01/07/2011 07:17 GMT+7

Khóc rừng

LINH THOẠI
LINH THOẠI

TT - Trường quá xa, nhà ở trong rừng, nhiều học trò nhỏ giấu xoong nồi trong các hốc cây đầu trường, học xong lôi những chiếc nồi con đen nhẻm ra, đặt trên ba cục gạch, lúi húi nấu cơm để ăn với... cơm, hoặc khá khẩm hơn là với muối trắng.

"Bữa tiệc... núi xót lòng" ấy là hình ảnh gây ám ảnh cho những ai đã tới thăm Trường tiểu học Lê Lợi ở Ðắk R’Măng (huyện Ðắk G’Long, tỉnh Ðắk Nông). Nhưng Ðắk R’Măng sẽ còn ám ảnh hơn nữa, với những ai đã đọc Cánh chim rừng không mỏi - tập bút ký, phóng sự mới nhất và là cuốn sách thứ 15 của nhà báo Ðỗ Doãn Hoàng.

uSNwIf7J.jpgPhóng to

Sách do Công ty Phương Đông và NXB Thanh Niên ấn hành - Ảnh: Thanh Đạm

Ám ảnh, nhưng có lẽ chưa ai có thể viết ngọn ngành về thảm trạng di dân tự do vào Tây nguyên như tác giả - một cây bút vốn gắn bó nhiều với đồng bào miền núi phía Bắc. Bà con (con số năm 2008 là 51.000 hộ dân), vì đất sinh nhai, từ Ðiện Biên, Lào Cai, Lai Châu... ập đến Tây nguyên, coi đó như một "thiên đường" cứu đói. Và những cánh rừng biến mất chỉ trong một đêm. Thay vào đó là những thôn bản "từ trên trời rơi xuống", những nương rẫy với màu xanh đắng đót mọc lên từ cái chết của hàng loạt "bảo tàng cổ thụ".

Người lớn hoặc thậm thụt sống, hoặc trơ lì chống đối cơ quan chức năng. Trẻ con đói khát, mù chữ. Những bất ổn thì nảy nở vô kể, bởi "sự bất lực của người giữ rừng, sự vô lối của người giết rừng".

Căn bệnh di dân tự do trở thành một trong những cái máy cưa khổng lồ làm ngã đổ rừng già Tây nguyên. 3/4 dân số ở Ðắk R’Măng là người di cư, họ biến Trường tiểu học Lê Lợi thành điểm nóng của xã với những hình ảnh "quen mắt" rồi mà vẫn phải quay đi ấy.

Không chỉ "tận mục những cánh rừng bị phá tan hoang", tác giả còn lội bộ hàng ngày trời đi dập lửa cháy, có mặt ở hầu khắp các vụ cháy rừng lớn nhất Việt Nam, cùng ăn những bát cơm phủ đầy tro bụi ở rừng, cùng chảy nước mắt vừa thương vừa giận "đồng bào" và cơ quan giữ rừng kiểu "cò con"...

Sống cùng sự kiện, lăn xả điều tra, anh còn truy vấn đến tận cùng những người có trách nhiệm liên quan để khơi ra những bài toán cần giải... Bài toán hóc búa không chỉ bày ra ở Ðắk R’Măng (Cánh chim rừng không mỏi) mà còn ở Mường Nhé, Ðiện Biên (Choáng váng với rừng ở Mường Nhé), ở Chư A Thai, Gia Lai (Phá "rừng" triệu năm tuổi), ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái (Khóc rừng trên nóc nhà Ðông Dương)...

Và vì vậy, những phóng sự về rừng dưới ngòi bút Ðỗ Doãn Hoàng đầy những chi tiết sống động, đầy những câu hỏi và câu trả lời có thể làm nhói lòng những kẻ bàng quan nhất.

Bên cạnh bốn loạt bài về rừng, Ðỗ Doãn Hoàng còn chọn in 12 tác phẩm báo chí theo tinh thần "có tác động xã hội", như một cách để anh tiếp tục giữ "lời thề" của một người làm báo sau hơn mười mấy năm "đau đáu coi việc viết như là hơi thở".

Dưới mỗi bài viết của Cánh chim rừng không mỏi, tác giả đều có phần "hồi âm", kể thêm chuyện sau khi báo chí đăng tải bài viết. Anh muốn chứng minh cụ thể câu chuyện đã thay đổi theo hướng tích cực như thế nào sau khi nhà báo "vào cuộc". Như sự thảm khốc của hiện thực vùng Tây Bắc, Tây nguyên mà phóng sự truyền tải đã được đặt lên bàn Thủ tướng Chính phủ, vào nghị trường Quốc hội, những bế tắc đã bắt đầu được giải tỏa...

Rừng vẫn mất từng giờ. Nhưng đọc sách Ðỗ Doãn Hoàng, người đọc được an ủi rằng: có những tiếng khóc giúp rừng bớt chết buồn bã trong đơn độc.

Có được những “hồi âm” tích cực từ kỳ công theo đuổi vấn đề qua các bài viết của mình, Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: “Tôi vẫn tin rằng: trách nhiệm xã hội; sự điều tra, dự báo, kiến nghị, phản ánh những vấn đề thiết thân của xã hội; nỗ lực bằng ngòi bút và tâm huyết (với các hoạt động xã hội kèm theo) để góp phần thay đổi hiện thực xã hội nóng bỏng kia theo hướng tích cực hơn, vì các lẽ dân sinh nhân ái hơn... - đó là thước đo quan trọng nhất cho phẩm cách của mỗi nhà báo. Phẩm chất của nhà báo, tôi luôn đề cao sự trung thực, kèm theo đó là tinh thần vì cộng đồng”.

LINH THOẠI

LINH THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên