17/12/2006 11:59 GMT+7

Không né tránh thị trường giáo dục

Nguồn: YẾN ANH - Người lao động
Nguồn: YẾN ANH - Người lao động

Trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cách nhìn chung của phần đông những người hoạt động trong ngành giáo dục đều coi giáo dục là một phúc lợi xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi thương mại.

0gHeuqvZ.jpgPhóng to

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam. Ảnh: Người lao động

Thế nhưng, theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO, Việt Nam đã theo đuổi lập trường tích cực, chủ động và đã cam kết thực hiện Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) đối với tất cả 12 ngành dịch vụ, trong đó có giáo dục

Điều này cũng có nghĩa là sau khi gia nhập WTO, chúng ta phải có một cách nhìn khác, đó là giáo dục là một dịch vụ trong hoạt động thương mại và thương mại dịch vụ giáo dục cần được tự do hóa. TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ GD-ĐT, cho rằng với tư cách là một nước đi sau trong việc gia nhập WTO, Việt Nam phải chịu sức ép lớn về cam kết trong lĩnh vực giáo dục.

Trên thực tế, khi đưa ra bản chào dịch vụ đa phương, mức cam kết của Việt Nam về dịch vụ giáo dục là khá sâu và rộng đối với giáo dục ĐH, theo đó, ta mở cửa hầu hết các lĩnh vực giáo dục về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, kinh tế, kế toán, luật quốc tế và ngôn ngữ.

Cần thừa nhận giáo dục cũng có thị trường

Với tư cách là một nhà quản lý giáo dục, ông Tiến cho rằng hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam không còn thuần túy là một lợi ích công. Nó vừa là một lợi ích công vừa là một dịch vụ công. Trên thực tế, tại một số trường ngoài công lập (nay là tư thục) và một số cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, lợi nhuận thu được rất lớn, thậm chí có người đánh giá là siêu lợi nhuận.

Ở những nơi này, giáo dục ĐH là một hàng hóa và một thị trường giáo dục sơ khai, tự phát đã hình thành. Cũng theo nhận định của ông Tiến, thị trường giáo dục ĐH Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường tiềm năng do hệ thống các trường ĐH của Việt Nam hiện nay, cũng như trong trung hạn, hoàn toàn không có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đại chúng hóa và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH theo tinh thần của Nghị quyết 14-2005.

Ngoài các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài của Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Pháp, Hà Lan... đang có nhu cầu lớn về xuất khẩu giáo dục, cũng cần phải tính đến một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan cũng không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào giáo dục ĐH Việt Nam.

Cuối cùng, ông Tiến khẳng định, sau khi thực hiện các cam kết về GATS, bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam sẽ có bước biến động mạnh mẽ ở khu vực tư thục với sự ra đời của khá nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài, chủ yếu là các cơ sở giáo dục liên kết. Thị trường giáo dục ĐH sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác với sự định hướng mạnh mẽ của Nhà nước để bảo đảm đó là một chuẩn thị trường.

Thách thức lớn đối với các trường tư thục

Gần như toàn bộ các đại biểu trong nước và quốc tế (đều là những nhà quản lý giáo dục lâu năm) tham dự hội thảo “Đổi mới giáo dục ĐH “hậu” WTO” do Bộ GD-ĐT tổ chức hồi đầu tuần qua tại Hà Nội đều khẳng định, việc “mở cửa” giáo dục ĐH sẽ chỉ thực hiện trong khu vực giáo dục ĐH tư thục. Tuy nhiên, do ưu thế trên nhiều phương diện của các trường ĐH công lập, các cơ sở giáo dục liên kết sẽ phát triển mạnh mẽ dưới hình thức liên kết giữa nhà cung ứng giáo dục nước ngoài với các trường ĐH công lập Việt Nam.

Điều này dẫn đến tình trạng các trường ĐH tư thục Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất khắc nghiệt từ cả hai phía. Một bên là sức ép từ các cơ sở giáo dục nước ngoài (có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế lớn) và các cơ sở ĐH công lập trong nước (được Nhà nước hỗ trợ tài chính, có sự liên kết mạnh mẽ với các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài). Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, nếu Nhà nước và các trường ĐH tư thục không có chương trình hành động cụ thể, nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường tư thục thì kết quả có thể dự báo được trước: lần lượt đóng cửa hoặc phá sản, nhường thị phần cho các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài...

Đánh giá về hiện trạng các trường ĐH tư thục hiện nay, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng tuy chưa có trường nào bị coi là “xưởng văn bằng” như tình trạng đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới nhưng đến nay, về cơ bản, trường tư thục cũng chỉ là sự lựa chọn cuối cùng trong việc lên ĐH của thanh niên. Trong cục diện cạnh tranh sẽ hình thành và phát triển nhanh chóng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, điều quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường ĐH tư thục Việt Nam.

Về phía Nhà nước, theo các chuyên gia, cần thực sự khuyến khích các trường tư thục phát triển, đối xử thực sự bình đẳng với trường tư thục như trường công lập... Còn đối với các trường, phải nhanh chóng đổi mới về tư duy phát triển, đoạn tuyệt ngay tư duy mang nặng tính cơ hội. Tập trung đổi mới toàn bộ hoạt động của nhà trường theo định hướng bảo đảm chất lượng, được sớm kiểm định và công nhận về chất lượng...

GS - TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cũng có quan điểm như vậy khi cho rằng các trường tư thục chỉ có thể tồn tại nếu biết gia tăng sức mạnh bằng cách liên kết với nhau, liên kết với các trường công lập, liên kết với nước ngoài và đặc biệt là với các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phát triển.

Bảo vệ người học trước vô số “hàng dỏm”

GS-TS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD- ĐT, cũng cho rằng hệ thống giáo dục ĐH hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng học tập của nhân dân, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tình hình này đã khiến số lượng sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài ngày càng tăng và dẫn đến những xu hướng xuất khẩu giáo dục ĐH không lành mạnh của các nước phát triển....

Việc “mở cửa” trong điều kiện nước ta chưa có hệ thống chặt chẽ về quản lý giáo dục ĐH xuyên quốc gia đã và đang đặt ra vấn đề quyền lợi của người học không được bảo đảm. Nhiều trường Việt Nam khi liên kết với nước ngoài chỉ để ý đến khả năng liên kết, lợi ích thu được chứ không đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu...

Bài học về sự đổ vỡ hàng loạt của SITC, theo GS-TS Lâm Quang Thiệp, vẫn còn nguyên tính thời sự và là lời cảnh báo cho sự quản lý yếu kém về quản lý giáo dục ĐH thời “mở cửa”. Với con mắt khách quan của một nhà quản lý giáo dục nước ngoài, TS Mark A. Ashwill, Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE tại Việt Nam, thẳng thắn cho rằng một số lượng ngày càng lớn các trường ĐH, CĐ Mỹ đang nhằm vào thị trường màu mỡ là Việt Nam.

Trong số này có những trường chỉ coi Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ, có những khách hàng sẵn lòng tiếp đón và là nơi họ có triển vọng kiếm lời. Theo TS Mark A. Ashwill, Việt Nam cần “đóng cửa” lại trước những cơ sở giáo dục chỉ có ý định lợi dụng sự hiểu biết của khách hàng.

Còn TS Jane Knight đến từ ĐH Toronto, Canada cũng cảnh báo, chính hệ thống kiểm định chất lượng cũng có thể bị lợi dụng. Thách thức lớn là cần phải phân biệt được nhà kiểm định chất lượng trung thực và những nhà kiểm định tồi để bảo vệ người học trước vô số “hàng dỏm” khi Việt Nam mở cửa thị trường nhạy cảm này.

Nguồn: YẾN ANH - Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên