Phóng to |
Với dân số 1 triệu người, Dharavi là khu ổ chuột lớn nhất thế giới - Ảnh: Foreign Policy |
Mumbai có dân số 19 triệu người và một nửa trong số đó sống trong những căn nhà tạm bợ, hình thành nên các khu ổ chuột tối tăm với điều kiện sống tối thiểu. Khu ổ chuột lớn nhất không chỉ của Ấn Độ mà của cả thế giới, cũng là nơi làm bối cảnh cho Slumdog millionaire, là Dharavi, nơi hơn 1 triệu người chen chúc nhau trong một diện tích 2,6km2 ở ngay trung tâm thành phố Mumbai - giữa hai tuyến đường xe lửa đông đúc và gần ngay bên cạnh là một khu thương mại cao cấp hào nhoáng Bandra Kurla - tạo nên một hình ảnh tương phản khó tin.
Địa ngục trần gian
Với nhiều người trong giới thượng lưu và giàu có ở Ấn Độ, Dharavi giống như một cái gai trong mắt. Những con chuột cống bò lổn nhổn trên các máng xối lấy nước mưa, hàng trăm người đứng ngồi trên những đống rác cao quá đầu người, nước cống tràn ra đường, xác súc vật chết thối rữa bốc mùi kinh khủng. Nếu như không kể đến con số tính toán lạnh lùng của các tay môi giới bất động sản rằng toàn bộ khu đất vàng ở trung tâm Mumbai đó có giá 10 tỉ USD thì đây thật sự là một địa ngục trần gian.
Tờ nhật báo tiếng Anh Sakaal Times ngày 23-2 đã có ngay cuộc trao đổi với những người dân ở Dharavi sau khi bộ phim lấy bối cảnh là nơi họ sống được trao giải Oscar, và phản ứng cho thấy không phải ai ở Dharavi cũng yêu điện ảnh. “Bộ phim đó có giải quyết được những vấn đề của chúng tôi không? Chúng tôi vẫn cứ sống trong nỗi sợ hãi có thể trở thành vô gia cư bất kỳ lúc nào” - Shaukat, một cư dân của Dharavi, nói với Sakaal Times.
Hasina, một trong những công dân lâu đời của khu nhà ổ chuột, cũng phản ứng không mấy thân thiện khi biết nơi mình ở đã được cả thế giới biết đến: “Điều kiện sống bẩn thỉu và tồi tệ ở đây đã kéo dài hàng thế hệ, nhưng liệu bộ phim đó có mang tới cho chúng tôi đường sá, cơ sở y tế, vệ sinh công cộng và nhiều tiện ích khác mà chúng tôi đang rất cần không?”.
Nghề sinh nhai: làm phế liệu
Phóng to |
Nghề kiếm sống chủ yếu của người dân Dharavi là làm phế liệu - Ảnh: Foreign Policy |
Giống như nhiều khu ổ chuột khác trên thế giới, nghề sinh sống quan trọng nhất của Dharavi có lẽ là thu gom và tái chế phế liệu. Foreign Policy số ra tháng 2-2009 cho biết toàn bộ khu dân cư có khoảng 15.000 nhà máy chế biến rác theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, không đăng ký, không hợp đồng lao động, tự phát và hoàn toàn tự xoay xở trên tinh thần “tay làm hàm nhai”. Guardian dẫn một tính toán của các nhà kinh tế Ấn Độ cho biết mỗi năm khu ổ chuột Dharavi tạo ra con số khó tin là 1 tỉ USD cho nền kinh tế Mumbai.
Điều mỉa mai là trong khi những người dân ở chính nơi đó đang sống trong tình trạng môi trường tồi tệ, thì Dharavi lại được ca ngợi là “lá phổi xanh của thành phố Mumbai” khi 80% lượng rác thải nhựa của thành phố đều được tái chế ở đó. Mỗi ngày hàng chục nghìn người phải gò lưng làm những công việc độc hại như chế biến các sản phẩm nhựa, nấu chảy kim loại hay phân loại rác bằng tay để đổi lấy cái ăn.
Đời sống của họ bị bỏ mặc giống như việc làm ăn. Chỉ 10% các hoạt động kinh doanh ở Dharavi là hợp pháp và có đăng ký. Tính trung bình cứ 1.500 dân mới có một nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, không có bệnh viện nào, và chỉ có hơn 20 trường học cho tất cả 1 triệu người. Với thu nhập trung bình khoảng 2,5 USD một ngày, tất cả những gì người dân ở đó có thể chờ đợi là một ngày nào đó sẽ trúng số, như nhân vật chính của bộ phim giành giải Oscar.
Tương lai bất định
Đầu tháng 2-2009, chính quyền thành phố đã lên một kế hoạch san bằng cả khu Dharavi và quy hoạch lại từ đầu, nhưng hiện vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau do nó cần kinh phí quá lớn và ảnh hưởng đến quá nhiều người.
Sakaal Times cho biết kế hoạch của chính quyền thành phố đã được khởi động từ cuối năm 2008 với việc cưỡng chế di dời những hộ dân ở vòng ngoài và chỉ bố trí tái định cư cho những người sống ở đó từ trước 1-1-1995. Kế hoạch tái thiết toàn bộ Dharavi dự kiến kéo dài bảy năm và tiêu tốn 1,85 tỉ USD. Foreign Policy nói các quan chức thành phố Mumbai sẽ xây dựng các tòa nhà văn phòng và khu căn hộ có giá cả phải chăng ở khu vực này, với quyền tái định cư chỉ ưu tiên cho một số ít cư dân đủ tiêu chuẩn.
Nhiều cư dân ở Dharavi, lo sợ về tương lai bất an, phản đối kế hoạch này bởi lẽ công việc đập bẹp những chiếc can nhựa, nấu chảy kim loại và đốt dây điện lấy đồng chắc chắn không thể thực hiện trong những căn hộ chung cư chọc trời. “Chúng tôi đã tự tồn tại từ trước đến giờ - Bhaukorde, một cư dân lâu năm ở Dharavi, nói với tờ Time đầy tự hào - Không có chính quyền, không có người giàu có, không có các tổ chức từ thiện xã hội, chỉ có người nghèo chúng tôi làm việc cật lực cùng nhau”.
Và không chỉ có những người dân thấp cổ bé miệng ở Dharavi phản đối chương trình “Tầm nhìn Mumbai” của thành phố, với mục tiêu sẽ xây dựng một đô thị kiểu mẫu đẳng cấp quốc tế vào năm 2013. Kiến trúc sư danh tiếng Charles Correa, người đã làm việc ở Mumbai được 50 năm, bình luận với Guardian: “Chẳng có chút tầm nhìn nào trong kế hoạch đó, thật là ảo tưởng”.
Neera Adarkar, một nhà xã hội học, thì nhìn vấn đề từ góc độ khác: “Tại sao lại phá hủy nơi sinh sống của những người đã xây dựng nên thành phố và sống ở đó hàng thập kỷ. Phải chăng vì từ những tòa nhà chọc trời cao cấp, người ta không muốn nhìn thấy một Ấn Độ nghèo khổ?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận