11/06/2009 14:25 GMT+7

Không có cái gì sinh ra từ hư vô

JOSTEIN GAARDER
JOSTEIN GAARDER

TTO - Cả ba nhà triết học thành Miletus đều tin vào sự tồn tại của một chất cơ bản duy nhất là nguồn gốc của mọi vật. Nhưng làm thế nào mà một chất bỗng dưng biến thành một cái gì đó khác? Ta có thể gọi đây là vấn đề về sự biến đổi.

42TpdCCs.jpgPhóng to
TTO - Cả ba nhà triết học thành Miletus đều tin vào sự tồn tại của một chất cơ bản duy nhất là nguồn gốc của mọi vật. Nhưng làm thế nào mà một chất bỗng dưng biến thành một cái gì đó khác? Ta có thể gọi đây là vấn đề về sự biến đổi.

Vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, có một nhóm các triết gia ở một thuộc địa Hy Lạp ở Elea, miền nam Italia, quan tâm đến câu hỏi này.

Người quan trọng nhất trong các nhà triết học trên là Parmenides (540-480 t.Cn). Parmenides cho rằng mọi thứ đang tồn tại đã luôn luôn tồn tại. Tư tưởng này không xa lạ đối với người Hy Lạp. Họ gần như cho rằng tất nhiên là mọi thứ tồn tại trong thế giới đều là vĩnh cửu. Không có cái gì sinh ra từ hư vô, Parmenides nghĩ. Và chẳng có cái gì đang tồn tại có thể biến thành hư vô.

Nhưng Parmenides còn đi xa hơn nữa. Ông cho rằng không hề có sự thay đổi thực sự. Không có gì có thể trở thành cái gì khác chính nó.

Tất nhiên, Parmenides cũng nhận thấy thế giới ở trong trạng thái biến đổi không ngừng. Ông nhận thức bằng các giác quan rằng sự vật thay đổi. Nhưng ông không thể đồng nhất nó với những gì lý tính của ông mách bảo. Khi phải lựa chọn giữa việc dựa vào giác quan hay dựa vào lý tính, ông đã chọn lý tính.

Chắc em biết câu: “Bao giờ thấy thì tôi sẽ tin”. Nhưng Parmenides không tin cả vào những gì ông nhìn thấy. Ông tin rằng các giác quan cho ta bức tranh sai lạc về thế giới, một bức tranh không khớp với lý tính của ta. Là một nhà triết học, ông đặt cho mình nhiệm vụ chỉ ra mọi dạng của ảo ảnh nhận thức.

Niềm tin không thể lay chuyển vào lý tính của con người được gọi là chủ nghĩa duy lý. Một người theo chủ nghĩa duy lý là người cho rằng lý tính của con người là cội nguồn của mọi tri thức về thế giới.

Mọi thứ đều trôi

Cùng thời với Parmenides là Heraclitus (540-480 t.Cn) người vùng Ephesus, Tiểu Á. Ông cho rằng thực ra sự biến đổi liên tục mới là đặc tính cơ bản của tự nhiên. Ta có thể nói rằng, so với Parmehides, Heraclitus là người tin tưởng hơn vào những gì bản thân có thể tri giác được.

“Mọi thứ đều trôi”, Heraclitus nói. Mọi vật đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng, không có gì bất biến. Như vậy, chúng ta “không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông”. Khi ta bước xuống dòng sông lần thứ hai, cả ta và dòng sông đều không còn như trước.

Heraclitus chỉ ra rằng các mặt đối lập là đặc điểm của thế giới. Nếu chúng ta không bao giờ bị ốm, ta sẽ không thể biết được khoẻ mạnh là như thế nào. Nếu ta không bao giờ bị đói, ta sẽ không cảm thấy niềm vui khi no bụng. Nếu chưa bao giờ có chiến tranh, ta sẽ không biết trân trọng hòa bình. Và nếu không có mùa đông, ta sẽ không bao giờ thấy mùa xuân.

Heraclitus tin rằng cái tốt và cái xấu đều có vị trí tất yếu trong trật tự của mọi vật. Nếu không có sự luân phiên của những mặt đối lập, thế giới sẽ không thể tồn tại.

“Thượng Đế là ngày và đêm, mùa đông và mùa xuân, chiến tranh và hòa bình, đói và no,” ông nói. Ông dùng từ “Thượng Đế” , nhưng rõ ràng ông không nói về các vị thần trong các huyền thoại. Đối với Heraclitus, Thượng Đế - hay Chúa Trời - là cái gì đó ôm trọn cả thế giới. Quả thật, có thể nhìn thấy Thượng Đế rõ nhất trong sự biến đổi liên tục và những sự đối lập của thiên nhiên.

Thay cho từ “Thượng Đế”, Heraclitus thường dùng một từ Hy Lạp là “logos” với nghĩa lý tính. Tuy con người chúng ta không phải lúc nào cũng suy nghĩ giống nhau hoặc có cùng mức độ lý luận, Heraclitus tin rằng có một thứ “lý tính phổ quát” dẫn dắt mọi thứ xảy ra trong thiên nhiên.

Cái “lý tính phổ quát” hay “quy luật phổ quát” này chung cho tất cả chúng ta, là một cái gì đó dẫn dắt mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn sống bằng lý tính của cá nhân mình, Heraclitus nghĩ. Nói chung, ông không xem trọng người khác. Ông nói: “quan niệm của đa số chẳng qua như đồ chơi của trẻ con”.

Vậy, ở giữa trạng thái vận động không ngừng và những sự đối lập của thiên nhiên, Heraclitus nhìn thấy một Thực Thể là nguồn gốc của mọi vật, mà ông gọi là Thượng Đế hay logos.

JOSTEIN GAARDER
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên