Phóng to |
Miêu nữ hí miêu gia - vở kịch dân gian đầu tư nhiều về trang phục, mảng miếng hài để thu hút khán giả. Trong ảnh: diễn viên Hữu Châu và Ðình Toàn Ảnh: Gia Tiến |
Ðạo diễn Vũ Minh ở sân khấu kịch IDECAF có một mùa kịch tết "đáng nhớ" khi những ngày cuối năm anh nằm viện để thực hiện một ca phẫu thuật, nhưng rồi phải cố trở lại sàn tập cho kịp lịch tết. Về nội dung, vở Hồn bướm mơ điên (tác giả - TG: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Minh Phương) có môtip cũ là một câu chuyện về thói sính ngoại, "mộng" Việt kiều. Ðạo diễn và diễn viên đã vận dụng những miếng hài, nhạc kịch để tạo ra không khí cho vở. Có thể nói đó cũng là đặc điểm chung của kịch tết năm nay: mỏng về ý tứ, kịch bản và được vớt vát bằng những chiêu trò trên sàn diễn.
Đồng loạt ra vở mới
Ngoài vở Hồn bướm mơ điên, sân khấu IDECAF còn bốn vở hài kịch khác là Mặt nạ bong bóng (kịch bản - KB: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn - ÐD: Vũ Minh), Xóm vịt trời (KB: Hương Giang, ÐD: Tuấn Khôi), Miêu nữ hí miêu gia (TG: Ðăng Nhân, ÐD: Hữu Châu), Hương tình (TG: Ðăng Nhân, ÐD: Hùng Lâm). Mặt nạ bong bóng là câu chuyện về kẻ xấu và người tốt. Trong vở này, vai diễn anh chàng Bạch khác thường, có khả năng đọc được tâm địa người khác của diễn viên Ðức Thịnh là một vai diễn hay gây chú ý. Tuy nhiên, cái ác được thể hiện trong vở lại hơi đơn giản, có chỗ bị đẩy lên thái quá làm nội dung vở có chỗ hụt hẫng. Miêu nữ hí miêu gia là vở kịch mang đậm màu sắc dân gian của đạo diễn Hữu Châu. Còn vở Hương tình kể về câu chuyện một người đàn ông (NSƯT Thành Lộc) muốn tạo ra một thứ "bùa mê thuốc lú" trong tình yêu để trục lợi...
Ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, ngoài vở Tình nhân đến với tình nhân đã dựng trước đây, còn có hai vở mới là 6 tháng anh và em (KB: Nguyên Thảo, ÐD: Ái Như), Tái sinh (KB: Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thái Thanh, ÐD: Ái Như). Vở 6 tháng anh và em được đạo diễn Ái Như làm lại từ vở Hợp đồng hôn nhân trước đây chị đã dựng ở sân khấu kịch 5B - Võ Văn Tần. NSƯT Thành Hội vẫn cuốn hút với vai anh chàng Khanh tài xế si tình như anh đã diễn trước đây. Tái sinh là một câu chuyện tình yêu từ tiền kiếp đến hiện tại. Tuy là vở kịch tết nhưng vở diễn này có vẻ gần với thể loại thể nghiệm hơn là khuynh hướng giải trí.
Sân khấu Kịch Phú Nhuận ra mắt hai vở mới là hài kịch Số đào hoa (TG: Nguyễn Minh Phương, ÐD: Hòa Hiệp) và kịch bản kinh dị Trăng máu (TG: Xuyên Lâm, ÐD: Diệp Tiên). Nhà hát Sân khấu trẻ giới thiệu ba vở kịch Hợp đồng yêu đương (TG: Bảo Ngọc, ÐD: Ngọc Hùng), Bí mật nhà xác (kịch kinh dị, TG & ÐD: Quốc Bảo), Thần tiên cũng nổi điên (TG: Thiên Ân, Hồng Phúc, ÐD: Cao Tấn Lộc). Sân khấu Nụ Cười Mới giới thiệu ba kịch bản hài kịch theo phong cách quen thuộc của sân khấu này là Nữ quái tống tiền (KB & ÐD: Quốc Bảo), Vợ chồng son (TG: Thanh Hoàng, ÐD: Quốc Bảo), Ngày tận thế (KB: Quốc Bảo, ÐD: NSND Trần Ngọc Giàu).
Sau một thời gian "ngủ đông" khá lâu, tết này lại không có sự phối hợp với cặp nghệ sĩ hài Kiều Oanh - Lê Huỳnh như mọi năm, Nhà hát Kịch TP.HCM tự xây dựng hai chương trình để phục vụ khán giả vào dịp xuân Quý Tỵ tại rạp Công Nhân. Chương trình hài kịch Duyên xuân kỳ ngộ bao gồm chùm kịch về những câu chuyện tình vui mùa xuân. Chương trình thứ hai là chùm kịch ngắn Mùa xuân nhằm kỷ niệm 45 năm dịp xuân Mậu Thân.
Phóng to |
Vở 6 tháng anh và em - dựng lại từ vở Hợp đồng hôn nhân trước đây của đạo diễn Ái Như - thu hút bởi sự diễn xuất của NSƯT Thành Hội - Ảnh: Gia Tiến |
"Cứu" nội dung bằng chiêu trò
Tuy ra đến năm vở mới, một con số "áp đảo" hơn mọi năm, nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cũng thừa nhận khâu kịch bản "không đồng đều". Ðể khắc phục nhược điểm này, các vở kịch thường được đầu tư phục trang, âm nhạc, những mảng miếng hài... để thu hút người xem.
Còn phía Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, tết này số lượng vở cũng nhiều hơn mọi năm với bốn vở: Chờ người (TG: Vương Huyền Cơ. ÐD: Ngọc Tưởng), Hạnh phúc ở đâu (TG: Văn Ruy, ÐD: Công Ninh), Nơi tình yêu bắt đầu (TG: Thanh Tùng, Tiến Ðạt), Chia tay hoàng hôn (TG: Sỹ Hanh, ÐD: Trần Minh Ngọc). Tuy không bị động với "nạn" diễn viên chạy sô như mọi năm, nhưng NSƯT Mỹ Uyên - phó giám đốc nhà hát - cũng thấy khó khăn ở khâu kịch bản: "Tìm một kịch bản đầy đặn về tiêu chí nghệ thuật hay giải trí cho khán giả bây giờ quả là một việc rất khó".
Nhìn chung, sân khấu kịch tết vẫn hướng đến sự giải trí, tiếng cười. Nhưng một khi những nội dung đã cũ mòn, phải khỏa lấp bằng những chiêu trò sân khấu thì có những vở sa đà việc lợi dụng tiếng cười giới tính, hoặc diễn viên khai thác tiếng cười hình thể thái quá khiến bạn diễn chịu không nổi phải... nhắc nhở (!) Quả thực, kịch bản đang là khâu khó của sân khấu.
Ngồi ghế hội đồng phúc khảo, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc có cơ hội xem qua nhiều vở kịch tết. Ông nhận xét: "Yếu tố giải trí của kịch tết năm nay vẫn dựa trên những nội dung cũ, tình huống gây cười cũ thường thấy. Tôi chưa thấy những yếu tố gì mới". Ðể mạnh lên, theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, sân khấu phải thay đổi. Ông cho rằng đội ngũ biểu diễn như đạo diễn, diễn viên... vẫn mạnh, nên lĩnh ấn tiên phong thay đổi phải là đội ngũ tác giả.
Cải lương mùa tết: đìu hiu! Nhìn chung, hoạt động sân khấu cải lương năm nay khá buồn tẻ. Lịch diễn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đến giờ này chỉ vỏn vẹn ba đêm tại rạp Thủ Đô. Mồng 1 là chương trình Nghệ sĩ mừng xuân. Đêm diễn có hai ca cảnh dựng mới hoàn toàn là Nhật nguyệt khai xuân và Mỗi năm hoa đào nở với sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSƯT Thoại Miêu, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Thy Trang, Thy Phương, Lê Tứ, Võ Minh Lâm... Đoàn 3 của nhà hát (tức đoàn Thắp sáng niềm tin trước đây) sẽ diễn thêm mồng 2 và mồng 3 nhưng vẫn là hai kịch bản cũ, vở Phước Lộc Thọ và Đả chiến phá sông Ngân. Chương trình “đinh” mà nhà hát tập trung lực lượng là chương trình Lễ hội Đống Đa diễn ra mồng 5 tết tại công viên Tao Đàn. Linh Đoan |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận