31/07/2011 20:00 GMT+7

Khúc chiến ca của mẹ hổ - Kỳ 11: Chú lừa trắng bé bỏng

AMY CHUA
AMY CHUA

TTO - Đây là một câu chuyện ủng hộ sự ép buộc theo kiểu của người Trung Quốc. Lulu khi ấy khoảng lên bảy, vẫn đang chơi cả hai loại nhạc cụ và đang tập chơi dương cầm bản nhạc “Chú lừa trắng bé bỏng” của nhà soạn nhạc người Pháp Jacques Ibert (*).

sMvXK7Pk.jpgPhóng to
TTO - Đây là một câu chuyện ủng hộ sự ép buộc theo kiểu của người Trung Quốc. Lulu khi ấy khoảng lên bảy, vẫn đang chơi cả hai loại nhạc cụ và đang tập chơi dương cầm bản nhạc “Chú lừa trắng bé bỏng” của nhà soạn nhạc người Pháp Jacques Ibert (*).

Bản nhạc này rất nhẹ nhàng dễ nghe - bạn có thể tưởng tượng ra một con lừa trắng bé bỏng đi nước kiệu vòng quanh xứ xở cùng với ông chủ của mình – nhưng nó thật khó vô cùng đối với những người chơi nhỏ tuổi bởi vì hai tay phải chơi theo các nhịp điệu hoàn toàn khác nhau.

Lulu không tài nào làm nổi. Chúng tôi tập không ngừng nghỉ trong suốt một tuần trời, tách ra luyện từng tay một, hết lần này đến lần khác. Nhưng cứ đến khi nào chúng tôi cố gắng luyện chơi cả hai tay một lúc, thì tay này lại không thể hòa nhập với tay kia, và mọi thứ lại rời rạc hết cả. Cuối cùng, trước ngày trả bài, Lulu giận dữ bảo rằng nó chịu thua và dậm chân bình bịch.

“Quay trở lại tập đàn ngay”. Tôi ra lệnh.

“Mẹ không bắt con tập được đâu”.

“Ôi trời, mẹ sẽ bắt con tập ngay đấy.”

Quay lại cây đàn, Lulu trả đũa tôi. Nó đấm vào phím đàn, đập lung tung, rồi đá. Nó giật bản nhạc và xé tan ra thành nhiều mảnh. Tôi kiên nhẫn dán lại bản nhạc và để vào túi nhựa bảo vệ để không bao giờ bị xé vụn lần nữa. Rồi tôi lôi ngôi nhà búp bê của Lulu ra ô tô và nói với nó là tôi sẽ tặng cho Đội Cứu tế, từng chiếc từng chiếc một nếu nó không chơi được bản “Chú lừa trắng bé bỏng” hoàn hảo vào ngày hôm sau. Lúc Lulu bảo, “Con tưởng là mẹ sẽ đi đến Đội quân cứu tế cơ mà, tại sao mẹ vẫn ở đây?” Tôi dọa Lulu là sẽ không cho nó ăn trưa cũng như ăn tối, cũng chẳng có quà Giáng sinh hay nhân dịp Hanukkah nào hết, không có cả tiệc mừng sinh nhật trong vòng hai, ba và cả đến bốn năm nữa kia. Khi Lulu vẫn chơi sai, tôi nói với con bé rằng nó đang cố tình khiến bản thân trở thành kẻ điên loạn, vì trong sâu thẳm con bé rất sợ hãi là mình không thể làm được điều đó. Tôi bảo nó đừng có lười biếng nữa, bỏ qua thói hèn nhát đi, không được chỉ biết có rong chơi, và tỏ ra đáng thương nữa.

Jed kéo tôi qua một bên. Anh ấy bảo tôi đừng có sỉ nhục Lulu nữa - tôi có làm như thế bao giờ đâu, tôi chỉ thúc giục con bé thôi đấy chứ - và rằng anh ấy nghĩ là đe dọa Lulu như vậy chẳng đem lại ích lợi gì. Anh ấy cũng nói, có thể Lulu thật sự không thể thực hiện được kỹ thuật đó - có lẽ con bé không có được sự phối hợp này - tôi có cân nhắc đến khả năng này không?

Tôi kết tội Jed: “Anh đã không tin tưởng vào con chút nào.”

“Vớ vẩn thật. Đương nhiên là anh tin tưởng ở con chứ.” Jed nói đầy khinh thị.

“Ở cùng tuổi đấy, Sophia đã có thể chơi bản nhạc này rồi.”

“Nhưng Lulu và Sophia hoàn toàn khác nhau.” Jed nhắc tôi.

“Ồ không, không phải thế,” tôi nói, đưa mắt nhìn quanh. “Mỗi người đều có phẩm chất nào đó của riêng mình.” Tôi nhại lại đầy châm biếm. “Thậm chí cả những kẻ thất bại cũng có phẩm riêng của họ. Không phải lo lắng đâu, anh không phải động tay vào việc này. Em sẽ làm được miễn là nó chịu tập, và em rất vui lòng trở thành người bị ghét bỏ. Còn anh có thể được yêu quý vì luôn cho chúng ăn bánh ngọt và dẫn chúng đi chơi trò Yankees.”

Tôi xắn tay áo lên và quay trở lại chỗ Lulu. Tôi sử dụng mọi vũ khí và chiến thuật nghĩ ra được. Chúng tôi tập một mạch qua bữa tối tới tận đêm, và tôi không cho Lulu rời khỏi chỗ, không uống nước, và thậm chí không cả vào nhà vệ sinh. Ngôi nhà trở thành bãi chiến trường, và tôi lạc giọng gào thét, nhưng dường như vẫn chẳng có chút tiến bộ nào, và thậm chí tôi bắt đầu hoài nghi.

Rồi, hoàn toàn bất ngờ, Lulu chơi được. Hai tay của nó đột nhiên lại phối hợp được cùng nhau – tay trái và tay phải chơi đúng được nhịp điệu của mình không hề vấp váp – đúng như nó phải là như thế.

Lulu cũng thấy điều đó ngay lúc tôi cảm nhận được. Tôi nín thở. Con bé rụt rè thử lại lần nữa. Rồi nó chơi tự tin hơn và nhanh hơn, và chơi được đúng giai điệu đó. Một lát sau, Lulu rạng rỡ mỉm cười: “Mẹ ơi, mẹ thấy không – thật là dễ dàng!” Sau đó, Lulu muốn chơi đi chơi lại bản nhạc đó và chẳng rời cây đàn. Đêm đó, Lulu ngủ với tôi, chúng tôi nằm sát và ôm chặt lấy nhau, và còn tán dương nhau nữa. Khi Lulu biểu diễn bản nhạc “Chú lừa trắng bé bỏng” trong buổi biểu diễn sau đó vài tuần, cha mẹ tôi đến gần tôi và nói rằng, “Thật là một bản nhạc tuyệt vời cho Lulu – rất can trường, giống như Lulu vậy.”

Thậm chí, Jed còn khen ngợi tôi vì vụ này nữa. Các bậc cha mẹ phương Tây lo nghĩ rất nhiều về lòng tự trọng của con cái. Nhưng khi làm cha mẹ, một trong những điều tệ hại nhất bạn có thể làm với lòng tự trọng của con cái mình là để mặc cho chúng đầu hàng. Nói một cách hài hước thì không gì tốt hơn để xây dựng lòng tin là luyện tập những gì trong khả năng của bạn trong khi bạn nghĩ là mình không thể.

Tất cả những cuốn sách mới mẻ đang có hiện nay đều miêu tả các bà mẹ châu Á như những người đầy mưu mô, tàn nhẫn, vắt kiệt sức người, hoàn toàn dửng dưng trước sở thích thật sự của con cái mình. Về phía họ, nhiều người Trung Quốc âm thầm tin tưởng rằng họ quan tâm đến con cái nhiều hơn và sẵn sàng hy sinh cho chúng nhiều hơn so với người phương Tây – những người dường như chấp nhận hoàn toàn việc để mặc cho con cái trở thành hư hỏng. Tôi nghĩ có một sự hiểu nhầm giữa hai bên. Tất cả các bậc cha mẹ bình thường đều muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Người Trung Quốc chỉ có quan điểm khác biệt về cách thực hiện mà thôi.

Các bậc cha mẹ phương Tây cố gắng tôn trọng sở thích cá nhân của con cái, khuyến khích chúng theo đuổi niềm đam mê đích thực của mình, ủng hộ lựa chọn của chúng, và đem sự ủng hộ nhiệt tình vào môi trường thuận lợi nhất cho chúng. Ngược lại, người Trung Quốc tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ con cái mình là chuẩn bị trước cho tương lai của chúng, để cho chúng thấy mình có khả năng gì, và trang bị cho chúng các kỹ năng, thói quen lao động, và sự tự tin mà không ai có thể tước đoạt được.

Kỳ 1: Người mẹ Trung QuốcKỳ 2: Sophia Kỳ 3: LouisaKỳ 4: Dòng họ Chua Kỳ 5: Gia tộc suy vongKỳ 6: Quy trình chuẩn mực Kỳ 7: Mẹ Hổ may mắnKỳ 8: Nhạc cụ của LuluKỳ 9: Vĩ cầmKỳ 10: Những dấu răng và bọt nước

***********

(*) Jacques Ibert (1890 -1962) là nhà soạn nhạc người Pháp, ông theo học nhạc từ khi còn rất nhỏ tại Nhạc viện Paris và đã giành được những giải thưởng cao nhất tại đây.

*******************************************

Kỳ tới: Cadenza. “Daniela thấy rất tiếc cho con. Bạn ấy hỏi con khi nào thì con có thời gian cho những việc khác. Nhưng con bảo bạn là chẳng bao giờ con có thời gian cho những chuyện vui vẻ cả, bởi vì con là người Trung Quốc mà.”...

AMY CHUA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên