27/09/2011 09:36 GMT+7

Khu rừng cuộc đời

HỘI AN(Vũng Tàu)
HỘI AN(Vũng Tàu)

AT - Hè năm nay tôi dự định chỉ về với mẹ vài ngày rồi phải trở lại Sài Gòn học thêm Anh văn.

epulgD2s.jpgPhóng to
Minh họa: LA NGUYỄN QUỐC VINH

Năm tới tôi đã vào năm thứ tư rồi. Ngưỡng cửa thành một kỹ sư công nghệ thông tin đang tới gần. Vậy nhưng khu rừng rậm rịt của ngành công nghệ mới mẻ này chừng như tôi chỉ mới được đi lướt qua.

Về nhà được vài ngày, tôi chuẩn bị đi thì có chuyện. Đó là một đám cưới ở Đắk Lắk của nhà bà con mà ba mẹ tôi đều bận nên động viên tôi đi thay. “Coi như con có một chuyến du lịch miễn phí còn gì”. Mẹ tôi nói đùa để khích lệ khi tôi không tỏ vẻ hào hứng với nhiệm vụ được giao.

Chuyến xe đi Đắk Lắk khởi hành lúc 5g sáng. Tôi ra bến hơi trễ nên trên xe đã gần đầy người. Vội vàng, tôi chạy tới giơ cái vé cho anh phụ lái đang quay vào trong kiểm người. Anh ta quay lại để cầm cái vé của tôi thì chúng tôi nhìn thấy nhau. “Ê, Tý hả?”. “Hoài, cậu đi đâu vậy?”. “Mình đi đám cưới nhà bà con”. Tôi len vào chỗ còn trống ở gần phía sau xe nên sau đó chúng tôi không còn cơ hội chuyện trò nữa. Lúc xe bắt đầu nổ máy thì một bà bầu hớt hải bươn tới. Chị ta kềnh càng như một cái lu, có lẽ đã gần đến ngày sinh. Tý kéo chị ta lên và chỉ cho chị ngồi vào cạnh tôi.

- Cô đi tới đâu? - Chị hỏi tôi.

- Em tới bến cuối luôn. Còn chị? Sao bầu lớn vậy còn đi đâu?

- Không phải đi mà chị về nhà mình. Chị lấy chồng Đắk Lắk, cũng tới bến cuối. Chị trở về chăm bà già bệnh cả nửa tháng nay. Vài tuần nữa là sinh rồi nên chị phải về cô à.

Chị nói xong là dựa đầu vào vai tôi gà gật. Lúc bị mẹ đánh thức dậy trong giấc ngủ ngon, tôi cứ đinh ninh là lên xe sẽ ngủ tiếp. Vậy mà bây giờ gặp Tý, tự nhiên tôi tỉnh táo hẳn.

Nhà Tý chỉ cách nhà tôi mấy căn trong cùng một con hẻm. Hồi còn nhỏ tôi với nó học cùng lớp, sau này tôi học trường chuyên nên không cùng đi học với nó nữa. Tuy vậy vì gần nhà nên thi thoảng chúng tôi vẫn đụng nhau khi đi sinh hoạt hè chung hồi còn thiếu nhi và cả khi đã là thanh niên cùng khu phố. Vào năm lớp 12, mẹ Tý bị ngồi tù vì huy động vốn mất khả năng chi trả. Mẹ tôi đe tôi suốt: “Con đừng có chơi chung với thằng Tý nghe, coi chừng rồi gặp nạn đó”. Ba tôi trách mẹ: “Bà thật kỳ, trẻ con nó có dính gì tội trạng người lớn mà bà ngăn”.

Thật tình hồi tôi còn nhỏ, tôi thấy bà Hai mẹ Tý cũng là người “dễ thương”. Hồi đó bà bán quán bún riêu tại nhà và tôi cùng đám bạn hay sang đó ăn sáng. Bún của bà có món chả cá khá ngon. Bà thường cười vui vẻ khi thêm vào tô của chúng tôi vài miếng chả nhiều hơn so với khách khác hay sao đó. Tôi mê nhất món này nên lũ con gái táo tợn còn trêu tôi là muốn ăn miễn phí thì nhận làm dâu bà Hai đi. Tôi cũng đùa lại là thằng Tý đẹp trai lắm, hổng dám đâu. Mà nó đẹp trai thiệt, cao ráo, trắng trẻo, cứ như cậu ấm con nhà giàu nào đó chứ không phải con bà Hai bún riêu.

Sau này, khoảng vào năm tôi đã vào lớp 11 trường chuyên, chẳng hiểu sao mà bà Hai dẹp quán bún mà cho vay lãi. Nhà bà lúc này không còn dập dìu khách ăn sáng nữa mà lại hay có những nhóm nhỏ tụ tập vào cuối chiều. Cũng có nhiều lần bên đó vọng sang tiếng cãi vã to tiếng. Thậm chí có lúc còn có tiếng chửi lộn đến nỗi bác tổ trưởng phải sang can thiệp.

Rồi bà trốn biệt tích đâu mấy tháng trời. Thằng Tý lúc trước bà mua cho chiếc SH sang lắm, không được đi học vì nhà trường cấm xe máy nhưng buổi chiều cũng hay vi vu đi chơi cùng lũ con trai quậy phá. Mẹ tôi cấm tôi liên hệ cũng phải. Vậy mà lúc này đã thấy nó bỏ học đi phụ xe cho người ta rồi.

Vài tháng sau thấy báo đăng tin về vụ án và bà bị bắt tù. Nghe mẹ tôi nói là bà vay của người ta rồi đi gửi chỗ khác lãi cao hơn ăn chênh lệch. Tuy nhiên chỉ được vài tháng thì cả trăm triệu bà gửi đã bị xù vì con nợ bỏ trốn. Vậy là bà cũng phải trốn luôn. Hồi đó ngày nào cũng có đám người đến ngồi canh cổng nhà bà để đòi nợ. Nhưng bà thì trốn, chị Phượng đi học ở Sài Gòn, thằng Tý bỏ học đi phụ xe, còn ai mà đòi?

Bẵng đi hơn một năm, nhà bà bị phát mãi và bây giờ đã có chủ khác ở. Bà được ra tù vì đã trả xong nợ nần. Hình như tiền bán nhà còn lại đủ mua được cái nhà nhỏ xíu ở ngoại ô nên từ hồi đó đến giờ tôi không gặp mẹ con bà nữa. Bây giờ tình cờ gặp lại Tý, vẫn làm nghề phụ xe như trước, chẳng hiểu sao tôi cứ thấy tồi tội sao đó. Để chốc xuống xe hỏi Tý xem bây giờ bà Hai sao rồi.

oOo

- Cô có mang dầu nóng không cho chị xin chút. Chị đau bụng quá.

- Không, em không xài dầu bao giờ!

- Tôi có đây.

Một bà già ngồi ghế trước quờ tay đưa chai dầu xuống. Nhưng rồi chị bầu chột dạ:

- Chết rồi hình như chị sắp sinh rồi. Hồi sáng dậy đã thấy bụng nhói đau, chị lại tưởng tại tối qua ăn ghẹ nên uống một nắm thuốc đau bụng. Nghĩ cũng phải từ từ mới hết đau. Ai dè…

Một lúc sau chị bắt đầu thút thít khiến bà già phía trên lo lắng ngoái lại:

- Đến ngày chưa hả cô?

- Còn thiếu gần ba tuần nữa. Chắc mấy hôm con vất vả quá nên mới sinh sớm.

Mấy tay đàn ông ngồi dưới cùng bắt đầu có chuyện để đùa bỡn. Họ cười ố á, chọc nhau và họ nói vọng lên trêu bác tài:

- Còn cả ba trăm cây nữa mới tới. Chắc ăn là bác tài phải đỡ đẻ rồi.

Mọi người trên xe bắt đầu có một chút lo lắng. Đến tối xe mới đến nơi. Không biết chị ta có “rốn” được đến đó không.

Tôi nhoài sang xoa xoa vào lưng chị ta cho đỡ đau, mở nắp chai nước cho chị uống. Lại tiếp tục xoa. Tôi chưa từng phải đưa ai đi đẻ nên không biết phải làm sao hơn. Một lúc thấy chị cũng đỡ đỡ ngồi im. Nhưng chỉ một lát chị lại ngọ nguậy. Bây giờ thì chị đau thành cơn. Có đoạn đường xấu, xóc xóc khiến chị không chịu nổi, bắt đầu rên nho nhỏ trong cổ.

Xe qua Bình Dương, qua ngã tư Sở Sao và đang đi về Bình Phước. Lúc này trời đã nắng nhiều hơn. Rừng cao su mới lên xanh hai bên đường ngời lên trong nắng nhưng tôi không còn lòng dạ nào mà ngắm cảnh. Chà, vậy mà mẹ nói tôi được chuyến du lịch đây. Tôi thầm trách mình đã ngồi cạnh chị, để bây giờ hình như nỗi đau đớn của chị có lây sang tôi một ít thì phải. Làm đàn bà thật khổ. Tôi mong cho chiếc xe chạy nhanh hơn một chút để may ra…

Nhưng rồi chị đau nhiều hơn. Chị rên to hơn và cựa quậy liên tục hơn. Mấy người đàn ông không giỡn đùa nữa mà bắt đầu nhìn ngó cột cây số hai bên đường. Quá trưa. Vài người kêu đói đòi dừng quán ăn, nhưng bác tài phớt lờ đề nghị lạc lõng này. Và phần đông trên xe ủng hộ bác. Đã đến Bình Phước… Đã đến Đồng Xoài… Chị ta mệt lắm rồi. Gần như chị ngả nghiêng sang trái sang phải chứ không ngồi nổi nữa. Lúc này bác tài mới lên tiếng:

- Cố thêm đoạn nữa là tới Bệnh viện Đắk Nông rồi.

Nhiều người thở ra, hưởng ứng:

- Phải vậy thôi. Chắc không đến nơi được đâu!

Ai đó thạo đường ngồi đếm ngược cây số, giọng như âu lo, lại như mừng rỡ:

- Còn hai chục cây… Còn mười cây… Gần đến rồi…

Bác tài nói như ra lệnh:

- Thằng Tý vào bệnh viện với bà bầu nghe.

Tý ngập ngừng:

- Con có quen đưa đàn bà đi đẻ đâu?

- Vậy mày cầm vô lăng để tao vào? Mà tao cũng có quen đâu. Bà xã đẻ hai lần đều có bà già chứ không đến lượt tao.

Vậy là thằng Tý phải gánh rồi. Mấy tay đàn ông an ủi:

- Thì chú em tập cho quen mai mốt còn đưa vợ đi.

Tự nhiên tôi thông cảm với nó:

- Thôi để mình phụ cậu. Chiều mốt mới đám cưới. Chắc cũng còn kịp.

Tý mừng rỡ:

- Ừ, cậu là con gái, đỡ hơn. Chỉ chờ đến khi có người nhà họ đến là mình bàn giao được rồi.

Như sực nhớ ra, Tý quay qua nói với chị bầu: Chị gọi người nhà bảo tới Bệnh viện Đắk Nông đi. Chị bầu rút túi đưa điện thoại cho tôi bảo tìm tên Hòa ông xã rồi nhắm nghiền mắt, gục mặt vào lưng ghế trước.

Xe đến trước cửa bệnh viện. Chờ cho tôi và Tý xốc được chị bầu xuống là bác tài quay xe lại đi ngay. Mọi người nhao nhao dặn dò:

- Chúc mẹ tròn con vuông nghe! Ráng lên nghe! Chịu khó nghe!

Tôi hiểu mấy lời sau là dành cho cả tôi và Tý, với một sự cố kỳ cục gặp phải trong chuyến đi này.

Sau khi xốc nách được chị bầu về phòng chờ sanh, Tý dặn tôi ngồi trông chừng rồi đi làm thủ tục nhập viện cho chị. Chị bầu móc cái ví lấy giấy tờ trao Tý. Trong ví chỉ còn vài tờ năm chục ngàn. Tôi băn khoăn:

- Mình chỉ có tiền mừng đám cưới và tiền về, chỉ có chút ít được không?

Tý gạt đi:

- Khỏi lo, có đây rồi.

Lát sau, Tý đem tờ biên lai về. Tôi cầm lên săm soi. Số tiền nộp trước: 1 triệu.

Tý biến mất tăm ngay sau đó. Lúc này tôi mới thấy thấm mệt và đói cồn cào. Chị bầu nằm nghiêng trên giường chờ, hình như thấy thoải mái hơn nên đỡ đau hay sao đó. Một lát Tý quay lại với ba hộp cơm và một chai nước lớn trên tay. Cơm gà. Tôi cầm hộp cơm, không khách sáo gì ăn luôn. Chị bầu xúc vài thìa lại dừng lại nhăn nhó rồi mới xúc tiếp. Tý ăn xong lại biến đi. Lát sau quay lại với vài trái cam và hai hột vịt lộn:

- Chút nữa cho chị ý ăn lấy sức mà rặn đẻ.

Tôi nghĩ thầm: Nó chưa đưa ai đi đẻ mà sao rành vậy?

Ăn uống xong, chị bầu mới nói ra điều lo lắng nãy giờ:

- Chưa có quần áo em bé ở đây. Không biết ông xã có tới kịp không nữa.

Tý đưa tôi hai tờ năm chục ngàn, nói chuyện này có lẽ Hoài rành hơn, ra mấy hàng tạp hóa cổng bệnh viện sắm đỡ một ít.

Mọi chuyện rồi cũng ổn. Nếu ông xã chị ta có tới muộn chút cũng không sao. Giờ thì hai đứa tôi hồi hộp ngồi ngoài chờ khi bà bầu đã nằm trên bàn đẻ.

Hai đứa tôi chẳng ai bảo ai đều toét miệng cười. Cười vì thấy thoải mái hơn, vì vơi đỡ lo lắng tự nhiên vướng phải, vì tình huống bất ngờ mang tới trong cuộc đời, vì gặp lại nhau trong tình thế ngẫu nhiên hết sức tức cười nữa..

Không lâu sau thì một chị y tá ra thông báo một bé gái hai ký tám đã ra đời. Vậy là một sự sống đã được bắt đầu bằng một chuyến đi. Chẳng biết có là dấu ấn gì cho cuộc đời sau này của bé không?

Chúng tôi bắt xe tới Đắk Lắk sau khi ông chồng mặt đầy mụn, ngơ ngác và đầy lo lắng cầm theo một bọc đồ to xuất hiện. Anh ta móc ví trả lại Tý 1 triệu đồng theo biên lai đã nộp rồi không kịp cám ơn đã vội vàng theo vào phòng để thăm chừng vợ và sốt ruột nhìn mặt đứa con. Tôi nhắc Tý:

- Còn tiền mua đồ…

Tý gạt đi:

- Thôi khỏi. Anh ta sẽ còn tốn kém nhiều khi vợ sinh xa nhà hơn trăm cây số thế này.

Tôi nhìn lại Tý. Trông nó vẫn còn đẹp trai nhưng đã cứng cỏi hơn rất nhiều. Thì ra trong khi tôi mải mê khám phá khu rừng công nghệ thông tin thì nó đã kịp thám hiểm rất nhiều góc nhỏ của khu rừng cuộc đời qua những chuyến đi cùng ngày tháng. Khu rừng đó vừa mênh mông vừa bí hiểm, lắm gai góc mà cũng nhiều hoa thơm cỏ lạ. Bố tôi nói đúng. Không phải bao giờ lớp trẻ tụi tôi cũng hư hỏng theo người lớn. Mà bà Hai cũng chỉ sai lầm có một hồi thôi. Nhất định sẽ có lúc tôi tới thăm bà vì nghe Tý thông báo một tin hấp dẫn: Bây giờ bà đã mở quán bún trở lại và hương vị chả cá thì vẫn quyến rũ như ngày nào.

ZRXwSifm.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17(số 103 bộ mới) ra ngày 15/09/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HỘI AN(Vũng Tàu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên