* Độc quyền bán điện 50 năm
![]() |
Nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước ở TP.HCM đang “kêu trời” vì phải mua điện của Công ty điện lực Hiệp Phước với giá cao hơn giá điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN).
Theo Công ty TNHH Hóa nông (lô B14, KCN Hiệp Phước), giá điện Công ty Điện lực Hiệp Phước đang bán là giờ bình thường 1.118,75 đồng/kWh, cao điểm 2.218,75 đồng/kWh, thấp điểm 631,25 đồng/kWh. Mức giá này được điều chỉnh từ tháng 9-2008, cao hơn 25% so với mức giá trước đó (815 đồng/kWh, không tính giờ cao, thấp điểm), đồng thời cao hơn giá điện hiện nay của EVN từ 21,2-23,8%.
Doanh nghiệp “kêu trời”
Ngay từ thời điểm tăng giá (khoảng tháng 9-2008), nhiều doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước phản ứng nhưng do KCN Hiệp Phước được Công ty Điện lực Hiệp Phước độc quyền cung cấp điện nên mọi cái đều trở nên vô hiệu. Đến đầu tháng 7, khi Công ty Điện lực Hiệp Phước thông báo sẽ cúp điện liên tục bốn ngày để phục vụ việc thi công đường dây 220kV Nhơn Trạch - Nhà Bè (thuộc công trình lưới điện quốc gia) thì chuyện giá điện được các doanh nghiệp “xới lại”.
Ông Hồ Thanh Hùng, phó giám đốc Công ty thực phẩm Hai Thanh, tính toán: để sản xuất 1kg sản phẩm, công ty tiêu thụ 2-2,5kWh điện, chưa kể điện phục vụ hệ thống xử lý nước thải và chiếu sáng. Giá điện tăng làm chi phí sản xuất tăng thêm 1.250 đồng/kg sản phẩm. “Trong năm 2009, chúng tôi sản xuất 2.000 tấn sản phẩm, coi như mất thêm 2,5 tỉ đồng so với hồi chưa tăng giá điện” - ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Khả Yêm - phó giám đốc Nhà máy phân bón Hiệp Phước thuộc Công ty Phân bón miền Nam, giá điện cao làm chi phí sản xuất đội lên đáng kể. “Tính từ thời điểm tăng giá điện đến nay, chúng tôi phải trả tiền điện thêm gần 1,25 tỉ đồng. Nhưng để đảm bảo cạnh tranh với những đơn vị cùng sản xuất phân bón ở các KCN khác, chúng tôi không còn cách nào hơn là phải tự gồng gánh chứ không dám tăng giá”.
Hiện đã có 32/80 doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước thống kê được số tiền điện tăng thêm kể từ khi Công ty Điện lực Hiệp Phước tăng giá với tổng số tiền 21 tỉ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất ximăng có tiền điện tăng thêm cao nhất như Nhà máy ximăng Fico (tăng thêm gần 4,6 tỉ đồng), Công ty TNHH ximăng Holcim Việt Nam (tăng thêm 3,75 tỉ đồng)...
Trước tình trạng giá điện tăng, có doanh nghiệp như Nhà máy phân bón Hiệp Phước buộc phải thu hẹp sản xuất, giãn ca công nhân. Ông Nguyễn Quốc Chương - trưởng phòng hành chính Công ty TNHH Vit - Pat Ngôi Sao - cho biết: “Hiện công ty chỉ hoạt động 50% công suất, có lúc phải cho công nhân làm năm ngày/tuần để giảm bớt chi phí. Ngoài việc do khủng hoảng kinh tế, giá điện quá cao là một trong những nguyên nhân khiến công ty gặp khó khăn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị Công ty Điện lực Hiệp Phước giảm giá điện nhưng vẫn chưa được chấp thuận”.
![]() |
Giá điện cao làm hạn chế lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước (ảnh chụp tại dây chuyền sản xuất mực đông lạnh của Công ty thực phẩm Hai Thanh) - Ảnh: Q.KHẢI |
Giá điện chưa được phê duyệt
Độc quyền bán điện 50 năm Theo Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, vào những ngày đầu thành lập KCN thì lưới điện quốc gia chưa phát triển đến KCN này. Do đó, năm 1998 Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (công ty mẹ của Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước) ký thỏa thuận cho Công ty Điện lực Hiệp Phước được cấp điện trong thời hạn 50 năm. Công ty Điện lực TP.HCM cho biết Công ty Điện lực Hiệp Phước là một đơn vị tư nhân (vốn đầu tư của Đài Loan) đầu tiên tại Việt Nam được cung cấp điện cho KCN Hiệp Phước, KCX Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Trước đây, một số bệnh viện như Tâm Đức, Pháp Việt nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng muốn dùng điện từ lưới điện quốc gia nhưng do Công ty Điện lực Hiệp Phước độc quyền cung cấp điện nên không đồng ý để Công ty Điện lực TP kéo lưới điện vào khu vực này. |
Nhiều doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước, KCX Tân Thuận nhìn nhận trước đây khi chưa có lưới điện quốc gia thì việc Công ty Điện lực Hiệp Phước đầu tư nhà máy điện, hệ thống lưới điện đã giúp các doanh nghiệp có nguồn điện phục vụ sản xuất.
Liên tục trong nhiều năm qua, điện do Công ty Điện lực Hiệp Phước cung cấp ổn định, góp phần vào hoạt động sản xuất đạt hiệu quả. Tuy nhiên từ khi giá điện tăng đến 25% (tháng 9-2008) đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, mất lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị sản xuất cùng chuyên ngành.
Lý do Công ty Điện lực Hiệp Phước tăng giá điện là thời điểm năm 2008 giá dầu thế giới tăng cao nên phải bù lỗ khoảng 300% so với giá thành cấp điện. Công ty Điện lực Hiệp Phước còn dẫn quyết định 276 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 4-12-2006) để khẳng định đơn vị cấp điện độc lập được phép tăng giá “không vượt quá 25% so với giá bán điện theo quy định”...
Theo các doanh nghiệp, thời điểm tăng giá điện, giá dầu thế giới khoảng 120-140 USD/thùng, nhưng hiện giá dầu đã giảm xuống 60-70USD/thùng mà Công ty Điện lực Hiệp Phước vẫn không xem xét giảm giá.
Ngoài ra, tháng 3-2009, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định 21 về tăng giá điện, sau đó có thông tư 05 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện, trong đó có nội dung: “Các đơn vị quản lý và kinh doanh điện tại KCN có nguồn phát điện độc lập trực tiếp bán lẻ điện cho khách hàng trong KCN tự xây dựng giá bán lẻ điện, trình UBND tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến của Cục điều tiết điện lực”.
Trong các lần họp giải quyết tình trạng cúp điện tại KCN Hiệp Phước, ông Nguyễn Tấn Phước, phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP, có yêu cầu “việc tăng giá điện 25% của Công ty Điện lực Hiệp Phước phải báo cáo Sở Công thương và chỉ được thực hiện sau khi có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền”. Thế nhưng đến nay, giá điện Công ty Điện lực Hiệp Phước đang áp dụng vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận