23/09/2004 05:02 GMT+7

Khổ vì chương trình mới!

Bài, ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Bài, ảnh: HOÀNG HƯƠNG

TT - Bước vào năm học mới 2004-2005, trong khi những học sinh khác nô nức nhập trường thì hơn 2.000 HS lớp 8 ở TP.HCM bị lưu ban lại lo lắng không yên.

wG8VbeRy.jpgPhóng to
GV Hồ Thị Huy Hoàng đang giảng dạy môn kỹ thuật công nghiệp theo chương trình THCS cũ cho lớp 811, Trường THCS bán công Thông Tây Hội, Gò Vấp - lớp học có 30 HS lớp 8 bị lưu ban
TT - Bước vào năm học mới 2004-2005, trong khi những học sinh khác nô nức nhập trường thì hơn 2.000 HS lớp 8 ở TP.HCM bị lưu ban lại lo lắng không yên.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với HS và phụ huynh nhưng chưa có câu trả lời chính thức và thỏa đáng của cơ quan hữu quan. Một tương lai không mấy sáng sủa đối với những HS này đã nhìn thấy trước, vì “chương trình mới”...

Mỗi nơi một kiểu!

“Con tôi đã học hết lớp 8 (ở một trường THCS thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhưng không được lên lớp 9 vì bị rớt trong đợt thi lại hè năm 2004 vừa qua. Tại buổi họp phụ huynh hồi cuối tháng tám, cô hiệu trưởng thông báo các em lớp 8 lưu ban không thể ở lại học chung với HS từ lớp 7 lên vì năm học 2004-2005 giảng dạy chương trình lớp 8 mới.

Và cô đã vạch ra ba hướng cho chúng tôi chọn lựa: hoặc chuyển sang học hệ bổ túc ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên; hoặc học hệ phổ cập ban đêm; nếu không Phòng GD-ĐT quận sẽ tổ chức lớp riêng chỉ những HS lưu ban học với nhau!

Tôi thấy rằng cả ba phương án trên đều không thể thực hiện. Thứ nhất, các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện cũng đang giảng dạy theo chương trình THCS bổ túc mới. Thứ hai, cả gia đình tôi đều không muốn con mình phải học phổ cập bởi hệ này khó có thể giáo dục toàn diện được như nhà trường phổ thông.

Hơn nữa, chúng tôi sợ rằng đi học buổi tối với những người lớn tuổi, cháu sẽ dễ chán nản rồi sinh ra đua đòi, chơi bời và hư hỏng. Phương án ba khiến tôi càng lo lắng hơn vì nếu có học riêng một lớp đi chăng nữa thì sang năm (tức năm học 2005-2006) tất cả HS THCS trên toàn quốc sẽ thi tốt nghiệp THCS theo chương trình mới, vậy con chúng tôi có được thi theo đề riêng của chương trình cũ?”.

Đó là nội dung lá thư của chị N.P.S. - một phụ huynh ở Q.Gò Vấp - gửi cho chúng tôi vào đầu tháng 9-2004. Năm học qua quận Gò Vấp có 138 HS lớp 8 bị lưu ban. Cuối cùng, Phòng GD-ĐT quận đã chọn giải pháp “tập hợp các HS lưu ban lại học chung với nhau theo chương trình cũ” để tránh thiệt thòi cho HS. Tùy theo địa bàn cư trú, HS sẽ chọn một trong ba trường THCS bán công trên địa bàn quận: Trường Sơn, Thông Tây Hội, Lý Tự Trọng để tiếp tục học hai năm còn lại của bậc THCS.

Mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, TP.HCM có khoảng hơn 2.000 HS lớp 8 bị lưu ban trong năm học 2003-2004. Điều đáng nói là các phòng GD-ĐT giải quyết cho số HS này theo kiểu mạnh ai nấy làm chứ không có một sự chỉ đạo thống nhất của bộ hay Sở GD-ĐT.

Trong khi HS Gò Vấp được học lại chương trình cũ thì HS lưu ban ở Q.5, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức, Cần Giờ... phải học chương trình THCS mới với HS lớp 7 lên. Giải thích của ông phó Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cũng giống như các phòng GD-ĐT khác: “địa bàn quận quá rộng, khoảng cách từ trường này sang trường kia đến 15km, đường đi lại gập ghềnh, trắc trở... không thể tổ chức cho các em học chung một lớp theo chương trình cũ được”.

Câu trả lời từ đâu?

Hiện các phòng GD-ĐT đều chỉ đạo giáo viên bộ môn phải đặc biệt quan tâm đến những HS lưu ban, phải dành thời gian để dạy phụ đạo riêng, phải cung cấp những kiến thức cơ bản của chương trình lớp 6, lớp 7 mới và giảng kỹ hơn chương trình lớp 8, đối chiếu cái cũ và cái mới cho HS theo kịp bạn bè.

Thế nhưng, ngay bản thân giáo viên cũng không mặn mà lắm với công việc này. Một giáo viên môn vật lý đã bộc bạch thẳng thắn: “Ở trên chỉ đạo chúng tôi phải nghe theo chứ thực lòng chúng tôi rất “oải”. Dạy chương trình mới phải soạn giáo án mất nhiều thời gian hơn trước, đã vậy còn phải làm đồ dùng dạy học, dự giờ, học bồi dưỡng...

Đi dạy lúc nào cũng mang tâm trạng nặng nề: sợ không đổi mới được phương pháp giảng dạy, sợ bị cháy giáo án... còn tâm trí đâu để dạy phụ đạo cho vài HS yếu... Không biết các môn khác thế nào chứ vật lý của chương trình mới rất khó, HS yếu, kém sẽ phải rất cố gắng may ra mới có thể theo kịp chương trình”.

Ngay cả lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện cũng nhìn nhận: “Chương trình mới dạy theo phương pháp tích cực đòi hỏi HS cũng phải học tập tích cực, phải đạt được những kỹ năng nhất định. HS lưu ban đang học chương trình cũ chuyển sang chương trình mới chắc chắn gặp khó khăn, trong khi giáo viên cũng sẽ vất vả không kém. Tuy nhiên, phòng GD-ĐT không còn cách nào tốt hơn”. Ông Hồ Quốc Ánh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, còn lo ngại: “Cái khổ của Cần Giờ là dạy phụ đạo không thu học phí, vận động HS yếu, kém đi học nhưng các em không chịu đi”.

“...Tôi đã đi gõ cửa khắp nơi để trình bày những thắc mắc của mình nhưng đều nhận được câu trả lời “phải chờ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT”. Tôi đoán chắc không phải chỉ một trường hợp con tôi mà sẽ có nhiều phụ huynh ở khắp 64 tỉnh, thành trên cả nước cũng chịu cảnh tương tự.

Trước khi triển khai chương trình mới, lãnh đạo ngành GD-ĐT có tính đến chuyện này? Thật lòng chúng tôi đã biết rất rõ trình độ của con mình khó có thể vào đại học. Tôi chỉ ước ao cháu tốt nghiệp lớp 9 và xin vào một trường công nhân kỹ thuật nào đó để học được cái nghề đàng hoàng sau này nuôi thân” (trích đoạn kết lá thư của phụ huynh N.P.S.). Liệu ước vọng bình dị này có bị cản trở bởi sự chậm trễ và thờ ơ của những người có trách nhiệm?

Bài, ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên