![]() |
Cây tiêu huyền bên kênh đào Canal du Midi, thị trấn Carcassonne - di sản thế giới ở Pháp - Ảnh: việt linh |
Nằm ở phía tây nam nước Pháp, thị trấn Carcassonne được Unesco công nhận di sản thế giới năm 1996, một phần nhờ vào khung cảnh quyến rũ lạ thường của kênh đào Canal du Midi, với khoảng 50.000 cây tiêu huyền trồng dọc theo kênh, trong đó có những cây hơn 300 tuổi. Được đào vào thời vua Louis 14, kênh đào 241km của kỹ sư Pierre-Paul Riquet không những dài nhất châu Âu mà còn là kỳ công kỹ thuật của thế kỷ 17: để tàu thuyền có thể lưu thông trên con kênh có dốc lên và dốc xuống, Riquet phải cho xây 63 âu (bậc thang) tích thủy cho tàu thuyền đi qua các độ chênh.
Từ giữa thế kỷ 19, do sự cạnh tranh của đường sắt, Canal du Midi mất dần chức năng giao thông, chuyển sang phục vụ du lịch sinh thái. Người viết bài đã có dịp đến đây năm ngoái, có dịp lang thang dọc theo kênh để chiêm ngắm những hàng cây yêu kiều, uy nghi che bóng xuống lòng kênh như mái lợp xanh. Người viết cũng đã hào hứng chụp những đốm loang đẹp mắt trên cây làm kỷ niệm, hoàn toàn không ngờ cái đẹp đó chính là căn bệnh vi nấm đang và sẽ tiêu diệt toàn bộ di sản tự hào của nước Pháp!
Theo chuyên gia nông nghiệp Gilbert Chauvel, căn bệnh được phát hiện năm 2006 có tên khoa học Ceratocystis platani này là thứ vi nấm cực độc, vô phương chữa trị. Bất lực, đó là khẳng định hiện nay của nước Pháp. Tổng thống Sarkozy trong chuyến thị sát mùa hè qua đã phải thốt lên: “Đây là một bất hạnh lớn”. Trước bất hạnh đó, nước Pháp đành chọn giải pháp “ít xấu nhất”: đốn tất cả cây tiêu huyền còn lại, thay thế bằng giống kháng lai miễn nhiễm vết loét. Chi phí đốn cây lên đến 200 triệu euro, còn thời gian để cây mới lớn lên khoảng 3-4 thập niên!
Lộ trình thay thế là lập tức chặt bỏ cây nhiễm bệnh và các cây lân cận ngay khi chúng mạnh khỏe, sau đó hỏa thiêu. Với tốc độ triệt phá trung bình 2.000 cây/năm, toàn bộ 42.000 cây cổ thụ tiêu huyền sẽ bị giết trong 15-20 năm tới. Nếu bạn từng đến đây, rong du trên dòng kênh có bóng tiêu huyền che mát, bạn sẽ tin Jacques Noisette - quan chức cơ quan quản lý sông ngòi - đã nhận định đúng khi gọi kế hoạch giết cây kia “là một trái tim vỡ”.
Cũng theo Jacques Noisette, được xác định có trên cây tiêu huyền bang New Jersey (Mỹ) năm 1929, loại nấm này có thể đã vượt Đại Tây Dương trong các thùng gỗ chở vật liệu cho quân đội Mỹ vào Thế chiến II. Điều này giải thích vì sao cây của các thành phố cảng Marseille (Pháp) và Napoli (Ý) bị tấn công đầu tiên. Ngoài Ý, nấm cũng được xác nhận đang có ở Thụy Sĩ và Hi Lạp - nơi liên quan với Hoa Kỳ trong giai đoạn chiến tranh.
Từ khi phát hiện bệnh, công tác phòng bệnh, quản lý cây tiêu huyền trở thành cuộc đấu tranh quốc gia. Song song với việc điều trị mà ai cũng hiểu là vô vọng, năm 2003 nhà khoa học André Vigouroux đã tạo ra được giống mới kháng nấm platanor (tiêu huyền - vàng). Đã có 2.500 cây platanor được trồng, tuy nhiên để nhanh chóng tái lập di sản bị mất, các nghiên cứu Pháp vẫn đang cố gắng tạo thêm một số giống tiêu huyền nữa.
Nhiều người đã sốc trước sự thật đau đớn này: “đồng minh” của nấm không chỉ là côn trùng, gió, nước... mà chính là công cụ được các công ty duy tu đường sử dụng khi làm vệ sinh các rãnh xung quanh cây. Chỉ cần một công cụ chạm vào thân hoặc rễ cây bị bệnh, khi chạm sang cây khỏe là đã lây truyền. Nhiều công nhân duy tu đường vô cùng buồn bã khi biết chiếc xe cút kít và chiếc bội dọn rác của mình đã tham gia... giết cây.
Việc thay thế này tạo ra sự phấn khích và lo lắng. Nếu nhà nước lo sợ ảnh hưởng du lịch và danh hiệu Unesco có thể bị tước thì những người yêu thiên nhiên, các nhiếp ảnh gia... lo sẽ không bao giờ khôi phục được hình ảnh Canal du Midi đã in vào bộ nhớ của bao thế hệ. Người Pháp có lo sợ danh hiệu Unesco bị đe dọa không?
Hẳn nhiên, nhưng người viết tin rằng họ thật sự thương tiếc báu sản của chính mình hơn sợ mất danh hiệu. Dù sao nước Pháp cũng đang tận tâm bảo vệ con kênh diễm lệ này. Còn UNESCO, nghe rằng cũng nhận ra sự tận tâm đó và đang cùng nước Pháp chung tay hành động. Đơn giản đó là di sản của nhân loại chứ không riêng của nước Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận