Kiếm tiền trên di tích
TT - Núi Lam Thành (Nghệ An) - di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia với những ụ súng cổ, lũy thành rêu phong gợi nhớ chiến tích xưa của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong kháng chiến chống quân Minh - đang bị “rút ruột” ở mức báo động.
Hoạt động khai thác mỏ đang “rút ruột” khu di tích - Ảnh: V.Toàn |
Đi qua tấm biển đề chữ “chống sạt lở, nguy hiểm”, chúng tôi cẩn trọng tiếp cận khu vực khai thác mỏ mangan của Công ty TNHH Bắc Sơn dưới chân núi Lam Thành. Đi sâu vào vùng mỏ, một người bảo vệ đội nón cối sụp xuống mặt theo sát chúng tôi từng bước và luôn ngăn cản không cho chụp ảnh.
Ngổn ngang cồn, bãi
Núi Lam Thành còn gọi là núi Hùng Sơn hoặc núi Nghĩa Liệt thuộc xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đời nhà Trần, Trần Quang Khải đã dựa vào núi Lam Thành đánh tan đạo quân Toa Đô. Thế kỷ 15, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, tiến vào Nghệ An vây đánh quân Minh trên núi Lam Thành nhưng đánh mãi không thắng. Sau khi Nguyễn Trãi dùng mẹo viết thư dụ hàng thì tướng địch là Thái Phúc đã dâng thành cho nghĩa quân Lê Lợi. Cuối thế kỷ 18, trên đường tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã chọn núi Lam Thành đóng quân, chuẩn bị kế sách đánh tan 20 vạn quân Thanh. (Nguồn: Cổng điện tử của UBND TP Vinh, Nghệ An) |
Vùng mỏ gồm sáu điểm khai thác trải dài dưới chân núi đến sát lũy thành phía đông nam đang ngổn ngang những tảng đá lớn chồng lấn lên nhau thành cồn, bãi. Từng tốp nhân công đang vung tay quai búa tạ đánh vỡ những tảng đá lớn để máy cẩu xúc lên xe. Đó là những chuyến xe chở quặng mangan về hai cơ sở sơ tuyển rồi xuất khẩu ngay quặng thô sang Trung Quốc qua cảng biển Bến Thủy.
Bức thành lũy kéo dài gần 2.000m từ cột cờ trên đỉnh núi cao sừng sững chạy qua ụ súng phía trong thành nội, rồi qua những ụ súng phía tiền tiêu và dừng lại ở cột mốc (do chủ mỏ cắm bằng đoạn tre nhỏ). Từ đây 2,1ha thuộc di tích lịch sử - văn hóa núi Lam Thành tan hoang dưới trời mưa nắng. Đây chính là câu chuyện đau lòng mà người dân địa phương phản ảnh, kêu cứu từ năm cuối 2008 đến nay.
Trong 17 công văn của Công ty TNHH Bắc Sơn, UBND xã Hưng Phú, UBND huyện Hưng Nguyên, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở VH-TT&DL và quyết định của UBND tỉnh Nghệ An gộp thành hồ sơ dự án khai thác quặng mangan tại núi Lam Thành đều khẳng định “mỏ khai thác quặng mangan nằm ngoài vùng bảo vệ của di tích Lam Thành”. Ban quản lý di tích - danh thắng thuộc Sở VH-TT&DL Nghệ An cho hay đã nhiều lần đến núi Lam Thành khảo sát và đi đến kết luận: “Sáu điểm mỏ khai thác đều nằm ngoài khu vực bảo vệ I của di tích”.
Vì thế, Sở VH-TT&DL Nghệ An căn cứ vào kết luận này để đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan hữu quan chấp thuận cho Công ty TNHH Bắc Sơn làm thủ tục mở mỏ. Thế rồi dự án khai thác quặng mangan nhanh chóng được triển khai sau khi phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi ký quyết định cấp giấy phép ngày 22-8-2008. Theo quyết định này, dự án hoạt động trong năm năm (2008-2013), công suất khai thác 40.000 tấn quặng/năm, trữ lượng mỏ 202.576 tấn quặng.
Khai mỏ trong khu bảo vệ di tích
Mặc dù bị bảo vệ khu mỏ tìm mọi cách ngăn cản nhưng chúng tôi vẫn phải quay lại đây lần thứ ba để tìm hiểu chính xác những sai phạm trong việc cấp mỏ. Được biết khu mỏ không nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích Lam Thành (khu vực bảo vệ nghiêm ngặt nguyên trạng di tích gốc), nhưng toàn bộ sáu mỏ này lại nằm trong khu vực bảo vệ II (khu vực giáp ranh, bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích).
Luật di sản văn hóa ban hành năm 2001 và sửa đổi năm 2009 đều quy định “khu vực bảo vệ II có thể xây dựng những công trình phục vụ việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Nhưng những công trình xây dựng trong khu di tích cấp quốc gia phải được bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cấp phép bằng văn bản”. Trong lúc đó, trong 17 công văn xin cấp mỏ của Công ty TNHH Bắc Sơn không có văn bản nào của Bộ VH-TT&DL đề cập tới vấn đề này. Thiết lập mỏ khai thác quặng đang phát huy giá trị di tích ở chỗ nào? Đó là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.
Trao đổi với trưởng Ban quản lý di tích - danh thắng Nguyễn Văn Thanh, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi ông cam đoan: “Trong khu vực di tích núi Lam Thành không hề có mỏ khai thác quặng mangan”. Nhưng khi chúng tôi mở hồ sơ mỏ, đối chiếu trên bản đồ di tích Lam Thành thì ông Thanh hẹn sẽ lên mỏ để kiểm tra thực hư.
Tại mỏ, khi chúng tôi chỉ tay trực tiếp vào các điểm đang khai thác trong khu vực bảo vệ II, ông Thanh nói: “Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ di tích, không chú ý đến chuyện có mỏ hay không. Mà thôi, có gì đó thì cũng nên châm chước cho để người ta tận thu khoáng sản”. Chúng tôi còn hỏi ông Đinh Thế Thi - phó giám đốc Công ty TNHH Bắc Sơn - thì trả lời: “Chúng tôi khai thác mỏ là thực thi quyết định của cơ quan”.
Vừa khai thác vừa chống nứt
Khu mỏ phía đông nam của Công ty TNHH Bắc Sơn vừa khai thác được bốn tháng thì tháng 12-2008 núi phía tây nam xuất hiện những vệt nứt ở độ cao 150m, kéo dài 300m, nơi nứt rộng nhất là 1,5m. Tình thế buộc chính quyền địa phương phải có kế hoạch di dời 14 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm và làm dự án chống sạt lở với kinh phí hơn 13 tỉ đồng.
Các cơ quan chức năng ở Nghệ An xác định hai trong bốn nguyên nhân khiến nứt núi là do những hầm khai thác quặng mangan từ thời Pháp thuộc gây sụt lở. Đặc biệt, việc lấy hàng ngàn khối đất dưới chân núi Lam Thành để đắp đê tuyến 42 trong năm 2000 đã làm núi mất chân, tạo nên những vệt nứt lớn, kéo dài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do hàm lượng quặng mangan dưới chân núi Lam Thành không cao, chỉ chiếm khoảng 20% nên Công ty TNHH Bắc Sơn muốn khai thác 202.576 tấn quặng thì một khối lượng đất đá khổng lồ sẽ bị bóc đi. Việc này ảnh hưởng thế nào khi núi Lam Thành đang bị nứt và sạt lở?
Vì thế, ngoài nỗi đau về di tích lịch sử hơn 600 năm bị xâm hại, người dân địa phương vẫn canh cánh lo nghĩ sau năm năm bị “rút ruột”, núi Lam Thành sẽ còn lại những gì?
Tan hoang đền Thái Phúc
Sau khi dâng thành lũy Lam Thành cho Lê Lợi, Thái Phúc về nước bị nhà Minh hành quyết. Nghe tin, Lê Lợi phong Thái Phúc là “Tuyên nghĩa vương” và năm 1426 cho lập đền thờ với tam tòa, tứ điện dưới chân núi Lam Thành để thờ phụng. Nhưng ngôi đền này bị lấn chiếm năm 1959 khi Nhà máy đường Sông Lam xuất hiện ở đây, chỉ còn lại một am thờ với hai tượng voi đá. Mới đây, năm 2008 am thờ buộc phải di chuyển khi tuyến đường ven sông Lam xây dựng đi qua khu vực này. Đến nay am thờ cũng biến mất. Còn hai tượng voi đá đứng chơ vơ trên cồn đất cỏ hoang dưới chân núi Lam Thành. |
VŨ TOÀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận