Phóng to |
Bà nội đầy quyền lực của tôi/Dragon Lady - một người giàu có so với họ hàng đằng cha tôi, thiên vị tôi quá đỗi so với các em gái. Trong các buổi tụ họp gia đình, bà thường chỉ vào một trong số chị em ruột rà của tôi mà càm ràm: “Nhìn cái mũi tẹt dí của nó này, chẳng giống như Amy, sống mũi nó cao thế kia chứ. Amy trông giống hệt đằng nội. Còn nó lại giống bên đằng ngoại, thật như hệt một con khỉ ấy.”
Công nhận là bà nội tôi cực đoan, nhưng nhìn chung người Trung Quốc thường như vậy. Tôi từng đến một hiệu thuốc của người Trung Quốc, và chủ cửa hiệu khoe với tôi là ông ấy có đứa con gái lên sáu và thằng con trai lên năm, nhưng “con gái tôi rất sáng dạ, chỉ có điều là nó không tập trung. Còn thằng bé thì lại chẳng được thông minh như thế. Con bé thông minh lắm.” Lần khác, Kathleen bạn tôi tham dự vòng thi đấu quần vợt và trò chuyện với một phụ nữ Trung Quốc đang quan sát một cô gái nhỏ thi đấu. Người phụ nữ giới thiệu với Kathleen rằng đó là con gái của mình, là sinh viên của đại học Brown, và “chắc chắn là nó sẽ thua thôi”. “Con bé này yếu xìu,” bà ta lắc đầu, “con chị nó giỏi giang hơn nhiều, nhưng nó đã tới Harvard rồi.”
Giờ đây, tôi biết sự thiên vị của các bậc cha mẹ thật khó chịu và tai hại, nhưng để biện hộ cho người Trung Quốc, tôi có hai quan điểm. Thứ nhất, sự thiên vị của các ông bố bà mẹ có tồn tại ở tất cả các nền văn hóa. Trong Kinh Cựu ước, Isaac thiên vị Esau, trong khi Rebekah quý Jacob hơn. Trong truyện cổ Grimm, thường xuyên có ba anh em ruột – và họ không bao giờ được đối xử công bằng. Ngược lại, không phải tất cả người Trung Quốc đều đối xử thiên vị như vậy. Trong The Five Chinese Brothers (Năm anh em Trung Quốc) không có dấu hiệu nào cho thấy bà mẹ yêu quý cậu con trai tát cạn nước biển hơn cậu con trai với chiếc cổ bằng sắt.
Thứ hai, tôi không tin là tất cả sự so sánh của các bậc phụ mẫu đều là xúc phạm. Jed thường xuyên chỉ trích tôi vì so sánh Sophia với Lulu. Và sự thật là tôi chỉ nói với Lulu kiểu như: “Khi mẹ bảo Sophia làm gì đó, chị thường nghe lời ngay lập tức. Đó chính là lý do khiến chị con tiến bộ nhanh như thế.” Nhưng người phương Tây lại hiểu khác đi. Khi tôi nói điều đó nghĩa là không phải tôi yêu quý Sophia hơn; mà ngược lại, tôi đang bày tỏ sự tin cậy ở Lulu. Tôi tin rằng nó có thể làm được tất cả những gì Sophia làm, và nó đủ sức để thực hiện chân lý đó. Tôi cũng biết rằng thể nào Lulu cũng tự so sánh nó với Sophia. Đây chính là lý do thi thoảng tôi khe khắt với Lulu. Tôi sẽ không để cho con bé chìm đắm vào việc hồ nghi chính bản thân mình.
Đó cũng chính là lý do tại sao trong buổi sáng đầu tiên Lulu tập chơi vĩ cầm, trước khi nó gặp giáo viên mới, tôi đã nói rằng: “Lulu, con nên nhớ rằng con mới chỉ sáu tuổi. Sophia giành được giải thưởng đầu tiên khi lên chín. Mẹ nghĩ là con có thể giành được giải thưởng đó sớm hơn nữa kia.”
Lulu phản ứng thật tệ với điều đó, con bé nói là nó ghét mọi đua tranh và cũng chẳng hề thích chơi vĩ cầm. Lulu từ chối việc đến lớp. Tôi dọa nó bằng một cái phát vào mông và không cho ăn tối - nhưng vẫn cứ phải luyện tập - rồi cuối cùng dẫn nó tới Neighborhood Music School, để gặp giáo viên dạy vĩ cầm của Suzuki - thầy Carl Shugart - đã được phân công dạy dỗ Lulu.
Thầy Shugart khoảng tầm 50 tuổi, với bề ngoài khá phổ biến, mái tóc vàng lưa thưa, một kiểu người thông hiểu trẻ em hơn là người lớn. Với các bậc phụ huynh, thầy có vẻ cách biệt và vụng về; thầy chỉ có thể nhìn họ mà thôi. Nhưng thầy là một thiên tài với bọn trẻ: thoải mái, dí dỏm, đầy cảm hứng, và hài hước. Thầy giống như Pied Piper của trường, và bọn trẻ mười ba tuổi hoặc nhỏ hơn theo học thầy - Lulu là một trong số đó - sẽ theo thầy đi khắp nơi.
Bí mật của thầy Shugart là có thể chuyển tất cả kỹ thuật về chơi vĩ cầm sang các câu chuyện hoặc hình ảnh mà bọn trẻ có thể hiểu được. Thay cho những legato, staccato, hay accelerando, thầy nói đến việc vuốt ve bộ lông của chú mèo đang rên gừ gừ, một đàn kiến đang diễu hành, và những con chuột trên chiếc xe một bánh đang lăn tròn xuống từ ngọn đồi. Tôi nhớ đến sự kỳ diệu trong cách thầy dạy Lulu Khúc ngẫu hứng/Humoresque số 7 nổi tiếng của Dvoˇrák (*). Sau khúc dạo đầu hấp dẫn, tất cả mọi người đều ậm ừ không biết nó thế nào, còn có một khúc nhạc thứ hai dường như quá ủy mị đòi hỏi phải được chơi với cảm hứng chủ đạo cường điệu sự vừa bi vừa hài - là bạn thì bạn sẽ giải thích điều này thế nào với một đứa trẻ mới lên sáu đây?
Thầy Shugart nói với Lulu rằng đoạn thứ hai rất buồn bã, nhưng lại không buồn như là có ai đó sắp qua đời. Thay vào đó, thầy bắt con bé tưởng tượng rằng đã được mẹ hứa cho một cây kem ốc quế hai lớp to tướng nếu nó dọn giường cho mẹ một tuần - và Lulu đã làm như vậy đầy tin tưởng. Nhưng khi hết tuần, mẹ lại chẳng cho nó cây kem ốc quế nào hết. Không chỉ thế, mẹ lại mua một cây kem cho chị gái Lulu, người chẳng làm việc gì cả.
Điều này đánh đúng vào tình cảnh của Lulu, bởi vì sau đó nó đã chơi khúc Humoresque vô cùng da diết như thể khúc nhạc đó viết riêng cho nó vậy. Tới một ngày nọ, khi tôi nghe khúc Humoresque - bạn có thể xem Itzhak Perlman và Yo-Yo Ma chơi trên YouTube - tôi nghe thấy cả lời mà thầy Shugart thêm vào: “Con muốn ăn kem, ôi, đưa trả con cây kem đi; cây kem mà mẹ hứa cho co-on đâu rồi?”
Thật không ngờ, mặc dù tôi đã chọn vĩ cầm cho Lulu, nhưng không thể chối cãi được rằng Lulu có sự lôi cuốn tự nhiên với cây đàn đó. Tuy vậy, mọi người không ngớt kinh ngạc về phong cách tự nhiên khi Lulu chơi vĩ cầm, và thực sự thì con bé có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt làm sao. Theo lời kể của thầy Shugart thì Lulu luôn tỏa sáng, và các bậc phụ huynh khác luôn hỏi có phải gen âm nhạc di truyền ở gia đình chúng tôi, và Lulu được chờ đợi trở thành một nghệ sỹ chơi vĩ cầm chuyên nghiệp. Họ không hình dung được về những buổi tập luyện “đẫm máu” ở nhà, nơi tôi và Lulu đấu với nhau như loài thú hoang - Hổ đấu với Lợn rừng - và nó chống lại được bao nhiêu tôi tấn công lại chừng đó.
Chủ nhật là một ngày điển hình trong tuần, chúng tôi mất cả buổi sáng ở trường âm nhạc Neighborhood Music School nơi tràn ngập năng lượng và âm thanh của khoảng hai mươi nhạc cụ khác nhau. Lulu không chỉ luyện tập với thầy Shugart; sau đó con bé còn phải tới thẳng lớp học nhóm Suzuki, để tham gia buổi tập cho cả vĩ cầm và dương cầm cùng Sophia. (Chúng tôi cũng không bỏ buổi tập dương cầm của Lulu vào các ngày thứ Sáu).
Trở về nhà, bất chấp buổi tập ba giờ đồng hồ vừa trải qua, tôi thường cố gắng lẻn vào buổi tập luyện nâng cao bổ sung - không có gì tốt hơn việc cố gắng chiếm lợi thế vào tuần tiếp theo! Ban đêm, khi Lulu đã ngủ, tôi đọc các chuyên khảo về kỹ thuật chơi vĩ cầm và nghe CD của Isaac Stern, Itzhak Perlman, hay Midori, gắng sức tìm hiểu xem họ làm cái gì để chơi hay như vậy.
Tôi thừa nhận rằng lịch học này nghe có vẻ khá khắc nghiệt. Nhưng tôi cảm thấy mình đang chạy đua với thời gian. Trẻ em ở Trung Quốc luyện tập tới mười tiếng mỗi ngày. Sarah Chang (**) đã thử giọng cho Zubin Mehta (***) ở Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic (****) khi mới có tám tuổi. Hằng năm vẫn có vài gương mặt ở tuổi lên bảy từ Latvia hay Croatia giành thắng lợi trong cuộc thi quốc tế biểu diễn Concerto cho vĩ cầm của Tchaikovsky vốn vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, mà tôi không thể đợi thêm nữa để Lulu giành được nó.
Hơn nữa, tôi lại có một đức ông chồng Mỹ luôn tin chắc rằng tuổi thơ là để vui chơi. Jed luôn muốn chơi trượt ván với các con hay tới sân golf mini với chúng, hoặc là tệ hại nhất là đưa chúng tới công viên nước xa mù với những đường trượt nguy hiểm. Việc tôi thích làm nhất với các con là đọc cho chúng nghe; tôi và Jed làm điều này mỗi tối, và đó thường là thời khắc vui thích nhất trong ngày của cả nhà.
Dưới mắt tôi, chơi vĩ cầm thực sự khó khăn, khó hơn nhiều so với học chơi dương cầm. Đầu tiên là vấn đề cầm cái gì như thế nào, điều bạn sẽ không gặp khi học dương cầm. Trái với những gì một người bình thường có thể nghĩ, vĩ cầm không chơi được bằng tay trái; nó chỉ có thể được tiếp cận theo một cách. Theo giáo viên dạy vĩ cầm nổi tiếng Carl Flesch (*****) trong cuốn The Art of Violin Playing (Nghệ thuật chơi vĩ cầm), thì cây đàn phải được “đặt tì trên xương đòn” và “giữ tư thế này bằng hàm dưới bên trái,” để tay trái tự do di chuyển xung quanh.
Nếu bạn nghĩ việc giữ được thứ gì đó ở vị trí giữa xương đòn và hàm dưới bên trái thật là khó chịu, thì bạn đúng rồi đấy. Thêm nữa bạn phải giữ cho cằm cứng đơ và những cái kẹp bằng kim loại đâm vào cổ bạn, kết quả là bạn sẽ có một “vết chai vĩ cầm” sưng vù, đỏ tấy ở ngay dưới cằm mà hầu hết những người chơi vĩ cầm đều có, và thậm chí nó còn được xem như là một dấu hiệu danh dự nữa kia.
Rồi đến “âm điệu” - có nghĩa là bạn chơi đúng đến đâu - đây là một lý do khiến tôi nghĩ chơi vĩ cầm khó hơn chơi dương cầm, chí ít là với những người bắt đầu. Với dương cầm, bạn chỉ gõ vào một phím và bạn biết nốt nào bạn đang chơi là xong. Với vĩ cầm, bạn phải đặt ngón tay đúng vào phía bên phải trên cần đàn - nếu bạn xê xích 1/10 centimet thôi, bạn sẽ chẳng chơi được đúng điệu nữa. Mặc dù vĩ cầm chỉ có bốn dây, nhưng nó có thể đưa ra tới 53 nốt khác nhau đo bằng độ lớn của nửa cung - và còn vô vàn sắc thái âm thanh được tạo ra bằng sử dụng các dây khác nhau và kỹ thuật điều khiển cây vĩ. Người ta thường nói rằng vĩ cầm có thể nắm bắt được mọi cảm xúc, và đó chính là nhạc cụ gần gũi nhất với tiếng nói của con người.
Một điểm chung giữa dương cầm và vĩ cầm - giữa chúng với nhau cũng như với nhiều môn thể thao khác - đó là bạn không thể chơi hay đến mức thăng hoa nếu bạn không thật sự thoải mái. Bạn không thể có được một cú giao bóng chết người khi chơi quần vợt hoặc ném bóng chày thật xa nếu bạn không được thả lỏng tay; bạn cũng không thể đưa ra được những âm thanh ngọt ngào khi chơi vĩ cầm nếu bạn cầm cây vĩ quá chặt hoặc xiết chặt vào dây - động tác này chính là nguyên nhân đưa đến những âm thanh rin rít ghê rợn. Thầy Shugart thường nói với Lulu, “Tưởng tượng rằng em là con búp bê nhồi bằng giẻ. Nhẹ nhõm và dễ chịu, và chẳng có lo lắng gì trên đời. Em hãy thả lỏng cánh tay của em đi, như không trọng lượng vậy… Hãy để cho lực hút làm mọi việc… Tốt rồi, Lulu, tốt lắm.”
Còn ở nhà, tôi hét lên: “THƯ GIÃN! Thầy Shugart nói là BÚP BÊ VẢI cơ mà!” Tôi luôn cố gắng hết sức để nhắc lại quan điểm của thầy Shugart, nhưng mọi thứ lại quá khó khăn với Lulu, bởi sự hiện diện thái quá của tôi khiến nó kích động và cáu điên.
Một lần, ở giữa chừng buổi luyện tập, Lulu hét lên, “Thôi đi, mẹ, thôi ngay đi.” “Lulu, mẹ có nói gì đâu,” tôi trả lời, “Mẹ chẳng nói lời nào cả.” “Ý nghĩ của mẹ đang quấy rầy con,” Lulu nói. “Con biết rõ là mẹ đang nghĩ gì.”
“Mẹ chẳng nghĩ ngợi gì hết,” tôi trả lời đầy tức tối. Thực sự thì tôi đang nghĩ là khuỷu tay phải của Lulu để quá cao, và động lực của nó sai toét cả, và nó cần phát triển tiết tấu tốt hơn nữa.
“Mẹ đừng suy nghĩ kiểu ấy nữa đi!” Lulu yêu cầu. “Con sẽ không chơi nữa nếu mẹ không chịu bỏ suy nghĩ trong đầu kiểu thế đi.”
Lulu luôn tìm cách khiêu khích tôi. Gây ra một cuộc tranh cãi là cách đơn giản để khỏi phải tập luyện. Hiểu rõ điều đó, nên tôi chẳng dễ “cắn câu”. Tôi bình tĩnh trả lời. “Được rồi. Con muốn mẹ làm thế nào bây giờ?” Để kiểm soát tốt được Lulu trong tình huống này thỉnh thoảng chỉ đơn giản là việc giúp xoa dịu tâm trạng cáu kỉnh của nó.
Lulu suy nghĩ về điều đó. “Mẹ, đặt tay lên mũi 5 giây đi.” Khoảnh khắc nghỉ ngơi may mắn. Tôi chấp thuận, và việc luyện tập lại bắt đầu. Đó là một trong những giây phút hòa hoãn êm đẹp của chúng tôi.
Tôi và Lulu có mối quan hệ vừa gắn bó khăng khít lại vừa đối nghịch nhau. Khi các cô con gái còn nhỏ, tôi giữ một file trên máy tính trong đó tôi ghi những cuộc đấu khẩu đáng chú ý. Đây là một cuộc trò chuyện giữa tôi và Lulu khi nó lên bảy:
Mẹ: Lulu, chúng ta là đôi bạn thân thiết một cách kỳ lạ.
Lulu: Đúng rồi - một cách kỳ lạ và khủng khiếp.
Mẹ: !!
***
Lulu: Chơi đi, vui đi (ôm chầm lấy Mẹ).
Mẹ: Mẹ sẽ ghi lại những điều con nói.
Lulu: Không, đừng làm thế! Nghe lại sẽ xấu hổ lắm!
Mẹ: Mẹ sẽ chép cả phần ôm ấp vào đây đấy.
Một kết quả tốt đẹp của việc dạy dỗ khắc nghiệt của tôi là Sophia và Lulu vô cùng thân thiết với nhau: hai đứa đồng tâm hiệp lực chống lại người mẹ độc đoán và điên cuồng của chúng. “Mẹ điên rồi,” tôi nghe chúng thì thầm với nhau, cười rúc rích. Nhưng tôi chẳng thèm quan tâm. Tôi không yếu đuối, giống như vài bậc cha mẹ phương Tây. Như tôi vẫn thường nói với các con: “Mục tiêu của mẹ khi làm mẹ là chuẩn bị cho các con trước tương lai chứ không phải là khiến cuộc đời các con giống như của mẹ.”
Một mùa xuân, giám đốc của Neighborhood Music School đề nghị Sophia và Lulu biểu diễn song tấu trong sự kiện gala đặc biệt chào mừng ca sỹ opera giọng nữ cao Jessye Norman, người thủ vai Aida trong vở nhạc kịch nổi tiếng của Verdi (******). Thật tình cờ, vở nhạc kịch yêu thích của cha tôi chính là Aida - tôi và Jed đã làm đám cưới trong âm thanh của Aida do Triumphal March biểu diễn - và tôi đã mời cha mẹ tôi từ California tới. Mặc những chiếc váy hợp nhau, các cô con gái của tôi biểu diễn bản xô-nát của Mozart cho vĩ cầm và dương cầm cung mi thứ.
Cá nhân tôi thì cho rằng bản nhạc này quá già dặn với chúng – việc thay đổi liên tiếp giữa hai loại đàn không quá nhiều, nghe không giống như một cuộc chuyện trò chút nào – nhưng chẳng ai để ý, và các cô gái đã chơi hết sức rộn rã. Sau đó, Jessye Norman nói với tôi, “Các con gái chị thật tài năng - chị quả là người may mắn”. Xét đến cùng, đó là vài khoảnh khắc - trong số những ngày đẹp nhất cuộc đời tôi.
*****************************
(*) Antonín Leopold Dvořák (08/09/1841, Nelahozeves – 01/05/1904, Praha): Nhà soạn nhạc người Séc nổi tiếng thế giới. Đại diện cho dòng nhạc cổ điển lãng mạn của thế giới với các tác phẩm kinh điển về opera, giao hưởng thính phòng, đặc biệt là bản giao hưởng số 9 “Bản giao hưởng Thế giới mới - Novosvětská”.
(**) Sarah Chang (10/12/1980): Nghệ sỹ vĩ cầm người Mỹ gốc Hàn Quốc, trình diễn lần đầu tiên trước công chúng năm 1989 với Dàn nhạc giao hưởng Philadelphia và Hiệp hội Yêu nhạc New York.
(***) Zubin Mehta (29/4/1936): Người chỉ huy dàn nhạc người Ấn Độ, chuyên về nhạc cổ điển phương Tây.
(****) New York Philharmonic: Còn được gọi là Hiệp hội Yêu nhạc New York, là một dàn nhạc giao hưởng trực thuộc thành phố New York - Hoa Kỳ.
(*****) Carl Flesch (1873 - 1944) là nghệ sỹ đồng thời là giáo viên dạy vĩ cầm. Ông sinh ra ở Hungary, sau đó đã sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới như: Áo, Pháp, Đức, Anh,....
(******) Giuseppe Verdi (1813 - 1910): Nhà soạn nhạc người Ý, xuất hiện vào cuối giai đoạn lãng mạn với các vở nhạc kịch nổi tiếng như: Rigoletto, Otello hay Aida.
Kỳ 1: Người mẹ Trung QuốcKỳ 2: Sophia Kỳ 3: LouisaKỳ 4: Dòng họ Chua Kỳ 5: Gia tộc suy vongKỳ 6: Quy trình chuẩn mực Kỳ 7: Mẹ Hổ may mắnKỳ 8: Nhạc cụ của Lulu
*************************************************
Kỳ tới: Những dấu răng và Bọt nước. Các ông bố bà mẹ Trung Quốc thường có thể xoay xở được với mọi điều mà các bậc phụ mẫu phương Tây không thể làm được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận