27/07/2010 08:20 GMT+7

Không thực hiện hành vi cũng phạm tội

NGUYỄN MINH SƠN (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang)
NGUYỄN MINH SƠN (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang)

TT - Đứng sau vành móng ngựa phiên tòa phúc thẩm ngày 1-7-2010 là bốn bị cáo Trần Văn Kính, Nguyễn Minh Tiến, Huỳnh Trường Giang và Đinh Công Dũng.

Ba bị cáo Kính, Tiến, Giang bị tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tuyên án tù về tội cướp tài sản, riêng bị cáo Dũng bị xử phạt 1 năm 3 tháng tù về tội “không tố giác tội phạm” theo khoản 1, điều 314 Bộ luật hình sự.

fOuEBfRN.jpgPhóng to
Một bị cáo nữ bị TAND TP.HCM xử 1 năm tù về tội “che giấu tội phạm” (do hành vi giết người của người yêu - đứng cạnh) - Ảnh: Chi Mai

Trước khi thẩm vấn, vị chủ tọa phiên tòa tóm tắt bản án sơ thẩm: Khoảng 19g ngày 15-10-2009, Tiến lái xe máy chở Kính và Giang, còn L.T.V. chở Dũng đi từ huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) về huyện Tân Hiệp. Khi đến cầu Kinh Tràm, thấy một người đi đường đang dừng xe để nói chuyện qua điện thoại, Kính kêu Tiến dừng xe lại.

Như ngầm hiểu ý nhau, cả ba cùng xông đến đánh nạn nhân để cướp điện thoại di động trị giá 2,5 triệu đồng. Lúc đó, L.T.V. (đã bị tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 9 tháng tù cùng tội danh với Dũng nhưng V. không kháng cáo) chở Dũng vừa chạy đến, đứng nhìn. Sau đó cả năm người tiếp tục chạy về Tân Hiệp. Kính và Tiến đem cầm chiếc điện thoại vừa cướp được 500.000đ để cùng nhau ăn nhậu.

Ngồi trên bục kiểm sát viên, tôi nghe có những tiếng xì xầm ở hàng ghế những người dự khán. Họ ngạc nhiên: “Ủa, như vậy thì thằng đó (ám chỉ bị cáo Dũng) có tội gì đâu? Nó đâu có tham gia vụ cướp!”. “Nhưng nó đã có đến hai tiền án”. “Tiền án thì tiền án chứ! Nó đâu có phải như ba thằng quỷ kia (ám chỉ ba bị cáo đã trực tiếp cướp tài sản của người bị hại), xử như vậy đâu có được”. “Phải rồi, xử như vậy thì tội nghiệp cho thằng nhỏ quá”...

Tuy đã nghiên cứu kỹ hồ sơ nhưng khi nghe những người dự khán bàn tán với nhau, tôi cũng bất chợt nhìn vào lý lịch của bị cáo Dũng: sinh năm 1985, nghề nghiệp làm thuê, trình độ học vấn 2/12. Năm 2003 khi vừa tròn 18 tuổi bị cáo đã khoác lên mình một tiền án 9 tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản. Năm 2004, vẫn còn trong thời gian thử thách, bị cáo lại phạm vào tội trộm cắp tài sản, bị Tòa án huyện Giồng Riềng tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt 9 tháng án treo của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành 3 năm 3 tháng tù giam.

Đến ngày 5-8-2007, bị cáo chấp hành xong hình phạt trở về địa phương sinh sống. Theo xác nhận của chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú, từ khi chấp hành xong hình phạt tù bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, cùng vợ con chí thú làm ăn, không có biểu hiện gì đáng ngờ.

Khi vị chủ tọa hỏi lý do chống án, bị cáo Dũng trả lời như mếu: “Dạ thưa tòa, con không có cướp của người ta, khi con chạy xe tới đã thấy mấy thằng bạn của con đánh một người thanh niên. Thấy người đó bỏ chạy nên con chạy xe về tới Tân Hiệp. Lúc uống cà phê, con mới biết là mấy thằng bạn con đánh người ta để cướp điện thoại”.

Khi tôi hỏi vì sao biết các bị cáo khác phạm tội cướp lại không trình báo với cơ quan chức năng, bị cáo Dũng thật thà: “Dạ, vì mấy thằng đó là bạn của con nên con không nỡ, với lại con đã từng đi ở tù nên sợ mấy chú chính quyền không tin”.

Tôi phân tích: trong Bộ luật hình sự, hành vi phạm tội được chia thành hai nhóm: hành vi hành động như trộm, cướp, giết người... và hành vi không hành động. Trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể do Bộ luật hình sự quy định, buộc người đó phải có hành động phù hợp, nếu không thực hiện hành động sẽ bị xem là phạm tội, ví dụ như tội “không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc như bị cáo đang bị xét xử về tội không tố giác tội phạm”. Đến lúc này bị cáo Dũng mới nói ân hận: “Dạ, con không biết, cứ tưởng người nào làm thì người đó chịu, còn mình thì vô can”. Phía sau bị cáo tiếng xì xầm lại nổi lên: “Trời đất, có chuyện này nữa sao?”, “Hồi đó tới giờ tôi mới biết”...

Nhìn người thanh niên mới 25 tuổi đã ba lần đứng trước vành móng ngựa, tôi phân vân. Những tưởng sau ngần ấy năm tích cực cải tạo, anh ta sẽ có một cuộc sống ổn định bên vợ con, nhưng nào ngờ chỉ vì không am hiểu pháp luật mà anh ta lại phải đối mặt với án tù. Chỉ tội cho đứa con chưa kịp bén hơi cha.

Khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án của viện kiểm sát, tôi đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án của ba bị cáo Kính, Tiến và Giang. Đến phần của bị cáo Dũng, tôi nhận xét: bị cáo đã có hai tiền án về tội “trộm cắp tài sản”, chưa được xóa án tích lại tiếp tục tái phạm. Như vậy bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm nên không thể cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy nhiên xét về ý thức, bị cáo không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự nên đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo còn 1 năm tù.

Khi nghe hội đồng xét xử tuyên chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát, tôi nhìn thấy đôi mắt của bị cáo Dũng sáng lên. Trước khi dẫn giải ra xe về trại tạm giam, bị cáo còn kịp ôm đứa con vào lòng, đứa bé nhìn người cha của mình lạ lẫm trong chiếc áo tù.

NGUYỄN MINH SƠN (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên