24/07/2011 20:00 GMT+7

Khúc chiến ca của mẹ hổ - Kỳ 5: Gia tộc suy vong

AMY CHUA
AMY CHUA

TTO - Một trong những nỗi sợ hãi nhất của tôi là sự sa sút của gia đình. Người Trung Quốc xưa có câu “không ai giàu ba họ”.

mcxogcjH.jpgPhóng to
TTO - Một trong những nỗi sợ hãi nhất của tôi là sự sa sút của gia đình. Người Trung Quốc xưa có câu “không ai giàu ba họ”.

Kỳ 1: Người mẹ Trung QuốcKỳ 2: Sophia Kỳ 3: LouisaKỳ 4: Dòng họ Chua

Tôi cá rằng nếu ai đó dày dặn kinh nghiệm để thực hiện một cuộc khảo sát theo chiều dọc về đời sống qua các thế hệ, họ sẽ thấy nổi lên một khuôn mẫu điển hình giữa những người Trung Quốc nhập cư ít nhất hơn năm mươi năm, may mắn tới được nước Mỹ vì là sinh viên tốt nghiệp hoặc thợ lành nghề. Khuôn mẫu sẽ có dạng giống như thế này:

* Một thế hệ nhập cư (như cha mẹ tôi) là những người làm việc cật lực. Nhiều người khởi đầu tại nước Mỹ không một xu dính túi, nhưng đã làm việc không ngừng nghỉ cho tới khi thành đạt, trở thành những kỹ sư, nhà khoa học, bác sỹ, nhà nghiên cứu, hoặc thương nhân. Như cha mẹ tôi, họ sẽ cực kỳ nghiêm khắc và tiết kiệm đến điên rồ (“Không được đổ thức ăn thừa đi! Tại sao lại dùng lắm nước rửa bát thế? Không cần phải đến hiệu cắt tóc làm gì - chúng ta có thể tự cắt đẹp hơn.”) Họ sẽ đầu tư vào bất động sản. Họ chẳng nhậu nhẹt mấy khi. Tất cả những gì họ có được do làm lụng vất vả đều dồn hết cho việc học hành và tương lai của con cái.

* Thế hệ thứ hai (như tôi), thế hệ đầu tiên được sinh ra trên đất Mỹ, về cơ bản sẽ có tính mục đích cao. Họ thường chơi dương cầm và/hoặc vĩ cầm. Họ sẽ theo học các trường đại học nổi tiếng khu vực miền Đông hoặc các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Họ có xu hướng theo đuổi những nghề nghiệp như: luật sư, bác sỹ, chủ ngân hàng, phát thanh viên truyền hình và có thu nhập cao hơn bố mẹ mình, nhưng phần lớn là vì họ khởi đầu với nhiều của nả vốn liếng hơn và vì bố mẹ đã đầu tư vào họ rất nhiều. Họ cũng không tằn tiện như bố mẹ mình nữa. Họ sẽ hưởng thụ nhiều hơn. Nếu là phụ nữ, họ thường kết hôn với người da trắng. Và dù là nam giới hay phụ nữ, họ cũng không quá nghiêm khắc với con cái như bố mẹ đã làm với họ trước đây.

* Thế hệ tiếp theo (Sophia và Lulu) là một thế hệ mà tôi thao thức hằng đêm lo lắng cho chúng. Bởi nhờ lao động cật lực của thế hệ ông bà và cha mẹ chúng, thế hệ này sinh ra đã được hưởng đầy đủ tiện nghi của tầng lớp cao hơn bậc trung lưu. Thậm chí ngay khi còn bé tí, chúng đã sở hữu nhiều sách bìa cứng rồi (theo quan điểm của những bậc cha mẹ nhập cư thì sách bìa cứng là một món xa xỉ kinh người). Chúng có những nhóm bạn bè giàu có - những đứa thường mới đạt điểm B+ đã được thưởng. Chúng không hoặc có thể vào được những trường học tư, nhưng dù thế nào thì chúng vẫn yêu sách để có những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền. Điều cuối cùng và đáng bàn cãi nhất là chúng cảm thấy mình có quyền được bảo về bởi Hiến pháp Mỹ, và vì vậy chúng rất có khả năng không nghe lời bố mẹ và bỏ qua những định hướng về nghề nghiệp. Nói một cách ngắn gọn thì tất cả các yếu tố ấy đều chỉ ra một cách rõ ràng rằng thế hệ này đang hướng thẳng tới sự suy tàn.

Thế đấy, chẳng phải thấp thỏm gì nữa. Từ khoảnh khắc Sophia chào đời và tôi, nhìn ngắm vẻ xinh xắn và khuôn mặt sáng láng của con, đã quyết là không để điều đó xảy ra với Sophia, sẽ không giáo dục con thành một đứa trẻ yếu đuối và tự do - không để gia đình tôi tuột dốc được.

Đó là một trong những lý do tại sao tôi buộc Sophia và Lulu chơi nhạc cổ điển. Tôi biết rằng mình không thể khiến chúng có cảm giác như những đứa trẻ nhập cư khốn khổ. Điều này không thể được khi thực tế là chúng tôi sống trong một căn nhà rộng rãi cũ kỹ, sở hữu đến hai chiếc xe còn tốt, và ở trong những khách sạn tươm tất mỗi khi đi nghỉ. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng Sophia và Lulu sâu sắc và hiểu biết hơn cha mẹ tôi và chính bản thân tôi khi ở tầm tuổi đó. Nhạc cổ điển là đối cực của suy tàn; đối cực của lười biếng, thô lỗ, và hư hỏng. Đó chính là con đường khiến cho con cái tôi giành được những gì tôi đã không có được. Nhưng đó cũng là sự nối tiếp truyền thống văn hóa của tổ tiên dòng tộc nhà tôi.

Chiến dịch chống suy vong của tôi cũng có những yếu tố cấu thành khác. Giống như cha mẹ mình, tôi bắt Sophia và Lulu phải thành thạo tiếng Trung Quốc và chỉ được phép đạt điểm A. Tôi dặn các con, “Khi làm bài, luôn luôn phải kiểm tra lại câu trả lời ba lần. Phải tra từng từ mà con không biết, và học thuộc lòng các định nghĩa chính xác.” Để đảm bảo rằng Sophia và Lulu không được nuông chiều và yếu ớt như người La Mã khi đế chế sụp đổ, tôi cũng bắt chúng phải lao động chân tay.

“Khi 14 tuổi, chính mẹ đã dùng cuốc, xẻng để đào một hồ bơi cho ông ngoại”. Tôi nói đi nói lại với các con. Đó hoàn toàn là sự thật. Cái “hồ” đó chỉ sâu chừng 1 mét với đường kính khoảng 3 mét nông choèn như một cái chậu rửa. Nhưng thực sự tôi đã tự tay đào nó ở sân sau của ngôi nhà nhỏ cạnh hồ Tahoe mà cha tôi mua được sau nhiều năm dành dụm. Tôi ra rả, “Mỗi sáng Chủ nhật, mẹ lau nửa nhà còn các dì thì lau nửa còn lại. Mẹ cọ toa-lét, dọn sạch bãi cỏ, và bổ củi. Một lần mẹ đã dựng một khu vườn đá cho ông ngoại, và mẹ phải vác những tảng đá nặng ngấp nghé 30kg. Đó là lý do tại sao mẹ dẻo dai thế này.”

Vì muốn chúng luyện tập tối đa, tôi không đòi hỏi các con gái tôi phải bổ củi hay đào hồ, nhưng tôi cố gắng bắt chúng mang vác những vật nặng - những giỏ quần áo giặt khô đầy ắp khi lên xuống cầu thang, đổ rác vào các Chủ nhật, tự xách va-li khi đi du lịch - là những việc tôi thường xuyên bắt chúng làm khi có thể. Thú vị là Jed có quan điểm đối lập với tôi. Anh ấy ái ngại khi thấy các cô con gái phải mang vác, và luôn lo lắng cho cái lưng của chúng.

Để phổ biến những bài học này cho các con gái, tôi thường xuyên nhớ lại những điều mà chính cha mẹ tôi đã từng nói với mình: “Hãy khiêm tốn, hãy nhún nhường, hãy đơn giản.” Mẹ tôi thường mắng tôi, ”Hậu quả nhãn tiền ra đấy / Ở hiền gặp lành”. Ý mẹ tôi muốn nói tới cách ứng xử thế này, “Hãy chắc chắn rằng con sẽ là người làm đầu tiên, con sẽ nhận được sự nể trọng của mọi người.” Một trong những nguyên tắc cơ bản của cha tôi là, “Đừng bao giờ phàn nàn hay tìm cách đổ lỗi. Nếu có điều gì đó không công bằng ở trường học, hãy chứng tỏ bản thân mình bằng làm việc chăm chỉ gấp đôi và giỏi giang gấp đôi”. Tôi đã cố gắng truyền trao những nguyên tắc này tới Sophia và Lulu.

Cuối cùng, tôi cố gắng buộc chúng phải tôn trọng tôi như cha mẹ tôi từng làm thế. Đây là điểm mà tôi ít thành công nhất. Lớn lên, tôi rất sợ sự phản đối của cha mẹ. Nhưng Sophia thì không như vậy, và Lulu lại càng không. Nước Mỹ có vẻ như đã tuyên truyền nhiều điều cho trẻ con mà văn hóa Trung Quốc không làm như vậy. Trong văn hóa Trung Quốc, không có chuyện trẻ con đòi hỏi, không vâng lời hay cãi lại bố mẹ. Còn trong văn hóa Mỹ, trẻ con trong truyện, trên các chương trình truyền hình, và phim ảnh thường xuyên ghi điểm bằng việc đối đáp chan chát cùng với tính cách độc lập của mình. Đặc biệt, chính các bậc cha mẹ lại cần phải được rèn giũa các bài học cuộc sống - từ con cái mình.

*********************************************

Kỳ tới: Quy trình chuẩn mực. Là chị cả trong một gia đình Trung Quốc nhập cư, tôi không có thời gian để sáng tạo hay thiết lập ra những quy tắc của riêng mình. Nhưng tôi thuộc một dòng họ cần được tiếp tục làm rạng danh...

AMY CHUA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên