện về việc đưa Kiều Loan đến với công chúng.
* Nghe nói, Nhà hát Tuổi trẻ không muốn nhận Kiều Loan?
- Đọc kịch thơ Kiều Loan tôi mê quá. Tôi khoe với nhà hát: "Tìm được kịch bản thơ hay lắm, hay cỡ như Vũ Như Tô, Rừng Trúc...". Nhà hát "lạnh ngắt". Có lẽ, nếu lúc đó tôi nói, tôi tìm được kịch bản hài hay lắm, mọi người đã thúc tôi: "Dựng đi".
Tôi đem Kiều Loan đọc cho thầy Xuân Huyền và nhiều nghệ sĩ khác của nhà hát, đọc gần ba tiếng, sùi cả bọt mép nhưng trong lòng thì xúc động tới ứa nước mắt. Những người nghe cũng xúc động, cũng nghẹn ngào vì những câu thơ, những lời thoại mà chắc chắn tác giả Hoàng Cầm đã phải dốc gan, rút ruột ra mà viết.
Khi Kiều Loan được công diễn, tôi buồn tê tái khi ban lãnh đạo nhà hát nhận xét: "Vở hay nhưng sợ không bán được vé".
Đúng là trong hoàn cảnh của nhà hát hiện nay nếu không quan tâm đến kinh tế thì đời sống của nghệ sĩ sẽ rất vất vả. Nhưng tôi sợ, cứ chạy mãi theo hài... đến một lúc nào đó sẽ không còn thánh đường nghệ thuật, nghệ thuật nghiêm túc sẽ bị giết chết...
* Phải chăng vì "văn mình" mà anh chỉ thấy Kiều Loan là "đỉnh" nghệ thuật ở Nhà hát Tuổi trẻ lúc này?
- Tôi đã bỏ tiền túi dựng vở vì nó hay quá, hay đến mức tôi như bị thôi miên, bị thúc giục sáng tạo từ trong tâm linh. Các cộng sự của tôi (gần 40 người, kể cả tác giả Hoàng Cầm) cũng vậy, cho tới phút này đã ai nhận được đồng tiền thù lao luyện tập nào đâu, vậy mà cứ lăn xả cùng vở diễn, nhập vai như lên đồng.
Hai tháng dựng vở, nhà hát tạo điều kiện cho mượn phòng tập nhưng chỉ được phép tập ngoài giờ vì trong giờ phải nhường cho các vở chính thức của nhà hát. Trang phục, đạo cụ đi mượn từ vở Rừng trúc và ở những nơi có thể mượn được.
Nếu như người khác có hàng trăm triệu đồng để dựng vở thì chúng tôi dựng vở chỉ với sự đam mê của tập thể nghệ sĩ. Với vai diễn Kiều Loan, Quách Thu Phương đã "lên đai" một cách ngoạn mục.
* Với diễn viên, tài năng có "chín" hay không còn phụ thuộc vào sự phát hiện của đạo diễn. Đã có ý kiến cho rằng, cái bóng của Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng... vẫn bao trùm Nhà hát Tuổi trẻ nên chưa có gương mặt tài năng mới nào của nhà hát được phát hiện để tỏa sáng? Liệu Thu Phương có thể xem là tài năng phát hiện... muộn hay không?
- Cá nhân tôi cho rằng Quách Thu Phương có tài. Hơn thế, cô ấy là một người đam mê nghệ thuật và nghiêm túc với sự đam mê của mình.
Khi tôi nói: "Anh chọn em đóng vai Kiều Loan". Phương nói: "Em rất cần tiền để sống, nhưng vì Kiều Loan, em bỏ hết các hợp đồng đóng phim, tạm gác kế hoạch sinh con thứ 2...".
Lúc đó, tôi vẫn băn khoăn vì đài từ của Phương không tốt, giọng mảnh, lên cao sẽ bị "choét"... nhưng ngay buổi tập đầu tiên, Phương nhập vai như lên đồng, thuộc thoại làu làu, giọng thơ sang trọng, đầy truyền cảm.
* Nếu nhà hát từ chối bảo trợ cho Kiều Loan, anh sẽ làm gì để vở diễn được "sống"?
- Tôi sẽ không chịu để Kiều Loan "cất vào kho" mặc dù tôi biết vở diễn này rất kén khách. Nếu nhà hát không nhận, tôi sẽ để Kiều Loan được sống bằng nguồn xã hội hóa, tìm kiếm tài trợ từ các doanh nghiệp và huy động tiền đầu tư của chính anh em tham gia vở diễn.
Tất cả chúng tôi đều hiểu Kiều Loan là nghệ thuật thực sự, là tâm huyết của nghệ sĩ... nên việc thu được bao nhiều tiền không phải là vấn đề quá quan trọng... Trước mắt, chúng tôi sẽ huy động tiền để khắc phục những nhược điểm về phục trang, đạo cụ, nhạc, tiểu tiết diễn... theo sự góp ý của các nhà chuyên môn để hoàn thiện vở.
Về lâu dài, Kiều Loan cần được "phát hành" một cách đặc biệt, nhằm vào đối tượng là giới trí thức, sinh viên các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn...
Ngoài ra, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp muốn mượn danh kịch thơ Kiều Loan gắn liền với tên tuổi của tác giả Hoàng Cầm để quảng cáo thương hiệu của công ty họ nên chi tiền tài trợ; hoặc bỏ tiền mua vé "đãi công nhân"... như trường hợp Công ty Vitek bỏ hàng trăm triệu đồng mua bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận