16/10/2005 21:33 GMT+7

Kiến trúc Bảo tàng Hà Nội: Một ẩn dụ của "1000 năm Thăng Long"

Theo Gia đình và Xã hội
Theo Gia đình và Xã hội

Ba phương án kiến trúc xuất sắc nhất cho Bảo tàng Hà Nội vừa được trưng bày công khai lấy ý kiến nhân dân (tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, từ ngày 10 đến 15-10-2005), sau đó chỉnh sửa, trình thành phố quyết định.

bdGLUPs4.jpgPhóng to
Phương án PA 09 nhìn từ trên cao
Ba phương án kiến trúc xuất sắc nhất cho Bảo tàng Hà Nội vừa được trưng bày công khai lấy ý kiến nhân dân (tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, từ ngày 10 đến 15-10-2005), sau đó chỉnh sửa, trình thành phố quyết định.

Bảo tàng Hà Nội sẽ được xây dựng trước 2010 để đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thành lập từ năm 1982, trong 22 năm qua, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa tìm ra một “tấc đất cắm dùi". Gần 18.000 hiện vật của Bảo tàng Hà Nội vẫn đang "du canh, du cư” tại Bảo tàng Lịch sử VN với một kho chứa chừng 200 m2 trên đất chùa Hưng Ký.

Việc xây dựng bảo tàng là nơi lưu trữ, giới thiệu những di sản văn hóa, chứng minh cho quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội là vô cùng cấp thiết khi Thủ đô đang đi gần đến tuổi 1000 năm.

Vị trí khu đất dự kiến ở phía bắc Trung tâm Hội nghị Quốc gia (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm), rộng hơn 8.000 m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 30.000 m2, bao gồm các khu trưng bày, bảo quản, phòng tu bổ phục chế, hành chính kỹ thuật, khu phục vụ giáo dục và nghiên cứu khoa học, điểm đỗ xe ngoài trời và các công trình phụ trợ.

Phương án kiến trúc yêu cầu hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa VN và đặc thù Thăng Long - Hà Nội, hình thức đẹp, phù hợp điều kiện khí hậu VN, kỹ thuật trưng bày tránh trùng lặp với các bảo tàng hiện có ở Hà Nội và đáp ứng các điều kiện kỹ thuật an ninh, phòng cháy, chữa cháy.

Công trình phải phù hợp với quy hoạch chung của khu vục Trung tâm Hội nghị Quốc gia và phải đáp ứng công năng sử dụng là bảo tàng của văn hóa Hà Nội.

Ba phương án trưng bày có mã số PA-01, PA 07 và PA-09. Điều đáng mừng là rất đông người dân Thủ đô quan tâm đến các phương án kiến trúc của Bảo tàng Hà Nội, họ đến xem và đóng góp ý kiến đầy trách nhiệm.

Tập hợp ý kiến nhân dân sau năm ngày trưng bày, có tới 90% ý kiến đồng ý với phương án PA-09, với lý do: gần gũi, mộc mạc, nhưng vẫn hoành tráng mang dấu ấn văn hóa của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử .

Cảm hứng cho phương án này là ý tưởng về một công trình "tự nhiên như hoa, trổ ra từ đất và nước", diễn đạt một Hà Nội "tĩnh tại và sống động, thanh lịch và dũng cảm - một Hà Nội vì hòa bình và trẻ em".

Tác giả cố gắng đưa vào trong kiến trúc công trình bóng dáng của tất cả các thời kỳ Cổ Loa - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Phương thức trưng bày của PA-09 là: Trưng bày hiện vật, hình ảnh bằng các giải pháp gia tăng giá trị; Trưng bày theo các thời kỳ lịch sử với những hình ảnh tập thể, đan cài nhiều chiều; Trưng bày trực tiếp cuộc sống; Trưng bày bằng các giải pháp tổng hợp, phương thức diễn đạt các chủ đề đa dạng; Phục dựng bối cảnh kết hợp thực và ảo; Kết nối hình ảnh đa phương tiện.

Khối trưng bày chính gợi nhớ đến hình ảnh văn tự ngàn năm của Hà Nội, ghi nhận Quá khứ - Hiện tại - Tương lai qua đường nét của thành Cổ Loa xưa được chuyển dịch.

Các khối bảo tàng đặt trên nền nước (Khởi Thủy), nơi dung hòa những gì tương đồng và khác biệt, nơi nhân lên các giá trị và gợi nhớ về những dòng chảy đã gắn kết với Thủ đô: Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Những ẩn dụ về sự phát triển không ngừng, "văn tự ngàn năm" hay những bản đồ lịch sử của Hà Nội thể hiện rõ trên tổng mặt bằng qua khối nhà chính và công trình phụ trợ: phối hợp bằng đường nét khi thưa khi mau và nhịp nhàng như sự kết nối giữa hôm nay và hôm qua, giữa lịch sử trầm lắng và cuộc sống sôi động.

Ở phương án này Bảo tàng Hà Nội như một sinh thể vừa độc lập vừa hài hòa với Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Do bố trí tổng mặt bằng các khu trưng bày ngoài trời được đặt chìm, hình thành các mặt nghiêng bao gồm cả phần mái công trình chính làm tăng diện tích cây xanh cho từng khu vực.

Đối với hướng vào hay các điểm nhìn từ phía Trung tâm Hội nghị Quốc gia, hình ảnh bảo tàng rất khiêm tốn. Với việc tiếp cận này, bảo tàng như một phần không thể tách rời và làm sang trọng cho Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Khu vực trưng bày ngoài trời là các không gian khu biệt được đặt chìm dưới lòng đất - Một Hà Nội như mới được phát lộ, ẩn giấu.

Thông qua các hành lang trưng bày với mục đích giúp cho việc thưởng ngoạn được tập trung, không bị các tác động ngoại cảnh. Các chủ đề được mở dần ra với các không gian hướng nội - Một Hà Nội của chiều sâu. Khu ngoài trời tái hiện khu khai quật Ba Đình (18 Hoàng Diệu), phố cổ Hà Nội,...

Cấu trúc mở và liên hoàn, tăng khả năng giao lưu giữa con người với con người, nhằm kết nối các không gian công cộng khác nhau phục vụ cho các lễ hội lớn.

Việc trưng bày ngoài trời được đưa xuống để người xem có thể tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau trong đó có hướng rất đặc biệt đó là hướng tiếp cận từ trên cao.

Phương án này sử dụng mặt nước như một phép dung hòa các hình ảnh và giảm bớt chi phí về năng lượng dùng cho điều hòa, tạo ra khung cảnh ánh sáng lộng lẫy về ban đêm.

Một công trình kiến trúc mang dấu ấn thời đại (hiện đại, tính công năng) nhưng vẫn giữ được sự gần gũi, dấu ấn văn hóa cố đô (hình tượng thành cổ Hà Nội, Loa thành, kiến trúc làng cổ, phố cổ, phố nghề...) đã gặp được sự đồng cảm của nhân dân Thủ đô.

Theo Gia đình và Xã hội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên