Không phải tổ chức tín dụng không được hoạt động ngân hàng
TT (Hà Nội) - Sáng 2-11, Chính phủ đã trình Quốc hội bốn dự thảo luật để xin ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp, gồm: Luật bưu chính, Luật nuôi con nuôi, Luật ngân hàng nhà nước (NHNN - sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đề xuất của Chính phủ, vị thế của NHNN vẫn là cơ quan ngang bộ, trong khi có ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng ngân hàng trung ương theo hướng hiện đại: NHNN là cơ quan độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật, được chủ động hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đồng tình với đề xuất của Chính phủ.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, dự thảo Luật NHNN VN (sửa đổi) quy định quyền hạn của NHNN quyết định áp dụng một số biện pháp đặc biệt để xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, hay gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng thông qua mua cổ phần của tổ chức tín dụng. NHNN còn có quyền đình chỉ có thời hạn, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng.
Theo ông Giàu, luật sửa đổi lần này đề cập một nội dung mới là mua cổ phần, đây là một cơ chế can thiệp mới, mạnh và nhanh hơn so với cơ chế cho vay đặc biệt khi thị trường có biến động lớn.
Trong khi đó, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng hoạt động ngân hàng, có nghĩa nếu quy định này được thông qua thì khi luật có hiệu lực, các công ty chứng khoán sẽ phải chấm dứt các hoạt động kể trên.
Đối với dự thảo Luật bưu chính, một số đại biểu đề nghị luật cần làm rõ, phân biệt giữa dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát thông thường vốn đang rất phổ biến hiện nay. Riêng dự thảo Luật nuôi con nuôi trình Quốc hội lần này cũng đã cập nhật, chỉnh lý cho phù hợp với pháp luật và thực tiễn VN cũng như thông lệ, luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, dự thảo luật quy định người được nhận làm con nuôi là trẻ em từ đủ 15 tuổi trở xuống, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho là không phù hợp và đề nghị quy định “đủ 16 tuổi trở xuống” để thống nhất với các luật khác và thông lệ quốc tế.
N.TRIỀU - V.V.THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận