![]() |
Mua bán quần áo trên thế giới ảo |
Thật ảo như nhau
Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất như Reebok, Adidas, American Apparel và 1-800Flowers.com đang thiết lập cửa hàng trên Second Life với hy vọng người sử dụng sẽ hướng avatar vào đây và mua đồ để sử dụng trong thế giới thực. Các hãng không đặt nhiều kỳ vọng vào nỗ lực này vào thời điểm hiện tại, nhưng một số tin rằng sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm kinh doanh trong không gian ảo.
“Những gì chúng ta đang làm khiến tôi nhớ lại những ngày đầu của thế giới trực tuyến”, Chủ tịch 1-800Flowers.com Christopher G. McCann nhận xét. “Site đầu tiên chúng ta đưa ra năm 1995 cũng là 3 chiều. Khi đó, tôi tuyên bố người ta không muốn xem những bức ảnh 2 chiều. Giờ đây, sau 12 năm, chúng ta lại trở lại thế giới ảo”.
Sáng kiến kinh doanh mới của 1-800Flowers.com trên Second Life ở trong nhà kính, với logo hãng. Tại đây, người sử dụng có thể hái cành cây và hoa, trong đó có bộ sưu tập bó hoa “Thời gian khuyến mãi”. Người sử dụng click vào cửa hàng 1-800Flowers.com trên trò chơi để trực tiếp mua. McCann hy vọng sẽ phân phát nhiều hoa ảo hơn. “Chúng tôi đang xây dựng quan hệ và khuếch trương thương hiệu”, ông khẳng định.
Việc mở các cửa hàng ảo trên Second Life đặt ra những câu hỏi thú vị vì thế giới trực tuyến kết hợp cả thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống một cách hài hoà. Ví dụ như công ty tiếp thị cho bản thân như thế nào?
Như nhiều công ty mở cửa hàng trên Second Life, 1-800-Flowers.com ký hợp đồng với hãng bán hàng tự động This Second Marketing có trụ sở ở San Francisco. Hãng này tạo avatar mặc áo thun 1-800-Flowers.com, đến những khu vực “đông dân cư” của trò chơi nhập vai phân phát tờ rơi về nhà kính. Nhóm gặp khoảng 1.600 người trong 60 giờ. Trong 3 ngày mở cửa đầu tiên, nhà kính có hơn 900 khách tới thăm.
Theo Joseph Laszlo, nhà phân tích của hãng tư vấn Jupiter Research, thiết lập cửa hàng trên Second Life không phải chuyện dễ với nhiều người bán hàng trực tuyến. “Bạn phải tư duy giống như nhà bán lẻ trên thế giới thực nhiều hơn là nhà bán lẻ ảo”, ông đánh giá. “Người ta vẫn phải nghĩ chuyện bố trí cửa hàng, không gian trưng bày ra sao và trợ giúp người sử dụng tìm đồ muốn mua như thế nào”.
Địa điểm cũng là vấn đề, dù nó không phức tạp như thế giới thực. Không đi lại vu vơ trên Second Life, người ta thiên về tìm nhứng dịch vụ cụ thể hay địa điểm trong hộp search và đi thẳng tới đó.
Một trong những ứng dụng thương mại thành công trên game online này là cửa hàng ảo của Reebok. Tại đây, người sử dụng có thể tạo giày Reebok cho avatar và cho chính bản thân mình. Theo Benjamin James, phụ trách văn phòng Rivers Run Red tại San Francisco thiết kế cửa hàng Reebok trên Second Life, site này đã phân phát được hơn 27.000 đôi giày ảo trong 10 tuần lễ đầu tiên. James không biết có bao nhiều người vào trang web của Reebok để mua giày thật nhưng chiêu quảng bá trực tuyến bắt đầu từ tháng 10 nói trên thực sự đã giúp tăng doanh số thực.
Mô hình của tương lai
Trong khi đó, các nhà bán lẻ khác chưa thấy kết quả gì nhiều. Raz Schionning, phụ trách dự án đưa American Apparel lên Second Life hồi năm ngoái, tiết lộ doanh số có được từ thế giới ảo rất nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ bán hàng trên thế giới 3D còn quá mới và chính các nhà bán lẻ cũng không thống nhất được với nhau nên làm thế nào.
Kết quả là người mua không chắc về cách thức giao dịch. “Chúng ta đã quá quen với cách hoạt động của một site thương mại điện tử”, Schionning bình luận. “Nhưng trên Second Life, người ta chưa thực sự thiết lập được quy tắc. Nó không giống trên web thông thường. Vì vậy, có lẽ phải mất một thời gian nữa để chờ xem những gì xảy ra”.
Tuy nhiên, sự phổ biến của không gian ảo 3 chiều chứng tỏ người tiêu dùng đã sẵn sàng với loại hình mua bán mới mặc dù các nhà bán lẻ thì chưa. Vì vậy, giới kinh doanh phải nhanh chóng chuẩn bị để phục vụ làn sóng mua sắm kiểu mới này. “Một khoảng cách tồn tại giữa kinh nghiệm mua sắm trên mạng với thế hệ tiếp sau”, Schionning nhận xét. “Thế giới ảo có thể đưa bạn tới cửa hàng mà thực tế bạn không cần phải đi. Tôi không tin Second Life là câu trả lời, nhưng đó là một bước trên con đường”.
Trong khi đó, nhà phát triển Second Life Linden Lab đang tận hưởng vì sự chú ý từ giới kinh doanh vào thế giới ảo đang ngày một tăng lên. Công ty không hưởng tiền hoa hồng từ doanh số bán trên mạng, nhưng tính tiền “thuê cửa hàng ảo”. Nhà bán lẻ có thể thuê “khoanh đất” rộng 65.000 m2 với giá 200 USD/tháng. Tuy nhiên, để phát triển mảnh đất đó, họ thường phải trả cho các công ty công nghệ từ 100.000 - 5 triệu USD.
Christopher Mahnoney, quản lý phát triển kinh doanh của Linden Lab, đã chứng kiến lợi nhuận tăng cao từ bộ phận phần mềm. Ông dự đoán các nhà sản xuất phần mềm sẽ có thể đưa hình ảnh cửa hàng và mua bán trong thế giới thực lên không gian 3D trong 5 năm tới. “Tưởng tượng xem, bạn thiết kế cho mình một avatar, đi quanh khu nhà, sơn tường và mua đồ đạc của Pottery Barn hay Ikea”, ông nói. “Đó là khi Internet 3D có thể giải quyết những vấn đề trong thế giới thực của bạn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận