Nạn nhân T.X. (quê huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, ngưng thở, ngưng tim, đồng tử giãn to hai bên, mất phản xạ ánh sáng. Người nhà cho biết bệnh nhân bị điện giật trong lúc sử dụng điện để vớt cá dưới mương. Sau khi bị điện giật, nạn nhân được đưa lên bờ nhưng đặt nằm ở vị trí ẩm thấp, sơ cứu bằng cách đắp đất ướt lên người. Sau một thời gian thấy không hiệu quả, nạn nhân mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ không thể giúp nạn nhân thoát khỏi tử vong vì đã quá trễ.
Nạn nhân bị điện giật do dòng điện cao thế là nguy hiểm nhất, tổn thương hay tử vong là do cường độ dòng điện. Khi bị điện giật, toàn bộ cơ của nạn nhân bị co giật mạnh gây ra hai tình huống: nạn nhân bắn ra xa, có thể bị chấn thương do va đập hoặc bị dán chặt vào nơi truyền điện.
Lúc bị điện giật, nạn nhân ngưng hô hấp, tuần hoàn dẫn đến ngất, mặt nạn nhân trắng bệch rồi tím dần, hôn mê, ngưng thở, đồng tử giãn to... Riêng dòng điện cao thế có thể gây bỏng, suy thận cấp rất nặng nếu điện thế càng cao và thời gian tiếp xúc dài.
Đối với việc cấp cứu người bị điện giật, điều quan trọng nhất là can thiệp tại chỗ nhanh, cấp cứu hồi sức tim, phổi trong 3 phút đầu tiên. Nguyên tắc là tiến hành song song hồi sức tim mạch và hô hấp.
Cấp cứu tại chỗ:
- Việc đầu tiên là cắt điện: đề phòng nạn nhân ngã, đề phòng điện giật hàng loạt.
- Hô hấp bằng miệng - miệng.
- Bóp tim ngoài lồng ngực (15 lần bóp tim, 2 lần thổi ngạt).
- Gọi ngay cấp cứu 115 và nói rõ nạn nhân bị điện giật, tình trạng hiện tại.
- Nếu có máy khử rung tại chỗ thì sử dụng ngay.
Đội cấp cứu đến bóp bóng có oxy hoặc đặt nội khí quản và shock điện tại chỗ.
Tuyệt đối không cấp cứu bằng cách để nạn nhân nằm dưới nước hoặc đắp đất ướt lên người nạn nhân. Không đổ bất cứ thuốc hay nước gì vào miệng nạn nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận