11/11/2014 00:10 GMT+7

​Khó khăn trong đào tạo nhân lực cho nghệ thuật dân tộc

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cần biết - Nghệ thuật sân khấu - âm nhạc truyền thống đang đứng trước những thử thách lớn.

Giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến âm nhạc cổ truyền, không hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của những vở chèo cổ, chưa cảm nhận được sự mượt mà của làn điệu ca trù, hát ví dặm Nghệ Tĩnh, không thấm hết ý nghĩa những câu hát ru… Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực cho nghệ thuật dân tộc gặp khó khăn ngay từ đầu vào.

Nhiều năm nay, tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật truyền thống không nhiều mà ngày càng có xu hướng giảm. Đơn cử như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã hơn 6 năm nay không hề tổ chức được khóa diễn viên tuồng nào vì không có hồ sơ dự tuyển. Vậy nguyên nhân nào khiến thí sinh “làm ngơ” với nghệ thuật dân tộc?

Thực tế cho thấy, nghệ thuật dân tộc đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mờ dần bản sắc, thưa vắng người nghe, người xem.

Vì thế, sự khó khăn ở đầu ra là rất lớn bởi bản thân các nhà hát hiện nay cũng rất chật vật để tồn tại. Chưa bao giờ sân khấu truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… phải chịu cảnh đìu hiu, vắng vẻ như bây giờ.

Vắng khách đồng nghĩa với việc vé không bán được, diễn viên cũng vì thế mà không có thêm thu nhập, chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản.

Một hạt mầm dù tốt đến mấy nếu gieo vào mảnh đất cằn cỗi thì cũng không thể phát triển được. Chính vì thế, để thu hút được các thí sinh đến với nghệ thuật truyền thống thì cần phải tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho sinh viên khi ra trường có thể hoạt động.

WC6ucEpH.jpg

Để “cứu” nghệ thuật truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hình thức đổi mới đào tạo. Theo tinh thần dự án đào tạo thí điểm diễn viên của 4 nhà hát (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), không chỉ tham gia công tác tuyển sinh, những nhà hát này còn phối hợp với các trường nghệ thuật tham gia giảng dạy, đào tạo.

Và trong dự án đào tạo thí điểm, Nhà hát Chèo Việt Nam đề nghị 20 chỉ tiêu đào tạo diễn viên trình độ trung cấp hệ chính quy (3 năm); Nhà hát Tuồng Việt Nam đề xuất 30 chỉ tiêu đào tạo diễn viên và nhạc công hệ trung cấp (20 nhạc công, 10 diễn viên); Nhà hát Cải lương Việt Nam với 35 chỉ tiêu (20 diễn viên, 15 nhạc công); Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam xin 40 chỉ tiêu diễn viên.

Riêng Nhà hát Chèo Việt Nam đề nghị tuyển diễn viên ở độ tuổi học sinh vào lớp 10 và 3 nhà hát còn lại xin tuyển diễn viên, nhạc công ở độ tuổi học sinh tốt nghiệp từ THCS trở lên.

Về giảng dạy chuyên môn cho các em là những “gạo cội” như NSND Lê Tiến Thọ, NSND Hoàng Khiềm, NSND Mẫn Thu, NSND Đàm Liên… trực tiếp "truyền lửa” cho các học viên trẻ.

Ngoài ra, quá trình giảng dạy còn có sự tham gia của nhiều diễn viên, NSƯT khác nữa. Đây được coi là sự đổi mới phương thức trong đào tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống, các nhà hát hoàn toàn được tự chủ khi họ trực tiếp tuyển sinh.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ-TTG về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù (nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống) trong các trường văn hóa -nghệ thuật và có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-2014.

Theo đó, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa-nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí. Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa-nghệ thuật công lập được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng…

Cách làm mới trong mùa tuyển sinh năm nay cộng với những chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống sẽ góp phần nâng cao chất lượng đầu vào cũng như bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ có thể xem là những giải pháp tạm thời. Để có thể làm “sống lại” một kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Nếu như không có khán giả, thì dù có diễn hay đến đâu chăng nữa phỏng cũng ích gì? Mà điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào cái “gu” của công chúng, vào nền tảng văn hoá của mỗi cá nhân và cả xã hội.

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên